Thánh Thể "Quà tặng tình yêu"
WGPSG -- Thiên Chúa là tình yêu
Để diễn tả về Thiên Chúa, có lẽ không một định nghĩa nào tuyệt vời hơn lời khẳng định của Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Thật vậy, tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người đã có từ thời tạo thiên lập địa và tuôn đổ không ngừng trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31,3). Dù con người có bất trung, Người vẫn luôn tha thứ: “Trở về đi, hỡi Ít-ra-en phản bội! - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ không nghiêm nét mặt với các ngươi nữa, vì Ta giàu lòng xót thương - sấm ngôn của Đức Chúa - vì Ta không giận dữ mãi đâu” (Gr 3,12). Dù con người có phản bội, Ngài vẫn luôn nhân từ: “Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Có thể nói, Chúa là người tình tuyệt vời nhất của con người bởi Ngài là người tình trung tín nhất: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135,1).
Tình yêu cứu độ
Khi Adam và Eva phạm tội bất tuân khiến con người mất tình nghĩa với Thiên Chúa, sự chết tràn vào thế gian thì ngay sau đó, Ngài bắt đầu lên kế hoạch cứu độ con người bằng các giao ước qua các vị ngôn sứ. Hơn nữa, Ngài đã ban chính Con Một mình đến cứu độ nhân loại, tiêu diệt tội lỗi và sự chết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Sau cùng, để biểu hiện tình yêu vô bờ bến, Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể, để những ai ăn thịt và uống máu Người, sẽ được sống muôn đời (Ga 6,54).
“Điểm hẹn tình yêu”
Thiên Chúa yêu con người nhiều như thế, vậy “điểm hẹn tình yêu” giữa con người và Thiên Chúa ở nơi đâu? Để có câu trả lời tích cực, vào chiều thứ Bảy 12.01.2013, tại giảng đường PX Nguyễn Văn Thuận thuộc Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM, hơn 200 khán thính giả đã tham dự và giao lưu với Lm. Giuse Vũ Thái Hòa, giáo sư Phụng vụ, Giáo phận Rennes, Pháp, qua đề tài: “Thánh lễ - Điểm hẹn của tình yêu”. Trong tình yêu, con người cần có những cuộc hẹn hò để trao đổi, hiểu và yêu nhau hơn. Cũng vậy, trên cuộc hành trình Đức Tin thiêng liêng cũng cần có những cuộc "hẹn hò" để hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn.
Niềm vui gặp gỡ
Chúng ta ít nhiều đã từng có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị cuộc hẹn với một người quan trọng nào đó, đặc biệt là với người yêu của mình. Chắc hẳn ai cũng phải chuẩn bị tươm tất từ ngoại hình bên ngoài, phong cách ăn mặc cũng như tâm lý và cách ứng xử. Và dĩ nhiên, sau đó, cả hai đều mong muốn một cuộc hẹn khác càng sớm càng tốt. Cho nên câu hỏi : “Tại sao phải đi lễ ngày Chúa nhật?” không có ý nghĩa. Đặt ra câu hỏi như thế thì hoá ra việc giữ ngày Chúa nhật sẽ trở nên nặng nề nếu chỉ theo lề luật mà thiếu lòng yêu mến. Bởi vì không ai hỏi: “Tại sao phải gặp người yêu?” hoặc cũng không ai nói là “bị” gặp người yêu nhưng là “được” gặp người yêu. Thánh lễ là một cuộc hẹn tình yêu quan trọng. Tham dự Thánh lễ là cơ hội gặp gỡ giữa ta và “người yêu” Giêsu, đồng thời được hiệp thông với anh chị em tín hữu. Vì vậy, để yêu mến và thắt chặt mối dây liên kết với người Bạn Giêsu hơn, chúng ta cần tìm hiểu Ngài qua việc học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa. Có yêu mến Ngài thì việc tham dự Thánh lễ không còn là một bổn phận phải hoàn thành nhưng sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc.
Đối thoại thân tình
Khi bắt đầu một công việc gì cũng đòi hỏi sự chuẩn bị, chuẩn bị là bước quan trọng góp phần cho sự thành công, chuẩn bị tốt sẽ giúp công việc hoàn thành tốt đẹp. Thánh lễ là một cuộc hẹn tình yêu quan trọng, ở nơi đó Chúa và chúng ta nên một. Vì thế, chúng ta cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo từ bên trong đến bên ngoài, thể xác cũng như tâm hồn. Một cuộc đối thoại cần có sự tương quan hai chiều: đối thoại, lắng nghe và chia sẻ. Trong tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và con người cũng vậy, chính Ngài luôn đi bước trước để ngỏ lời với chúng ta, và chúng ta cũng phải là một đối tượng tích cực trong việc đáp lại lời mời gọi của Ngài. Chúng ta lắng nghe Chúa nói qua bài Tin Mừng và trò chuyện với Người qua thánh vịnh đáp ca, bài hát Haleluia, kinh Tin Kính và lời nguyện tín hữu. Tất cả những cử chỉ, hành động, lời ca, tiếng hát đều là một cách trò chuyện, một cách diễn tả tâm tình với Người.
Tình yêu tự hiến
Tuyệt vời hơn nữa, trong Thánh lễ, con người được gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể. Thánh Thể và Thánh giá là mầu nhiệm của tình yêu tự hiến. Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu và Thánh giá là bằng chứng tình yêu của Người đối với nhân loại. Thánh giá có thể được so sánh với nhẫn cưới của đôi vợ chồng trao cho nhau như một bằng chứng tình yêu và lòng chung thuỷ; chiếc nhẫn của Đức Giám mục cũng là biểu tượng của lòng trung thành đối với giáo phận, sống chết với đoàn chiên của mình; chiếc nhẫn của các tu sĩ trong ngày khấn trọn đời cũng trở nên biểu tượng của tình yêu và sự gắn bó với Chúa và Hội Dòng. Thập giá đã minh chứng cho chúng ta biết tình yêu đích thực và cao cả là như thế nào. Đó không còn là tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình nhưng là tìm kiếm hạnh phúc cho người mình yêu. "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu bằng hành động cụ thể: Trước khi tự hiến trên Thập giá, Người đã truyền phép cho "bánh và rượu” trở thành Mình và Máu Thánh Người làm của ăn, của uống thiêng liêng cho chúng ta. Việc tham dự Thánh lễ chỉ trở nên trọn vẹn khi chúng ta đón Chúa ngự vào tâm hồn bằng việc rước lễ. Bởi vì rước lễ không phải là một phần thưởng, một quyền lợi nhưng là một lương thực, và là một ân huệ.
Tạm kết
Cử hành Thánh lễ là việc thờ phượng cao trọng, đẹp lòng Thiên Chúa nhất, có giá trị đem lại ơn cứu rỗi. Thánh lễ là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu và là “điểm hẹn tình yêu” tuyệt vời của Thiên Chúa và con người. Xin cho chúng ta luôn biết mau mắn đến với Thánh lễ với lòng phấn khởi, vui tươi để yêu và được yêu.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19