Tìm thấy Chúa nơi những người di trú và khách lạ

Tìm thấy Chúa nơi những người di trú và khách lạ

WGPSG – Tuần lễ Di Dân năm 2010 được cử hành tại Giáo Hội Việt Nam từ ngày 3 đến 10.1.2010. Hoa Kỳ cũng cử hành Tuần lễ Di Dân đúng vào những ngày này. Và trong dịp này, phóng viên Zenith đã phỏng vấn nữ tu Marilyn Lacey với những câu hỏi đặc biệt liên quan đến Mục vụ Di Dân.

Phỏng vấn Nữ tu Marilyn Lacey
Thực hiện: Genevieve Pollock

SANTA CLARA, California Ngày 07-01-2010 (Zenit.org).- Có thể hiểu được nỗi lo sợ về những người di trú, nhưng vượt qua nỗi sợ ấy là điều cần thiết cho các Kitô hữu – là những người có thể tìm thấy Thiên Chúa nơi người xa lạ. Đó là lời nói của một tu sĩ với 30 năm chăm sóc những “người ngoài.”

Marylin Lacey là nữ tu dòng Các Nữ Tu Nhân Lành và là giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận có tên Tình Thương Vượt Biên Giới, đồng hành với những phụ nữ và cô gái sống tha hương ở miền Nam Sudan nhằm cải thiện tình trạng nghèo khổ cùng cực của họ. Trong quyển sách của mình, “Dòng chảy này chảy về phía tôi: Một Câu Chuyện về Thiên Chúa đến với Người Xa Lạ” (Ave Maria Press), được xuất bản mùa xuân năm ngoái, Marylin Lacey kể về công việc của mình với ngưởi tị nạn tại Mỹ, Châu Phi và Châu Á.

Nữ tu Lacey chia sẻ với ZENITH kinh nghiệm về những người nhập cư và tị nạn vào dịp Mỹ cử hành Tuần lễ Nhập Cư Quốc Gia, diễn ra đến hết ngày Chúa Nhật.

ZENITH: Thường thì tình trạng nhập cư được mô tả theo số lượng lớn, nhưng bộ mặt của một người nhập cư thì như thế nào? Những hy vọng, lo sợ, khó khăn và nhu cầu đặc trưng của anh ta là gì?

Nữ tu Lacey: Sẽ rất tự nhiên nếu chúng ta nghĩ về người nhập cư như “người khác”, một cách nào đó, rất khác chúng ta. Theo luật nhập cư, thuật ngữ dùng để chỉ họ là “xa lạ”(alien), hiểu theo nghĩa đen là “khác”. Điều này làm mạnh thêm xu hướng sợ người nhập cư của chúng ta, vì chúng ta thường thấy khó mà tin được những con người được cho là khác chúng ta.

Thực ra, người nhập cư cũng là những con người có gia đình cần nuôi dưỡng, có con cái cần bảo vệ, có ước mơ cần theo đuổi. Những nhu cầu cơ bản nhất của họ là cần được tiếp nhận và được cư ngụ, để tìm việc làm và kết giao bạn bè. Với tư cách là Giáo Hội, chúng ta có một nghĩa vụ nghiêm túc – nói đúng hơn là một lời mời tuyệt vời - trở thành một nơi tiếp nhận họ.

Cách đây vài năm có một người tị nạn Công Giáo, là một thanh niên đến từ Eritrea, gần đây tái định cư tại California, đã trình bày băn khoăn với tôi, “ Thưa Sơ, tại nước Mỹ này, ban đêm nhà thờ đóng cửa.” Tôi thừa nhận điều đó.

Anh ta liền hỏi, “Nhưng nếu nhà thờ đóng cửa thì khách vãng lai ngủ ở đâu?” Câu hỏi ấy làm chúng tôi tự vấn lương tâm mình.
Chúng ta (với tư cách cá nhân và Giáo Hội) đang tiếp đón những vị khách lạ trong cuộc sống chúng ta như thế nào?

ZENITH: Tuần lễ di trú quốc gia năm nay tập trung vào trẻ em. Sơ có thể mô tả nét đặc trưng trong đời sống của một trẻ em di trú?

Nữ tu Lacey: Hầu hết công việc mục vụ của tôi là cho người tị nạn. Trẻ em trong những gia đình tị nạn không có được cái mà chúng ta gọi là cuộc sống bình thường. Các em rời bỏ gia đình, nếm trải những chuyến đi dài khó khăn. Hầu hết đều có người trong gia đình bị thất lạc hoặc bị giết. Nhiều em phải trực tiếp chứng kiến hành vi hung bạo; một số em đi lính bị ép tham gia bạo lực. Các em phải sống nhiều năm trong sự tồn tại giả tạo của những trại tị nạn nơi việc học hành thì khi có khi không (chỉ khi được ở trong điều kiện tốt nhất) và chế độ ăn uống thì sơ sài. Với cảm nhận của các em, thế giới này là một nơi nguy hiểm. Tuy nhiên các em có sức bền bỉ kỳ diệu. Chỉ cần một nơi an toàn và sự hiện diện của những người lớn biết yêu thương hỗ trợ, các em vẫn có thể phát triển nhanh chóng.

ZENITH: Phải chăng hầu hết người nhập cư đều muốn tìm đến để lấy đi một cái gì đó của công dân trong nước? Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái này, với nhiều công dân bị thất nghiệp, chẳng lẽ không bình thường sao khi người ta muốn bảo vệ tài nguyên của riêng họ? Có cách nào để thay đổi thái độ này không?

Nữ tu Lacey: Bảo vệ gia đình mình và đất nước mình chống lại những mối đe dọa là hành động có thế hiểu được và thậm chí rất đáng tôn vinh. Nhưng không may, chúng ta có chiều hướng không nhận ra đâu mới là mối đe dọa thực sự. Theo tôi nghĩ – hy vọng rằng ý nghĩ này dựa trên Phúc Âm – những mối đe dọa thực sự với cuộc sống và hạnh phúc đích thực không phải là những người nhập cư; nhưng đó chính là lòng tham, sự ích kỷ và thói thích tích trữ của chúng ta.

Những nước phát triển dường như chỉ chú tâm vào việc tích lũy của cải ngày càng nhiều hơn, trong khi đó lại ban hành ra đạo luật nhập cư nhằm không cho người khác lấy đi phần của họ trong cái kho của cải ấy.

Phúc Âm dạy chúng ta Bát Phúc (cách sống hạnh phúc): sống nghèo khó, chia sẻ những gì mình có, che chở người đau khổ, hành động vì công lý, tha thứ khi bị ngược đãi. Thậm chí chúng ta còn được mời gọi để yêu mến kẻ thù – những người muốn làm hại chúng ta. Trong khi thế giới ra sức thuyết phục chúng ta rằng: sự an toàn của ta nằm trong việc giết chết kẻ thù hay ít nhất tránh xa họ, Phúc Âm lại cho chúng ta thấy rằng: chúng ta phải gia tăng sự tha thứ, tiếp nhận, cùng với cách sống mời gọi mọi người cùng ngồi vào bàn tiệc. Phúc Âm còn nói, Thiên Đàng sẽ mở ra cho những ai sẵn lòng ngồi vào bàn cùng với mọi người khác.

Cá nhân tôi, tôi tin rằng không thể giải quyết “vấn đề nhập cư” bằng những tranh luận duy lý trí mà thôi. Chúng ta phả có cả chiều kích niềm tin để mở rộng lòng ta hiểu ra rằng sự an toàn, thịnh vượng và hạnh phúc thật sự của chúng ta nằm ở việc chúng ta mở rộng cánh cửa ra đón chào những vị khách lạ, những con người khác với chúng ta.

Cho dù việc đưa những người di trú vào các cộng đồng của chúng ta có làm thấp đi mức sống của chúng ta (thực tế không thường xảy ra như thế, vì sự hiện diện của họ kích thích các nền kinh tế), thì người Kitô hữu vẫn cần phải đón nhận họ.

Thiên Chúa đến với chúng ta trong hình dạng của những vị khách lạ. Chủ đề đó xuyên suốt Kinh Thánh: từ Sáng Thế Ký 18 (Abraham được chúc phúc bởi ba người khách lạ mà ông mời vào lều) cho đến Khải Huyền 3:20 (Thiên Chúa đứng đợi ở cửa, kiên nhẫn gõ cửa nhà chúng ta). Với tôi, đây không chỉ là lý thuyết, đó là kinh nghiệm của tôi trong 30 năm qua làm việc với người tị nạn và di trú trên khắp thế giới.

ZENITH: Đối với những người nhập cư bất hợp pháp thì sao? Khi cho rằng luật nhập cư hiện hành có lý do hợp lý để làm thế, chẳng lẽ không đạo đức sao khi tố cáo hành vi bất hợp pháp này?

Nữ tu Lacey: Đôi lúc có người hỏi tôi, “Tại sao những người “đó” không đến đây một cách hợp pháp? Họ đang phạm luật!”

Đây là một câu hỏi nghiêm túc, một vấn đề kêu gọi ý thức chấp hành luật pháp của chúng ta, là những người gốc Đức hay Anglo-Saxon. Những người đặt câu hỏi thường ngạc nhiên khi biết rằng không có cách nào cho “họ” đến đây một cách hợp pháp, vì luật nhập nhập cư không cho họ con đường nào để làm thế.

Chỉ một số nhóm “người nước ngoài” có thể đi vào một cách hợp pháp, và nhiều người trong số họ chỉ được phép lưu lại trong một thời hạn nào đó. Lấy ví dụ, gần một nửa số người không có giấy tờ tại Mỹ là những người đi vào hợp pháp nhưng sau đó ở lại quá hạn visa và rơi vào tình trạng “hết hạn.” Số khác là những người vượt biên giới không qua kiểm tra - thường đến tìm việc làm để gửi tiền về quê nhà phụ giúp gia đình.

Luật nhập cư hiện hành của Mỹ muốn thành viên gia đình phải đợi 18 năm mới được nhập cư hợp pháp. Liệu điều này có phù hợp với lòng tin Ki-tô giáo vào tính thánh thiêng của gia đình và tầm quan trọng của việc đoàn tụ gia đình?

Trước khi phán đoán những người phạm luật, tôi muốn đặt ra câu hỏi là liệu luật pháp hiện hành có đạo đức hay không.

Trong một nền kinh tế toàn cầu khi hàng hóa, thông tin và tiền tệ có thể trao đổi qua biên giới, có đúng hay không khi ngăn cản công nhân vượt biên giới?

Trong một thế giới mà có người được sinh ra ở những nơi gần như không thể lo miếng ăn cho gia đình, có đúng hay không khi cản trở người ta đến một nơi giúp người ta nuôi sống gia đình?

Trong một thế giới đang thu nhỏ lại, có đúng hay không khi để cho những người có của cải cấm cửa những người không có gì?

Có đúng hay không khi chúng ta dựng lên những bức tường (như Mỹ đã làm dọc theo biên giới phía Nam) hay sống trong những cộng đồng kín cổng cao tường không cho ai vào, trong khi chúng ta vẫn tới nhà thờ đọc những câu truyện Kinh Thánh về Ông Nhà Giàu và Lazarô (Luca 16)?

ZENITH: Có nhiều người cũng cảm thương những người nhập cư nhưng nói rằng họ không có gì dư giả để cho. Những công dân trung bình có thể cho những người nhập cư điều gì?

Nữ tu Lacey: Thái độ thân thiện ân cần với người nhập cư đâu cần tiền bạc (nhưng cần một chút can đảm). Nói ra rằng luôn còn “chỗ trong nhà trọ” cũng đâu phải mất tiền.

Với cá nhân, mở cửa cho một người lạ vào nhà có thể là một hành động mạo hiểm, nhưng với nỗ lực của cả một tập thể sẽ dễ dàng hơn. Những cộng đồng của đức tin có thể là điểm khởi đầu quan trọng để đón nhận những vị khách lạ.

Còn việc “không có gì dư giả,” tôi hoàn toàn chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều có nhiều thứ để chia sẻ, và niềm vui thật sự sẽ đến với chúng ta khi chúng ta bắt đầu thực hiện hành động đó. Như một trong những vị thánh tiên khởi đã nói, “Đôi giày dư trong tủ dành cho người nghèo.” Khi chúng ta sống rộng mở và chia sẻ, phúc lành sẽ được ban đầy tràn!

ZENITH: Có phải Sơ muốn nói rằng nhấn mạnh sự bao dung chấp nhận sự đa dạng văn hóa chính là câu trả lời cho việc đón nhận người nhập cư, hay có điều gì khác mà Sơ thấy có ích cho việc mở rộng tấm lòng với những người thuộc nhiều sắc tộc khác nhau?

Nữ tu Lacey: Sự bao dung chấp nhận đa dạng hiển nhiên là bước đi đầu tiên, nhưng chúng ta có thể bước qua phạm vi chấp nhận sự khác biệt để tiến đến việc ăn mừng vì những khác biệt đã làm phong phú cuộc sống chúng ta.

Tôi đã làm việc với những người tị nạn và nhập cư trên 50 nước và tôi cho mình là người hạnh phúc nhất hành tinh – đã chia sẻ rất nhiều thế giới quan khác nhau, rất nhiều cái nhìn khác nhau về Thiên Chúa, rất nhiều cách vượt qua nghịch cảnh và kiên cường trong cuộc sống.

Tôi cầu xin cho mỗi người biết mạo hiểm đón nhận khách lạ, để rồi sẽ vô cùng ngạc nhiên khám phá ra rằng chính Thiên Chúa cũng đang chờ đợi tiếp đón mình!

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top