Thư Mục Tử về Bảo Vệ Môi Trường

Thư Mục Tử về Bảo Vệ Môi Trường

Thư Mục Tử về Bảo Vệ Môi Trường

Kính gửi Anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận

1. Những thông tin trong thời gian gần đây nhắc nhớ cho tôi bổn phận giáo dục kitô giáo là giúp mọi thành viên trong gia đình ý thức trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Ghi nhận sự kiện

2. Cách đây ít tháng, người dân Thành phố xôn xao khi báo chí phanh phui vụ việc nhà máy sản xuất của công ty Vedan đã gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Thị Vải, tác động đến đời sống và sinh hoạt của hàng trăm gia đình sinh sống trong vùng. Mới đây, nhiều nhân sĩ trí thức trong cũng như ngoài nước, lại lên tiếng cảnh báo về việc khai thác bôxít tại Tây Nguyên có thể gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như an sinh xã hội. Mối quan ngại này rất đáng quan tâm và Quốc Hội đã quyết định đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự trong lần họp nầy.

3. Bên cạnh những vụ việc lớn như Vedan và khai thác bôxít, khi thăm viếng mục vụ tại các giáo xứ trong Thành phố cũng như khi thăm nhiều tỉnh thành trong nước, tôi đều thấy tình trạng ô nhiễm môi trường tác hại đến sức khoẻ của cộng đồng, huỷ diệt môi sinh, gây hậu quả nghiêm trọng làm cho nhiều người phá sản, thậm chí có nhiều người, nhiều khu xóm đã trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Những hậu quả đó cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Vì thế tôi muốn nhắc nhở anh chị em những nguyên tắc hướng dẫn trong giáo huấn của Giáo Hội về môi trường, nhằm giúp anh chị em trong đời sống xã hội, có những phán đoán và hành động đúng đắn trong nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc hướng dẫn

4. Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho hết mọi người. Không ai trong chúng ta tạo dựng nên môi trường thiên nhiên. Khi ta sinh ra, môi trường đó đã có rồi. Và đời sống con người gắn liền với thiên nhiên, nhờ đó ta sống và lớn lên. Quà tặng và tài nguyên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay.

5. Vì môi trường là tài nguyên dành cho mọi người, nên không thể nhân danh phát triển kinh tế và tích luỹ lợi nhuận cho một thiểu số mà huỷ hoại môi trường của đại đa số, nhất là của người nghèo, không có phương tiện tự vệ. Những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy các nhà đầu tư chỉ tính toán lợi nhuận mà không quan tâm đủ đến tác động của việc sản xuất trên môi trường sống của con người. Phát triển kinh tế theo chiều hướng đó không thể bền vững, và cũng không vì công ích của xã hội, không vì tương lai của đất nước.

6. Vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong phát triển kinh tế, phải quan tâm đến sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên. Các tài nguyên thiên nhiên không phải là nguồn nguyên liệu vô hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được. Do đó, không thể khai thác thiên nhiên một cách ích kỷ, làm phương hại trầm trọng đến nguồn dự trữ tài nguyên cho thế hệ hiện tại cũng như tương lai. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy tình trạng phá rừng và gây ô nhiễm nguồn nước đã để lại những hậu quả nghiêm trọng như thế nào cho đời sống của người dân.

7. Vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong tiến trình phát triển kinh tế, cần phải quan tâm đến quyền lợi của người dân bản địa. Cuộc sống và cả văn hoá của dân bản địa gắn liền với đất đai và môi trường khai sinh ra họ. Do đó, những dự án phát triển kinh tế cần phải quan tâm đến quyền lợi của dân bản địa. Nếu không, sẽ có thể tạo ra xáo trộn, bất ổn, xung đột trong xã hội.

Những gợi ý hành động cụ thể

8. Trước hết, bổn phận của người kitô hữu là cầu nguyện cho nhà cầm quyền cũng như giới hữu trách được khôn ngoan sáng suốt trong việc đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân và rủi ro của môi trường thiên nhiên. Giáo Hội Công giáo đề nghị rằng trong những trạng huống mà các dữ kiện khoa học mâu thuẫn nhau hoặc dữ kiện thu thập được chưa đủ, giới hữu trách nên hành động theo nguyên lý dự phòng, nghĩa là chỉ đưa ra những quyết định tạm thời, có thể sửa đổi dựa trên những dữ liệu khoa học sau này mới biết được.

9. Bổn phận người kitô hữu còn là tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường. Nếu anh chị em là những người đầu tư vào công việc sản xuất, anh chị em cần quan tâm đến tác động của việc sản xuất đối với môi trường. Dù không phải là nhà sản xuất, mỗi người đều phải biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống của mình và của mọi người, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày, như không xả rác nơi công cộng, không làm mất vệ sinh trong khu xóm...

10. Trong những sự kiện như vụ việc Vedan và khai thác bôxít ở Tây Nguyên, đã có nhiều tiếng nói được gióng lên trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Đây là dấu chỉ lành mạnh của một xã hội dân chủ, trong đó người dân ý thức trách nhiệm tham gia vào tiến trình quyết định về những vấn đề liên quan đến đời sống của họ và của đất nước. Là người công giáo, chúng ta ý thức rằng việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là trách nhiệm gắn liền với niềm tin kitô giáo của mình. Vì thế, thông qua các cơ quan dân cử và các phương tiện truyền thông, anh chị em hãy chân thành và thẳng thắn góp ý với giới hữu trách biết yêu dân yêu nước, biết lấy dân làm gốc, đặc biệt trong những vấn đề có tầm quan trọng đối với vận mệnh của đất nước và phúc lợi của nhân dân. Đó là cách thể hiện niềm tin của chúng ta, niềm tin dấn thân xây dựng xã hội thành một cộng đồng nhân loại mới sống trong tình yêu và sự thật, trong công lý và an bình.

Kết luận

11. Thánh Kinh kể lại rằng khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm chăm sóc, trông coi công trình tạo dựng của Ngài (x. ST 1,28). Vì thế, đối với các kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng. Chúng ta hãy tích cực góp phần vào công trình đó để tất cả nên lời tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và là Cha yêu thương hết mọi người.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 31. 5. 2009
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục

Top