Trầm cảm, giới tính và tuổi tác
Trầm cảm có thể “đánh” vào bất kỳ ai và bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, phụ nữ (PN) dễ bị trầm cảm hơn nam giới. Giới tính và tuổi tác cũng khả dĩ giúp xác định cách biểu hiện và xử lý các triệu chứng trầm cảm. Mỗi độ tuổi cũng cần cách điều trị khác nhau.
+ PHỤ NỮ: Trầm cảm dễ xảy ra ở PN hơn nam giới. Tại Mỹ, tỷ lệ ở PN gấp đôi ở nam giới, và trầm cảm là nguyên nhân chính gây tổn hại ở PN. Một trong 8 PN sẽ có một thời kỳ trầm cảm nặng vào một lúc nào đó trong đời. Tỷ lệ cao ở PN về rối loạn theo mùa, triệu chứng trầm cảm về rối loạn lưỡng cực và trầm cảm “cấp thấp” (dysthymia).
Tại sao PN lại “thất thường” như vậy? Nhiều lý thuyết khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng trầm cảm xảy ra nhiều ở PN vì họ dễ tổn thương.
+ STRESS: Nghiên cứu 30.000 người ở 30 quốc gia cho thấy rằng ở trường hợp tương tự, PN cho biết họ bị stress nhiều hơn so với nam giới. Các nghiên cứu khác cho thấy PN bị stress gấp 3 lần so với nam giới khi phản ứng với các vấn đề căng thẳng. PN còn chịu một số stress mạnh – đặc biệt là lạm dụng tình dục, công kích tình dục và bạo hành tình dục.
Kinh nghiệm hằng ngày có thể tạo stress và dẫn đến trầm cảm ở PN vì họ phải chăm sóc gia đình, hy sinh các nhu cầu của mình hơn so với nam giới. Nhiều PN phải làm nhiều việc với quỹ thời gian ít, phải tranh thủ làm thêm. Hôn nhân và con cái cũng dễ gây mất cân bằng ở PN, khiến họ căng thẳng. So với các PN độc thân và đàn ông đã kết hôn, nghiên cứu cho thấy PN có chồng ít có thể cảm thấy thỏa mãn. Trong hôn nhân không thỏa mãn, PN dễ bị trầm cảm gấp 3 lần so với nam giới. Làm mẹ có con nhỏ cũng tăng nguy cơ trầm cảm ở PN.
Một dạng stress khác là nghèo khổ. Trung bình thì PN nghèo hơn đàn ông – nhất là PN đơn thân nuôi con một mình.
+ HỆ QUẢ HORMONE: Triệu chứng tiền kinh nguyệt (TKN) có thể ảnh hưởng mức độ cảm xúc. PN lúc TKN có thể cảm thấy buồn bã, tức giận, khó chịu và lo lắng. Họ cũng dễ khóc, thay đổi tính khí, khó tập trung, chán hoạt động thường nhật, cảm thấy “quá tải” và khó kiềm chế. Đôi khi trầm cảm bị lầm tưởng là chứng TKN, hoặc ngược lại. Để phân biệt, hãy lưu ý các triệu chứng qua 2 kỳ kinh nguyệt xem nó chỉ xảy ra 1 tuần trước và hết sau kỳ kinh nguyệt 1 hoặc 2 ngày? Nếu triệu chứng rõ ràng thì có thể do thay đổi hormone, nếu triệu chứng không rõ ràng thì có thể là trầm cảm.
Rối loạn TKN là dạng nặng của chứng TKN, xảy ra ở 2%-10% số PN trong độ tuổi có kinh nguyệt. Nó có thể gây các triệu chứng tương tự trầm cảm ở PN nhạy cảm với việc thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Một số người nhạy cảm có thể chịu ảnh hưởng tương tác giữa hormone nữ và chất chuyển thần kinh điều chỉnh tính khí và sự kích thích.
Dù chứng TKN, rối loạn TKN hoặc trầm cảm có là nguyên nhân của triệu chứng hay không thì bạn vẫn phải cho bác sĩ biết để có hướng điếu trị tốt. Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu xem hormone có gây trầm cảm khi mãn kinh hay không. Một số PN cho biết họ cảm thấy trầm cảm trong giai đoạn tiền mãn kinh. Người ta cho rằng việc giảm estrogen là nguyên nhân, dù chưa có chứng cớ khoa học. Khi dùng estrogen để điều trị trầm cảm, kết quả khác nhau. Người ta vẫn tranh luận về vai trò của estrogen đối với giai đoạn tiền mãn kinh.
+ GEN: Có chứng cớ cho rằng gen cũng là tác nhân. Các nhà nghiên cứu đã xác định sự đột biến gen có liên quan chứng trầm cảm nặng – một số gen này chỉ có ở PN. Một trong các trường hợp này, sự đột biến gen ở một gen kiểm soát quá trình điều chỉnh hormone nữ. Sự khác biệt sinh học này có thể giải thích một số khác biệt về mức độ trầm cảm giữa nam và nữ.
+ THÔNG TIN CHO PN: Trong thai kỳ, PN nên lưu ý việc dùng thuốc, vì uống không đúng thuốc có thể nguy hại cho cả mẹ và con. Thuốc chống trầm cảm cũng không loại trừ. Thai phụ bị trầm cảm có thể khó tự chăm sóc mình, thai nhi có thể yếu và sinh ra nhẹ cân. Trầm cảm có thể làm cho họ muốn tự tử.
Biết hiệu quả thuốc chống trầm cảm là điều cần. Năm 2005 và 2006, các nghiên cứu cho thấy trẻ có thể bị khuyết tật nếu mẹ uống thuốc SSRI. Một số trẻ có thể nhút nhát, hay khóc và tức giận do hậu quả của thuốc. Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm không gây hại cho trẻ con bú mẹ. Các bà mẹ nuôi con có thể dùng thuốc như Zoloft, không ảnh hưởng sữa.
+ TRẦM CẢM HẬU SẢN: Hơn 50% các PN mới sinh con bị lo âu, dễ xúc động và hay khóc – gọi là chứng ưu sầu trẻ thơ (baby blues), nhưng chỉ kéo dài khoảng 1 tuần. Nhưng chứng trầm cảm hậu sản kéo dài lâu và nặng hơn. Khoảng 10%-15% các PN mới sinh con bị trầm cảm từ 3-6 tháng. Nếu bạn bị trầm cảm hậu sản, dùng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể hỗ trợ hiệu quả cho cả mẹ và con.
+ NAM GIỚI: Dù có chứng cớ cho thấy PN dễ trầm cảm gấp đôi so với nam giới, một số các nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ thống kê này. Thật ra quý ông ngại nói về cảm xúc của mình, không muốn được giúp đỡ, có làm sao thì cũng nói là “không có gì”.
Trầm cảm ở nam giới có thể không rõ ràng, bị che khuất sau nhiều lời than phiền về thể lý như đau nhức, không có hứng thú, ăn không ngon hoặc khó ngủ. Trầm cảm cũng có thể ẩn náu trong cơn giận hoặc tính hiếu chiến. Thậm chí bị trầm cảm mà một số đàn ông có thể không cảm thấy buồn. Có ai nói ra thì họ không chấp nhận. Nhưng nếu được điều trị trầm cảm, các triệu chứng sẽ hết. Nhìn lại thì họ tự biết mình đã bị trầm cảm.
+ THAY ĐỔI HORMONE: Một số các nhà nghiên cứu đã “kiểm tra” xem mức độ trồi sụt của testosterone có làm tăng trầm cảm hay không. Đàn ông ở tuổi trung niên trở lên đều cảm thấy có triệu chứng trầm cảm nhẹ, có thể do giảm testosterone. Mức giảm này được coi là “mãn kinh nam”. Khoảng ¼ đến ½ quý ông ngoài 50 tuổi có mức giảm nhiều. Đo khám mức testosterone, mức hormone, chức năng gan và tuyến giáp để tìm nguyên nhân. Nếu mức testosterone thấp, có thể cần bổ sung, dùng liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm. Trầm cảm càng nặng thì càng ít có thể do giảm testosterone, vì mức testosterone thấp không liên quan nhiều tới trầm cảm nặng.
Lấy lại mức testosterone bình thường là tương đối an toàn, nhưng điều trị lâu có thể có vấn đề. Bổ sung testosterone có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến và bệnh tim. Tổn thương gan cũng có thể xảy ra. Một số đàn ông bị sưng vú (gynecomastia), nhức đầu, mẩn đỏ, nổi mụn, hói đầu hoặc bất ổn tâm lý và cảm xúc. Điều trị lâu cũng có thể đè nén quá trình sản sinh testosterone tự nhiên, gây nguy cơ nếu việc bổ sung giảm đột ngột.
Nên cân nhắc việc bổ sung testosterone để điều trị trầm cảm, trừ phi đã đánh giá nội tiết tố và hormone. Vì nhiều phản ứng phụ đáng kể, bạn chỉ nên bổ sung testosterone khi đã cân nhắc cẩn thận và được tham vấn bác sĩ.
+ CÔNG VIỆC VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ: Về lĩnh vực này, việc tự tin thường phụ thuộc mức thành công trong công việc, mức hấp dẫn bề ngoài, mức năng động và sự thông minh. Nếu khả năng đàn ông giảm ở một lĩnh vực nào đó, đặc biệt là mất việc làm hoặc thất bại hôn nhân, họ có thể bị trầm cảm. Trầm cảm phổ biến đến nỗi nên coi nó là vấn nạn ở cả nam và nữ. Thật vậy, nam giới có nguy cơ trầm cảm nặng hơn PN – vì nam giới bị trầm cảm có thể tự tử!
+ TRẺ EM VÀ THIẾU NIÊN: Một số người lý tưởng hóa tuổi thơ, nhưng thực tế thì tuổi thơ cũng có thể bị rúng động vì các sự thay đổi về phát triển và các sự kiện mà trẻ em khó hoặc không thể kiểm soát. Các cuộc nghiên cứu cho thấy có 2% trẻ em và 8% thiếu niên bị trầm cảm nặng.
Trầm cảm nặng thường xảy ra khi bắt đầu trưởng thành, trầm cảm nhẹ có thể xảy ra trong tuổi thơ hoặc thiếu niên. Người lớn có thể bị trầm cảm khoảng 2 năm hoặc có triệu chứng trầm cảm nhẹ. Nếu trầm cảm nhẹ xảy ra trước 21 tuổi, khi lớn tuổi có thể bị trầm cảm nặng.
Ở thiếu niên, kể cả người lớn, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm có liên quan rõ ràng. Có 30% thiếu niên từng trải qua trầm cảm nặng bị rối loạn lưỡng cực khi chuyển sang tuổi 21 trở đi. Loại rối loạn này hiếm xảy ra ở thiếu nhi nhưng thường thấy ở thiếu niên, nhất là những gia đình đã có người bị rối loạn này. Rối loạn lưỡng cực xảy ra ở tuổi dậy thì thường pha trộn cả triệu chứng cao và thấp, cả nhanh và chậm.
+ BÁO ĐỘNG TRẦM CẢM THIẾU NIÊN: Nếu bạn là cha mẹ của thiếu niên, danh sách các triệu chứng trầm cảm có thể làm bạn quan ngại. Nóng tính, vô cảm, mệt mỏi, hung hăng, thay đổi thất thường, kể cả ăn nhiều và ngủ nhiều, là những điều phổ biến ở tuổi thiếu niên. Thức khuya hoặc ngủ dậy trễ có thể không là triệu chứng trầm cảm. Nhưng thường xuyên mệt mỏi, không muốn hoạt động và xa lánh mọi người có thể do trầm cảm.
Trầm cảm ở trẻ em và thiếu niên thường xuất hiện cùng những vấn đề về cách cư xử, lo lắng hoặc lạm dụng chất kích thích, cho nên cần cân nhắc các dấu hiệu như học hành sa sút, hay trốn học, tìm cách ra khỏi nhà, tức giận vô cớ, la hét, khóc, uống rượu, hút thuốc, xa lánh người khác, quá hiếu động, biểu hiện thất thường,…
Trẻ em cũng có thể biểu hiện trầm cảm như đau nhức không rõ ràng, luôn nhức đầu, mệt mỏi và đau bụng. Dù trẻ em có thể buồn thật, trẻ em bị trầm cảm (kể cả thiếu niên) có thể tỏ ra tức giận. Trẻ em bị trầm cảm không ngủ nhiều hoặc uể oải như người lớn bị trầm cảm, nhưng mặt khác, các triệu chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ em, thiếu niên và người lớn thì thường giống nhau. Hãy nói chuyện với trẻ về các biểu hiện kể trên. Nếu vẫn quan ngại, có thể nhờ tư vấn để có cách xử lý tốt nhất.
Các dấu hiệu cuồng loạn có thể là nói nhanh, dễ đãng trí, ngủ ít hơn bình thường nhưng có vẻ không khác nhiều, thay đổi tính khí, tức giận, ngớ ngẩn, hiếu động, trầm tư hoặc có động thái quá tính dục. Nếu thấy các biểu hiện này, nên tìm chuyên gia tư vấn giúp đỡ.
+ ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM Ở THIẾU NHI VÀ THIẾU NIÊN: Cũng như người lớn bị trầm cảm, trẻ em và thiếu niên bị trầm cảm cần được giúp đỡ. Hai liệu pháp chủ yếu là tâm lý trị liệu và dược liệu. Có sự khác biệt rõ ràng giữa việc điều trị người lớn và trẻ em về đa số lĩnh vực y học, kể cả tâm lý.
Dù nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc chống trầm cảm hiệu quả ở trẻ em và thiếu niên, các thuốc này vẫn có một số phản ứng phụ nguy hiểm ngoài ý muốn ở một số ít thiếu niên. FDA thấy rằng nguy cơ tự tử là 4% ở trẻ em và thiếu niên dùng thuốc chống trầm cảm, gấp đôi nguy cơ dùng giả dược là 2%. Thuốc chống trầm cảm gây nguy cơ tự tử? Năm 2004, FDA phản ứng mối quan ngại này bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất thuốc phải đặt “hộp đen” cảnh báo nguy cơ kèm theo trong hộp thuốc chống trầm cảm.
+ XỬ LÝ ĐỘNG THÁI TỰ TỬ: Trẻ em và thiếu niên dễ bốc đồng hơn người lớn, cảm xúc của chúng ít được kiềm chế theo kinh nghiệm. Nghiên cứu cho thấy các vùng não điều hành sự phán đoán chưa phát triển hoàn toàn. Ở tuổi này, ý nghĩ tự tử dễ biến thành hành động. Đừng khinh suất hoặc làm ngơ khi thấy chúng khóc hoặc nhận xét về tự tử. Hãy lưu ý, theo dõi và nói chuyện với chúng về vấn đề này. Cần thì nhờ tư vấn kịp thời!
(Aol.com)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Bệnh viện phải đặt con người ở trung tâm và thúc đẩy nghiên cứu khoa học
-
Để giúp người trẻ đối diện với khủng hoảng của sự tuyệt vọng -
Thủy trị liệu -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Giấc ngủ bình an -
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Giới y tế Công giáo TGP Sài Gòn: Thực thi bác ái -
Caritas TGP Sài Gòn: Khám chữa bệnh cho học sinh nghèo -
Giới thiệu phương pháp Billings với Linh mục đoàn Tổng Giáo phận TP.HCM -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng
bài liên quan đọc nhiều
- Giấc ngủ bình an
-
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Đã có một nơi cai nghiện như thế -
Tản mạn vui về hút thuốc lá -
Thủy trị liệu -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu -
Ngẫm nghĩ nhân Ngày thế giới phòng chống tự tử (10/9) -
Người dân thiếu nước sạch trầm trọng