Chúa nhật 14 Thường niên năm C (Lc 10,1-9)

Chúa nhật 14 Thường niên năm C (Lc 10,1-9)

Chúa nhật 14 Thường niên năm C (Lc 10,1-9)

Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.

Bài đọc 1: Is 66, 10-14c

Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

10 Đức Chúa phán thế này:

“Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem,
hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,
hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô!
Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng,
hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô,

11để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,
được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang,
như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.

12Vì Đức Chúa phán như sau:
Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,
và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.
Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,
được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.

13Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy;
tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.

14cNhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc,
thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh.
Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người
cho các tôi tớ biết.”

 

Đáp ca: Tv 65, 1-3a.4-5.6-7a.16 và 20 (Đ. c.1)

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

1Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, 2đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh!
3aHãy thưa cùng Thiên Chúa:
“Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!”

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

4Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh.
5Đến mà xem công trình của Thiên Chúa:
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ!

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

6Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền,
và dân Người đi bộ qua sông;
việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ.
7aChúa uy dũng hiển trị muôn đời.

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

16Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,
đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.
20Xin chúc tụng Thiên Chúa
đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,
lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

 

Bài đọc 2: Gl 6, 14-18

Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

14 Thưa anh em, ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. 15 Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. 16 Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người. 17 Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su. 18 Thưa anh em, nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng. A-men.

 

Tin mừng: Lc 10, 1-12.17-20

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.

2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.

3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.

5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”

6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.

7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.

8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.

9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”

12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”

18 Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.

19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.

20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Giêsu sai từng hai người một đi trước Ngài để đến các thành thị, thôn xóm, chữa lành bệnh tật và loan báo Triều Ðại Chúa đang đến. Nhiệm vụ cần thiết cấp bách đến nỗi Ðức Giêsu căn dặn đừng mang theo bao bị, túi tiền, giày dép và đừng chào hỏi ai dọc đường. Ngài e ngại chúng ta vì lo lắng với hành trang nặng nề mà khó lòng chu toàn sứ vụ. Chúa kêu gọi sự nhiệt tâm với sứ vụ và tinh thần từ bỏ nơi người môn đệ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, công việc truyền giáo là việc làm cấp thiết và là nhiệm vụ của tất cả những người Kitô hữu chúng con hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con biết ra đi, ra khỏi cái vị kỷ của mình để đến với mọi người, những người đã biết Chúa, những người chưa biết Chúa và những người chưa tin Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Suy niệm:

1. Đức Giêsu đã ghi nhận: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Tuy nhiên, Người lại mời các môn đệ cầu xin chủ mùa gặt gửi thợ đến. Như thế, Ngài nhắc các ông nhớ rằng Thiên Chúa là Chúa của dân chúng và tất cả những gì liên hệ đến dân chúng thì đều ở dưới quyền chúa tể của Thiên Chúa. Ai muốn thật sự giúp đỡ dân chúng, thì không thể tự mình đi theo sáng kiến riêng và nhân danh mình, nhưng phải được chủ mùa gặt sai đi.

2. Chính Đức Giêsu đã sai các môn đệ đi. Người xử sự như là chủ mùa gặt. Thật ra Người làm nhân danh Thiên Chúa và làm vì lòng từ bi thương xót đối với dân. Các môn đệ ra đi phải chu toàn sứ mạng theo chiều hướng này.

3. Hành lý các môn đệ mang theo chẳng có gì, ngoài sứ điệp phải truyền đạt. Các ông không là gì khác ngoài tư cách sứ giả của sứ điệp này và các ông không mang theo gì ngoài sứ điệp này. Rõ ràng các ông cần một hành trang và một nơi cư ngụ. Tuy nhiên, các ông không được đòi hỏi gì và bận tâm gì cả. Các ông chỉ phải hoàn toàn quan tâm đến sứ điệp của các ông mà thôi. Một đòi hỏi phải nghèo khó, khiêm nhường và chấp nhận yếu đuối như thế, thì ngược lại với cám dỗ muốn đạt hiệu năng bằng mọi giá.

4. Việc loan báo Tin Mừng không thể là chuyện của một cá nhân riêng lẻ mà là việc của một cộng đoàn, cho dù ở dạng phôi thai. Không người môn đệ nào có thể tự cho rằng mình có sứ điệp Kitô giáo và có thể phản ảnh được hết sự phong phú của sứ điệp. Chính là trong đối thoại mà tôi sẽ nói về một vị Thiên Chúa đã chấp nhận đối thoại với loài người cho đến độ trở thành một người trong loài người.

5. Chúng ta không phải là những người bảo thủ. Chúng ta cảm phục những lời dạy bảo của Đức Giêsu khi đi đường với hành lý gọn nhẹ; Người dạy phải tin tưởng vào Người và tin tưởng sứ điệp mà chúng ta mang theo. Tuy nhiên, có những nơi và những tình huống đòi buộc, thì chúng ta phải dùng đến những nguồn vật chất để cung cấp cho những nhu cầu thể lý của người dân. Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng ta cả thân xác lẫn linh hồn. Vì vậy, các Kitô hữu phải gây quỹ để xây dựng bệnh viện, trại mồ côi, trường học, nhà cửa cho những ai lâm cảnh khốn khó.

Có những Kitô hữu gương mẫu đã thực hiện những công việc tốt lành này, trong số đó, có những người được phong thánh, có những người được biết đến như là những người tốt lành và là những người yêu thương kẻ bần cùng. Họ có thể giỏi với gạch vữa. Nhưng trong tim, họ không đặt tin tưởng vào “túi tiền”, “bao bị” hay “giày dép”, nhưng họ đặt tin tưởng vào Đấng đã sai họ đi với những lời, “Hãy ra đi…”. Nhiều người đã đối diện với “những con sói” tham mồi, tham vọng và uy quyền đang chống lại họ. Họ đã vượt qua những thế lực tiêu cực này, không phải bằng việc đọ súng với nhau, nhưng vượt qua bằng cách nhớ lại Đức Giêsu đã nói rằng họ sẽ có Thánh Thần cùng đồng hành (Siciliano).

(nguồn: catechesis.net)

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con.

Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

RA ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG

A. DẪN NHẬP

Đức Giêsu đã đi rao giảng Tin mừng Nước trời cho dân chúng, để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin mừng. Mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về” (Lc 10, 2).

Sau khi đã trang bị cho họ những khả năng tinh thần tuyệt diệu, Đức Giêsu đã sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng bình an cho mọi người. Ngài ân cần khuyên họ đừng lo tìm an toàn nơi các phương tiện vật chất trần gian. Họ vâng lời ra đi và đã trở về trong hân hoan. Đức Kitô cho họ biết họ hãy vui mừng, vì tên tuổi họ đã được ghi trên Nước trời.

Ngày nay, Đức Giêsu vẫn muốn cho công việc rao giảng Tin mừng ấy phải được tiếp tục trong Hội thánh. Vậy những ai được và phải loan báo Tin mừng ấy? Đó là mọi Kitô hữu. Tất cả những ai đã được chịu phép rửa tội đều có sứ mạng nên thánh và truyền giáo (x. Redemptoris Missio). Như vậy, các thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo không phải chỉ là các linh mục và nam nữ tu sĩ, mà là mọi người mang danh là Kitô hữu. Chúng ta hãy tham gia vào việc truyền giáo bằng cách sống sâu sắc niềm tin của mình và cố gắng trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian trong mọi môi trường xã hội mình đang sống.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 66, 10-14c

Vua Cyrus nước Ba Tư vừa tiêu diệt đế quốc Babylon và ký sắc lệnh cho phép dân Do thái hồi hương. Tuy đã được thoát khỏi ách lưu đầy, dân Do thái vẫn tỏ ra chán nản, vì Giêrusalem vẫn chưa được phục hưng như bao người mong đợi. Tiên tri Isaia yên ủi họ bằng cách nêu lên những niềm hy vọng về một tương lai còn mờ mịt. Sau những cơn đau dữ dội của việc sinh con, người phụ nữ Sion cảm thấy vui mừng thư thái.

Đó là hình ảnh dân Do thái, một dân tộc được Chúa săn sóc với một tình yêu của một người mẹ. Chúa sẽ ban phúc lành cho dân, và phúc lành quí giá nhất là bình an.

+ Bài đọc 2: Gl 6, 14-18

Đây là đoạn cuối thư gửi cho tín hữu Galata, thánh Phaolô nói lên trọng tâm của Đạo thánh là mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô. Có những người coi thập giá là cớ vấp phạm, có người cho là sự điên rồ, nhưng thánh Phaolô đã khám phá ra giá trị tuyệt vời của nó:

- Thập giá đã mang lại ơn cứu độ cho mọi người và ban cho họ sự sống mới.

- Thập giá là lẽ sống của thánh Phaolô: “Đối với tôi, không một vinh quang nào khác ngoài vinh quang thập giá Đức Kitô”.

- Thập giá là nguồn bình an và hạnh phúc của ngài.

+ Bài Tin mừng: Lc 10, 1-12.17-20 - Bài Tin mừng được chia thành hai phần:

a) Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng

Trong bài Tin mừng, Luca và chỉ có Luca tường thuật việc Đức Giêsu tuyển chọn 72 môn đệ và sai đi trước “đến các thành và các nơi mà chính Ngài sẽ tới”. Con số 72 được nhắc đến, phải chăng là để ám chỉ 72 nước phát xuất từ miêu duệ ông Noê sau đại hồng thuỷ, hình ảnh thế giới được kêu gọi đón nhận Tin mừng. Luca nhấn mạnh rằng không riêng gì các Tông đồ, mà tất cả mọi người được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin mừng, vì “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10, 2).

b) Khi đi truyền giáo trở về

Sau một thời gian đi truyền giáo trở về các môn đệ vui mừng kể lại cho Đức Giêsu nghe về những thành công của mình, nhất là thành công trên ma quỷ. Trong tình thân mật thầy trò, Ngài chia vui với các ông, đồng thời cũng nhắc nhở các ông rằng những thành công ấy đáng ghi nhận, nhưng thành công lớn lao là họ được Thiên Chúa coi họ là công dân Nước trời (“tên các con được ghi trên trời”).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Này Thầy sai các con đi

I- CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO HÔM NAY

1. Cánh đồng lúa chín Sichar

Đức Giêsu đã ra đi rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa. Ngài nhận thấy dân chúng muốn được nghe rao giảng Tin mừng. Có những người quên ăn quên ngủ đi theo Chúa để được nghe Ngài giảng, đến nỗi thấy họ đói, Ngài đã làm cho bánh hoá nhiều hai lần để nuôi sống họ. Ngài thấy cánh đồng truyền giáo còn rộng rãi bao la bát ngát trải rộng ra trước mắt Ngài. Cánh đồng lúa chín là mối ưu tư hàng đầu của Ngài, nên khi đi qua cánh đồng lúa chín Sichar, đúng là tức cảnh sinh tình, Ngài đã bộc lộ tâm tư với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa của Người” (Lc 10, 2).

2. Cánh đồng truyền giáo hôm nay

Chúng ta nhận thấy trên thế giới hôm nay có gần 7 tỷ người, nhưng mới có 1, 2 tỷ người biết Chúa. Tại Á châu, trong số 3, 5 tỷ người mới chỉ có 100 triệu tín hữu Công giáo, tính theo tỷ lệ là 2, 6%. Như vậy, cứ 100 cánh đồng lúa chín, mới có 2, 6 cánh đồng có thợ gặt, còn 97, 4 cánh đồng bị bỏ hoang. Chưa kể toàn bộ cánh đồng đã bị bỏ hoang mãi cho đến thế kỷ 16 mới có thợ gặt. Đặc biệt thánh Phanxicô Xaviê không chỉ là thợ gặt mà là máy gặt.

Riêng tại Việt Nam chúng ta, dân số hiện nay lên tới 93 triệu, mà số người Công giáo mới tới 7 triệu, tính ra mới được 7%, còn lại 93% kia thì sao? Cánh đồng truyền giáo của chúng ta vẫn còn trải ra trước mắt.

Vì thế, trước tình trạng khẩn cấp ngày nay, Thượng Hội đồng Giám Mục Á châu đã được tổ chức tại Rôma, từ ngày 19/4 đến 15/5/1998, gồm có 158 vị đại diện hàng Giám mục Á châu và một số Giám mục đại diện các châu lục khác, cùng với một số chuyên viên, tất cả 230 vị dưới quyền hướng dẫn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II để bàn về vấn đề truyền giáo của Á châu ngày nay.

3. Đức Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo

Chỉ có Luca tường thuật việc Đức Giêsu chọn 72 môn đệ và sai đi trước “đến các thành và các nơi mà chính Ngài sẽ tới”. Con số 72 hay 70 (tuỳ theo thủ bản Hy lạp hay Hy bá) có liên hệ với con số 72 dân tộc làm nên nhân loại theo bản thống kê dân số của Kinh thánh sau cơn đại hồng thuỷ (St 10, 10).

Theo các giáo phụ của Giáo hội Công giáo, số 72 là con số có tính cách biểu tượng của các dân tộc và quốc gia trên thế giới vào thời Đức Giêsu sinh sống.

H. Cousin giải thích thêm: Bảy mươi hai ông thực ra không phải chỉ là những giao liên tiền trạm, nhưng họ chính là những đại sứ đặc mệnh toàn quyền, giống như nhóm Mười Hai, có quyền lực trên các thần dữ (9, 17) và có trách nhiệm công bố Nước Thiên Chúa (10, 11). Như thế tác giả muốn xác định rằng không chỉ có Mười Hai ông mới được chính thức được Đức Giêsu bổ nhiệm đi truyền giáo trước lễ Vượt qua. Nhưng khi Đấng Phục sinh hiện ra, thì cả Nhóm Mười Một với những người đồng hành sẽ là những người được Chúa trao cho sứ mạng truyền giáo (Fiches dominicales C, tr 239).

II- TƯ CÁCH CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

1. Tinh thần hiệp thông

Đức Giêsu sai “Cứ từng hai người” đi trước Ngài vì họ phải hoạt động với tư cách chứng nhân. Theo truyền thống Kinh thánh, người ta không được đặt tin tưởng vào lời xác quyết của một người duy nhất, mà cần phải có lời của hai hoặc ba nhân chứng.

H. Cousin quả quyết: “Con số hai không do ngẫu nhiên, bởi vì khi có tranh cãi (Đnl 19, 15), câu nói đáng tin phải dựa trên lời của hai hoặc ba nhân chứng, trường hợp giả dụ được nói đến ở câu 10-11. Trong sách Công vụ Tông đồ, Luca sẽ minh hoạ công việc truyền giáo của “từng cặp”, như Phaolô và Barnabê (13, 2-4), Barnabê và Marcô, Phaolô và Sila (15, 39-40) (Fiches dominicales C, tr 240).

2. Tinh thần chịu đựng

Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ: “Thầy sai các con đi như chiên con đi giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Các con hãy ra đi! Đây là một lệnh truyền. Ngài không che giấu sự khó khăn trong việc truyền giáo. Sự khó khăn này do kẻ thù của Nước trời gây ra. Các ông sẽ bị bắt bớ bởi đó là số phận của những kẻ được gọi để rao giảng Nước trời. Đứng trước những khó khăn, các môn đệ như con chiên giữa sói rừng. Con chiên thì hiền lành. Vì thế các môn đệ phải có lòng khoan dung, nhân hậu và yêu thương thù địch, chứ không thù oán như thái độ của Giacôbê và Gioan đối với người Samaria (Lc 9, 54).

3. Tinh thần siêu thoát

Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép...”. Đức Giêsu đòi các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát đối với của cải vật chất. Nói rõ ra, Ngài đòi các môn đệ phải sống khó nghèo thực sự, vì khó nghèo là điều kiện để được vào Nước trời (Lc 6, 20). Không nên ỷ vào các phương tiện của con người. Đức Giêsu đã không sử dụng võ khí của quyền lực, của giàu sang, lộng lẫy, huy hoàng... Do đó, yêu sách đầu tiên của Giáo hội là theo gương của Thầy mình là trở nên khó nghèo.

4. Tinh thần nhanh nhẹ

Đừng chào hỏi ai dọc đường”

Đây không phải là một lệnh về sự vô lễ, nhưng là một sứ mệnh khẩn cấp không được trì hoãn. Giống như xưa kia người đầy tớ của tiên tri Êlisê trong sách các Vua (2V 4, 29), các sứ giả được lệnh lên đường đừng mất nhiều thì giờ trong việc chào hỏi dài dòng của người phương Đông.

Lời khuyên nhủ này có ý nhắc nhở các môn đệ hãy tránh xa những chuyện vô ích thường thấy trong xã hội Cận đông thời Đức Giêsu. Người môn đệ đi truyền giáo đừng chia trí nhưng dồn nỗ lực vào việc rao giảng Nước Trời là điều cấp bách.

5. Tinh thần kiên nhẫn

Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón”

Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về vấn đề này. Ngài đã phải đối diện với những thất bại, những sự khước từ, chống đối, không tin. Do đó, Ngài muốn truyền cho các môn đệ kinh nghiệm đó, để các ông đừng ngạc nhiên, đừng thất vọng. Nhưng các ông hãy tin chắc rằng, dù các ông có muốn hay không, một ngày kia, Thiên Chúa sẽ hiển trị, Nước Thiên Chúa sẽ phổ biến khắp nơi.

Tuy nhiên, về phía các ông, trong thời gian rao giảng Tin mừng, các ông sẽ gặp phải sự chống đối và khước từ. Các ông hãy nhẫn nhục chịu đựng, đừng nổi nóng lên như trường hợp ông Giacôbê và Gioan muốn xin lửa trên trời xuống đốt cháy dân làng Samaria đã dám từ chối không tiếp nhận Đức Giêsu và các ông. Sau cùng, những thất bại cấp thời của các ông vẫn góp phần vào việc làm thành một thành công lớn: Nước Chúa sẽ hiển trị. Đừng sợ thất bại vì ngạn ngữ Pháp và Nguyễn Thái Học có nói: “Thất bại là mẹ thành công”.

III- ƠN GỌI RA ĐI TRUYỀN GIÁO

1. Sứ mạng truyền giáo của mọi người

Khi xuống thế làm người, một phần nào đó, Đức Giêsu bị hạn chế trong không gian và thời gian, nhưng quyền năng của một Ngôi Vị Thiên Chúa nơi Ngài đâu có bị giảm sút. Thế mà, thay vì sống trăm tuổi hay trường thọ hơn nữa, để có đủ thời giờ rao giảng Tin mừng cứu độ muôn dân, thì Ngài lại chỉ sống có 33 năm và dành vỏn vẹn có 3 năm để đi giảng đạo. Thêm vào đó, Ngài còn nhờ đến mấy ông quê mùa, dốt nát phụ giúp công việc truyền đạo khi chọn 12 Tông đồ và 72 môn đệ. Kết quả là sau 20 thế kỷ, nhân loại nay đã gần 7 tỷ người mà chỉ có một tỷ hai Kitô hữu. Tại sao Chúa không dùng quyền phép bắt nhân loại theo đạo cả mà phải nhờ đến con người phụ giúp và còn dạy phải xin Chúa Cha sai thêm thợ gặt truyền giáo?

Lý do là vì Chúa muốn mọi tín hữu phải thâm tín rằng việc rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa là công việc của con người, chứ không phải để mặc Chúa lo toan, định liệu cả. Vì thế, Khi Đức Giêsu bảo chúng ta xin Chúa Cha sai thêm thợ gặt, điều đó chứng tỏ Chúa muốn trao cho chúng ta trách nhiệm là phải lo lấy phần rỗi của mình và của anh em nữa.

Ngay khi lãnh Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu đã được Chúa Cứu Thế kêu mời tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Trong hiến chế tín lý Lumen Gentium, công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng ơn gọi nên thánh phổ quát bao gồm trong lời mời gọi mọi người tiến đến sự trọn hảo của lòng bác ái. Sự nên thánh và sứ mạng truyền giáo là những khía cạnh bất khả phân ly của ơn gọi dành cho mọi người đã chịu phép rửa tội. Cam kết trở nên thánh thiện hơn được liên kết chặt chẽ với sứ mạng truyền bá thông điệp cứu độ.

Trong thông điệp Redemptoris Missio của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đoạn 9, có nhắc lại rằng: “Mọi tín hữu được mời gọi đến với sự thánh thiện và sứ mạng truyền giáo”.

2. Việc Tông đồ giáo dân

Bảy mươi hai môn đệ còn là hình bóng của mọi tín hữu được kêu mời tham gia vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm. Đức Giêsu đã nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”. Vậy thợ gặt là ai? Trước đây người ta thường dành danh xưng “thợ gặt” cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhà truyền giáo. Đây là một nhầm lẫn. Không ai có thể trở thành Kitô hữu mà lại không cảm nghiệm nơi mình nỗi lo âu của Đức Giêsu trước cánh đồng lúa chín mênh mông. Những tác vụ đa dạng sẽ làm nảy sinh những hình thức hoạt động khác nhau nơi mỗi người, nhưng ai nấy theo cách của mình, đều được gọi và làm việc ở đồng lúa chín (L. Sintas).

Thánh Luca cho biết các cộng đoàn Kitô hữu được khai sinh ở giữa các đô thị và vùng đất của dân ngoại. Một số các nhà thờ địa phương ấy được khai sinh không phải do hoạt động của các Tông đồ được chính thức uỷ nhiệm, nhưng do hoạt động tông đồ của giáo dân, của các ông, các bà phải di chuyển vì nghề nghiệp và họ đã loan báo Đức Giêsu (Rm 16).

Giáo hội được xây dựng trên nền tảng Tông đồ thì đồng thời cũng dựa trên sức mạnh của từng viên gạch nối kết đó đây xuất hiện những Giáo hội địa phương giữa vùng đất “ngoại” do những người đàn ông đàn bà giáo dân gầy dựng. Giáo hội Triều Tiên chẳng hạn đã được khai lập đầu tiên không phải do các linh mục thừa sai mà do chính giáo dân bản xứ, như ngày xưa, tiếng gọi của một người Macédonia: “Hãy vượt biển, đến cùng chúng tôi” (Cv 16, 9) đã hấp dẫn Phaolô và là nguyên do của giáo đoàn.

Truyện: Chúa cần bàn tay bạn

Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công giáo, bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua, rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.

Một hôm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị linh mục đã từ chối. Ngài nói:

- Tôi có một ý tưởng hay hơn: Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này: BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BẠN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 494).

3. Truyền giáo bằng sống niềm tin

Trong bí tích Rửa tội, linh mục hỏi người chịu phép rửa: - Hôm nay con xin gì cùng Hội thánh?

Người chịu phép thưa: - Thưa, con xin đức tin. Linh mục hỏi tiếp: - Đức tin sinh ơn ích gì cho con?

Người chịu phép thưa: - Thưa, đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Như vậy, Thiên Chúa đã ban đức tin cho người chịu phép rửa tội, và một khi đã là một Kitô hữu thì phải có đức tin. Một Kitô hữu chỉ có đức tin thôi chưa đủ, còn phải sống đức tin nữa, nghĩa là phải thể hiện đức tin ấy trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì thế, thánh Giacôbê đã quả quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Có người cho rằng sống đức tin Kitô giáo là biết “sống tử tế” với mọi người. Sống tử tế là sống thế nào cho xứng với danh hiệu là “Kitô hữu”, người được mang tên Chúa, được thuộc về Chúa. Một trong những cuốn phim gây nhiều chú ý nhất ở ngoại quốc trong thập niên 80 là phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Cuốn phim này được hãng truyền hình Pháp S.R.K mua và được trình chiếu trong chương trình có tên “Đại dương”. Khi một ký giả ngoại quốc hỏi: “Những người Kitô Việt Nam có thể làm gì để giúp dân tộc họ sống tử tế”? Nhà đạo diễn đã trả lời: “Điều người ta mong đợi ở các người Kitô hữu Việt Nam là niềm tin của họ và họ phải sống điều họ tin”.

Lời phát biểu của nhà đạo diễn trên đây đáng để chúng ta suy nghĩ. Sống trong một dân tộc còn nhiều người chưa biết Chúa. Sống trong một đất nước còn nhiều khó khăn. Sống trong một xã hội còn nhiều giả dối, gian manh, lừa đảo, tiêu cực, thì đối với người Kitô, tin và sống niềm tin của mình là phải sống, phải tin thật tử tế, tức là tin và sống tình nhân loại, sống quảng đại, tóm lại là sống tình người với nhau. Tin và sống như thế không phải chỉ là cách sống dành cho các nữ tu, các linh mục mà cũng chính là sứ mạng và ơn gọi của mỗi Kitô hữu chúng ta (Lm. Phạm Văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng, năm C, tr 161).

Truyện: Đức tin sống động

Felix Frankfurter là một quan tòa nổi tiếng của toà án tối cao của Hoa Kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy.

Trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng khám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau: Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản, chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin của chị.

Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chị đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay mà Đức Giêsu cần đến. Chúa cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể trở thành Đấng an ủi như Người muốn làm.

Một quan hệ thật sự với Đức Giêsu sẽ có một ảnh hưởng cả khi người có mối quan hệ ấy không đề cập đến Đức Giêsu. Dĩ nhiên, những người tin vào Đức Giêsu và yêu mến Người, cũng sẽ, khi thuận lợi, nói về Đức Giêsu một cách rõ ràng cởi mở (McCarthy).

4. Truyền giáo bằng đèn sáng và muối đất

Đức Giêsu đã gọi các môn đệ của Ngài là muối cho đời và ánh sáng cho thế gian (Mt 5, 13-14). Muối, ánh sáng và thành xây trên núi là những hình ảnh nói lên vai trò chứng tá của môn đệ Chúa trên trần gian.

Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn, nhưng muối có hai công dụng chính: ướp cho khỏi hư và làm gia vị. Người môn đệ phải giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho sự thăng tiến của xã hội. Người Kitô hữu mang danh nghĩa là con cái Thiên Chúa, phải hết sức bảo vệ và phát triển danh nghĩa ấy trong môi trường thế gian, nếu không làm như vậy, thì người Kitô hữu đã bị biến chất và trở nên vô dụng, vô tích sự.

Còn ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, nhận rõ các đồ vật. Người Kitô hữu là con cái sự sáng, phải dùng đời sống gương mẫu và chứng tá của mình để soi dẫn cho những người chung quanh biết đường về cùng Thiên Chúa. Việc toả sáng bằng đời sống gương sáng và chứng tích để lôi cuốn, phải được coi là bổn phận của người Kitô hữu vì “đèn thắp lên là để soi sáng cho mọi người trong nhà”

Là muối, là ánh sáng thế gian, hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta cần phải thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống toả lan tình người. Dù chỉ là ngọn đèn mù mờ giữa biển khơi, chứng từ của một Kitô hữu vẫn luôn cần thiết cho cuộc sống.Truyện: Ảnh hưởng của chứng từ

Ông Pi-tơ Bơ-rốt là một người ngoài công giáo, ông hằng ước ao chứng kiến đời sống thánh thiện của Giám mục Fénélon. Ngày kia ông đã liên lạc với vị Giám mục thời danh xin ngài cho ông tới thăm một thời gian.

Vị Giám mục đã niềm nở tiếp đón khách và đối xử ân cần đến nỗi Pi-tơ Bơ-rốt còn thấy thoải mái hơn cả ở nhà mình. Tuy nhiên chỉ lưu lại được vài ngày ông đã thu dọn hành lý, chào vị Giám mục và ra đi trước thời hạn dự định. Khi được hỏi tại sao ông lại vội vàng bỏ đi như vậy, ông Pi-tơ Bơ-rốt đã thú nhận: “Tôi không thể ở lại lâu hơn. Vì nếu còn ở lại, sớm muộn tôi cũng sẽ theo đạo Công giáo mất, một điều mà hiện tại bản thân tôi chưa muốn”.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

XATAN TỪ TRỜI SA XUỐNG     

Nhân Danh Chúa Giêsu mà đuổi được ma quỷ,

đó là kinh nghiệm nổi bật của nhóm bảy mươi môn đệ.

Chính vì thế sau khi hoàn thành việc dọn đường cho Chúa,

nhóm này đã trở về, hân hoan khoe với Thầy chiến công.

Họ không kể chuyện họ loan báo Tin Mừng hay chữa bệnh,

nhưng lại kể cho Thầy chuyện họ khuất phục được ma quỷ.

Dĩ nhiên, họ không đuổi quỷ nhờ quyền uy của họ,

nhưng đơn giản là nhờ sức mạnh nơi Tên của Thầy.

Khi đọc Tên của Thầy, Tên Giêsu, thì ma quỷ khiếp vía,

dù chúng nó chẳng phải dạng vừa.

Các môn đệ rất vui về chuyện họ thắng một quyền lực lớn,

chỉ nhờ gọi Tên Thầy Giêsu (Lc 10, 17).

Ma quỷ chiếm ngự, làm chủ và bắt con người làm nô lệ.

Chúng nó là “người mạnh mẽ được vũ trang đầy đủ” (Lc 11, 21),

Nhưng Chúa Giêsu mới là “người mạnh hơn, ”

Ngài đã tước đoạt vũ khí của chúng (Lc 11, 22).

Ma quỷ chẳng phải là kẻ xa lạ với Chúa Giêsu.

Ngài đã thắng chúng từ cơn cám dỗ đầu tiên ở hoang địa,

và tiếp tục thắng trong những cuộc đối đầu sau này.

Nhưng Ngài không giữ riêng cho mình quyền trừ quỷ.

Ngài đã cho Nhóm Mười Hai năng lực và uy quyền

để họ trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật (Lc 9, 1).

Ngài cũng đã cho nhóm bảy mươi quyền chữa bệnh.

Bị thần ô uế ám là một bệnh cần chữa lành (Lc 6, 18).

Khi lũ quỷ bị tống khứ, thì con người được tự do (Lc 8, 35).

Nước Thiên Chúa chiến thắng khi Nước của quỷ sụp đổ.     

“Ma quỷ”, “Xatan”, “Kẻ Thù”, “các Thần dữ”

là những từ được dùng chỉ trong bốn câu (Lc 10, 17-20).

Chúng được dùng để chỉ những tà thần cám dỗ con người.

Xatan sẽ nhập vào anh Giuđa, thành viên của Nhóm Mười Hai,

và nó còn đòi sàng Nhóm này như sàng gạo (Lc 22, 3.31).

Đối với Chúa Giêsu, Xatan là một hiện hữu có thật.

Nhưng Ngài đã bảo vệ các môn đệ,

ban cho họ quyền uy để giày đạp sức mạnh của nó (Lc 10, 19).

Cuộc chiến giữa các môn đệ và Xatan kéo dài đến tận thế.

Những ai chịu Phép Thánh Tẩy đều tham gia cuộc chiến này,

vì chính Chúa sai họ đi như các nhóm môn đệ xưa.

Sớm muộn âm mưu của Xatan sẽ thất bại.

Chúa Giêsu thấy nó như tia chớp từ trời sa xuống (Lc 10, 18).

Khi chịu Phép Thánh Tẩy, chúng ta long trọng tuyên hứa

từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi.

Kể từ khi ấy, chúng ta đứng ở tư thế đối đầu với Xatan.

Xatan luôn rình rập và quyến rũ chúng ta xa Chúa.

Vì chúng ta không đủ sức chống lại Xatan,

nên phải xin Cha đừng để mình sa chước cám dỗ,

và cứu chúng ta khỏi tay Ác thần (Mt 6, 13).

Mỗi giáo phận có những vị được chỉ định để trừ quỷ.

Tuy nhiên, các giáo dân cũng tham gia vào công việc này.

Khi sống giữa đời, họ cảm nhận được sức mạnh của thần dữ.

Satan quỷ quyệt len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Satan khéo léo thúc đẩy thế giới đi vào đường của nó.

Đường của Xatan không khó để nhận ra.

Đó là con đường dẫn đến xung đột, giết chóc và dối trá.

Nơi con đường này không có chia sẻ, tha thứ, cảm thông,

chỉ có đấu tranh để giành lấy quyền lực và quyền lợi.

Người giáo dân trừ quỷ khi ngăn chặn cái xấu ở mọi nơi.

Họ đẩy lui cái xấu bằng cách xây dựng bầu khí thánh.

Trong bầu khí này, mọi người vui sống như anh em,

và coi nhau như con cái Cha trên trời.

Hôm nay, chúng ta thấy mình được Chúa sai đến mọi nơi.

Chúng ta cứ chúc bình an, cứ chữa lành, cứ trừ quỷ,

cứ loan báo Nước Thiên Chúa nhân danh Chúa Giêsu,

và vui sướng vì biết tên mình được ghi trên trời.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa không nhận mình là ngọn lửa,

nhưng nói mình ném lửa trên trần gian.

Chúa không nhận mình là ngọn lửa,

nhưng nhận mình là Ánh sáng.

Chúng con là những người được hưởng Ánh sáng của Chúa.

Xin đẩy xa chúng con bóng tối của ích kỷ, sa đọa, mưu mô,

bóng tối của thất vọng, chán chường, sợ hãi.

Xin cho chúng con sống đúng lời Chúa nói:

Các con là ánh sáng cho trần gian.

Ước gì chúng con làm chứng cho Ánh sáng Chúa,

trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào,

bằng đời sống trong sạch, ngay thẳng, vui tươi.                                             

Chúa đã thắp sáng ngọn đèn cuộc đời chúng con.

Xin đặt chúng con trên đế

để soi chiếu cho thế giới hôm nay.

Chỉ mong cho danh Chúa được cả sáng hơn. Amen.

 

5. Suy niệm (song ngữ)

Bài Đọc I: Isaia 66, 10-14
II: Galát 6, 14-18

14th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 66:10-14
II: Galatians 6:14-18

Gospel
Luke 10:1-12, 17-20

1 After this the Lord appointed seventy-two others and sent them two by two ahead of him to every town and place where he was about to go.

2 He told them, "The harvest is plentiful, but the workers are few. Ask the Lord of the harvest, therefore, to send out workers into his harvest field.

3 Go! I am sending you out like lambs among wolves.

4 Do not take a purse or bag or sandals; and do not greet anyone on the road.

5 "When you enter a house, first say, `Peace to this house.’

6 If a man of peace is there, your peace will rest on him; if not, it will return to you.

7 Stay in that house, eating and drinking whatever they give you, for the worker deserves his wages. Do not move around from house to house.

8 "When you enter a town and are welcomed, eat what is set before you.

9 Heal the sick who are there and tell them, `The kingdom of God is near you.’

10 But when you enter a town and are not welcomed, go into its streets and say,

11 `Even the dust of your town that sticks to our feet we wipe off against you. Yet be sure of this: The kingdom of God is near.’

12 I tell you, it will be more bearable on that day for Sodom than for that town.

17 The seventy-two returned with joy and said, "Lord, even the demons submit to us in your name."

18 He replied, "I saw Satan fall like lightning from heaven.

19 I have given you authority to trample on snakes and scorpions and to overcome all the power of the enemy; nothing will harm you.

20 However, do not rejoice that the spirits submit to you, but rejoice that your names are written in heaven.

Phúc Âm
Luca 10, 1-12, 17-20

1 Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.

2 Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người.

3 Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng.

4 Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.

5 Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’.

6 Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con.

7 Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

8 "Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho.

9 Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

10 "Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói:

11 ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’.

12 Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

17 Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con".

18 Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp.

19 Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con.

20 Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

Interesting Details

  • (v.1) "After this": after entering a Samaritan village and being rejected by the Samaritans (9:51-53), Jesus continues His journey to Jerusalem where His exodus - suffering, death, resurrection and ascension - is to take place.
  • "seventy-two others": according to the rabbinic teaching there were seventy-two nations in the world (Gen10:2-31). Luke probably means the universal mission of the church after the departure of Jesus.
  • "Two by two": being sent in pairs, Jesus’ disciples are to give each others mutual support and to bear witness to the truth of their formal testimony (Deut19:15, Mt18:16).
  • (v.3) "lambs in the midst of wolves": a reminder that missionaries may be defenseless before hostile peoples, it also recalls the prophecy of Isaiah that the lamb will lie down with the wolf. (Is 11:6, 65:25).
  • (v.4) "carry no purse...salute no one on the road": because of the urgency of the mission, the missionaries are to be detached from material possessions, not to take anything along, not even be distracted by the customary greetings.
  • (v.17)"demons": recall Jesus’ power over the demons in Galilee (8:26-39). Jesus gave the seventy-two disciples the same power that was given the Twelve (9:1-2).
  • (v.19) "serpents and scorpions": were the sources of physical evil in Palestinian life and the forces of destruction (Acts 28:1-6).
  • (v.20) "your names are written in heaven": the disciples themselves have received the gift of salvation.

Chi Tiết Hay

  • (c.1) "Sau đó": sau khi vào làng Sa-ma-ri và bị dân làng từ chối tiếp đón (9:51-53), Đức Giêsu tiếp tục cuộc hành trình của Ngài lên Giêrusalem để chịu nạn, chịu chết, được phục sinh và lên trời.
  • "bảy mươi hai": theo sự giảng dạy của Do Thái giáo có bảy mươi hai quốc gia trên thế giới (Kh 10:2-31). Luca có thể muốn ám chỉ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội cho toàn thể nhân loại sau khi Đức Giêsu ra đi.
  • "từng hai người một": Các môn đệ được sai đi từng hai người một để giúp đỡ nhau và cũng để làm chứng lẫn cho nhau về những gì họ kể lại (Đnl 19:15, Mt 18:16).
  • (c.3) "chiên con giữa bầy sói": cho thấy trước các thừa sai sẽ không có phương tiện tự vệ khi gặp những sự hung dữ nơi các xứ xa lạ, và cũng nhắc lại lời tiên tri của Isaia rằng chiên con sẽ nằm bên sói dữ (Is. 11:6, 65:25)
  • (c.4) Vì sự cấp bách, các thừa sai của Đức Giêsu phải tự do với của cải vật chất, không đem theo gì cả, và cũng không để bị chi phối bởi những tục lệ chào hỏi thông thường.
  • (c 17) "ma quỉ": nhắc lại quyền năng của Đức Giêsu trên ma quỉ tại Galilê (8:26-39). Đức Giêsu trao cho bảy mươi hai môn đệ quyền trừ ma quỉ tương tự như đã cho Nhóm Mười Hai (9:1-2).
  • (c.19) "rắn rết, bọ cạp": là những hiện thực của sự dữ trong cuộc sống Palestine (Cvtđ 28:1-6)
  • (c.20) "tên anh em được ghi trên trời": các môn đệ đã được lãnh nhận phần thưởng cứu chuộc.

One Main Point

The disciples are successful because they are instruments of God’s grace. That is the real reason for rejoicing.

Một Điểm Chính

Các môn đệ đã thành công trong sứ mệnh đi rao giảng vì họ là khí cụ của ân sủng Thiên Chúa. Đó là lý do thực sự để các ông vui mừng.

Reflections

  1. How does Jesus ask you to spread the Gospel in the world today? What obstacles do you see in your path? What do you need to overcome these obstacles?
  2. Have you ever felt like a lamb walking among wolves? What did you learn from those experiences?

Suy Niệm

  1. Đức Giêsu mời tôi rao giảng Tin Mừng của Ngài như thế nào trong thế giới ngày hôm nay? Đâu là những trở ngại tôi đang gặp? Tôi cần những gì để vượt thắng những trở ngại này?
  2. Đã bao giờ tôi cảm thấy như một chiên non đi giữa sói dữ chưa? Tôi đã học được kinh nghiệm gì chăng?

 

Top