“Thế giới mong manh”: Giáo huấn Giáo Hội về sinh thái trước và theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

“Thế giới mong manh”: Giáo huấn Giáo Hội về sinh thái trước và theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

“THẾ GIỚI MONG MANH”
Giáo huấn Giáo Hội về sinh thái trước và
theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ĐANG SOẠN THẢO MỘT VĂN KIỆN VỀ MÔI TRƯỜNG, VÀ DONAL DORR HY VỌNG RẰNG VĂN KIỆN HÌNH THÀNH SẼ PHÁT TRIỂN CÁC LIÊN KẾT MÀ ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ VÀ LIÊN TỤC THỰC HIỆN GIỮA “MỐI QUAN TÂM VỀ ĐẤT ĐƯỢC KHAI THÁC VÀ MỐI QUAN TÂM VỀ NHỮNG NGƯỜI BỊ GẠT RA BÊN LỀ VÀ BỊ BÓC LỘT”. LÀM THẾ NÀO SO SÁNH TƯ DUY CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ MÔI TRƯỜNG VỚI CÁC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II VÀ BÊNÊĐICTÔ XVI?

Donal Dorr SMA là một nhà thần học và là một thành viên của Hiệp hội Truyền giáo St Patrick. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách và bài ​​viết về công bằng xã hội và Giáo Huấn Xã hội Công giáo.

Trong phần đầu của bài này, tôi sẽ đưa ra một phác thảo ngắn gọn về các yếu tố then chốt trong giáo huấn chính thức của Vatican về sinh thái trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu. Trong phần thứ hai, tôi sẽ trình bày phương pháp tiếp cận của Đức Giáo hoàng Phanxicô và suy đoán về những gì chúng ta có thể hy vọng trong thông điệp hoặc văn kiện về sinh thái mà bây giờ chúng ta được chính thức báo là ngài đang viết.

Giáo huấn Công giáo về sinh thái trước Đức Giáo Hoàng Phanxicô [1]

Năm 1971, văn kiện Công bằng trên Thế giới, do Thượng Hội Đồng Giám Mục ban hành, tiêu biểu cho một bước tiến quan trọng trong sự phát triển giáo huấn Công giáo về môi trường; Barbara Ward-Jackson là một nhà tư vấn trước và trong Thượng Hội Đồng và chắc chắn đã có một ảnh hưởng đáng kể trên kết quả của kỳ họp. Văn kiện này nhấn mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa sinh thái và công bằng; ta có thể nói rằng nó liên kết một “lựa chọn người nghèo” với một “lựa chọn trái đất” – mặc dù văn kiện đã không sử dụng những thuật ngữ này. Văn kiện khẳng định rằng tất cả các nơi trên thế giới không thể có loại “phát triển” đặc trưng cho các nước giàu[2] Do đó, văn kiện kêu gọi những người giàu “chấp nhận một lối sống ít vật chất hơn, với chất thải ít hơn, để tránh sự phá hủy di sản mà lẽ công bằng tuyệt đối buộc họ có nghĩa vụ chia sẻ với tất cả các thành viên khác của con người nhân loại"[3].

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Trong thông điệp đầu tiên Redemptor hominis (1979) của mình, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo về “nguy cơ ô nhiễm môi trường thiên nhiên”[4]Trong thông điệpSolicitudo Rei Socialis 1987 của mình, ngài nhắc đến “những giới hạn của các tài nguyên sẵn có” và sử dụng thuật ngữ “sự toàn vẹn và những nhịp điệu của thiên nhiên”[5]Trong việc mô tả mối quan hệ giữa con người và phần còn lại của thiên nhiên, Đức Gioan Phaolô đôi khi sử dụng ngôn ngữ mà bây giờ chúng ta sẽ tránh – viết về “sự khai thác trái đất” theo ý nghĩa thuận lợi và viết về con người là “chủ” của trái đất[6]Tuy nhiên, trong nhiều dịp khi ngài gặp người dân bản địa ở các vùng khác nhau của thế giới, ngài luôn nhấn mạnh mối quan hệ thiết yếu tồn tại giữa các dân tộc bản địa và đất đai của họ.

“Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới” 1990 của Đức Gioan Phaolô đưa ra một giáo huấn khá toàn diện về sinh thái và đã đi một chặng đường dài hướng tới việc tạo điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo bắt kịp với phương pháp đã được triển khai trong Hội đồng các Giáo hội Thế giới. Sứ điệp chỉ ra rằng:

Sự suy giảm dần dần tầng ôzôn và “hiệu ứng nhà kính” có liên quan hiện nay đã đạt tới mức khủng hoảng như một hệ quả của sự phát triển công nghiệp, sự tập trung đô thị quy hàng loạt và các nhu cầu về năng lượng gia tăng trên mức độ lớn. Chất thải công nghiệp, sự đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch, tình trạng phá rừng không hạn chế, việc sử dụng một số loại thuốc diệt cỏ, chất làm lạnh và chất đẩy: ta biết tất cả những thứ này đều gây tổn hại cho bầu không khí và môi trường[7]. 

Khi tiếp tục xem xét làm thế nào có thể khắc phục vấn đề sinh thái, sứ điệp này nhấn mạnh về nhu cầu về “một cách tiếp cận được phối hợp trên bình diện quốc tế nhiều hơn để quản lý tài sản trái đất”[8]; và sứ điệp chỉ ra rằng vấn đề sinh thái không thể giải quyết được trừ khi xã hội hiện đại “có một cái nhìn nghiêm túc về phong cách sống của mình”. Sứ điệp nhấn mạnh rằng:“tính đơn giản, điều độ và kỷ luật, cũng như một tinh thần hy sinh, phải trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày”[9]Sứ điệp cũng nhấn mạnh vào tính  toàn vẹn của các tạo vật. Tuy nhiên, trong văn kiện này và những văn kiện sau đó, Đức Gioan Phaolô đã có một quan niệm quy nhân luận (anthropocentric conception) về quan hệ giữa con người và phần còn lại của thiên nhiên – nhìn thấy một cách gần như tổng thể giá trị của các phần còn lại của thế giới thiên nhiên về mặt giá trị đối với con người.

Trong thông điệp xã hội Centesimus annus năm 1991 của mình, Đức Gioan Phaolô nói:

Trái đất... là món quà đầu tiên của Thiên Chúa... Thế mà, trái đất không nẩy sinh hoa trái nếu không có sự đáp ứng đặc biệt của con người đối với ân huệ của Thiên Chúa, nghĩa là nếu không có lao động. Nhờ lao động… mà con người thống trị được trái đất[10].

Tôi đã đặt từ “món quà” in nghiêng vì nó tiên báo sự nhấn mạnh của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào mười bảy năm sau về ý tưởng trái đất là một món quà. Tôi cũng đã đặt từ “thống trị” in nghiêng vì nó cho thấy Đức Gioan Phaolô đã đưa ra những hiểu biết trước đây về lệnh của Thiên Chúa trong sách Sáng thế để biện minh cho việc thống trị phần còn lại của thế giới thiên nhiên.

Trong Centesimus annus, Đức Gioan Phaolô tương phản giữa sinh thái thiên nhiên và những gì ngài gọi là “sinh thái con người”, với ý kiến cho rằng hệ “sinh thái con người” còn quan trọng hơn. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần thứ hai của bài này. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô đã có một đóng góp rất có giá trị cho Giáo huấn Xã hội Công giáo bằng cách nhấn mạnh các vấn đề sinh thái. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong giáo huấn của ngài đã đến, trong một buổi tiếp kiến ​​chung vào năm 2001, khi ngài nói về sự con người cần có một “chuyển đổi sinh thái”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI toàn tâm toàn ý với việc nâng cao nhận thức về tính cấp bách của việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề sinh thái và thúc đẩy một lối sống tôn trọng sinh thái. Nhưng, có lẽ thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả Đức Gioan Phaolô II, ngài tương phản “môi trường con người” với môi trường thiên nhiên. Ngài nhấn mạnh rằng có một liên kết không thể tách rời giữa cả hai, nhưng cho rằng môi trường con người “nghiêm trọng hơn” và nên được ưu tiên.

Trong thông điệp Caritas in Veritate  của mình  (2009), Đức Giáo hoàng Bênêđictô cho rằng môi trường là “món quà của Thiên Chúa cho tất cả mọi người" và chúng ta phải tôn trọng “trật tự sẵn có” hoặc “ngữ pháp” mà Thiên Chúa đã ban cho thiên nhiên, thay vì xem thiên nhiên như nguyên liệu mà chúng ta có thể sử dụng theo bất kỳ phương cách nào chúng ta muốn. Nhưng ngài cảnh báo về sự nguy hiểm của việc xem thiên nhiên quan trọng hơn so với con người và dường như lo ngại quá đáng về các mối nguy hiểm về “tân ngoại giáo hay một thuyết phiếm thần mới”[11]Ngài đã đưa ra một trình thuật khá chi tiết về các vấn đề sinh thái khác nhau mà chúng ta đang đối mặt và kêu gọi “một cung cáchquản lý có trách nhiệm đối với thiên nhiên, để bảo vệ thiên nhiên, để thưởng thức các loại trái cây và canh tác thiên nhiên theo những cách mới”[12] Ngài nêu ra tiếp nhu cầu về “một sự thay đổi có hiệu lực trong tâm lý có thể dẫn đến việc thông qua những phong cách sống mới”[13].

Đức Bênêđictô đã góp phần quan trọng vào Giáo huấn Xã hội Công giáo bằng việc nhấn mạnh “công bằng liên thế hệ ”[14], “liên đới liên thế hệ”, và “một sự liên đới bao trùm thời gian và không gian”[15].

Về vấn đề sử dụng công nghệ sinh học để biến đổi gien (genetic modification, GM), Vatican đã đưa ra các thông điệp lẫn lộn, đôi khi cảnh báo về những nguy hiểm của nó và đôi khi dường như là khá ủng hộ. Trong những năm Đức Hồng Y Martino đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Hội đồng có vẻ mạnh mẽ ủng hộ GM. Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội do Hội đồng phát hành vào năm 2004 trình bày khá thuận lợi về công nghệ sinh học, mặc dù quyển sách, tất nhiên, nói rằng nên sử dụng một cách có trách nhiệm[16]Gần đây hơn, thái độ của Hội đồng Giáo hoàng có vẻ khá thận trọng và nước đôi hơn.

Tôi cho rằng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đều chưa xác định cho đủ các vấn đề kinh tế mà chúng ta phải đối mặt trong bối cảnh sinh thái. Hơn nữa, cả hai vị giáo hoàng có thể nói có một cách tiếp cận duy nhân luận các vấn đề sinh thái. Vì vậy, có một nhu cầu cho một sự chuyển đổi thần học cùng với sự “chuyển đổi sinh thái”mà các vị đã chí lý khi kêu gọi. Sự “chuyển đổi thần học” cần thiết là một sự chuyển đổi mô hình liên quan đến việc đặt con người chúng ta vào đúng vị trí, với tất cả các thành tựu của chúng ta, các vấn đề của chúng ta và các trách nhiệm của chúng ta, trong bối cảnh rộng lớn hơn của thiên nhiên.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về hệ sinh thái

Đức Giáo hoàng Phanxicô có một mối quan tâm đặc biệt đối với môi trường. Ngày 16 tháng 3 năm 2013, chỉ ba ngày sau khi ngài đã được bầu, ngài nói với các phóng viên rằng ngài đã chọn tên Phanxicô Assisi vì “Phanxicô là một người nghèo, người yêu thương và bảo vệ các vật thụ tạo”. Ba ngày sau, trong Thánh lễ đánh dấu lễ nhậm chức Giám Mục Roma của ngài, ngài nối kết việc bảo vệ dân chúng với việc bảo vệ môi trường, chỉ ra rằng, là một người bảo vệ “nghĩa là bảo vệ tất cả các tạo vật, vẻ đẹp của thế giới được tạo ra”; và ngài nói thêm: “Tất cả mọi thứ đã được giao phó cho chúng ta bảo vệ, và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với vấn đề đó”. Việc Đức Phanxicô liên kết các mối quan tâm đến trái đất được khai thác với những người sống bên lề xã hội và bị bóc lột đã là một chủ đề xuyên suốt của triều giáo hoàng của ngài cho đến nay.

Ngày 5 tháng 6 năm 2013, Ngày Môi trường Thế giới của Liên Hiệp Quốc, Đức Phanxicô dành sứ điệp trong buổi tiếp kiến ​​chung của mình cho chủ đề này. Lên án “chủ nghĩa tiêu dùng” và “văn hóa phế thải”, ngài kêu gọi “một tinh thần liên đới có nền tảng trên trách nhiệm chung của chúng ta đối với trái đất và đối với tất cả các anh chị em trong gia đình nhân loại”. Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh năm 2013, ngài nói, “chúng ta hãy là ... các con kênh qua đó Thiên Chúa có thể tưới đất, bảo vệ tất cả các vật thụ tạo và làm cho công lý và hòa bình phát triển mạnh”.

Trong chuyến thăm Brazil vào tháng 7 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp và khuyến khích người dân bản địa từ vùng Amazon đã và đang chống lại sự xâm lấn rừng bởi các chủ trang trại, nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp. Trong bài nói chuyện với các giám mục trong thời gian ở Brazil, ngài kêu gọi “tôn trọng và bảo vệ toàn bộ các vật thụ tạo mà Thiên Chúa đã trao phó cho nhân loại” và nói rằng không được “khai thác bừa bãi nhưng thay vào đó hãy kiến tạo một khu vườn”. Hơn nữa, ngài đã thu hút sự chú ý đến văn kiện quan trọng năm 2007 của các giám mục châu Mỹ Latinh và Caribê (CELAM), mà ngài là một kiến ​​trúc sư chính, văn kiện đã nhấn mạnh các nguy hiểm đối mặt với môi trường Amazon và người dân bản địa sống ở đó[17].

Điều ngạc nhiên là có vẻ như Đức Phanxicô dành chỉ một phần nhỏ trong Tông huấn Evangelii Gaudium cho chủ đề sinh thái. Đây có thể một phần là do văn kiện đó là một phản ứng với những gì đã xuất hiện trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm hóa năm 2012, nơi mà môi trường đã không phải là một vấn đề chính. Cũng có thể là Đức Giáo Hoàng đã giữ lại chủ đề này bởi vì, như ngài nói với du khách đến từ Áchentina vào đầu tháng 11 năm 2013, ngài dự định sẽ viết đầy đủ hơn nhiều trong một thông điệp ngài đang soạn thảo. Ý định này của Đức Thánh Cha đã được tái khẳng định khi, vào ngày 24 tháng 1 năm 2014, phát ngôn viên Vatican, cha Lombardi, nói rằng Đức Giáo hoàng đang soạn thảo một văn kiện “có thể trở thành một thông điệp”[18]

Trong Evangelii Gaudium, văn kiện đầu tiên của Đức Thánh Cha có đề cập đến chủ đề sinh thái khi ngài nói, “cái gì mong manh, giống như môi trường, thì không có khả năng tự vệ trước những lợi ích của một thị trường được phong thần”[19]. Sau đó trong văn kiện này, ngài nói:

Có những thụ tạo yếu đuối và vô phương tự vệ khác thường xuyên phải làm nô lệ cho những lợi lộc kinh tế và sự bóc lột bừa bãi. Tôi đang nói đến toàn thể tạo thành. Loài người chúng ta không chỉ là những người thụ hưởng nhưng còn là những người quản lý các thụ tạo khác. Nhờ chúng ta có thân xác, Thiên Chúa đã kết hợp rất mật thiết chúng ta với thế giới xung quanh khiến chúng ta cảm thấy tình trạng sa mạc hoá đất đai gần như là một căn bệnh nơi thân xác chúng ta, và sự tuyệt chủng của một loài như là một sự biến dạng đau đớn. Chúng ta đừng để lại sau mình vết tích của sự tàn phá và chết chóc sẽ ảnh hưởng tới đời sống của chính chúng ta và của các thế hệ tương lai[20]

Sau đó, ngài tiếp tục nói: “Là những thụ tạo bé nhỏ nhưng mạnh mẽ trong tình yêu Thiên Chúa giống như Thánh Phanxicô, mọi người Kitô hữu chúng ta được kêu gọi canh chừng và bảo vệ cái thế giới mong manh mà chúng ta đang sống, cùng với tất cả dân cư của nó”[21].

Đức Phanxicô đã lặp lại chủ đề này, một lần nữa khá ngắn gọn, trong “Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới” năm 2014 của mình. Ngài đã đề cập đến “sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm đang tiến hành”[22]. Sau đó, ngài tiếp tục lặp lại điểm nhấn của Đức Bênêđictô XVI, trong thông điệp Caritas in Veritate, về thiên nhiên là quà tặng và về việc sử dụng cụm từ “ngữ pháp của thiên nhiên”:

Gia đình nhân loại đã nhận chung một món quà của Thiên Chúa, đó là thế giới thiên nhiên. Quan niệm Kitô giáo về sự tạo dựng hàm chứa một đánh giá tích cực về sự hợp pháp của những khai thác thụ tạo để tìm lợi ích, với điều kiện là phải hành động một cách có trách nhiệm, nghĩa là phải tôn trọng “ngữ pháp” ghi khắc trong đó và sử dụng một cách khôn ngoan những tiềm lực của nó để mưu ích cho tất cả mọi người, tôn trọng cái mỹ, cái cứu cánh và cái hữu dụng của mỗi sinh vật và chức năng của nó trong hệ thống sinh thái. Nói tắt rằng, thụ tạo là để chúng ta sử dụng, và chúng ta có bổn phận điều hành một cách có trách nhiệm[23].

Đức Phanxicô chỉ ra rằng chúng ta đang thất bại trong nhiệm vụ quản lý môi trường: “chúng ta thường bị điều khiển bởi lòng tham lam, tính cao ngạo thích thống trị, thói chiếm hữu, vụ lợi và khai thác; chúng ta không gìn giữ thụ tạo; chúng ta cũng không xem đó là một ân huệ được cho không biếu không mà chúng ta phải chăm sóc và dùng để phục vụ các anh chị em mình, kể cả những thế hệ tương lai”[24].

Thuật ngữ “sinh thái con người” gây tranh cãi

Trong tuyên bố ngày 24 tháng 1 năm 2014, Cha Lombardi nhấn mạnh quan điểm rằng văn kiện mới mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang soạn thảo “đặc biệt muốn nhấn mạnh ‘sinh thái của con người’”[25] Điều này đặt ra câu hỏi liệu Đức Phanxicô sẽ tiếp tục đi theo đường lối duy nhân luận được Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđictô thực hiện, phân biệt rõ ràng giữa “sinh thái thiên nhiên” và “sinh thái con người”, và làm giảm nhẹ sinh thái thiên nhiên so với sinh thái con người. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra.

Các nhà sinh thái học và các nhà thần học sinh thái nói chung ngần ngại làm rõ sự tương phản giữa “sinh thái con người” và “sinh thái thiên nhiên”. Thuật ngữ “sinh thái con người” đã được sử dụng trong các khoa học xã hội kể từ đầu những năm 1920. Nó đề cập đến các mối quan hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên, xã hội và văn hóa của họ. Vì vậy, có vẻ như không phù hợp để đối chiếu nó với “sinh thái thiên nhiên”.  Có vẻ như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô và Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã sử dụng “sinh thái con người” theo một ý nghĩa hạn chế hơn, không đủ để nhấn mạnh đến thực tế con người là một phần của hệ sinh thái thiên nhiên.

Có những chỉ dấu cho thấy Đức Giáo hoàng Phanxicô có suy nghĩ khác. Thay vì tương phản “sinh thái con người” với “sinh thái thiên nhiên”, ngài trong nhiều dịp đã làm một nối kết rất chặt chẽ giữa những người được khai thác và môi trường được khai thác, mô tả cả hai “mong manh” hoặc “vô phương tự vệ”[26]Tôi hy vọng rằng, trong thông điệp hay văn kiện mà ngài đang soạn thảo, ngài có thể không sử dụng thuật ngữ “sinh thái con người”; tuy nhiên, nếu ngài lựa chọn sử dụng nó, tôi cảm thấy tin rằng ngài sẽ cho nó ý nghĩa rộng lớn hơn mà nó vốn có trong các ngành khoa học xã hội. Nó cũng có nghĩa là đức giáo hoàng sẽ đặt con người chúng ta và mối quan hệ của chúng ta vào trong bối cảnh môi trường xã hội và văn hóa đa dạng của chúng ta và đặc biệt hơn, vào trong bối cảnh tình thế của chúng ta như một phần không thể thiếu của toàn bộ trật tự tiến hóa thiên nhiên[27].

Phần kết luận

Paul Vallely, tác giả cuốn sách Pope Francis: Untying the Knots (Giáo hoàng Phanxicô: Cởi những nút thắt) là cuốn sách toàn diện và sâu sắc nhất bằng tiếng Anh về Đức Giáo hoàng Phanxicô, đã viết một bài báo thú vị trên tờ The Irish Times ngày 4 tháng 2 năm 2014. Ông đưa ra lập trường của Đức Giáo hoàng Phanxicô về ba vấn đề riêng biệt trong đó có một sự khác biệt sắc nét về quan điểm trong Giáo hội Công giáo. Đối với vấn đề chia rẽ tả-hữu về việc liệu có chấp nhận chủ nghĩa tư bản hay không hoặc nếu có thì đến mức độ nào, Vallely thấy Đức Phanxicô có vẻ như thiên nhiều về phía tả. Đối với vấn đề tản quyền và bổ trợ thay cho tập quyền, ông thấy Đức Phanxicô khá triệt để. Và đối với việc chia rẽ cấp tiến-bảo thủ về các vấn đề giáo lý, ông ghi nhận phương pháp mục vụ tinh tế của Đức Phanxicô. Vallely cũng nói rằng về vấn đề môi trường, Đức Phanxicô “có vẻ quyết tâm đưa giáo hội đi theo một chương trình hành động chính trị triệt để hơn”.  Mặc dù Vallely không đi sâu vào quan điểm này, tất cả các chỉ dấu cho thấy nhận định này là chính xác; và các trích dẫn văn kiện và các tham khảo khác nhau đưa ra ở trên đưa ra sự hỗ trợ vững chắc cho quan điểm này.

Đinh Quang Bàn dịch

Nguồn: ‘The fragile world’: Church teaching on ecology before and by Pope Francis


[1] Để hiểu đầy đủ hơn tài liệu trong phần đầu bài viết, xin xem quyển sách Option for the Poor and for the Earth (Chọn lựa người nghèo và chọn lựa trái đất) (Orbis Books: 2012), tr. 412-439;. ở đây tôi chỉ chọn ra một số điểm chính.

[2] Thượng Hội Đồng Giám Mục, Công bình trên thế giới (1971), 11.

[3] Công bình trên Thế giới, 70.

[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Redemptor hominis (1979), 11.

[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Solicitudo Rei Socialis (1987), 26.

[6] Redemptor hominis, 15.

[7] Đức Gioan Phaolô II, “Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới " (1990), 6.

[8] Ibid, 9; tất cả các chữ in nghiêng để nhấn mạnh đều có văn kiện gốc trừ trường hợp nêu khác đi.

[9] Ibid., 13.

[10] Đức Gioan Phaolô II, Centesimus annus(1991), 31 (nhấn mạnh).

[11] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Caritas in Veritate (2009), 48.

[12] Ibid., 50.

[13] Ibid., 51.

[14] Ibid., 48.

[15] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, "Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới" (2010), 8.

[16] Xem chi tiết quyển Option của tôi, tr. 427-9.

[17] http://life.nationalpost.com/2013/07/27/pope-francis-calls-for-respect-and-protection-of-environment-end-to-exploitation-of-amazon-rainforest/

[18] The Tablet, 1 tháng 2 năm 2014, tr. 27.

[19] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium (2013), 56.

[20] Ibid., 215.

[21] Ibid., 216.

[22] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới” (2014), 8.

[23] Ibid., 9.

[24] Ibid.

[25] The Tablet, 1 tháng 2 năm 2014, tr. 27.

[26] Evangelii Gaudium, 56 và 215.

[27] Evangelii Gaudium.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top