Vài nét về Mục vụ Di dân cho các Giáo xứ tại Sài Gòn
TGPSG -- Vào ngày di dân và tị nạn quốc tế năm 2020, ĐGH Phanxico đã viết: "Như Chúa Giêsu Kitô, họ bị buộc phải chạy trốn. Cần chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di tản trong nước…"
-
TỔNG QUAN
Làn sóng di dân ngày nay trở thành một vấn đề lớn ở tầm mức quốc tế cũng như quốc nội. Nguyên nhân thì có nhiều, từ chiến tranh, biến đổi khí hậu đến đơn giản chỉ là mưu sinh, tìm đến một vũng đất dễ sống hơn.
Di dân trong nước thường là từ miền quê đổ về các thành phố lớn mà TP.HCM là một điển hình. Do tại TP.HCM có nhiều công ty, trường học nên số lượng đổ về mỗi lúc một đông, từ di dân định cư đến di dân tạm thời, lúc đầu chỉ tập trung ở các khu chế xuất hay các khu vực xung quanh trường đại học, nhưng bây giờ thì người di dân tràn ngập khắp nơi. Người ta ước tính: dân số ở TP là 13 triệu người, thì di dân có đến 5 triệu người; mà con số này dao động liên tục và có chiều hướng gia tăng.
Di dân mang theo nhiều vấn đề: nhà ở, việc làm… và nó không chỉ là vấn đề xã hội, mà cả Giáo Hội cũng chia sẻ vì nhiều sinh hoạt liên quan đến đời sống đức tin của các di dân Công Giáo.
Vậy các giáo xứ chúng ta phải làm gì để chia sẻ gánh nặng cho xã hội, cũng như giúp những người di dân Công giáo sống đức tin của mình trong một môi trường mới?
Bài viết này chỉ xin giới hạn trong việc đồng hành với anh chị em di dân Công giáo trong TP hiện nay.
-
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
Vào ngày di dân và tị nạn quốc tế năm 2020, ĐGH Phanxico đã viết: "Như Chúa Giêsu Kitô, họ bị buộc phải chạy trốn. Cần chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di tản trong nước…"
Trong phạm vi nhỏ bé của mục vụ giáo xứ, chúng ta có những việc cần phải làm trong bối cảnh di dân tại TP HCM theo gợi ý của sứ điệp này với 4 lãnh vực: chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.
-
Chào đón
Hầu hết các nhà thờ đều có văn phòng giáo xứ để làm mục vụ, như ghi sổ sách hôn phối, xin rửa tội hay những thông tin của giáo xứ. Ngày nay, chúng ta có thể thêm vào mảng di dân, như một cuốn sổ dành cho người mới đến gồm: những người nhập cư (vĩnh viễn hay tạm thời), là học sinh hay công nhân, đi với gia đình hay một mình...
Nhưng làm sao để di dân biết đến mà đăng ký tại Văn phòng giáo xứ? Ta có thể:
- Thông báo tại nhà thờ để giáo dân biết ai là người mới đến, rồi họ sẽ dẫn người mới đến tới văn phòng giáo xứ để đăng ký. Chúng ta sẽ biết được nơi giáo xứ gốc mà họ vừa rời đi, để tạo một mối giây liên lạc giữa giáo xứ gốc và giáo xứ chúng ta. Chúng ta ghi lại số điện thoại, địa chỉ email, facebook... của họ. Điều này giúp chúng ta rất nhiều trong việc điều tra cho việc lập gia đình của các bạn trẻ di dân, cũng như thực hiện thống kê hàng năm cho giáo xứ.
- Ưu tiên khuyến khích các giáo dân có nhà trọ cho thuê: chủ nhà trọ giúp di dân tiếp cận với giáo xứ, giúp họ có điều kiện thuận tiện để sống đạo.
- Giới thiệu di dân với cộng đoàn trong một thánh lễ Chúa nhật nào đó (như Chúa nhật đầu tháng hay cuối tháng chằng hạn) để cộng đoàn biết và tiếp đón họ, vì giáo xứ cũng là một gia đình mở rộng để mọi người biết nhau.
-
Bảo vệ
Di dân thường “lạ nước, lạ cái” nên dễ bị lầm lẫn và có thể bị lợi dụng, thậm chí bị lường gạt. Không thiếu những trường hợp di dân trở thành nạn nhân của việc buôn người. Vì thế, cần giúp họ có những thông tin cần thiết về mặt xã hội, các giấy tờ cần thiết ở địa phương, bảo hiểm sức khỏe, môi trường sinh sống...
-
Thăng tiến
Việc di chuyển theo gia đình cũng sẽ khiến cho con cái bị ảnh hưởng bởi công ăn việc làm và nhất là việc học hành. Học hành gián đoạn sẽ rất dễ khiến các em bỏ học. Vì thế, cần giúp họ phát triển không chỉ đời sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần nữa.
Nhưng trên hết, trong khuôn khổ một giáo xứ, việc thăng tiến di dân Công Giáo chính là giúp họ phát triển đời sống đức tin, giúp cho con cái họ được học giáo lý phổ thông cũng như giáo lý hôn nhân.
Mục vụ giáo lý hôn nhân cho di dân là một vấn đề gây nhiều khó khăn cho họ, vì đại đa số di dân là những công nhân làm việc theo ca, nên việc theo học một lớp giáo lý theo khóa học của giáo xứ là điều khó thực hiện. Giáo xứ nên phối hợp với các dòng tu hay các giáo lý viên có kinh nghiệm, giúp họ dễ dàng theo thời gian biểu của họ, dù một đôi hôn phối cũng có thể giúp được nhờ các cộng đoàn tu viện.
-
Hội nhập
Việc quan trọng nhất là giúp họ hội nhập với các sinh hoạt của giáo xứ, để họ không còn phải là những người xa lạ hay thụ động trong những công việc của giáo xứ, nhất là việc tham gia các hội đoàn như ca đoàn, thiếu nhi, hiền mẫu, các nhóm phục vụ như giữ xe, ban trật tự, và thậm chí có thể tham gia vào Hội đồng Mục vụ Giáo Xứ, để có thể nhờ chính những di dân trong Hội đồng Giáo xứ phục vụ những anh chị em di dân của mình, bởi chính họ cũng là những tín hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta.
-
LỜI KẾT
Tóm lại, việc thiết lập một ban Mục vụ Di dân cho một giáo xứ thì thật khó về mặt nhân sự cũng như tổ chức, nhưng nếu gắn liền nó với Văn phòng giáo xứ thì sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Dĩ nhiên, chúng ta không nên coi di dân là một thành phần tách biệt, gây ra sự kỳ thị. Hãy coi họ là thành viên mới của giáo xứ, cần được đón tiếp và nâng đỡ trong đời sống, nhất là về mặt thiêng liêng. Kinh nghiệm ở một số nơi cho thấy: chính di dân đã làm cho giáo xứ trở nên sinh động nhiều hơn tình trạng vốn bình lặng từ lâu nay của giáo xứ. Nhiều giáo xứ, khi dịp Tết đến, nhà thờ lại vắng người, ca đoàn và đoàn thể lại thiếu người, vì di dân đã về quê ăn Tết rồi.
Đặc biệt, nếu chúng ta quan tâm đến di dân nhiều hơn, chúng ta sẽ giúp họ trở thành những nhà truyền giáo ở khắp nơi, vì họ là những người di chuyển từ nơi này đến nơi khác, tiếp xúc thường xuyên với những người ngoại giáo trong các công ty, xí nghiệp. Họ có ảnh hưởng trên nhiều người khác, rất dễ làm lây lan các giá trị Tin Mừng. Và như vậy, việc loan báo Tin Mừng đang đi theo một trong những con đường đặc thù của nhân loại: con đường di dân.
Những suy tư đơn sơ trên đây mong được là những đóng góp nhỏ bé cho việc thăng tiến anh chị em di dân trong giáo phận chúng ta.
Lm Vinh sơn Nguyễn Văn Định (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Đức Giáo hoàng: Xua đuổi di dân là một 'tội trọng'
-
Ủy ban Mục vụ Di dân gặp mặt tại Hà Nội -
Những gợi ý cho cuộc hành trình từng bước một cùng nhau thực hiện hướng tới Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2024 -
Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 8 năm 2024 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 110 năm 2024 - Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 06/2024: Lãnh đạo giáo dân: Phục vụ cách khiêm tốn và khôn ngoan -
Đức Thánh Cha: Không ai phải hồi hương về một quốc gia có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền -
Đức Thánh Cha: Đi từ “vì” người nghèo đến “với” người nghèo -
Các nữ tu Hoa Kỳ phục vụ hàng ngàn bữa ăn cho người nghèo nhân dịp lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) -
Người dân Sudan xin các nữ tu đừng rời bỏ họ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Mục Vụ Di Dân
-
Hội Nghị Mục Vụ Di Dân Toàn Quốc 2019 -
Phỏng vấn Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về di dân tại Việt Nam -
Một Giáo hội, Một Nhà, Một Gia đình -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 06/2024: Lãnh đạo giáo dân: Phục vụ cách khiêm tốn và khôn ngoan -
Hướng dẫn Mục vụ Di dân -
Chủ đề Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn lần thứ 105 -
Thư Chung Của Hội Nghị Mục Vụ Di Dân 2019 Gửi Anh Chị Em Công Giáo Xa Quê -
Hội nghị Mục vụ di dân toàn quốc 2018 -
Hội nghị Di Dân Giáo tỉnh Sài Gòn 2017