Thánh Phanxicô và Máng cỏ Greccio: Những con vật trong không gian thánh

Thánh Phanxicô và Máng cỏ Greccio: Những con vật trong không gian thánh

Thánh Phanxicô và Máng cỏ Greccio: Những con vật trong không gian thánh

UBCLHB – Một trong những câu chuyện cổ đáng nhớ về thánh Phanxicô mô tả ngài trong đêm Giáng Sinh 1223, tại một khu rừng bên ngoài Greccio, một thị trấn cách thành phố Assisi 90 km về phía Nam, thánh Phanxicô tưởng nhớ mầu nhiệm Giáng Sinh với một cảnh bao gồm máng cỏ, bàn thờ được dựng lên đó để cử hành thánh lễ, những con vật sống – một con bò và một con lừa – tượng trưng cho sự hiện diện của chúng khi Chúa Giáng Sinh năm xưa và trở thành một truyền thống. Phanxicô trong vài trò là một phó tế đã giảng trong thánh lễ Giáng Sinh ấy, cùng với những anh em của ngài và dân chúng địa phương kéo cũng kéo nhau đến tham dự, một phép lạ đã diễn ra, một thị kiến về trẻ sơ sinh hiện ra trong máng cỏ với đầy cỏ khô. Khi Phanxicô bế đứa trẻ lên, em bé như được đánh thức bởi vòng tay âu yếm của ngài. Sau thánh lễ, cỏ khô từ máng cỏ được phát hiện là có khả năng chữa được bệnh.

Khi viết về tình tiết này trong cuộc đời thánh Phanxicô, tôi đã chắc lọc thành một câu chuyện duy nhất từ hai bản văn riêng biệt. Một là của Tôma Celanô trong tác phẩm Hạnh Thánh Phanxicô, Quyển 1 (1228-1229) và một văn bản khác ngắn hơn của thánh Bônaventura trong tác phẩm Đại Truyện (1261-1263). Tác phẩm sau của Bônaventura dựa trên Tôma Celanô nhưng có mục đích và điểm nhấn riêng. Tôma mô tả Lễ Giáng Sinh tại Greccio với sự sốt sắng và xác tín, nhưng Bônaventura thì rõ ràng là bị chi phối bởi một điều gì đó, khiến cho những gì thánh Phanxicô đã làm trong đêm Giáng Sinh có vẻ không chính thống. Ngay từ đầu khi viết lại câu chuyện, ngài đã viết dứt khoát rằng trước khi tổ chức nghi lễ, Phanxicô đã xin và được Đức Giáo Hoàng cho phép tổ chức, để ngài không bị lên án là người đổi mới”. Rõ ràng, có một điều gì đó về sự kiện này, khiến Bônaventura trở nên e dè một cách đáng ngờ, và ngài cảm thấy cần phải trấn an độc giả của mình rằng, thánh Phanxicô đã không vi phạm hay đi chệch khỏi truyền thống cử hành nghi lễ Giáng Sinh.

Khi giải quyết vấn đề về sự do dự của Bônaventura liên quan đến tính chính thống trong cảnh Giáng Sinh, điều quan trọng là xác định những đổi mới của Phanxicô, dù ít hay nhiều trong nghi thức mừng Lễ Giáng Sinh này. Chắc chắn rằng, Phanxicô không phải là người phát minh ra cảnh máng cỏ với cảnh tượng sống động này, vì không chỉ ở Bêlem (được một số người xem là máng cỏ thực sự của Chúa Giêsu mà Phanxicô đã nhìn thấy trong chuyến hành trình của mình đến Đất Thánh), mà còn có ít nhất hai cái được làm tại Rôma, một là tại nhà nguyện Santa Maria Maggiore và Santa Maria ở Trastevere. Vì vậy, rất khó có khả năng rằng Đức Giáo Hoàng sẽ phê chuẩn ý tưởng nghệ thuật này là cần thiết cho Lễ Giáng Sinh. Bên cạnh đó, việc sử dụng bàn thờ di động (altare viaticum), mà trong Lễ Giáng Sinh ấy Phanxicô đã dựng lên trên máng cỏ, có thể có lúc nào đó Đức Giáo Hoàng đã phản đối, nhưng Đức Giáo Hoàng Hônôriô III vào năm 1224, đã cho phép Anh Em Hèn Mọn được phép sử dụng, và đến thời Bônaventura đã được gia hạn nhiều lần bởi các Đức Giáo Hoàng: Hônôriô, Grêrôriô IX và Inôxenxiô IV, và như thế nó không phải là một ý tưởng bất thường.

Nhiều suy đoán hấp dẫn hơn cho rằng Bônaventura, và có lẽ là Đức Giáo Hoàng trước ngài, đã lo lắng về tính chất biểu diễn trong Lễ Giáng Sinh tại Greccio này của thánh Phanxicô. Thật vậy, với việc Phanxicô đảm nhận vai trò phó tế và với ý thức rằng cảnh Giáng Sinh đang được dàn dựng, thậm chí được tái hiện, buổi lễ tại Greccio rõ ràng là một buổi hoạt cảnh đang được trình diễn. Thật vậy, bản thân Phanxicô, nếu chúng ta tin vào những mẩu chuyện về ngài có tính cách nghệ sĩ từ khi còn trẻ với tư cách là người lãnh đạo nhóm Tripudantium (bắt chước những vở kịch về thế tục và tôn giáo, đặc biệt là vào những ngày lễ trong tháng Năm) cho đến những năm trong và sau khi sống đời đền tội, ngài đã sử dụng nhiều loại trang phục khác nhau (người hành hương, người ăn xin và người đền tội) để cho mọi người biết rõ tinh thần của ngài. Như Tôma Cêlano viết: “Ngài đã làm ra một cái lưỡi từ toàn bộ thân thể ngài” (4:97,74). Không nhiều năm trước khi thánh Phanxicô tổ chức Lễ Giáng Sinh của ngài, vào năm 1207, Đức Giáo Hoàng Inôxenxiô III, đã nói rõ ràng rằng ngài không tán thành việc các nhà hát “ludi” trình diễn trong các nhà thờ vào những ngày sau ngày Lễ Giáng Sinh bởi các phó tế và tất nhiên là cả các linh mục, một số học giả đã gợi ý rằng Bônaventura đã đề cập đến lệnh cấm này khi ngài ám chỉ cần thiết phải có phép của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, thật khó để tin rằng Bônaventura muốn gợi lên trong tâm trí độc giả của mình bất cứ mối liên hệ nào giữa Phanxicô và các hoạt động hài kịch mà Đức Giáo Hoàng Inôxenxiô III đã lên án, sau này nó là trò chơi “lễ hội của những kẻ điên rồ”, được xác định không phải bởi sự nghiêm túc của Giáo Hội, hay sự thánh thiêng của Phụng Vụ mà đúng hơn là bởi những lễ hội.  

Bônaventura cũng không xác định rằng Phanxicô là một nhà đổi mới trong việc trình diễn một loại hoạt cảnh Phụng Vụ. Trước và trong suốt cuộc đời của Phanxicô và chắc chắn là vào thời điểm mà Tôma Cêlanô và Bônaventura đang viết những truyện tích của họ, những hoạt cảnh Phụng Vụ nghiêm túc đang được trình diễn khắp châu Âu vào Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh, và có bằng chứng mạnh mẽ rằng máng cỏ đã mặt trong nhiều hoạt cảnh này, có lẽ trọng tâm của buổi Phụng Vụ này đã được kịch hóa, được diễn trên và gần bàn thờ. Do đó không có lý do để tin rằng có một Lễ Giáng Sinh mang tính hài kịch, bao gồm cả máng cỏ gắn liền với bàn thờ. Điều này sẽ gây ngạc nhiên cho những người viết sử về thánh Phanxicô hay bất kỳ vị Giáo Hoàng nào ở thế kỷ XIII. Ngoài ra, Bônaventura đã hết lòng tán thành sức mạnh của kịch nghệ trong việc giảng dạy và chia sẻ niềm vui, như ngài đã viết trong khảo luận De Reductione Artium ad Theologiam. Hiển nhiên, theo ngài, kịch nghệ phục vụ cho Phụng Vụ và là một ngành nghệ thuật cao quý.   

Vậy thì, điều gì được coi là mới mẻ trong Lễ Giáng Sinh tại Grecccio của thánh Phanxicô? Việc ngài sắp xếp cho buổi lễ được cử hành bên ngoài nhà thờ hay nhà nguyện, với giáo dân tham dự và những con vật sống, chắc chắn là một kế hoạch bất thường vào thời điểm đó. Trong cách phối cảnh của Phanxicô, những con vật là trọng tâm của cảnh Giáng Sinh, tưởng nhớ biến cố Chúa Giêsu ra đời. Theo một nghĩa nào đó, các loài vật cũng là những diễn viên thật sự trong cảnh Giáng Sinh, không bao gồm những người đóng vai Mẹ Maria và Thánh Giuse và trẻ thơ Giêsu (chỉ xuất hiện trong tưởng tượng của cảnh Giáng Sinh). Tuy nhiên, Bônaventura không quen nhìn thấy những con vật tham gia vào buổi hoạt cảnh Phụng Vụ vì chỉ có một hoặc hai văn bản còn tồn tại cho đến thời điểm này cho thấy có một con vật có thể được đưa vào các hoạt cảnh Phụng Vụ. Đó là vở “Slaughter of the Innocents” của Laon và Fleury ở thế kỷ XII, có thể có hình ảnh một con cừu non mang cây Thánh Giá trong đám rước của trẻ em. Hẳn nhiên, bò và lừa thì mới mẻ trong Phụng Vụ, và không có một con vật nào có vẻ thích hợp với khu vực xung quanh bàn thờ, vì không ai coi chiên con trong nghĩa tượng trưng của nó là Đức Kitô hiến tế cả. Trên thực tế, một con bò thật đến gần bàn thờ rất có thể đã khơi dậy nơi những người Ý thời Trung Cổ ký ức văn hóa tiêu cực về việc hiến tế động vật của người ngoại giáo. Ngay cả khi không có ký ức về một quá khứ xa xôi của nước Ý, Bônaventura và chắc chắn đối với bất kỳ vị Giáo Hoàng nào ở thế kỷ XIII, vẫn còn đó ký ức đáng sợ về những lần xuất hiện gần đây hơn của con lừa trong Phụng Vụ, cụ thể là trong các lễ kỷ niệm phổ biến sau Lễ Giáng Sinh. Một hình thức của các nhà hát “ludi” vui nhộn mà Đức Giáo Hoàng Inôxenxiô III rất có thể đã lên án trong lệnh cấm của ngài vào năm 1207.

Quyết định của Phanxicô sử dụng một con bò và lừa còn sống, và đưa vào cảnh Giáng Sinh trong một thánh lễ được cử hành bên ngoài các nhà thờ hay nhà nguyện thực sự là một thay đổi lớn, đáng để khám phá thêm ý nghĩa của sự lựa chọn này đối với việc truyền bá tư tưởng của thánh Phanxicô nói chung và cách thức mà cảnh Giáng Sinh sử dụng động vật thật, giúp người đọc hiểu được cách Phanxicô phân biệt giữa cái sáng kiến cá nhân của ngài và với những cái cốt yếu thuộc về quy tắc của Giáo Hội đầu thế kỷ XII. Chắc chắn rằng, Lễ Giáng Sinh tại Greccio có thể (và đã) được phân tích một cách có giá trị như một giai đoạn phát triển của Chủ Nghĩa Hiện Thực Phan Sinh. Một cảnh Hang Đá Giáng Sinh được phổ biến rộng rãi mà các sử gia về nghệ thuật coi là đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng giữa thời Trung Cổ và Hiện Đại. Nhưng điểm nhấn riêng của tôi sẽ là các ý tưởng xã hội của Phanxicô, mà con bò và con lừa là đại diện, như là động vật liên minh với các tầng lớp xã hội cụ thể và với các ý tưởng khó nghèo cụ thể mà các anh em Phan Sinh tiên khởi muốn thúc đẩy.  

Sự hiện diện của bò và lừa trong cảnh Giáng Sinh không được ghi lại trong các sách Tin Mừng. Thay vào đó, sự hiện diện của chúng bắt nguồn từ cách đọc trong sách Isaia: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó” (Is 1,3), kết nối điều này với việc đề cập đến máng cỏ của Đấng Cứu Thế trong Luca (Lc 2,7) và một đoạn nữa trong sách Khabacuc được dịch là “giữa hai con vật mà bạn biết đến” đã góp phần vào sự xuất hiện của các con vật trong các tác phẩm nghệ thuật thể hiện cảnh Chúa Giáng Sinh. Tin Mừng Mátthêu trích dẫn các đoạn trong Isaia và Khabacuc làm tài liệu tham khảo. Những bài giảng của các giáo phụ thường nói đến sự hiện diện của các con vật bằng cách trích dẫn ngôn sứ Isaia. Grêgôriô, Ambrôsiô, Giêrônimô, Origen và Augustinô đã hình tượng hóa các con vật: con bò là người Do Thái bị Lề Luật trói buộc và con lừa là người ngoại bang bị nô lệ bởi niềm tin ngoại giáo, và chúng xuất hiện bên máng cỏ để thừa nhận sự xuất hiện Luật Tối Thượng có quyền giải thoát chúng. Từ thế kỷ IV trở đi, các con vật xuất hiện trong cảnh Chúa Giáng Sinh nhưng không rõ ý nghĩa biểu tượng của các giáo phụ có ảnh hưởng như thế nào với Phanxicô. Chắc chắn rằng, cả những người viết sử của thánh Phanxicô (có lẽ là cả thánh Phanxicô) đều không quan tâm đến việc thúc đẩy cách đọc mang tính biểu tượng về con bò và con lừa và cách họ đối xử với những con vật như chính chúng là chúng vậy, loài vật mà người ta thường xuyên bắt gặp ở xung quanh máng cỏ với đầy cỏ khô. Và trong câu chuyện nổi tiếng và có ảnh hưởng của Dòng Phan Sinh “Suy niệm về cuộc đời của Chúa Kitô” được viết không lâu sau khi thánh Phanxicô qua đời, con bò và con lừa vẫn giữ nguyên bản chất động vật của chúng mặc dù chúng có thể nhận thức được sức mạnh siêu nhiên và tầm quan trọng của Đức Kitô khi vào trần gian: “Con bò và con lừa vẫn quỳ bên máng cỏ, và hà hơi vào Hài Nhi Giêsu như thể chúng có lý trí và biết rằng đứa trẻ được bọc sơ sài nên cần được ủ ấm”. Thật vậy, hơi thở ấm áp của các con vật như người ta tưởng tượng ở đây có thể giải thích cho sự gần gũi đáng chú ý của chúng hướng về Chúa Hài Đồng trong một số hình ảnh trực quan sau về cảnh Chúa Giáng Sinh.

Trong nền kinh tế nông nghiệp đặc trưng cho Miền Trung nước Ý vào thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, bò và lừa có mối quan hệ chặt chẽ với các tầng lớp lao động, thường là với những người nghèo nhất trong số họ. Công việc cày ruộng với một đàn bò là một trong những nghĩa vụ chính của một người trong việc phục tùng các lãnh chúa, và con bò, đối với những người có đủ khả năng để sỡ hữu một con vật, sẽ là tài sản quý giá nhất và đặc trưng nhất của người nông dân được sử dụng để cày và kéo, con bò là vật không thể thiếu trong nền nông nghiệp thời Trung Cổ, thường gắn liền với sự kiên nhẫn, hy sinh và thiếu thốn về mặt kinh tế. So với bò, lừa bị đánh giá thấp hơn về sức lao động, và là động vật lao động rẻ nhất. Với nhu cầu thức ăn tối thiểu, con lừa có thể tồn tại mà không cần đồng cỏ, có thể sống bằng cách ăn những cây chổi rơm hay rơm cắt sau thu hoạch và lá cây – một chế độ ăn không đủ cho bò hoặc ngựa. Nó có khả năng làm công việc nặng nhọc và được coi là không thấm vào đâu trước đòn roi và sự bỏ rơi. Về mặt văn hóa, lừa đã trở thành một biểu tượng bị coi thường, là sự ngu dốt, thô lỗ và hạ thấp phẩm giá. Cưỡi lừa là một dấu hiệu của sự khiêm tốn lớn lao: được cưỡi bởi một người sẵn sàng muốn cưỡi chúng. Về mặt thiêng liêng, cưỡi lừa là hành vi tự hạ. Mặt khác, cưỡi lừa vì người đó bị xem như là tội phạm, hoặc vi phạm các chuẩn mực xã hội, trong trường hợp đó, người ta buộc phải làm như vậy như là dấu hiệu suy thoái xã hội. Hơn nữa, trong kho tàng chuyện ngụ ngôn Châu Âu về những con vật, cả bò và lừa thường đảm nhận vai trò xã hội gắn liền với giai cấp nông dân.

Trong các truyện tích về thánh Phanxicô nói rõ mối quan hệ giữa ngài với thế giới loài vật, một trong những điều quan trọng nhất là xem lại cách thức thánh Phanxicô tạo ra mối liên hệ loại suy giữa các loài động vật với những kinh nghiệm mới mẻ của ngài về chúng. Một số phép loại suy này phụ thuộc vào các khái niệm đã được thiết lập trong Kinh Thánh, chẳng hạn như những khái niệm mô tả lòng sùng kính của Phanxicô đối với con cừu như biểu tượng của Chúa Kitô (tư tưởng quy Kitô của thánh Phanxicô) hoặc sự cảnh giác của ngài đối với con rắn như một biểu tượng hiện diện của ma quỷ, đặc biệt là liên quan đến những lời sấm về tiền bạc. Nhưng thường xuyên hơn, trong một kế hoạch tương tự như kế hoạch tìm thấy trong tập quán của các con vật, Phanxicô được cho là đã ngưỡng mộ một số động vật vì hành vi tự nhiên hoặc màu sắc của chúng, đặc biệt những phẩm chất đó khiến ngài tuân theo các nguyên tắc cơ bản của sự khó nghèo trong Tin Mừng mà ngài đã đặt nền móng khi thành lập dòng Anh Em Hèn Mọn. Quyển Khuyết Danh Perugia giúp nhận ra cách ngài đã nói về chúng.

“Chị Sơn Ca đội mũ như một tu sĩ. Đó là một con chim khiêm tốn, tự do đi dọc đường để tìm các hạt nhỏ. Ngay cả khi chị ấy tìm thấy một ít trong phân ngựa, chị vẫn mổ và ăn chúng. Khi chị bay, chị ca ngợi Chúa. Ngoài ra, trang phục của chị, tức là bộ lông, có màu đất. Bằng cách này, chị nêu gương cho các tu sĩ không nên mặc y phục sặc sỡ, nhưng phải mặc những màu tối như màu Mẹ Đất”.

Con sâu cũng được Phanxicô ngưỡng mộ và bảo vệ vì sự thấp hèn của nó. Một sinh vật nhỏ bé khác, con kiến, là ví dụ về sự tích trữ  bởi vì nó vi phạm nguyên tắc khó nghèo của Phanxicô như trong một bản văn sau đây của dòng đã đề cập đến trong tác phẩm “The Sayings of Brother Giles” kể lại rằng: “Phanxicô – trái với những lời khuyên bảo vệ các loài vật trước đó – ngài đã chê con kiến, vì kiến rất siêng năng họp đàn lại để tích trữ… Ngài thường nói rằng những chú chim làm ngài thích thú hơn bởi vì chúng không để dành cho những ngày tiếp sau đó”. Con bò, ngoài biểu tượng cho sự khiêm tốn, nó đã dạy cho những Anh Em Hèn Mọn tiên khởi về mối quan hệ giữa khó nghèo và vâng lời, một trong những nguyên tắc của Phanxicô là: “Khi con bò đeo ách vào cổ, rồi nó cày đất tốt, đến mùa thì sinh hoa trái tốt tươi; nhưng khi con bò đi thang lang, thì đất sẽ bị bỏ hoang… Như vậy, người tu sĩ cuối đầu dưới ách vâng lời sẽ mang lại nhiều hoa trái cho Thiên Chúa”. Và với con lừa thấp hèn, đã tạo nên một diện mạo mới cho Phanxicô, vì cả hai người viết tiểu sử chính của ngài đều cho biết ngài gọi chính thân thể mình là “Anh Lừa”, như thể nó phù hợp để lao động khổ sai và thường xuyên bị ngược đãi bằng roi vọt, và chỉ có những loại thức ăn nghèo nàn để sống qua ngày”. (Đại Truyện 5;6)

Sự gắn bó của Phanxicô với thế giới loài vật dựa trên nền tảng khó nghèo cũng như đời sống tu trì sâu sắc, thường xuyên gợi lại trong tâm trí của ngài, như có thể thấy trong thái độ của ngài đã nói trên đối với con rắn, con kiến và chim sơn ca. Tôi tin chắc rằng sự kết hợp giữa đời sống tu trì và đức khó nghèo cũng thể hiện rõ trong câu chuyện kể về Lễ Giáng Sinh ở Greccio, đặc biệt là trong tác phẩm của Tôma. Vì khi Phanxicô liên kết những con vật với sự nghèo đói và tầng lớp cấp thấp trong xã hội, thì ngài cũng đang đặt nền tảng cho sự nghèo khó giống như Chúa Kitô vốn phân biệt thân phận nghèo khó của Ngài với những thân phận khác. Bằng cách chọn diễn lại Cảnh Giáng Sinh ở bên ngoài các nhà nguyện và nhà thờ trong khung cảnh nông thôn với những con vật phù hợp với môi trường xung quanh. Phanxicô đã cho thấy rõ con người của ngài và lối sống mới do ngài thiết lập đối nghịch với những giá trị tại các thành thị. Đặc biệt là đối với những đô thị mà ngài đã dứt khoát từ bỏ khi còn trẻ. Cảnh Giáng Sinh này sau đó thay vì chỉ đơn thuần là một lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh sâu sắc và sống động như thật lại là bước phát triển của một phong cách nghệ thuật mới, mang tính ý thức hệ. Một ý thức hệ tập trung nơi các con vật, những loài vật có liên hệ với sự khó nghèo mà Phanxicô đã xác định từ ban đầu, trong lối sống mới do ngài thiết lập và với những thụ tạo xung quanh ngài. 

Việc đọc kỹ tác phẩm của Tôma Celanô về cảnh quang ở Greccio cho thấy việc lấy những con vật làm trung tâm trong cuộc đời của Phanxicô tràn ngập các nguyên tắc về nghèo khó đến mức nào. Sau khi đảm bảo với độc giả rằng Phanxicô luôn nhiệt thành tuân theo những lời dạy của Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng. Tôma chỉ ra điều mà theo Phanxicô là hai nhân đức quan trọng nhất của Đức Giêsu: “Sự khiêm nhường trong mầu nhiệm Nhập Thể” và “lòng bác ái trong Cuộc Khổ Nạn”. Tôma viết: “Hai điều này đặc biệt chiếm lĩnh tâm trí của ngài, đến mức ngài hầu như không muốn nghĩ đến bất cứ điều gì khác” (30:84). Hơn nữa, để giúp ngài tạo ra cảnh Giáng Sinh, giây phút mà Chúa Kitô thể hiện sự khiêm tốn của mình trước các thụ tạo, Phanxicô được cho là đã kêu gọi một nhà quý tộc tên là Gioan thành Greccio, ông đã thể hiện sự khiêm tốn bằng cách “đạp lên sự cao quý của dòng tộc mình”, nghĩa là bằng cách tự nguyện từ bỏ sự giàu có trần thế và địa vị xã hội cao trọng của mình. Những hướng dẫn của Phanxicô cho Gioan nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nghèo khó tại thời điểm Giáng Sinh này của Chúa Giêsu và ngài lưu ý rằng, ý định của ngài là để cảnh máng cỏ, một khi được dựng lên thiếu thốn về mặt vật chất (tức là sự nghèo khó của Ngài), cách Đức Giêsu nằm trong máng cỏ, trên đống cỏ khô với một con bò và một con lừa bên cạnh” (30:84). Sau khi hang đá được dựng lên vào đêm Giáng Sinh, Phanxicô vui mừng trước cảnh ấy. Tôma viết: “Sự giản dị được tôn vinh, đức khó nghèo được đề cao, nhân đức khiêm nhường được tán dương” (30:85). Sau đó, Phanxicô thuyết giảng cho đám đông đang tham dự Lễ Giáng Sinh của “Vị Vua Nghèo” và trong một chi tiết kỳ lạ gợi lại nơi con vật với trùng khớp với Phanxicô, chúng ta biết được rằng Phanxicô đã thốt lên từ “Bêlem” theo kiểu của một con cừu kêu be be (x. 30:86) một hình thức đồng hình đồng dạng với Đức Kitô thông qua sự đồng nhất với tiếng kêu của cừu con mà ngài đã đặt chúng trong cảnh Giáng Sinh. Tường thuật của Tôma kết thúc với sự hiện ra của Chúa Hài Đồng, vị chủ tế cũng nhìn thấy và tiếp theo là một bản tường trình về những phép lạ được thực hiện với đám cỏ khô trong máng cỏ của Phanxicô. Tôma viết, cỏ khô được giữ lại để qua đó Chúa có thể cứu những con vật khiêng vác và những con vật khác” (30:87). Cỏ khô thực sự đã chữa lành được cho nhiều con vật tại địa phương, và sức mạnh kỳ diệu của nó cuối cùng cũng lan rộng đến con người, đối với phụ nữ khi sinh con và những người ốm yếu khác sẽ giảm bớt những đau đớn nhờ loại thảo dược khiêm tốn nhưng tốt lành này.

Để nhấn mạnh vào sự nghèo đói của các con vật, nguồn dữ liệu của Tôma bị ảnh hưởng bởi một nhận xét trong “Khuyết Danh Perugia” như sau: “Còn về lễ Giáng Sinh, mọi người nên rải ngũ cốc ra ngoài trời cho chim chóc và "có nghĩa vụ cung cấp cho anh em chúng ta là những con bò và lừa một lượng lớn thức ăn", cùng với việc bố thí cho người nghèo. Đối với Tôma, quyết định của Phanxicô làm nổi bậc con bò và con lừa trong cảnh Giáng Sinh có liên quan mật thiết đến cam kết của Phanxicô đối với đức nghèo trong Tin Mừng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là tính biểu tượng của cỏ khô, vì nó đại diện cho khái niệm bố thí làm nền tảng cơ bản cho học thuyết khó nghèo của Phanxicô. Bằng cách để cỏ khô trở thành thảo dược diệu kỳ, Tôma có thể chứng minh rằng chính Chúa Kitô (Đấng mà sự khiêm nhường và bác ái được nêu ra ngay từ đầu câu chuyện của Tôma là hai đức tính quan trọng nhất của Ngài) đã tán thành đức khó nghèo dựa trên bố thí, nhằm phân phối lại của cải từ người giàu sang người nghèo, vì cỏ khô trở nên linh thiêng là do có sự hiện diện của Chúa Giêsu Hài Nhi – là thức ăn của động vật, được cung cấp cho chúng bởi những người chăn bò và lừa. Do đó trong bối cảnh này – cả về đời sống tu trì lẫn đức khó nghèo – một cam kết đối với lối sống khó nghèo dựa trên bố thí cùng với sự tán thành quan điểm cho rằng con người đạt được những giá trị thiêng liêng, trở nên giống Chúa Kitô hơn bằng cách đồng hóa với những con vật thấp kém và phụ thuộc vào của bố thí.   

Bônaventura khi viết tiểu sử thánh Phanxicô, có thể đã không đánh giá cao một bản văn cấp tiến như vậy về tầm quan trọng của sự nghèo khó khi Chúa Giáng Sinh, điều này phù hợp với các học giả đã nói về cách xử lý của vị Tiến Sĩ Thiên Thần đối với các truyền thuyết của Dòng Phan Sinh khi ngài được Tổng Tu Nghị của Dòng Anh Em Hèn Mọn ủy nhiệm viết tiểu sử chính thức của thánh Phanxicô, Đại Truyện được hình thành trong mục đích ấy, và cũng là để tránh xúc phạm bất kỳ phe nhóm nào trong Dòng Phan Sinh, đặc biệt là những cá nhân đang nắm quyền, họ thấy sự cần thiết phải nới lỏng các hạn chế về sự nghèo khó mà dòng thừa hưởng từ những lý tưởng ban đầu của Đấng Sáng Lập liên quan đến sự nghèo khó tuyệt đối. Hơn nữa, để nâng cao lối sống Phan Sinh trong mắt các tu sĩ khác, Bônaventurea đã phải tiết chế một số quan điểm khắt khe của Phanxicô về của cải thế gian, vì họ coi sự nghèo khó tuyệt đối là đi sai lạc với giáo huấn của Kinh Thánh và là một thực hành lệch lạc, có thể dẫn đến dị giáo. Do đó, nhiệm vụ của Bônaventura liên quan đến việc thiết lập lại một cách cẩn thận và đôi khi, kiểm duyệt các tài liệu truyện ký về thánh Phanxicô trước đó, nhưng chủ yếu là quyển Hạnh thánh Phanxicô, Quyển 1 của Tôma Celanô.

Khi Bônaventura nghiên cứu Lễ Giáng Sinh tại Greccio, chúng ta bắt gặp một câu chuyện ngắn hơn nhiều so với câu chuyện của Tôma, và một câu chuyện không cho thấy dấu vết về chủ đề nghèo khổ, ngoại trừ cụm từ “Vị Vua Nghèo” liên quan đến Chúa Kitô. Đối với Bônaventura, mục đích của thánh Phanxicô khi tổ chức thánh lễ là để tưởng nhớ sự Giáng Sinh của Chúa Kitô “với niềm trang trọng nhất có thể” (10:7). Kết luận của Bônaventura liên quan đến cảnh Giáng Sinh là Phanxicô muốn đánh thức những người yếu đức tin bằng sự kiện này tại Greccio. Mặc dù, Bônaventura chắc chắn biết rằng có những con vật sống trong cảnh Giáng Sinh, nhưng ngài đã cố gắng giảm thiểu tầm quan trọng của chúng. Thật vậy, như tôi đã lập luận trước đó, chúng là những yếu tố gây khó chịu trong câu chuyện, đòi hỏi bối cảnh câu chuyện của Bônaventura tuyên bố rằng Phanxicô đã xin được phép đặc biệt của Đức Giáo Hoàng để tổ chức cảnh Giáng Sinh này. Không có gì ngạc nhiên khi ngài chỉ để cập đến những con vật đi ngang qua, còn Tôma thì mô tả một cách sống động là những con vật được dẫn vào (30:85) để tham gia cùng với những người dự thánh lễ. Tiếng kêu be be như tiếng cừu của Phanxicô bị loại bỏ, loại trừ sự tương đồng của vị thánh với các loài vật, và phép lạ từ cỏ khô được đơn giản hóa hơn, nó chỉ hiệu nghiệm với các loài vật, nhưng với con người thì được ngụ ý trong cụm từ “nhiều loại dịch bệnh khác” (10:7). Nói tóm lại, Bônaventura loại bỏ bất kỳ gợi ý nào cho rằng bối cảnh này có ý nghĩa khó nghèo sâu sắc và rằng những con vật và thức ăn của chúng là phương tiện chính cho thông điệp khó nghèo được thể hiện rõ ràng trong Dòng Phan Sinh.

Trước khi đi đến một số kết luận sơ bộ về vai trò của các con vật trong tư tưởng của thánh Phanxicô vào Thời Trung Cổ, nên lưu ý rằng có sự chứng thực trực quan (và theo một nghĩa nào đó, là sự tiếp nối trực quan) các chiến lược sửa đổi của Bônaventura trong các bức bích họa được trang trí tại các bức tường ở gian cung thánh của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô ở Assisi, được vẽ vào khoảng năm 1295 - 1330, hai mươi tám bức bích họa này từng được cho là của Giotto, minh họa các sự kiện trong cuộc đời thánh Phanxicô, và các học giả đã kết luận rằng nội dung của chúng phần lớn dựa vào quyển Đại Truyện của Bônaventura, trong số đó có một bức bích họa vẽ về cảnh Giáng Sinh tại Greccio. Nếu thực sự họa sĩ đã tham khảo quyển Đại Truyện về sự kiện này, thì ông ta đã hoàn toàn đáp ứng mối quan tâm của Bônaventura về bối cảnh ngài trời của Lễ Giáng Sinh và sự hiện diện của những con vật sống. Thay vì thu hút sự chú ý đến vấn đề về bối cảnh cử hành ngoài trời, vị họa sĩ ngay lập tức giải quyết nó bằng cách đặt vào bối cảnh bên trong một nhà thờ, một bước quan trọng để hợp pháp hóa cảnh Giáng Sinh dựa trên những quy tắc của Giáo Hội. Các con vật cũng có mặt, nhưng chúng được vẽ nhỏ lại, có vẻ như kích thước gần bằng một con chó, cuộn tròn lại với nhau để ít chiếm không gian hơn. Hơn nữa, chúng bị đẩy ra ngoài lề của bức bích họa, cách xa nhân vật chính đó là Chúa Hài Đồng trong vòng tay của Phanxicô. Cỏ khô của các con vật hiếm khi được nhìn thấy, được giấu sâu bên trong máng cỏ giống như trong một chiếc hộp. Rõ ràng, mối liên hệ ban đầu của Phanxicô với con bò và con lừa trong cảnh này đã bị cắt, với việc những con vật giờ đây ít được nhận ra nhưng lấy con người làm trung tâm của cảnh Giáng Sinh.  

Tuy nhiên, bức bích họa vẫn toát lên được mối tương quan chặt chẽ giữa cảnh quang xung quanh với những nhân vật và các con vật trong cảnh Giáng Sinh. Vị họa sĩ đã khéo léo phối cảnh và chia bố cục với một số lượng lớn người tham dự trong bức bích họa, khiến người xem có cảm giác như hành động đang diễn ra trong một sân khấu thật. Ví dụ: những người xem hình ảnh này có thể nhìn thấy ở một góc nhìn khác mặt sau của cây thánh giá được chống đỡ trên tấm bình phong và hình ảnh sau bục giảng ở góc bên trái của bức bích họa. Ngoài ra, như trong hoạt cảnh Phụng Vụ, máng cỏ được liên kết với bàn thờ. Do đó, bối cảnh đã được hợp thức hóa hơn nữa khi họa sĩ nhấn mạnh vị trí của nó trong khuôn khổ quen thuộc của Phụng Vụ.

Tuy nhiên, ở Bônaventura chủ đề nghèo khó không được đề cập đến. Trên thực tế, một số người cả nam và nữ được miêu tả là những công dân thành thị giàu có, mặc trang phục đắt tiền để xác định họ là những người có địa vị xã hội cao trong hệ thống phân chia giai cấp công nhân ở Ý. Nhà thờ cũng được trang trí đẹp, ngụ ý cho sự giàu có của người giáo dân, hầu như không có vẻ đại diện cho một nơi thờ phượng mà người ta có thể tìm thấy ở một thị trấn nhỏ như Greccio. Theo cách này, tính chất nông thôn nơi Lễ Giáng Sinh của Phanxicô đã bị mai một, giờ đây đã được thay thế bằng một đô thị, một điều gợi ý rằng sự sang trọng, xa hoa mà chúng ta đang thừa hưởng là do giai cấp tư sản lâu đời trong các thành thị của nước Ý vào cuối Thời Trung Cổ. Chúng ta có thể giả định rằng họa sĩ, bằng cách tưởng tượng Lễ Giáng Sinh của Phanxicô được tổ chức trong bối cảnh thành thị, là hy vọng thu hút được người dân thành Assisi, đối tượng chính của các bức bích họa và chắc chắn trong số họ có những người bảo trợ cho dự án này. Do đó, các bức bích họa cố gắng tạo ra cảm giác đoàn kết giữa những công dân của thành phố Assisi với người con lừng lẫy nhất thành phố của họ là thánh Phanxicô. Nhưng cũng đúng là một sự thay đổi ý thức hệ quan trọng đã được thực hiện trong cảnh này, vì bức bích họa đã ngăn cản sự kết hợp của Phanxicô với thiên nhiên, một sự kết hợp được thể hiện rõ nét trong tinh thần Phan Sinh là gần gũi với thiên nhiên và nó cũng là trung tâm nhất của cảnh Giáng Sinh tại Greccio.

Vào thời điểm Tôma Celanô viết Hạnh Thánh Phanxicô, ngài đã được xác định là người có mối quan tâm đặc biệt với thế giới loài vật, như là một căn tính vốn có và không suy giảm trong lòng đạo đức bình dân dành cho ngài. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Tôma, hành động như bất kỳ nhà viết tiểu sử các thánh chuyên nghiệp nào, đã ghi lại nhiều câu chuyện hiện có về thánh Phanxicô với các loài vật, và cải biên cho phù hợp với bối cảnh văn chương cũng như nhấn mạnh tiềm năng của chúng trong việc truyền đạt các khuôn mẫu Kitô học. Tiếp đến, lời tường thuật về cảnh Greccio tập trung vào các vấn đề về sự khó nghèo tiềm ẩn trong câu chuyện này, vốn quan trọng với tinh thần của Dòng Phan Sinh, và chắc chắn là đối với thánh Phanxicô. Khoảng ba mươi năm sau, Bônaventura đảm nhận nhiệm vụ hiệu đính câu chuyện của Tôma cho phù hợp với các mục đích thần học và chính trị lúc bấy giờ, ngài đã khôn ngoan chọn cách không đi lệch hoàn toàn khỏi các truyền thống văn hóa lâu đời quanh thánh Phanxicô và các loài vật bằng cách loại bỏ chúng ra khỏi truyện ký. Tuy nhiên, ngài đã loại bỏ (hoặc thay đổi đáng kể) những thứ không phù hợp với các tiêu chuẩn Kitô giáo đã được thiết lập và tìm thấy trong Kinh Thánh hoặc trong cuộc đời của các vị thánh khác, theo đó vai trò tiêu biểu của các vị thánh là thống trị, làm chủ, và điều khiển. Nếu một câu chuyện về loài vật trong văn bản của Tôma không thể điều chỉnh cho phù hợp với mục đích chú giải của mình thì Bonaventura hoặc là thay đổi hay là bỏ chúng đi. Nhưng khung cảnh Greccio, đủ sống động để khó mà có thể bị loại bỏ, điều này đã đặt ra cho Bônaventura một thử thách khá thú vị. Mặc dù con bò và con lừa là những con vật có giá trị biểu tượng trong Kitô giáo, do đó dường như không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của Bônaventura, nhưng thông điệp xã hội của cảnh này đã được loan truyền mạnh mẽ, thông qua sự xuất hiện của các con vật như chúng là chúng chứ không phải như những biểu tượng ngụ ngôn, đã đi ngược lại kế hoạch của Bônaventura lúc ban đầu và quyết định cuối cùng của ngài là giữ lại cảnh này nhưng không có ngụ ý lấy động vật làm trung tâm nữa.

Phản ứng của Bônaventura đối với nguồn tài liệu của ngài cũng nói lên một số vấn đề văn hóa lớn hơn. Đôi khi, Tôma Celanô và các nhà văn khác làm việc trong truyền thống của dòng Phan Sinh gợi ý rằng: các câu chuyện của họ có sự gắn bó của Phanxicô với các loài vật bởi các cử chỉ hòa nhập hiếm thấy trong cách thực hành và lý thuyết xã hội Thời Trung Cổ. Phanxicô không chỉ thể hiện lòng tốt và sự quan tâm dịu dàng đối với từng loài vật (phổ biến và ở một mức độ lớn hơn là sự đồng thuận của giới học giả về ngài), ngài cũng có quan điểm mạnh mẽ về cách loài người có thể hình dung các loài vật được nhân hóa như những con người tham gia thực tế vào trật tự xã hội, đóng vai trò là thành viên của một nhóm xã hội bị áp bức và cùng tồn tại với người nghèo. Nhìn theo cách này, các loài vật xứng đáng được hưởng lợi ích xã hội vì chúng là một phần trong cộng đồng của thánh Phanxicô, chúng không chỉ cung cấp một mô hình thiết yếu cho tổ chức xã hội loài người mà còn tham gia với tư cách là công dân trong cộng đồng người nghèo và với tinh thần Kitô giáo.

Khi sắp xếp để bò và lừa vượt qua các ranh giới không gian do cộng đồng loài người đặt ra cho chúng, nghĩa là bằng cách cho chúng xuất hiện trong một không gian xã hội của loài người (và thực tế ở đây là một không gian thiêng liêng) mà chúng chưa từng có trước đó, Phanxicô có thể đặt câu hỏi về tính hợp lệ của sự phân chia loài vật - loài người theo một hình thức thuyết phục, nhưng có thể gây ra sự phản đối. Ngài cũng tạm thời đưa các loài vật ra khỏi nền văn hóa của chúng và cung cấp cho chúng một vị trí rõ ràng hơn trong hệ thống kinh tế Thời Trung Cổ mà trước đây chúng đã bị tách biệt, và cho chúng với tư cách là các tác nhân sản xuất kinh tế. Đặc biệt, đối với Phanxicô chúng ta thấy các loài vật cũng xứng đáng như những người nghèo để nhận những chỉ thị của Đức Giêsu về việc bố thí. Thật vậy, các ý tưởng về nghèo khó chắc chắn chiếm    ưu thế trong việc hình thành thái độ khác thường của Phanxicô về thế giới loài vật, và khi xem xét kỹ lưỡng các truyện ký về ngài, người ta thường tìm kiếm các sự kiện trong đời của ngài, việc thành lập một Dòng Hành Khất có thể đã giúp ngài vượt qua khoảng cách loài vật và con người để nhận thức lại vị trí của mình là một con người trong một thế giới được chia sẻ với cả những loài không phải con người. Có lẽ chính trong giai đoạn hoán cải triệt để, khi ngài trải qua quá trình xây dựng lại con người của mình cách đột ngột, hoàn tác và từ từ, rằng ranh giới cũ của bản sắc con người tư sản trước đây của ngài như là một ảo ảnh cần được phê phán. Vì, khi ngài thực hiện cuộc hoán cải ngoạn mục của mình, lột bỏ con người xã hội trước đây của ngài cùng với quần áo tại quảng trường Assisi, một phần con người của ngài đã được biến đổi, nhằm giúp xóa bỏ con người cũ của ngài trước kia. Một trong những điểm được biến đổi đó là, tin rằng con người phải luôn được xác định là đối lập với thế giới loài vật, có lẽ, nó diễn ra rất sớm nhưng rất quan trọng trong hành trình hoán cải của ngài.

Nguyên tác của tác giả Lisa J. Kiser (Đại học Ohio), “Animals in Sacred Space: St. Francis and The Crib at Greccio”

______________________
Phêrô Lê Minh Hải, OFM chuyển ngữ
Nguồn: Ủy ban Công lý & Hòa bình

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top