Tiền và tình

Tiền và tình

WGPSG -- Tiền và tình là hai thực tại luôn gắn liền với cuộc sống con người mọi thời đại. Thật vậy, đã là con người ai cũng có những nhu cầu cho cuộc sống của mình như: vui chơi, giải trí, thể dục, ăn uống, mua sắm, du lịch, thưởng thức âm nhạc, và những nhu cầu văn hóa, tâm linh, nhu cầu được quan tâm, yêu thương và chăm sóc v.v… Để đáp ứng được nhu cầu chính đáng ấy, con người cần đến hai chữ T, đó là: tiền và tình. Vậy thì, con người thời nay đánh giá ra sao về thế lực của đồng tiền cũng như sức mạnh của tình thương? Con người thời nay sử dụng “tiền và tình” như thế nào?

Trước hết, về chữ Tiền: Không ít người, do ảnh hưởng của nếp sống văn minh đô thị quan niệm rằng: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng…”. Đối với họ, tiền thực sự có một ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cũng cho thấy, con người đang lạm dụng thế lực của đồng tiền và trở thành nô lệ cho đồng tiền.

Nhiều người dùng tiền để mua chức quyền, danh vọng, địa vị, bằng cấp.

Nhiều người dùng tiền để tiêu xài phung phí vào những cuộc ăn chơi “thâu đêm suốt sáng” nơi các vũ trường, nhà hàng, khách sạn v.v…

Nhiều người dùng tiền để mua vui với ma túy, dâm ô…

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhận định thật sâu sắc về ba chữ T liên quan đến cuộc sống con người thời đại đó là: Tầm Thường, Tiêu Thụ Tương Đối.

Quả thế, con người ngày nay đang tự trấn an mình bằng những thú vui nhất thời mà đồng tiền mang lại. Nhưng nếp sống đó thường chỉ để lại một khoảng trống mênh mang trong tâm hồn. Vì đó chỉ là một nếp sống vô định thiếu định hướng; đó chỉ là một nếp sống tầm thường vì thiếu lý tưởng; đó chỉ là một nếp sống hời hợt vì chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ cá nhân cách ích kỷ.

Đối với họ, “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng, có thật thế không? Vì ai cũng có thể cảm nhận rằng: Tiền chẳng thể mua được hạnh phúc đích thực. Kinh nghiệm thực tế cuộc sống cho thấy: có những người rất giàu có về mọi phương tiện vật chất với nhà lầu, xe hơi, của cải dư thừa, sang trọng… nhưng gia đình họ vẫn có đó những bất hạnh. Không phải lo lắng về vật chất, nhưng đôi khi tâm hồn họ lại trống vắng, khắc khoải khôn nguôi. Thực tế cuộc sống cũng cho thấy, nhiều cô gái trẻ Việt Nam đã phải “nhắm mắt đưa chân” chấp nhận lấy chồng xa xứ tại Đài Loan, Hàn Quốc… vì muốn có tiền. Đổi lại, họ phải gánh lấy biết bao đau thương, tủi nhục và không thể tìm ra lối thoát. Vâng, tiền cần thiết, nhưng không phải tiền luôn tỉ lệ thuận với hạnh phúc!

Với Tiền thì như thế, còn đối với chữ T thứ hai thì sao?

Về khía cạnh tích cực, chữ “tình” được hiểu là những tình cảm chính đáng và đúng đắn nơi con người như: tình mẹ, tình cha, tình vợ chồng, tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương, đất nước v.v.. Về mặt tiêu cực, chữ “tình” ở đây là những tình cảm lệch lạc và chóng qua nơi con người như: tình dục ngoài hôn nhân, tình yêu ảo trên mạng, tình cho không biếu không v.v…

Bên cạnh đó, nếu nhìn vào dòng chảy của kiếp người với quy luật tất yếu như sinh - lão - bệnh - tử thì mọi thứ sẽ qua đi, và con người rồi cũng sẽ qua đi.

Lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về phận người thật dễ đánh động lòng người: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi… Bao nhiêu năm làm kiếp con người chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày.” Nếu phận người mong manh, và mọi sự đều phù du như thế, thì, điều gì sẽ mang lại ý nghĩa và còn đọng lại đối với cuộc sống con người? Phải chăng đó chính là tình yêu thương xuất phát từ trái tim biết nhạy cảm trước những mảnh đời đau khổ, nghèo đói đang sống cùng cực, thầm lặng trong cuộc sống hôm nay?

Thật vậy, tiền bạc, của cải vật chất rồi cũng sẽ qua đi khi con người trở về với cát bụi, nhưng, tình yêu thương sẽ không bao giờ mất đi như lời xác tín mạnh mẽ của thánh Phaolo: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (1 Cr 13,8). Chúng ta phải làm gì để đồng tiền có thể mua được tình yêu đích thực? Có thể dùng tiền để âm thầm giúp đỡ người nghèo, để chia sẻ và xoa dịu phần nào những nỗi đau đớn về thể xác và vật chất nơi những mảnh đời bất hạnh và bị gạt ra bên lề xã hội... . Thật cảm động biết bao khi có những tấm lòng từ thiện đã ủng hộ ít nhiều phần vật chất cho chương trình “Ngôi Nhà Mơ Ước”, một chương trình nhân đạo thật ý nghĩa, nhằm an ủi, giúp đỡ những gia đình nghèo, sống trong cảnh “nhà dột cột xiêu” với tinh thần của tình người: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “Lá lành đùm lá rách” …

Nói tóm lại, tự bản chất tiền và tình tốt hay xấu tùy thuộc não trạng và phương cách sử dụng chúng như thế nào của con người. Tôi sống vì tiền hay vì tình? Tôi có tham lam hay tôn thờ quá đáng thế lực của đồng tiền? Tôi sống trên đời này để làm gì? Điều gì sẽ quyết định cho hạnh phúc đích thực cho cuộc đời của tôi: tiền hay tình?

Top