Thứ Sáu Tuần III Mùa Thường Niên - Năm lẻ

Thứ Sáu Tuần III Mùa Thường Niên - Năm lẻ

Thứ Sáu Tuần III Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: Mc 4, 26-34

26 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: 27 người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, 28 hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. 29 Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".

30 Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? 31 Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được". 33 Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, 34 và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.


A. Phân tích (Hạt giống...)

Những dụ ngôn về sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa:

- Dụ ngôn hạt giống âm thầm: Nước Thiên Chúa cũng như hạt giống có sức sống và sức phát triển nội tại. Dù hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện (“đêm hay ngày”), dù người ta có chăm sóc hay không (“người ấy ngủ hay thức”, “bằng cách nào người ấy không biết”), Nước Thiên Chúa vẫn cứ phát triển.

- Dụ ngôn hạt cải: mới ban đầu, Nước Thiên Chúa rất nhỏ bé như hạt cải, nhưng rồi nó sẽ phát triển thành một cây to.

* Có lẽ những dụ ngôn này nhằm mục đích trấn an:

a/ Trấn an các môn đệ thời Chúa Giêsu: có lúc họ ngã lòng vì thấy mình chỉ là một nhóm người ít oi, nhỏ bé, sợ không đủ khả năng mở mang Nước Thiên Chúa nổi.

b/ Trấn an các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai: họ là một tập thể ít oi giữa lòng thế giới rộng lớn, họ lại gặp rất nhiều khó khăn. Chúa Giêsu muốn trấn an tất cả rằng chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại và phát triển mạnh.
 

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu cho biết hạt giống Lời Chúa có sức phát triển nội tại, tuy âm thầm nhưng liên lỉ và mạnh mẽ.

Nhiều khi vì cho rằng đọc và suy gẫm Lời Chúa không sinh kết quả gì cả nên tôi đã thôi không tiếp tục nữa. Dụ ngôn này dạy tôi hãy bỏ lối suy nghĩ ấy đi và kiên trì tiếp tục, vì kẻ làm cho hạt giống mọc lên không phải là tôi mà là chính Chúa.

2. “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như Phaolô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.

3. Một ngày kia, một tông đồ giáo dân dẫn tôi đến gia đình của một người lương làm nghề kéo xe lôi. Đến đấy tôi nhận được một món quà rất bất ngờ và rất to lớn: cả nhà gồm vợ chồng và 7 đứa con xin theo đạo. Khi được tôi hỏi lý do thì người chồng cho biết: Mười mấy năm trước, khi còn nhỏ, anh học trường các sư huynh Lasan và đã có lòng mộ mến Đạo Chúa. Lòng mộ mến ấy vẫn âm ỉ trong lòng anh. Tuần trước, khi anh gặp người tông đồ giáo dân này, tàn lửa âm ỉ đó bỗng bùng lên thành một ngọn lửa thôi thúc anh phải xin theo Chúa. Nếu các sư huynh Lasan của trường kia và những tông đồ giáo dân nọ đã không chịu khó gieo giống vì nghĩ rằng có gieo cũng vô ích thì hôm nay tôi đã không gặt được thành quả này. “người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa.” (câu 27-28) (Chia sẻ).

4. Hạt giống Nước Chúa mà chúng ta gieo vào lòng anh chị em quanh ta mọc lên rất nhiều cách và nhiều dạng: có thể thành những Kitô hữu như chia xẻ phía trên, có thể thành những người tuy còn là lương dân nhưng thiện cảm với Kitô giáo, có khi thành những ý lực hướng dẫn cuộc sống của những người vì lý do nào đó chưa thể theo đạo. Văn hào Tagore thuộc loại thứ ba: tuy ông không là Kitô hữu nhưng cuộc sống của ông được hướng dẫn bởi những giá trị Phúc Âm.

Top