Tình yêu dẫn đường

Tình yêu dẫn đường

WGPSG -- "Ai biết mình được yêu, thì yêu mến, và ai được yêu là được tất cả, đặc biệt từ nơi người trẻ”.

Đó là bí mật của một nền giáo dục mà một vị cha, thầy, bạn của những người trẻ, một nhà đào tạo những vị thánh, được sinh ở nước Ý vào thế kỷ XIX, đã khám phá ra. Tình yêu này đã dẫn đưa ngài đến quyết định hiến dâng trọn đời sống cho giới trẻ. Ngài chính là Gioan Bosco, một người từ bé có tuổi thơ rất nghèo khó: mồ côi cha từ lúc chưa tròn hai tuổi, trẻ thơ cùng người mẹ góa đạo đức phải vất vả làm việc trên cánh đồng suốt ngày, phải tự lực cánh sinh từ thuở 12, bắt đầu đến trường khi tuổi đã 15. Lòng mong ước được thánh hiến của Gioan đã được cả làng quê nghèo mỗi người một tay giúp sức lúc đầu, sau đó ngài phải làm đủ thứ công việc để có thể tiếp tục việc học. Từ giấc mơ gặp một 'Ông Uy Nghi' và 'Bà Đẹp' giao trọng trách hướng dẫn cho giới trẻ vào lúc 9 tuổi, Gioan đã biết quan tâm đến những bạn cùng trang lứa. Cậu tự học, luyện tập miệt mài để có thể làm nhiều trò xiếc và ảo thuật đủ sức quy tụ các bạn trẻ, và cả người lớn, cùng cầu nguyện sau khi đã thưởng thức những màn xiếc hấp dẫn. Khi là linh mục, đau lòng trước tình trạng các trẻ phải rời quê lên tỉnh tìm việc sau chiến tranh, một số vướng vào tệ nạn phải ngồi tù, Don Bosco đã tìm đủ cách để có thể quy tụ các trẻ lại một nơi để dạy dỗ. Ngài và đám trẻ đã phải lang thang cơ cực suốt năm năm trời mới tìm được một mái ấm để sinh hoạt.

Dù Don Bosco sinh cách đây 200 năm, nhưng phương pháp giáo dục của ngài vẫn rất thích hợp với thời đại hiện nay, thời mà đa số giới trẻ đắm chìm trong thế giới ảo, thời mà có rất nhiều trường lớp đào tạo quy mô nhưng vẫn không hiệu quả, khiến các phụ huynh và các nhà giáo dục có tâm huyết phải lo âu trước những cái ác dường như đang muốn nuốt chửng giới trẻ. Với tất cả yêu thương, lúc ban đầu ngài đã tìm kiếm từng trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, bụi đời đem về ngôi nhà có người mẹ thân yêu (đã phải rời bỏ quê để lên giúp con) cho các em một mái ấm gia đình: có cha, có mẹ Magarita (và sau đó là Đức Mẹ Maria khi mẹ ngài qua đời) cùng quan tâm chăm sóc. Ngài tạo môi trường học lý tưởng cho trẻ phát triển toàn diện về tự nhiên và siêu nhiên, luôn có mặt bên cạnh trẻ, quan tâm đến từng em một, ngài thuộc tên cả 400 em trong gia đình và hiểu tính nết từng trẻ.

Điều thứ hai cha Gioan đã làm sau khi cho trẻ có nhà ở, của ăn và việc làm, là khơi gợi nhu cầu tâm linh nơi trẻ, để xuyên qua tình cha của ngài, những người trẻ có thể nhìn ra một tình Cha khác cao cả hơn. Cách ngài thu phục Michel Magone, một thủ lãnh của trẻ bụi đời, là một ví dụ điển hình. Sau vẻ bề ngoài gai góc, bụi bậm của Michel, cha đã nhìn thấy 'kế hoạch của Thiên Chúa' trong lòng em. Ngài mang Michel về nhà cho một bạn tốt giúp đỡ em từng bước. Em quen dần với cách sinh hoạt nề nếp nhưng vẫn chưa cảm nhận được sự bình an và niềm vui như các bạn. Chỉ với vài câu hỏi quan tâm, cha Gioan đã khiến em phải khóc và xưng thú hết mọi lỗi lầm, quay về với lòng thương xót Chúa. Môi trường bình an nhắc nhở sự hiện diện của Chúa, sống vui mỗi ngày, nhịp sống ngày lễ, những cuộc đi dạo, các buổi tỉnh tâm hồi tâm dọn mình chết lành, việc từ thiện và linh đạo đời thường, là các phương thế cha Gioan đã làm để đánh thức nhu cầu tâm linh của trẻ.

Đồng hành thiêng liêng là cách thứ ba cha thánh dùng để giúp trẻ thăng tiến. Ngài củng cố đức tin giới trẻ bằng cách để Chúa rung lên trong lòng trẻ ba nốt nhạc về Chân - Thiện - Mỹ. Khi có cảm xúc trước Sự thật, Cái đẹp và Sự Cao thượng thì trẻ dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa. Sự đồng hành này mang tính cách cá nhân, vì phải tùy từng trường hợp: Với Michel Magone là trẻ khó dạy, bụi đời, là được biến đổi. Với trẻ chăn chiên Phanxicô Besucco có tâm hồn đơn sơ, là việc mở lòng ra với mọi người. Và với ước muốn đứng đầu về sự thánh thiện, mà vẫn sống vui vẻ đúng bản chất người trẻ, là Đaminh Savio. Don Bosco đã đáp lời kêu gọi của Thiên Chúa, yêu thương những người trẻ, cho dù hoàn cảnh sống và thực trạng của chúng như thế nào chăng nữa, và đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời ngài cho giới trẻ cho đến hơi thở cuối cùng.

Để áp dụng được cách mà cha Don Bosco đã làm, người dạy phải không ngừng kiện toàn chính mình, phải là một chứng nhân giúp người trẻ nhận ra sự hiện diện của Chúa mà có tâm tình tri ân và có trải nghiệm thiêng liêng theo chiều sâu, biết trình bày theo phương pháp mới trẻ có thể hiểu được, và hiện diện 100% bên cạnh trẻ (không đánh giá thấp sự có mặt của mình bằng ý nghĩ đã có người khác dạy nên tôi có thể vắng mặt). Với ý kiến phản hồi: Phương pháp của cha Gioan Bosco được hoàn hảo là nhờ ngài có thể ở bên cạnh giới trẻ như trong một gia đình, còn các giáo lý viên (GLV) chỉ có 45 phút mỗi sáng Chúa nhật với các em thì làm sao có thể áp dụng? Một vài GLV góp ý: Cầu nguyện cho trẻ, dành một ít thì giờ trong tuần cho các em, viết thiệp cho từng em vào dịp lễ. Giảng viên thêm vào ý dùng các phương tiện truyền thông hiện đại để tiếp cận và rỉ tai giới trẻ, gieo Hạt Giống Lời Chúa trong lòng các em rồi để Chúa hoạt động cho sinh nhiều hoa trái.

Với cách hướng dẫn lôi cuốn, hấp dẫn, Sơ Maria Yến - Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ - đã giúp các GLV tham dự chuyên đề 2 "Giáo dục đức tin cho người trẻ theo tinh thần Don Bosco" nắm bắt được cách giáo dục do tình yêu dẫn đường của Cha Thánh. Nguyện cho tâm huyết dành cho giới trẻ của quý cha và quý sơ trong đại gia đình Salêdiêng qua các ấn bản giáo dục đức tin được nhân rộng ra không riêng cho 200 tham dự viên mà cho tất cả các GLV ở khắp nơi.

 

Top