Thứ Sáu Tuần Thánh, đường Thập giá
WGPSG -- Thứ Sáu Tuần Thánh (06.4.2012), phụng vụ Giáo hội mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta chiêm ngắm cuộc Thương Khó và thập giá của Chúa Giêsu. Những cử hành phụng vụ hôm nay có hai điểm nhấn: suy tôn thánh giá và suy niệm 14 chặng đàng thánh giá. Vậy thì, những cử hành phụng vụ như thế đem lại lợi ích gì cho tâm hồn chúng ta? Chúng ta bước vào thứ Sáu Tuần Thánh với tâm thức và thái độ như thế nào: sốt sắng và hăng hái hay khô khan và uể oải? Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta cùng nhau suy niệm về đường thập giá: đường thập giá của Chúa Giêsu 2000 năm qua và đường thập giá của chúng ta hôm nay. Tất cả những suy niệm ấy không chỉ dừng lại ở cảm xúc, nhưng đi sâu vào đời sống đức tin nơi mỗi Kitô hữu chúng ta. Tất cả quy về cái nhìn của đức tin nơi mầu nhiệm Tử nạn của Chúa Giêsu. Tất cả quy về tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu dành cho chúng ta.
Đường thập giá của Chúa Giêsu 2000 năm qua
Trước hết, vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ Giáo hội không cử hành Thánh lễ. Bầu khí chiều nay thật tĩnh lặng. Tĩnh lặng để suy niệm về mầu nhiệm Tử nạn của Chúa Giêsu. Tĩnh lặng để chiêm ngắm và tưởng niệm cái chết đau đớn của Chúa Giêsu trên thập giá. Chiều hôm nay, Giáo hội cử hành nghi thức suy tôn thánh giá và suy niệm chặng đàng thánh giá của Chúa Giêsu. Khi suy tôn thánh giá, vị linh mục xướng lên ba lần như sau: “Đây là gỗ thánh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian.” Cộng đoàn cùng đáp ba lần tương ứng: “Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Vâng, chúng ta sấp mình thờ lạy và hôn thánh giá, bởi vì nơi ấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Nơi nào có sự hiện diện của Chúa thì nơi đó có tình yêu. Vì thế, thập giá có sự hiện diện của Chúa Giêsu đã trở thành biểu tượng của tình yêu Kitô giáo. Đó là một tình yêu trao ban, một tình yêu hy sinh đến tận cùng như lời thánh Gioan đã viết như sau: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13) Để thật sự cảm nghiệm được chiều cao, chiều sâu và chiều rộng của tình yêu ấy, phụng vụ Giáo hội suy niệm 14 chặng đàng thánh giá, để tưởng niệm con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi qua.
Thật vậy, đường thập giá lên đỉnh đồi Gôngôtha là con đường của tận cùng đau khổ: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người.” (Mc 10,33-34). Vậy thì, thập giá đã trở thành biểu tượng của tôn giáo và là đề tài của thần học. Các trình thuật cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong Tin Mừng cho thấy: trước khi quân lính bắt Chúa vác thập giá thì Chúa đã bị tra tấn với một trận roi đòn dã man theo luật của người La mã (x. Mt 27,26). Khi vác thập giá, Chúa Giêsu đã kiệt sức. Chúa ngã xuống đất ba lần. Vậy mà, quân lính còn bắt Chúa đội mão gai (x. Mt 27,27). Chúa bị đóng đinh vào thập giá (Mc 15,21-28). Chúa bị người Do Thái nhục mạ (x. Mt 27,39). Và cuối cùng, Chúa chết treo trên thập giá (x. Mc 15,33-41). Vì thế, một nhạc sĩ đã cảm nhận về thập giá của Chúa Giêsu như sau: “Thập giá minh chứng tình yêu. Thập giá là tiếng nói yêu thương vô cùng… Là niềm tin lửa mến, là đỉnh cao dâng hiến vinh quang.”
Bạn thân mến, đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi qua là con đường của tình yêu. Tình yêu mạnh hơn đau khổ. Tình yêu mạnh hơn sự xỉ nhục, khinh bỉ và loại trừ của người đời. Và tình yêu mạnh hơn sự chết. Vâng, Chúa đã đi đến tận cùng của tình yêu cứu độ. Chúa đã đi đến tận cùng mọi khổ đau của con người. Vì thế, Ngài rất dễ đồng cảm và yêu thương những ai đang đau khổ trong tâm hồn. Vì thế, nhà thần học Choan-Seng Song đã viết như sau: “Người Phật Giáo Á Châu tiến vào khổ đau nhờ bông sen, người Kitô hữu thì nhờ thập giá. Mỗi bên đều có chung một con đường đưa tới những vấn đề căn bản của cuộc sống: đau khổ, và đôi bên đều có cùng một nhiệm vụ là trải qua đau khổ, trong tin tưởng hy vọng, để đạt tới ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.” Hơn nữa, Chúa Giêsu mời gọi những người môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23). Vậy thì, người môn đệ bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Thập giá đó là gì? Con đường ấy rộng rãi thênh thang dễ bước hay là một con đường hẹp, đầy sỏi đá và lắm chông gai?
Đường thập giá của chúng ta hôm nay
Chuyện kể rằng: có một người thanh niên cầu nguyện xin Chúa cho anh chọn cây thánh giá nhẹ hơn. Chúa dẫn anh đến một căn phòng rộng chứa nhiều cây thánh giá và cho anh tự do chọn lựa. Anh thanh niên này chọn được một cây thánh giá mà anh cho là nhẹ nhất. Cuối cùng, Chúa nói với anh rằng: đó là cây thánh giá mà từ trước tới giờ anh thường mang trong đời.
Thật vậy, ai trong chúng ta cũng có thập giá riêng. Thập giá của nghèo khổ và bệnh tật. Thập giá của cô đơn. Thập giá của cha mẹ già tủi thân và hiu quạnh vì con cái không quan tâm chăm sóc. Thập giá của những người trẻ đang bế tắc và mất định hướng trong cuộc đời. Thập giá của những thất bại và sai lầm. Thập giá của đời sống hôn nhân. Thập giá của đời tu. Thập giá của sự chống đối và bị loại trừ. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều lúc chúng ta than thân trách phận với Chúa: “Sao Chúa để con vác thánh giá nặng quá?” Câu chuyện trên đây đã trả lời cho câu hỏi này. Không có cha mẹ nào lại muốn con cái mình đau khổ bao giờ. Vì vậy, Chúa không hề để thập giá và thử thách quá sức chịu đựng chúng ta. Chúa biết chúng ta giới hạn. Chúa biết chúng ta là con người mỏng giòn yếu đuối và tội lỗi. Vì vậy, Chúa Giêsu luôn tìm mọi cách để ghé vai chia sẻ thập giá cuộc đời với chúng ta. Ngài chết trên thập giá để gánh lấy muôn vàn tội lỗi của chúng ta: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1Pr 2,24).
Còn chúng ta thì ngược lại. Chúng ta thường khước từ thập giá. Chúng ta không đủ can đảm để đối diện với thập giá đời mình. Chúng ta thích chọn con đường dễ dãi cho bản thân. Chúng ta ngại dấn thân và hy sinh nhưng chỉ nghĩ đến con đường dẫn tới bản thân mình. Con đường ấy không phải là con đường thập giá của Chúa Giêsu. Bởi vậy, chúng ta thường cảm nhận thập giá đời mình luôn trĩu nặng trên đôi vai: “Vì con chưa yêu Ngài nên thập giá còn nặng vai. Vì con chưa mến Ngài nên đời như còn lắm chông gai…”
Bạn thân mến, chúng ta luôn đứng trước những cám dỗ của Satan trên con đường thập giá đời mình. Cám dỗ của phản bội như Phêrô đã chối Chúa Giêsu ba lần. Cám dỗ của lợi lộc, chức quyền và đồng tiền như Giuda Ítcariốt năm xưa. Quả thật, biết bao lần trong cuộc sống, chúng ta cũng giống như thế. Dù vậy, ánh mắt yêu thương trìu mến của Chúa Giêsu vẫn luôn dõi theo cuộc đời chúng ta. Ánh mắt ấy đã thức tỉnh Phêrô. Ánh mắt ấy đã tha thứ tất cả và tin tưởng tất cả. Vì vậy, dù đôi lần chúng ta vấp ngã trong cuộc đời nhưng hãy vững tin ánh mắt yêu thương của Chúa như ánh mắt của người mẹ hiền luôn đồng hành và nâng đỡ cuộc đời chúng ta. Mỗi lần nhìn lên thánh giá, bạn và tôi sẽ cảm nhận được những điều huyền diệu nơi thập giá tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu!
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024