Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần III Mùa Phục Sinh

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần III Mùa Phục Sinh

TUẦN III PHỤC SINH

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Lc 24,35-48

"Chính anh em là chứng nhân của những điều này."
(Lc 24,48)

Nếu chúng ta đọc kỹ Tin Mừng hôm nay chúng ta sẽ thấy Luca đã chép lại những việc xẩy ra chung quanh việc Chúa phục sinh từ cõi chết, không những theo quá trình diễn tiến của thời gian mà còn theo cả thứ tự luân lý nữa.

I. SỰ KIỆN

Sự kiện ngôi mộ trống sẽ thật khó mà giải thích nếu không chấp nhận việc Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ. Thế nhưng đó chẳng qua cũng chỉ mới là một bằng chứng tiêu cực.

Thêm vào đó là việc Chúa Giêsu xuất hiện rõ ràng cho hai môn đệ trên đường Emmau cũng thế. Những bằng chứng này quả cũng vẫn chưa đủ. Có thể có người sẽ cho rằng sự kiện ấy chỉ là một dị tượng, một bóng ma hoặc bóng dáng của một vị thần nào đó.

Chính vì thế mà hôm nay khi kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một tông đồ lúc đêm xuống, Luca đã cố ý nhấn mạnh vào việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Người.

Vâng Chúa đã hiện ra cho các môn đệ với một thân thể vật chất còn in những dấu đinh độc ác, một thân thể có thể ăn được, một thân thể có thể đụng vào và cảm nhận được.

Hơn nữa Người còn trang nghiêm tuyên bố rằng Người không phải là thần linh không có thể xác. Người còn chỉ cho họ thấy những vết thương ở tay và chân và Người quả quyết với họ rằng thần linh thì chẳng có xương thịt như họ thấy Người đang có.

Rồi cuối cùng để đánh tan mối nghi ngờ hãy còn sót lại, Người cầm lấy một miếng cá nướng và ăn trước mặt các môn đệ. Có lẽ chẳng còn hình thức nào có thể minh chứng về Người mà Người đã không sử dụng để làm cho các môn đệ tin và từ niềm tin đó Ngài biến họ thành những nhân chứng cho Người sau đó.

Tóm lại, qua những lần Chúa Giêsu hiện ra và biến đi sau khi Người sống lại từ cõi chết chúng ta có thể coi đó như là những phép lạ chẳng khác gì những phép lạ Người làm lúc còn sống với các môn đệ trong cuộc đời công khai của Người vậy.

II. BÀI HỌC

Chúng ta có thể rút ra được bài học nào?.

1. Niềm tin vào Sự Phục Sinh của Chúa.

Chúa Giêsu xuất hiện không như một bóng ma, hoặc là một ảo tưởng của tâm trí. Đây là một sự thật: Đấng đã chết nay sống lại. Kitô giáo không xây dựng trên nền tảng các giấc mơ của người hoại trí hay ảo ảnh của những người loạn thị. Kitô giáo xây dựng trên những sự kiện thực tế của lịch sử: Đức Giêsu một con người đã đối đầu và chiến thắng tử thần và để rồi cuối cùng đã phục sinh để trở thành Cứu Chúa cho muôn loài.  

Trước đây người ta có cho trình chiếu một cuốn phim. Cuốn phim mang tựa đề là "Thế giới trong tối tăm". Nội dung câu chuyện nói về việc một nhà khảo cổ danh tiếng đã tổ chức một cuộc khai quật ở Giêrusalem và tìm được xác của Chúa Giêsu.

Vâng! Sau bao công khó đào bới, một ngày kia nhà khảo cổ đã dõng dạc tuyên bố:

- Tôi đã tìm ra được xác ông Giêsu.

Thế rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ qui tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày đào bới và khảo cứu vất vả.

Trong cuộc họp báo này, nhà khảo cổ đã trưng ra trước mắt mọi người một xác người đã khô đét nhưng còn có thể nhận ra là tay, chân của người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu.

Cuốn phim đang quay lại cảnh mọi người đang im lặng, chăm chú theo dõi lời thuyết trình của nhà khảo cổ về cái xác mà ông bảo là xác của ông Giêsu thì tình cờ có một phụ nữ đứng lên phát biểu lớn tiếng.

- Đây là một sự thật hiển nhiên rồi. Ông ta đã bị đóng đinh, đã chết và đã được mai táng.

Và nhà khảo cổ tiếp lời:

- Vâng đúng thế, bị đóng đinh, chết và được mai táng, và bây giờ chúng tôi khám phá ra xác của ông ấy đây, vì thế làm gì có truyện ông ấy phục sinh?

Tiếp ngay sau đó cuốn phim cho thấy hậu quả của việc tìm ra xác ông Giêsu: đó là không còn chỗ nào và không còn ai mừng lễ Phục Sinh nữa. Những ngọn đèn chầu trong các nhà thờ tắt ngúm. Nhà thờ đóng cửa. Chuông nhà thờ im tiếng. Thánh giá trong các nhà thờ bị hạ xuống! Thế giới đắm chìm trong một màn đêm dày đặc. Thật là một cảnh kinh khủng!

Rồi sau đó điều gì sẽ xảy ra? Cuốn phim trình chiếu cận cảnh cảnh hấp hối của nhà khảo cổ. Và đây mới là điều đáng ghi nhớ: Trước khi trút hơi thở cuối cùng ông ta đã đau đớn thú nhận:

- Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm ra cái xác giả của ông Giêsu rồi bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước, trước khi khởi sự công việc đào bới tìm xác ông.

Sau lời tuyên bố đó của nhà khảo cổ, cuốn phim lại quay lại cảnh hàng ngàn người tuôn đến mộ thánh ở Giêrusalem như người ta thường thấy trong những dịp Tuần Thánh.

Những ngọn nến lại được thắp lên và những tín hữu, tay mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng để soi sáng cho những con đường đang chìm ngập trong bóng đen của hận thù, của chán nản thất vọng .

Chuông các nhà thờ lại đổ để báo tin Chúa Giêsu đã phục sinh để nói với mọi người rằng: Tình yêu mạnh hơn tội lỗi, sự sống mạnh hơn sự chết.

Vâng! cuộc phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ liên hệ đến cuộc đời của Ngài, nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng của toàn thể nhân loại cũng như ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống, lòng tin và niềm hy vọng của chúng ta nữa.

2. Sứ mạng khẩn cấp loan báo Tin mừng.

Phải ra đi, kêu gọi mọi người ăn năn để tiếp nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Hội Thánh không thể ngồi yên tại phòng họp mãi mà phải ra đi. Phải lìa phòng họp mà nhận lấy sứ mạng của mình. Hãy để cho những ngày than vãn lùi vào quá khứ. Giờ đây, ta phải đem niềm vui mừng Phục sinh chia sẻ cho mọi người.

Hãy chứng tỏ cho thế giới biết về một Đức Giêsu hằng sống. Người đang hiện diện giữa cuộc sống của mọi người.

Có rất nhiều cách để làm chứng, nhưng cách hay nhất và hữu hiệu nhất vẫn là chính cuộc sống thánh thiện, đầy tình yêu thương của mỗi người.

Từ một chàng thanh niên không biết Chúa, sau khi bị trận mạc cướp đi hai cánh tay và hai con mắt, Jacques Lebreton thay vì thất vọng, hận đời, anh đã tìm về với Chúa. Sau đó anh lao đầu vào việc học để được hiểu biết Chúa nhiều hơn. Khi thấy hành trang đã tạm đủ, anh quyết lên đường để làm chứng.

Trong buổi lễ phong chức phó tế cho anh, Đức Giám Mục địa phận Beauvais đã nói: "Thầy Jacques nay cụt cả hai tay, nên sẽ không thể giúp lễ và rửa tội. Thầy Jacques nay mù cả hai con mắt, nên sẽ không thể đọc Sách Thánh được. Nhưng Thầy còn tiếng nói và với tiếng nói Thầy sẽ có thể rao giảng niềm vui của cuộc sống"

Vâng quả thực Thầy đã làm cho mọi người phải ngỡ ngàng ngạc nhiên. Thầy đã giảng hơn kém 200 bài giảng mỗi năm. Ngoài thời giờ giảng về niềm vui của cuộc sống có Chúa, Thầy còn để hết tâm lực vào việc giúp đỡ những bệnh nhân, giúp họ cũng có được niềm vui như thầy.

Có lần người ta hỏi: "Nếu phải chọn một từ nào để rao giảng thì Thầy sẽ chọn từ nào.?

Thầy trả lời ngay, không một chút suy nghĩ: "Tình yêu" Rồi Thầy nói tiếp: "Tật bệnh nặng nhất chính là không còn yêu thương và không được yêu thương"

Một con người cụt cả hai tay, mù cả hai con mắt thế nhưng vẫn thấy cuộc đời của mình hạnh phúc và muốn chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Còn chúng ta, chẳng lẽ chúng ta lại không tìm được niềm vui nào với cuộc sống của một người tin Chúa hay sao!

Vâng chúng ta hãy đi làm chứng cho mọi người biết về một Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Amen.


THỨ HAI TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,22-29

"Hãy ra công làm việc
không phải vì lương thực mau hư nát,

nhưng để có lương thực thường tồn

đem lại phúc trường sinh."
(Ga 6,27)

Chúng ta bắt đầu bài suy niệm về Bí tích Thánh Thể:

1. Vì đã được ăn bánh no nê nên dân chúng đi tìm Chúa Giêsu. Sáng hôm sau, họ gặp Ngài ở bên kia biển hồ. Ngài nói với họ: “Các ngươi tìm Tôi không phải vì các ngươi thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn no nê”(Ga 6,26).

 Rồi Ngài nói cho họ biết về một thứ lương thực khác quan trọng hơn: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”(Ga 6,26-27).

Qua những lời đó, Chúa Giêsu nhắc nhở cho dân chúng ngày xưa và cũng như ngày nay: Cuộc sống con người ngoài lương thực vật chất, còn một thứ lương thực khác, đó là thứ lương thực làm cho người ăn có được sự sống tồn tại đến muôn đời.

Một điền chủ muốn thưởng công xứng đáng cho nông dân đã chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, chăm sóc ruộng đất cho chủ trong suốt một thời gian dài. Vào một buổi sáng nọ, ông chủ cho gọi người nông dân đến và nói:

- Nhờ anh mà tôi được giàu có thêm. Hôm nay, tôi quyết định cho anh một phần thưởng. Anh biết rõ ruộng đất của tôi rộng thẳng cánh cò bay. Vậy vào lúc mặt trời mọc sáng ngày mai, tôi cho anh chạy trên đất của tôi nhanh chậm tùy ý. Anh phải tính thế nào để đúng lúc mặt trời lặn, anh phải trở về điểm khởi hành. Vòng tròn thửa đất có vết chân của anh đã chạy sẽ là ranh giới tài sản mà tôi cho anh.

Anh nông dân hết sức mừng rỡ. Vì khỏe mạnh nên anh chạy nhanh như gió. Càng về chiều, anh càng chạy nhanh hơn. Nhìn lại thửa đất mênh mông mà anh đã chạy vòng qua, anh càng hăng hái và ráng chạy, chạy nhanh, thật nhanh. Lúc mặt trời vừa lặn thì cũng là lúc anh vừa trở về lại điểm khởi hành. Thế nhưng, vừa về đến nơi thì anh cảm thấy choáng váng trong người. Mặt tái mét, mắt hoa lên, rồi anh ngã xuống đất và rồi tim anh ngừng đập. Anh đã tắt thở trước mặt mọi người! Thế là hết! Lúc đó, anh chỉ còn cần có 3 tấc đất người ta gửi tấm thân anh vào đó.

2. Lời của Chúa Giêsu: “Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”.(Ga 6,27)

Một nhà truyền giáo kia kể lại câu chuyện sau đây:

Một hôm, có một người bản xứ vội vã chạy đến tìm gặp tôi. Anh la lớn: "Thưa Cha! cách đây 25 cây số có một người đang hấp hối. Cha hãy đến mau!"

Vài phút sau, tôi ra khỏi thành phố, hướng về phía Nam. Trong nhiều giờ, chúng tôi cuốc bộ dưới ánh nắng chói chang và qua những con đường đầy bụi bặm. Những lời nói của người dẫn đường làm cho tôi có cảm giác như có một cái gì đó bất thường sắp xảy ra. Anh ta nói với tôi về một người bệnh, một người bệnh trong một ngôi chùa. Cuối cùng, thì tôi cũng đã hiểu ra: Đó là một người Kitô hữu già làm nghề gác chùa từ rất lâu! Ông ta giữ nhiệm vụ canh chùa, rung chuông đánh trống mỗi khi có các buổi lễ. Bây giờ, ông ta sắp chết vì thế ông nhờ người đi tìm Linh mục.

Buổi chiều, chúng tôi đến nơi, trong một góc chùa, trên một chiếc chiếu, tôi nhận thấy một cụ già rất gầy và hầu như đang hấp hối. Ông nhìn tôi cười và nói một cách khó nhọc:

- Thưa Cha, cha đã đến. Cha đã không quản ngại đường sá xa xôi. Con cám ơn Cha.

- Nhưng... tại sao cụ lại ở đây! Tôi được biết là cụ đã ở đây giữ chùa, phục vụ các ngẫu thần và bỏ rơi Thiên Chúa duy nhất chân thật mà cụ đã tuyên xưng khi chịu phép rửa!

- Thưa Cha - Ông cụ rên rỉ - xin Cha hãy cúi xuống một tí để nghe con nói và hiểu giùm con. Đúng là con giữ chùa, con rung chuông, đánh trống. Nhưng chỉ vì cái này (ông phác một cử chỉ ăn uống), nhưng bên trong con nói: "Chúa ơi, xin đừng giận con, Chúa biết rằng, chỉ vì cái ăn, nhưng cái này (ông đưa tay chỉ ngực) luôn thuộc về Chúa!"

Sau lời thú nhận này, đôi mắt ông rực sáng. Tôi quỳ xuống gần bên chỗ nằm đáng thương của ông, nghe ông xưng tội và ban của ăn đàng cho ông. Ông ta tỏ vẻ sung sướng biết là ngần nào. Tôi thấy là ông chẳng còn sống được bao lâu nữa - Những cơn đau kinh khủng đang dày xé thân xác gầy mòn của ông -Tôi tìm cách an ủi, nhưng con người đang hấp hối này nói với tôi bằng một giọng vui vẻ:

- Điều đó không có gì quan trọng cả, thưa Cha, con muốn chịu đựng tất cả, vì chẳng bao lâu nữa, con sẽ được vào Nước Trời, ở đó mọi sự đều rất tốt đẹp!

Vài ngày sau, tôi nhận được tin cụ già đã qua đời một cách bình an trong ngôi chùa của cụ...

Vâng! “Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”(Ga 6,27).


THỨ BA TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,30-35

"Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;

ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!"
(Ga 6,35)

1. Chúa Giêsu bắt đầu giải thích về thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”:

Thứ của ăn đó vượt trội hơn manna ngày xưa.

Nghe thế, dân chúng tưởng đó là một thứ thức ăn - cũng vẫn là vật chất - nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin “Thưa Ngài, xin Ngài cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”(Ga 6,34).

Thái độ của dân Do Thái rất đáng chúng ta suy nghĩ: nhớ tới manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng, đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Chúa Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều người trong chúng ta, khi đến với Chúa có lẽ cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế.

Ở đây, chúng ta thấy Chúa muốn nói đến một thứ lương thực khác. Chúng ta phải nhớ những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt, thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất, thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần.

Chúng ta thấy mỗi khi ăn, chúng ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một lượng vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Sức khỏe của ta lệ thuộc vào thức ăn. Một câu tục ngữ xưa nói: “Bạn là những gì bạn đã ăn”.

Thức ăn giàu chất dinh dưỡng: chúng ta sung sướng béo mập; ăn vặt: chúng ta sẽ bị suy dinh dưỡng. Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn của những kẻ theo Ngài (Góp nhặt).

2. Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”(Ga 6,35).

Vâng, Chúa Giêsu đã trở thành bánh trường sinh cho tất cả những ai tin vào Người. Công việc xem như không thể nhưng với Chúa thì tất cả đều có thể.

Người ta kể lại rằng, có lần thánh nữ Gertruđê đang suy niệm về bí tích Thánh Thể và tự hỏi không biết làm sao mà Chúa lại có thể tự hạ mình xuống thấp như thế, để hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh, thì chính Chúa Giêsu đã hiện ra và cắt nghĩa cho bà. Người cắt nghĩa bằng một câu chuyện sau. Người nói:

Một hoàng tử nhỏ ở trong một lâu đài rộng lớn với đủ loại đồ chơi, ngày kia nhìn qua cửa sổ và thấy các đứa bé nghèo chơi trên đường. Thấy hoàng tử nhìn qua cửa sổ như thế, người giám hộ liền hỏi:

- Hôm nay, hoàng tử muốn ở chơi trong lâu đài hay muốn ra ngoài chơi với các đứa bé trên đường phố?

- Tôi muốn ra ngoài chơi với chúng.

Được phép, hoàng tử khoác vào người bộ đồ cũ nhất và cả ngày chơi với các trẻ nghèo. Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cậu bé chốn cung đình.

Rồi Chúa nói với thánh Gertruđê:

- Ta giống như vị hoàng tử nhỏ kia. Ta muốn ở với con người, đàn ông cũng như đàn bà. Bất cứ ai không đến với Mình Thánh hoặc ngăn cản kẻ khác đến rước lễ, kẻ ấy lấy mất đi của Ta một niềm vui lớn.

Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để luôn có được niềm vui.

Bà Marthe Robin một trong những người được in năm dấu thánh. Bà đã qua đời cách đây không lâu.

Hơn 30 năm trời bà không ăn uống gì, chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa. Tôi xin nhắc lại: hơn 30 năm. Vâng, 30 năm trời như vậy, mỗi ngày có một linh mục đem Mình Thánh Chúa đến cho bà. Và mỗi khi linh mục đem Mình Thánh Chúa đến thì ngài có cảm tưởng y như Mình Thánh bay từ tay mình vào thẳng nơi miệng bà thật sự. Bà âm thầm sống trong một căn nhà nho nhỏ, có cha linh hướng săn sóc, đi đâu cha cũng khóa cửa lại, vì bà chẳng cần ăn uống gì hết.

Tuy mắt đã mù, không đọc sách báo cũng chẳng nghe được đài phát thanh, nhưng mỗi lần có ai xin bà việc gì, thì bà trả lời như thể bà đang nghe thấy tất cả những tin tức cuối cùng và mới mẻ nhất về nơi chỗ diễn tiến của sự việc vừa xảy ra. Làm sao cắt nghĩa được sự kiện lạ lùng này nếu không tin vào quyền năng của Thiên Chúa!

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là tấm Bánh Thánh nuôi dưỡng cho con,
Nhưng con lại có thể
bẻ vụn tấm bánh đời mình cho anh em con.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là Chén Máu Thánh
bổ sức cho con,
Nhưng con lại có thể quảng đại
mời anh em con uống lấy trọn đời con.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới thật sự là đường
Nhưng con lại có thể
chỉ đường cho anh em con bước đi.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là ánh sáng,
Nhưng con lại có thể làm cho
ánh mắt anh em con
thêm sáng ngời long lanh.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là sự sống vĩnh cửu,
Nhưng con lại có thể đem đến cho anh em con niềm vui sống.

(Phỏng theo L’INDISPENSABLE PIÈRE)


THỨ TƯ TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,35-40

"Ai thấy Người Con và tin vào Người Con
thì được sống muôn đời,

và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
(Ga 6,40)

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”(Ga 6,35).

Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện qua việc đến với Ngài. Đó là điều kiện tiên quyết để được hạnh phúc, được sống đời đời. Nhưng như thánh Phaolô nói: Làm sao tin được, nếu không được nghe; làm sao nghe được, nếu không có người rao giảng; và làm sao rao giảng, nếu không được sai đi (Rm 10,14). Tất cả những ai tin Chúa, thì cũng ý thức sứ mạng được sai đi để nói về Chúa cho người khác, nhờ đó họ mới có thể đến với Chúa và tin vào Chúa. Cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi đã ý thức về sứ mạng đó, cho nên đi tới đâu, họ cũng rao giảng cho người khác biết về Chúa. Khi nói về sinh hoạt của Giáo Hội tiên khởi, các sử gia cho rằng, sở dĩ người Kitô hữu đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, là vì họ không truyền bá Tin Mừng bằng sách vở, mà là bằng đời sống gương mẫu của họ.

2. Tuy nhiên, không phải chỉ có việc tin vào Chúa, mà còn phải lãnh nhận Mình Máu Chúa. Đây là điều không dễ chấp nhận trên bình diện nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật này.

“Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai”(Ga 6,39).

Cha Matthêô, vị tông đồ của Phong trào tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong các gia đình, thuật lại một câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của mình:

Tôi ở Lộ Đức, khi vừa giảng xong tôi bước xuống khỏi hang đá, khá mệt. Một nông dân tiến lại gần, cầm tay tôi và nói:

- Có phải cha là người vừa giảng ở Vương Cung Thánh đường không?

- Vâng!

- Ồ quí hóa quá. Từ nhiều năm nay con vẫn dâng việc rước lễ hàng ngày và giờ thờ lạy Mình Thánh Chúa mỗi tuần của con, để xin Trái Tim Chúa ngự trị trong mọi gia đình, và cha vừa giảng với mục đích ấy.

Tôi nói với ông:

- Hãy đến khách sạn với tôi. Chúng ta sẽ nói chuyện lâu dài với nhau.

- Đến khách sạn với cha ư? Thưa cha không thể được, vì con còn có xe bò. Con không thể để xe và các con bò ở đây để đến với cha ngay được.

- Vậy tối nay, 8 giờ đến nhé.

- Tối nay, 8 giờ. Dạ, được.

Ông ta đến và chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến nửa đêm. Người nông dân nói chuyện như một nhà thần học có tầm cỡ. Cuối cùng, tôi nói với ông:

- Ông muốn trở thành bạn của tôi không?

- Thưa cha, muốn lắm chớ.

- Vậy các người bạn thường viết thư cho nhau, ông nhớ viết thư cho tôi nhé.

Bác nông dân lắc đầu lia lịa:

-Thưa cha, con không biết đọc và biết viết.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Vậy ông học ở đâu được tất cả những gì ông vừa nói với tôi thế?

Đến lượt ông ngạc nhiên:

- Ở đâu ư? Cha hỏi con học ở đâu khi mỗi ngày cha đều dâng lễ. Ở bên Người, bên Chúa, chính Người là vị thầy duy nhất của con.

Và đây là trang nhật ký của một Linh mục:

“…Đức Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì thật khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh…Rồi chẳng biết từ đâu, Triết Đông và Phật Giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng nó lại có sức giật tung những gì mòn mỏi trong lòng tôi. Tôi nằng nặc đòi nhà dòng cho tôi được ra ở một mình trên núi, sống với nắng, với gió mưa, với đói khát, và với cả sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi để tâm suy, trí niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại vang lên, đeo bám mãi. Sau một năm, tôi hết phép. Với thân tàn ma dại, tôi thua cuộc, lại mò về nhà dòng hoàn toàn tay trắng! Nhưng Chúa Giêsu cứ đeo bám tôi mãi. Một năm trời nổi loạn, thất bại đã trôi qua và kể như trắng tay, tôi được bề trên gọi làm …Linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi bất động trong nhà nguyện trầm lặng nhưng lòng như bị đay nghiến, như một mất mát đòi tôi phải đền bù.

Một đêm trước khi làm Linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát nhà chầu. Có cái gì đó hơn là một cảm giác, hơn là một sự rung động, phủ chụp lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi hiểu rằng, cho dù có là hòn đá, hòn sỏi, dù tôi có là con người bê bết lấm bùn, thân tàn ma dại, dù đã làm hỏng cả cuộc đời, thì Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi. Việc đó làm cho tâm hồn tôi bừng sáng lên huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa cuộc đời của tôi…

Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương và Ngài khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata).


THỨ NĂM TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,44-51

"Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này,

sẽ được sống muôn đời."
(Ga 6,51)

1. Tiếp tục ý tưởng hôm qua về “đến với” và “tin vào” Chúa.

Việc “tin vào” Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác hai phía:

Phía Thiên Chúa: Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” để con người tin và đến với Ngài: "Không ai đến được với Tôi nếu cha Tôi là Đấng sai Tôi không lôi kéo kẻ ấy" (Ga 6,44).

Được lôi kéo rồi con người còn phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa nữa: “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Tôi”(câu 45).

Tóm lại, việc “tin vào” Chúa Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa muốn và luôn tạo điều kiện để con người thực hiện. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.

2. Việc quan thái giám xứ Êthiốp được ơn trở lại với Chúa trong Sách Tông Đồ Công Vụ là một thí dụ. Qua sự việc này, ta thấy có hai yếu tố quan trọng: một là ông ta là người đang nghiên cứu Kinh Thánh, hai là thiên sứ sai ông Philipphê đến để giúp ông ta. Việc thiên sứ thúc giục ông Philipphê đến với quan thái giám cho thấy, đức tin là một ơn do Thiên Chúa ban, nhưng thường qua trung gian một con người. Con người làm trung gian ở đây là ông Philipphê.

Qua sự việc này chúng ta có thể hiểu được những gì Chúa nói hôm nay: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy”(Ga 6,44). Đến với Chúa Kitô là một ơn huệ Thiên Chúa thúc giục. Ai đến với Đức Kitô và tin vào Người, sẽ có sự sống đời đời. Có Đức Kitô trong mình là ta được sống trong thế giới của Thiên Chúa, được sống sự sống trường sinh.

Nếu xưa Philipphê đã là trung gian cho quan thái giám xứ Êthiốp để ông được Chúa ban cho ông ơn đức tin, thì ngày nay người Kitô hữu cũng phải làm trung gian để những người chung quanh mình tìm đến với Chúa, để họ cũng có được ơn đức tin như vậy.

Bà J. Scaggs, một giáo sĩ thuộc một giáo phái Tin lành ở Nigéria, châu Phi, đã kể lại câu chuyện cảm động sau đây:

Một ngày kia bà được mời đến dự lễ Giáng Sinh được tổ chức tại Grace Camp, một trung tâm điều trị bệnh cùi. Lần đầu tiên bà chứng kiến một số người cùi đông như vậy. Buổi lễ được tổ chức ngoài trời. Nhìn chỗ nào bà cũng thấy những người ngồi dự lễ. Gốc cây, ụ đất, bãi cỏ... chỗ nào cũng đông nghẹt người. Bà thấy họ thật đáng thương, bệnh tật gặm nhấm dần và hủy hoại thân thể họ, nhưng khuôn mặt người nào cũng bày tỏ niềm vui, mắt họ sáng ngời khi họ hát những bài thánh ca Giáng Sinh.

Đến phần công bố Lời Chúa, mục sư mời một người bị bệnh cùi ăn mất hết mấy ngón tay lên đọc sách Thánh, ông phải lật các trang sách bằng một cái que buộc vào cổ tay. Sau bài giảng, mục sư mời người đó chia sẻ về những ân phúc Chúa đã ban cho mình, người bệnh cùi ấy giơ bàn tay không còn ngón và đứng lên, ông nhỏ nhẹ nói:

- Tôi muốn cảm ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho tôi bị cùi.

Bà Scaggs lấy làm lạ, nói với người thông dịch rằng, anh ta dịch sai. Không ai lại có thể cám ơn Chúa vì "được cùi" bao giờ. Người thông dịch tiếp tục dịch lại lời người bệnh đang giải thích nguyên do:

- Nếu tôi không bị cùi, có thể tôi đã không bao giờ biết Chúa, không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho tôi sâu xa đến thế. Còn thực tế là bây giờ tôi đang bị bệnh cùi, có thể tôi sẽ không bao giờ được chữa lành, nhưng tôi lại cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn đổ tràn trên tôi, qua biết bao người đang săn sóc trợ giúp tôi!

3. "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống."(Ga 6,51)

Trong một cuộc họp mặt đông đảo của những người Kitô hữu, tại một nhà thờ ở Tây Đức, để tiếp đón mẹ Têrêsa Calcutta, người ta dâng lên cho mẹ một bó hoa tuyệt đẹp.

Bỡ ngỡ trước lòng quí mến và trọng kính mà cử tọa dành cho mình, mới đầu mẹ Têrêsa tỏ ra hơi lúng túng. Nhưng sau đó vài giây, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa, đi thẳng lên trên cung thánh, quì gối trước bàn thờ, rồi đặt bó hoa mà mẹ vừa được trao tặng, trước nhà tạm.

Cử chỉ này của mẹ Têrêsa cho thấy, Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã kín múc lấy cho cuộc sống dấn thân và phục vụ cách vô vị lợi của mẹ.

Thánh Gioan Tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu của Ngài cho thế gian”(Ga 3,16).

Thực vậy, còn hình thức nào để thể hiện sự chấp nhận tình thương của Thiên Chúa cho bằng ăn “bánh Giêsu”. Mà điều kiện duy nhất để được ăn bánh đó là tin và yêu.

Đó là điều chúng ta cần cầu xin cho nhau mỗi ngày.


THỨ SÁU TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,52-59

"Đây là bánh từ trời xuống,
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
(Ga 6,58)

Hôm qua, Chúa Giêsu đã nói rõ: “Bánh Tôi sẽ ban chính là thịt Tôi đây” (Ga 6,51).

1. Hôm nay Chúa Giêsu nói thêm về bánh ban sự sống, là thịt và máu Ngài: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì sẽ được sống đời đời”(Ga 6,54).

Câu nói này đã khiến những người Do Thái tranh luận với nhau. Sở dĩ họ tranh luận là vì trong họ có người hiểu theo nghĩa đen (ăn thịt sống của Chúa Giêsu) có người hiểu theo nghĩa bóng (tin vào Ngài).

Phần Chúa Giêsu, Ngài muốn hiểu theo nghĩa nào?

Thưa theo nghĩa đen. Chúa Giêsu đã dùng những động từ rất mạnh và rất cụ thể là trôgô nghĩa là “nhai”, lấy răng mà nhai một thứ nào đó. Và động từ trôgô này được lập đi lập lại nhiều lần (các câu 53-54). Rồi Ngài tuyên bố dứt khoát “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống”(Ga 6,55).

Bí tích Thánh Thể, là bí tích Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người.

Vâng, việc Chúa Giêsu làm thật khó hiểu nhưng Lời Chúa quả là rất rõ ràng.

Từ xưa đến giờ, ngoài những người ở bộ lạc bán khai bên Phi châu trước kia là những người ăn thịt người, còn đối với những nơi khác thì việc ăn thịt người là một việc vô cùng họa hiếm. Sử sách có ghi lại một ít trường hợp ăn thịt người. Thí dụ xưa ở bên Trung hoa vào đời Xuân Thu, công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, gặp lúc lương thực không có, công tử lại không ăn được rau cỏ dại trong rừng, thấy vậy Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.

Gần đây bên Pháp, dân Paris đã phải sởn tóc gáy vì mẫu tin: một sinh viên gốc Nhật giết một cô gái, chặt ra từng khúc, bỏ vào tủ lạnh và định ăn dần cho đến hết. Khi bị bắt, anh ta khai. Cô gái ấy là người yêu của anh. Anh yêu cô đến độ muốn biến cô thành máu thịt của chính mình nên đã giết đi và ăn thịt. Chỉ tiếc rằng, anh mới ăn có vài ngày đã bị phát giác.

Khi lập phép Bí tích Thánh Thể, Chúa đã muốn hiến chính thịt máu ngài làm của ăn của uống nuôi linh hồn chúng ta hằng ngày.

Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể thực hiện được một công việc kỳ diệu như thế.

Chúng ta hãy cảm tạ ơn Chúa và xin Chúa cho chúng ta được hết lòng yêu mến Bí Tích Thánh Thể và năng chạy đến với Chúa Giêsu để được ngài bổ dưỡng.

Người ta kể lại rằng, khi mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô, Liên Xô có ngỏ ý xin mẹ cho lập chi nhánh của Dòng mẹ ở đó. Mẹ đã đồng ý nhưng với một điều kiện: xin cho có một Linh mục dâng Thánh lễ cho các nữ tu mỗi ngày. Mẹ giải thích: sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Máu Chúa mà họ rước mỗi ngày.

2. “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống”(Ga 6,55).

Chúa ban Mình Máu Thánh của Người cho chúng ta...qua đó Chúa cũng muốn dạy chúng ta bài học biết chia sẻ cho nhau như Chúa.

Vào thời gian đạo Công giáo bị cấm đoán, một thương gia Công giáo người Đức đã đi lên miền Bắc cực. Vì công việc làm ăn, ông phải lưu lại đó suốt mùa Giáng Sinh.

Biết ông là người Công giáo, một gia đình ở đó đã mời ông đến nhà để cầu nguyện cùng với họ vào đêm Giáng Sinh. Trong đêm tối lạnh buốt, họ quây quần quanh chiếc bàn nhỏ. Đúng nửa đêm họ cùng nhau cầu nguyện.

Sau lời chào chúc bình an, lời nguyện và bài Kinh Thánh, ông lão kéo ngăn bàn và lấy ra một hộp nhỏ. Trong hộp có một khăn thánh đã úa vàng theo thời gian.

Vừa nâng chiếc khăn lên, ông già vừa run run cất giọng nói:

- Cách đây 50 năm, thánh lễ Giáng Sinh cuối cùng trên mảnh đất chúng ta đang sống đã được dâng trên khăn thánh này. Lúc ấy tôi là một thanh niên giúp lễ. Đây là vật duy nhất còn lại. Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu đã ngự trên khăn này.

Sau khi nghe những lời ấy, mọi người quì gối và ông bố dâng lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin cho chúng con được tự do. Xin gửi các linh mục đền để chúng con được phúc mừng lễ Giáng Sinh, để chúng con lại được dự phần vào Mình và Máu Chúa.

Người thương gia Đức bồi hồi cảm động. Ông khao khát lãnh nhận Thánh Thể, một sự khao khát mà trước đây ông chưa hề có, cho dù ông vẫn đến nhà thờ dự lễ hàng ngày.

Có bao giờ chúng ta cảm thấy xa bàn tiệc thánh như những người trong câu chuyện trên?

Được tham dự thánh lễ, được đón nhận Mình Máu thường xuyên, có lẽ ít khi chúng ta có được lòng khao khát Chúa mạnh như thế. Hơn nữa, vì quá quen, có thể có những lúc chúng ta cảm thấy nhàm chán, hoặc làm cho qua lần chiếu lệ.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được lòng khao khát đến với Chúa mỗi ngày.


THỨ BẢY TUẦN 3 PHỤC SINH
(Ga 6,60-69)

 "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì
 chúng con biết đến với ai?"
(Ga 6,68)

1. Kết quả của bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể:

Nhiều người bỏ đi vì cho là những Lời Chúa nói chói tai, trong số đó có cả các môn đệ: “Từ hôm đó, có nhiều người môn đệ rút lui không theo Ngài nữa”.(Ga 6,66)

Rõ ràng là hành trình đi theo Chúa không luôn êm ả. Một ngày nào đó, có thể Lời Chúa cũng làm chúng ta chói tai và chúng ta muốn rút lui.

Đức hồng y Carlo Martini, nguyên là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải Tin Mừng thánh Gioan, câu chuyện sau đây: Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo Hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ đời sống tu trì... Để giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã mượn câu chuyện chó đi săn thỏ để giải thích.

Một chú chó trong đàn bất chợt phát hiện ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn, vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Chẳng mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó đã chạy ùa theo.

Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kỳ thực chỉ có một con chó đã phát hiện nhìn thấy con thỏ, còn những con khác thì không. Sau một hồi săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì chúng không nhìn thấy con thỏ đâu. Duy chỉ có chú chó đầu tiên đã phát hiện ra con thỏ thì vẫn tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.

Rồi vị tu sĩ trên đã đưa ra kết luận như sau:

Đã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng chỉ có một ít thực sự nhìn thấy Chúa và họ biết họ đang theo đuổi điều gì. Số khác đã chạy theo, hoặc vì bị lôi cuốn bởi đám đông, hoặc vì họ nghĩ rằng, họ đang làm một điều tốt, nhưng rồi thời gian đã làm họ thay đổi và bởi vì họ chưa bao giờ thấy rõ Chúa là lý tưởng, nên khi gặp khó khăn, thử thách là họ bắt đầu chán nản và bỏ cuộc.

Cuộc sống của người Kitô hữu cũng có thể được ví như một cuộc đi săn. Có những lúc chúng ta rất sốt sắng, hăm hở trên con đường theo Chúa, chúng ta sẵn sàng nói lời cam kết với Chúa. Thế nhưng, nếu không cẩn trọng thì vào một lúc nào đó, khi không còn thấy gì hấp dẫn trước mắt trên con đường theo Chúa nữa, thì biết đâu chúng ta cũng lại giống như một số các môn đệ của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

2. Sau đó, Chúa Giêsu hỏi nhóm 12, Phêrô thay mặt nhóm tuyên xưng: "Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,68).

Phải nói đây là những lời tâm huyết luôn biết đặt Chúa lên trên tất cả. Giữa lúc tâm hồn đang bị dao động trước sự tháo lui của một số anh em mà Phêrô còn nói lên được những lời thật mặn nồng như thế, chắc Chúa phải cảm động lắm.

Vâng phải thấy Chúa là tất cả, thì Phêrô mới có thể tuyên bố như vậy.

Odette, một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ. Năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình, nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi đầy tớ gái, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên uý lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước, vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không? Cô dõng dạc tuyên bố:

- Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào cho dù sự hăm dọa, có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa.”

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top