Thánh Gioan Bosco, người có nhiều giấc mơ tiên tri

Thánh Gioan Bosco, người có nhiều giấc mơ tiên tri

Thánh Gioan Bosco, người có nhiều giấc mơ tiên tri

TGPSG / Aleteia -- Nổi tiếng là thiên tài giáo dục, thánh Gioan Bosco lại ít được biết đến ở khía cạnh có thiên hướng về những giấc mơ tiên tri. Chẳng hạn như giữa bão táp chính trị ở Ý, ngài đã báo trước cho nhà vua những mối nguy đang đe dọa ông này khi dám tấn công Giáo hội.

Mặc dù Chúa Giêsu đã loan báo rằng vào thời sau cùng, "người già sẽ nói tiên tri và người trẻ sẽ có những giấc mộng", Hội Thánh vẫn luôn thận trọng trong việc khuyến khích người ta tin vào những giấc mơ. Thế nhưng một số vị thánh, như thánh Giuse trong Cựu Ước chẳng hạn, bị anh em đầy ghen tức của ngài gọi một cách ác ý là "người nằm mơ", đã được tiên báo trong giấc ngủ về những sự việc sắp diễn ra, mà quả nhiên sau đó đã diễn ra thật. Về chuyện này, thánh Gioan Bosco quả là nhà vô địch nhưng ngài vẫn nhìn cái biệt tài này với con mắt đầy nghi ngại vì nó đã gây cho ngài biết bao phiền toái...

Những gì nhìn thấy không phải lúc nào cũng dễ chịu

Khi chỉ mới 9 tuổi đầu, với cá tính thẳng thắn mạnh mẽ, cậu đã nhìn thấy trong giấc mơ một nhóm rất đông trẻ em đang chửi bới nhau, cãi cọ và đánh đấm nhau; nghe chúng thốt lời phạm thánh, Gioan Bosco nổi giận, nhào vào đám xô bồ, quyết lập lại trật tự bằng nắm đấm. Đúng lúc đó Chúa Kitô hiện ra và nói với ngài: "Không phải bằng bạo lực mà bằng sự dịu dàng, con mới chinh phục được bạn mình." Như mọi người đã biết, giấc mộng tiên báo đó đã diễn ra qua nhiều giai đoạn, dẫn tới việc hoán cải những người trẻ hoang dại thành những con chiên hiền lành, giống như trong giấc mơ "3 bóng trắng", Don Bosco nhìn thấy Giáo hội, dưới dạng một chiến hạm chỉ huy, xung quanh là một hạm đội bị phân tán, phải đương đầu với một hạm đội thù địch đang đe dọa tiêu diệt nó. Khi ấy, có hai cây cột từ dưới biển trồi lên - một cây mang Bánh Thánh tỏa sáng, cây kia mang Mẹ Vô Nhiễm – và một người đàn ông mặc áo toàn màu trắng, chính là Đức Giáo hoàng, đã làm cho mũi tàu đang lâm nguy được vững vàng nhờ hai cây cột này.

Cũng nổi tiếng không kém là giấc mộng vào năm 1857, trong đó Don Bosco trông thấy Đa Minh Saviô, qua đời cách đó không lâu, tiến về phía Don Bosco giữa một khung cảnh huy hoàng, trấn an ngài rằng: Saviô đang ở trên thiên đường và giải thích rằng những kỳ quan trần gian chỉ là thể hiện rất khiêm tốn so với gì tuyệt đẹp mà những người còn sống không thể thấy được.

Vấn đề là những thấy được trong giấc mơ không phải lúc nào cũng dễ chịu. Thế giới trong giấc mơ của thánh Don Bosco đầy rẫy những thụ tạo ma quái, dưới hình thức những con mèo khổng lồ và đáng sợ, những con voi hung dữ, những con cóc gớm ghiếc hay con ngựa đỏ điên dại của những kỵ sĩ trong sách Khải Huyền, đang đe dọa các linh hồn hay đang tàn phá Kitô giáo. Nhiều người, đầu tiên là tiểu thuyết gia người Ý Eugenio Corti đã chọn tựa đề Con Ngựa Đỏ cho chuyện kể kinh hoàng của ông về sự tham chiến của những đạo quân phát xít. Đó cũng là lời giải thích của Irène Corona trong vở Những Lời Tiên Tri của Don Bosco (Nhà xuất bản Parvis, 2013).

Nếu không sám hối...

Tương lai đen tối ấy - được tỏ bày cho Don Bosco trong một giấc năm 1870, báo trước những tai ương sẽ đổ xuống nước Ý, châu Âu và Giáo hội - có thể hoá giải được nếu các giáo sĩ nghiêm túc xem xét lời cảnh báo: "Nhưng này các linh mục, tại sao các con không chạy vào nhà thờ để khóc lóc van xin hủy bỏ các thảm họa? Tại sao các con không nắm chắc cái khiên đức tin và tại sao các con không mang hạt giống Lời Chúa gieo rắc trên các nóc nhà, trong các gia đình, trên các đường phố, các quảng trường, đến khắp mọi nơi, kể cả những chỗ không tới được? Các con không biết rằng hạt giống ấy chính là thanh gươm hai lưỡi sắc bén để triệt hạ kẻ thù của Ta và làm dịu cơn giận của Đức Chúa và của con người? Nhưng nếu chẳng có ai chịu sám hối như vua thành Ninivê để ngăn chặn những tai họa này, thì chắc chắn chúng sẽ lần lượt xảy ra". Than ôi, chẳng có ai thèm nghe Don Bosco cả, giống như đã từng không nghe Đức Bà ở Rue du Bac năm 1830, ở La Salette năm 1846, ở Fatima năm 1917 và ở nhiều nơi khác nữa...

Tuy nhiên, giống như Đức Mẹ Mân Côi đã phán truyền: "Cuối cùng thì trái tim vô nhiễm của ta sẽ chiến thắng", Don Bosco báo trước sự xuất hiện của một "mặt trời sáng chói" - dấu hiệu của ngọn lửa Thánh Linh trên trái đất. Thiên Chúa không hề muốn cái chết của tội nhân - Người đã không ngừng lp lại điều này với nhân loại qua tiếng nói của Mẹ Maria và các Thánh - nhưng muốn họ hoán cải và được sống. Điều này có nghĩa là họ phải biết tự xét mình. Nếu không thì công lý thiên đình sẽ giáng xuống, đúng như vậy. Đó là điều mà vị linh mục có các giấc mơ tiên tri này đã loan báo cho vua Victor-Emmanuel II vào tháng 12/1854.

Loại bỏ các dòng tu chiêm niệm

Chúng ta nhìn lại cuộc khủng hỏang kéo dài cho đến khi thành Rôma thất thủ vào tháng 9/1870, với hai phe kình chống nhau là phe ủng hộ sự thống nhất Italia và phe bảo vệ những Nhà Nước coi Đức Giáo hoàng như vị lãnh đạo cả về thiêng liêng lẫn thế tục. Việc thống nhất của Italia có nghĩa là chấm dứt quyền lãnh đạo đó, điều mà Đức Piô 9 không muốn mà cũng không thể chấp nhận.

Vua Victor-Emmanuel II trẻ tuổi có tham vọng trị vì những vùng đất rộng lớn hơn là những gì đã được tổ tiên của ông truyền lại ở vùng Savoie, Piémont và Sardaigne; bất chấp lời hứa của triều đình Italia, ông ta tham gia thực hiện ván bài của Tam Điểm - một cánh tả nổi dậy - cương quyết lật đổ các vương quốc công giáo là nhà Bourbons-Sicile ở Napoli hay nhà Habsbourg ở Lombardie và Vénétie; và nhất là cương quyết loại bỏ vĩnh viễn không những quyền lãnh đạo thế tục của Giáo hoàng thể hiện nơi quốc gia Vatican, mà còn muốn loại bỏ cả đạo Công giáo nữa.

Năm 1854, nhà vua này đã cam kết với những đối thủ của Hội Thánh sẽ chuẩn thuận dự án luật Ratazzi, loại bỏ và tịch biên tài sản của mọi dòng tu chiêm niệm trong vương quốc của ông ta, chỉ cho tồn tại những dòng chuyên tâm vào giáo dục, giảng thuyết hay làm từ thiện.

Để xoa dịu các phẩm trật công giáo vùng Piémont, luật Ratazzi khẳng định rằng: số tiền tịch thu ấy sẽ được phân phối cho các xứ đạo nghèo hay trùng tu những công trình văn hóa.

Như những người ủng hộ lề luật, không hề xem nhẹ sức mạnh của cầu nguyện và hy sinh, Don Bosco biết rõ rằng phá hủy những dòng tu chiêm niệm là tước bỏ của Giáo hội những đạo quân tinh nhuệ và giải giáp Giáo hội mà giao cho Kẻ Thù, hay gần như thế...

Những cái chết được báo trước

Chỉ một mình nhà vua mới có thể cho ngừng tiến trình này bằng quyền phủ quyết; Victor-Emmanuel, mờ mắt vì tham vọng, không có ý định đó. Cuối tháng 11/1854, Don Bosco có một giấc mộng: ngài đang ở trong cung điện hoàng gia, chung quanh là những linh mục khác. Bỗng một gia nhân lao vào phòng la lớn: "Tin quan trọng"; "Tin gì?" Don Bosco hỏi và người đó trả lời: "Có đám tang lớn trong triều." Don Bosco không ngủ lại được: "Suốt đêm tôi phát ốm vì điều đó...". Ngài bàng hoàng đến nỗi phải viết thư cho nhà vua nhằm cảnh báo ông ta. Sau đó 5 ngày, ngài lại có giấc mộng y hệt, chỉ khác một chi tiết; người đầy tớ la lên: "Không phải một mà nhiều đám tang trong triều đình!" Don Bosco lại viết thư lần nữa cho Victor-Emmanuel, cảnh báo ông ta rằng, nếu nhà vua ký thông qua luật, ông ta sẽ đổ lên đầu Hoàng gia vùng Savoie những bất hạnh lớn.

Tôi chỉ viết cho hòang thượng sự thật; tôi rất tiếc đã làm cho ngài giận nhưng tôi làm thế chỉ vì lợi ích của ngài và của Giáo Hội.  

Đó không phải là lời cảnh báo có thể xem nhẹ. Don Bosco đã từng báo trước những thảm kịch, tai nạn, chết người, thường là với ngày tháng cụ thể; sự thật đã chứng minh ngài nói đúng vào thời gian đã báo trước.

Victor-Emmanuel, lo lắng hơn những gì ông thú nhận, đã sai một kẻ tín cẩn đến gặp Don Bosco. Kẻ này bực tức nói: "Cha nghĩ có thích hợp không khi điều này khiến cho triều đình rối tung cả lên? Hòang thượng rất giận dữ, rất choáng, rất bối rối!" Lệnh vua đã rất rõ ràng: phải ngưng ngay những lời tiên tri đó đi. Don Bosco bình thản đáp lại: "Tôi chỉ viết cho hòang thượng sự thật; tôi rất tiếc đã làm cho ngài giận, nhưng tôi làm điều đó chỉ vì lợi ích của ngài và của Giáo Hội".

Victor-Emmanuel không lùi bước, sợ trở thành trò cười khi tin vào vị linh mục mà Bộ trưởng Nội vụ của ông ta đánh giá là một tên phản động nguy hiểm. Ngày 5-1-1855, luật được đưa ra phê chuẩn ở Quốc hội lần thứ nhất. Ngay buổi tối hôm đó, hoàng thái hậu bỗng ngã bệnh nặng và qua đời ở tuổi 54.

"Hãy mở to mắt!"

Thật là một cú sốc lớn, đầu tiên là cho nhà vua. Ngày diễn ra đám tang, hoàng hậu, vừa sinh con trước đó 8 ngày và có vẻ như đang hồi phục tốt, bỗng lìa trần vì những biến chứng bất ngờ.

Don Bosco, khi nghe tin về cái chết trước đó của hoàng thái hậu, đã gi cho nhà vua bức thư cảnh báo cuối cùng:

"Một người hiểu chuyện trên trời đã báo trước: Hãy mở to mắt. Nếu luật đó được thông qua, những bất hạnh lớn sẽ giáng xuống gia đình của ngài vì vừa rồi mới chỉ là mào đầu cho những tai ương thôi..."

Vô ích... Sau hai bà hậu đầu tiên, đến em trai của Victor-Emmanuel, công tước xứ Gênoa chết ngày 11-2. Nhà vua vẫn không có động thái gì. Giữa tháng Năm, trong lúc tiến trình thông qua luật dần kết thúc, con út của ông ta không qua khỏi một cơn bạo bệnh của trẻ em. Tuy nhiên cha của em bé này vẫn bất chấp, ký thông qua sắc luật loại bỏ 334 tu viện khỏi vương quốc của ông ta. Trong những ghi chép cá nhân, Don Bosco viết: Gia đình ăn trộm của Chúa sẽ phải chịu nhiều bất hạnh và sẽ không qua khỏi 4 thế hệ."

Lời tiên báo được thực hiện. Umberto I, người kế vị Victor-Emmanuel II, bị ám sát chết. Con Umberto I là Victor-Emmanuel III - người đã mất phần lớn quyền hành vào tay Mussolini - phải thoái vị năm 1946. Con trai Victor-Emmanuel III là Umberto II - nạn nhân của luật lưu vong - buộc phải thoái vị trước khi rời Italia cùng gia đình. Nhà Savoie, bị trời cao ghi dấu, không thể cai trị quá thế hệ thứ tư...

Anne Bernet (Aleteia)
Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top