Sudan: Chiến sự bắt đầu từ khí hậu

Sudan: Chiến sự bắt đầu từ khí hậu

Sudan: Chiến sự bắt đầu từ khí hậu

WGPSG --Vào chiều ngày 11/4/2019  kết thúc cuộc tĩnh tâm  đầy chất tâm linh rất hiếm hoi dành cho các nhà lãnh đạo của các phe đối lập, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan, tha thiết kêu gọi họ kiến tạo hòa bình và sống với giá trị là “những người cha của dân tộc”. Để hiểu hơn về sự kiện đặc biệt này, chúng ta hãy đọc một bài viết đặc biệt liên quan đến Sudan của Tuổi Trẻ online:

 

Cuộc thiên di của loài người - Kỳ 3: Chiến sự bắt đầu từ khí hậu

TT - Lần gần đây nhất bạn nghe tin về Sudan là gì? Diệt chủng ở Darfur: 400.000 người đã bị giết trong 5 năm qua (2005-2010)? Mỗi ngày 80 đứa trẻ chết vì không đủ chất dinh dưỡng? 80% phụ nữ và bé gái bị mất nhà cửa, trở thành nạn nhân liên tục của bạo lực tình dục và bắt cóc để làm nô lệ tình dục?

Các trại tị nạn nhân đạo ở Chad và Sudan đều đã quá tải, bệnh tật lan tràn và dễ bị tấn công? Hay Darfur chính là hiện thân của khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21 như lời cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell? Nhưng câu nhận định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon mới khiến người ta “té ngửa”: “Xung đột Darfur khởi nguồn từ khủng hoảng sinh thái, ít nhất một phần từ biến đổi khí hậu”.

 

0uMTliDV.jpg

Người dân Darfur phải xếp hàng và đợi trong nhiều giờ mới đổ được bình 4 lít nước - Ảnh: http://www.unhcr.org/

Đất nước điêu tàn

Với 41 triệu dân, Cộng hòa Hồi giáo Sudan là nước có diện tích lớn nhất ở châu Phi. Darfur, có nghĩa là vùng đất của người Fur, từ lâu đã là điểm nóng về chủ quyền đất và quyền chăn thả gia súc giữa những người Arab du mục và nông dân đến từ các cộng đồng Fur, Massaleet, Zaghawa. Xung đột bắt đầu nổ ra ở đây từ năm 2003, kéo dài tới hiện nay và cánh chim hòa bình vẫn chưa hiện hữu nơi đây.

Chính phủ thừa nhận đã huy động lực lượng tự vệ sau khi bị lực lượng nổi dậy tấn công, nhưng bác bỏ cáo buộc có liên quan tới những tay súng Janjaweed. Janjaweed là lực lượng bị cáo buộc tìm mọi cách thanh trừng những người châu Phi ra khỏi lãnh thổ. Tổng thống Omar al-Bashir đã gọi những người Janjaweed là “bọn cướp và đầu gấu”. Nhưng những người tị nạn nói sau khi các máy bay của chính phủ không kích thì những người Janjaweed sẽ ào tới, trên những con ngựa và lạc đà, giết đàn ông, hãm hiếp phụ nữ, cướp đi tất cả những gì có thể. Mỹ và một số cơ quan khẳng định tại đây đang diễn ra diệt chủng.

Đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc năm 2005 đã kết luận có tội ác chiến tranh nhưng không có bằng chứng diệt chủng. Khartoum đang được xem là nơi sẽ diễn ra một số phiên tòa xét xử các thành viên cao cấp trong lực lượng an ninh chính phủ với tội danh lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, đây có thể được xem như nỗ lực để trốn tránh việc áp giải những nghi can này tới Tòa án quốc tế (ICC) tại The Hague.

Khoảng 2,7 triệu người đã phải chạy trốn khỏi nhà cửa trong bảy năm xung đột. Nhiều cơ quan cứu trợ ở Darfur cho biết họ không thể vào được nhiều khu vực vì tình trạng mất an ninh. Một số cơ quan đã bị cấm vào phía bắc Sudan để cứu trợ, sau khi ICC ra lệnh bắt Tổng thống Bashir năm 2009 vì cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh.

Trong khi Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm ngàn người đã bị chết vì chiến tranh, đói và bệnh tật thì ông Bashir nói chỉ có 10.000 người. Con số chính xác rất khó xác định vì không dễ phân biệt chết vì bạo lực hay chết vì đói và bệnh tật trong các trại tị nạn, cho dù số liệu là rất quan trọng để quyết định liệu tình trạng ở Darfur có phải là diệt chủng hay không.

Nhưng đâu là nguyên nhân sâu xa nằm dưới nguyên nhân xung đột sắc tộc như vẫn thường được nhắc tới? Trong đánh giá môi trường sau xung đột của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) năm 2007 chỉ rõ có mối dây liên hệ rất chặt chẽ giữa việc đất đai sa sút chất lượng, sa mạc hóa và xung đột ở Darfur.

Từ giọt nước đến sự thâm thù

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã cho rằng đây là cuộc chiến đầu tiên trên thế giới có bắt nguồn từ biến đổi khí hậu. Sudan là nơi thiếu nước ngọt kinh niên. Trong 40 năm qua Sudan chứng kiến cảnh lượng mưa giảm 30%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp. Sa mạc mở rộng về phía nam thêm 200km kể từ năm 1930 và đất đai có thể trồng trọt chăn nuôi đang biến mất, các giếng nước trở nên khô cằn. Nó làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và gia súc gia cầm chết hàng loạt.

Các điều kiện tồi tệ như vậy được xem là nguyên nhân sâu xa gây nên xung đột Darfur, vì nó buộc những nông dân chăn thả gia súc phải di chuyển từ phía nam đến các khu vực do các cộng đồng ít vận động, đang sở hữu tài nguyên để “xin dùng ké”, gây nên sự tranh chấp, đặc biệt căng thẳng âm ỉ trong cộng đồng.

2,8 tỉ người đang sống ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi thời tiết như lũ lụt, bão tố, hạn hán hay mực nước biển dâng. Trong báo cáo năm 2009 của Quỹ nhân đạo toàn cầu, mười quốc gia “yếu cơ” nhất trước thay đổi khí hậu và kém phát triển nhất là Comoros, Somalia, Burundi, Yemen, Niger, Eritrea, Afghanistan, Ethiopia, Chad và Rwanda.

Mọi việc thay đổi chóng mặt khi chỉ cách đây khoảng một thế hệ, người Arab và người Phi cùng sống hòa bình, cùng làm ăn sinh sống ở Dafur, một tỉnh miền nam có diện tích tương tự nước Tây Ban Nha. Nông dân người Phi cho phép những người du mục Arab chăn thả lạc đà và cừu trên đất của mình, đổi lại họ cũng có phân bón làm đất đai thêm màu mỡ. Đó là chuyện tự nhiên, thậm chí các bộ lạc ở Darfur còn chẳng nghĩ họ là người Arab hay người Phi.

Chỉ tới khi chiến sự nổ ra trong năm năm qua, họ nhìn lại mới thấy lằn ranh giới phân biệt người Phi, người Arab thật rõ ràng và cay nghiệt. Trước đó họ chỉ biết mình là những du mục và nông dân. Từ một quốc gia coi việc phân biệt giữa người Arab và người Phi là chuyện chẳng có ý nghĩa, thì nay người dân đã chọn phe để đứng. Việc bảo vệ cá tính của mỗi bộ tộc biến thành sự căm thù dân tộc.

Các nhà quan sát cho rằng có lẽ không ai lợi dụng những xung đột về bộ tộc để đạt được mục đích chính trị hay như vị Tổng thống Omar al-Bashir đang nắm quyền ở thủ đô Khartoum. Khi Darfur bùng phát bạo lực năm 2003, quân đội Sudan đã mệt mỏi sau 20 năm nội chiến. Chính phủ của ông Bashir bị cáo buộc đã trang bị vũ khí cho những tội phạm người Arab vào và thúc đẩy tư tưởng người Arab mới là thống trị và thượng đẳng.

Với mỗi quốc gia, mối đe dọa từ khí hậu có thật, hiện hữu. Nhưng ác thay, chuyện khí hậu đến từ từ, thảm họa cũng chẳng có vẻ khẩn cấp như việc thiếu cơm ăn áo mặc, thiếu thuốc thang khi ốm đau hay nền kinh tế lung lay có nguy cơ sụp đổ. Bởi vậy tại các hội thảo quốc tế, các nhà chuyên môn thường đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để các chính phủ có thể sẵn sàng đưa ra các quyết sách về dân sinh đối phó với biến đổi khí hậu, khi ảnh hưởng của nó thật sự mới thấy tới chất lượng cuộc sống của người dân trong 50 năm hay 100 năm sau? Các chính phủ thường quan tâm đảm bảo vấn đề dân sinh ở thời điểm hiện tại hơn là lo câu chuyện 100 năm trong tương lai con cháu họ.

Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoc-thien-di-cua-loai-nguoi---ky-3-chien-su-bat-dau-tu-khi-hau-401834.htm

Top