Sự chết
Chuyện xui xẻo, người ta tránh né. Chuyện không may, chẳng ai muốn nhắc đến làm gì.
Cái chết, chuyện xui, người ta thường nghĩ thế. Bởi, chết chóc là tang tóc, là thương đau, ai nào muốn. Chết là sự ly biệt, là giọt nước mắt chảy dài của kiếp người. Tang thương vô cùng!
“Anh nằm xuống như một lần vào viễn du
… Đất hoang vu khép lại hẹn hò
… Như cánh chim bỏ rừng
Như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần nhìn anh đến
Những xót xa đành nói cùng hư không.”
(Trịnh Công Sơn, Cho một người nằm xuống)
Không ai muốn chết. Nói khác đi, người ta ham sống, sợ chết - tham sinh úy tử. Họa hiếm có người suy tư về phận người, suy tư về sự chết. Nhưng, dù muốn dù không, tử thần vẫn cứ đến ghé thăm từng cuộc đời. Sợ lắm, nhưng đành phải khoanh tay chấp nhận!
Ai cũng phải chết. Đó là sự thật không tránh khỏi. Chẳng phải vô lý mà cố nhạc sĩ họ Trịnh đặt suy tư của mình trên dòng nhạc:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,
Để một mai tôi về làm cát bụi.”
(Trịnh Công Sơn, Cát Bụi).
Tôi đến là để trở về làm cát bụi, chứ chẳng phải hóa thân làm kiếp người mãi đâu. Triết gia Heidegger cho rằng: Không ai chết hai lần và cũng không ai trường sinh bất tử; không ai chết thay ai, mỗi người đều phải chết cho cái chết riêng tư của mình. Do vậy, tôi phải biết thao thức về cuộc đời, suy tư về phận người và ngẫm suy về sự chết.
Tháng 11 là tháng Cầu Hồn. Tháng nhắc nhở mỗi người kitô hữu chúng ta phải có trách nhiệm nhớ đến những người đã khuất, cầu thay nguyện giúp cho họ và cũng là dịp để nhắc nhở chính bản thân mình. “Hodie mihi, cras tibi” – Nay người, mai ta là thế!
Chết là hết hay chết là bước vào một thế giới khác? Có thật một sự sống sau khi từ giã cõi đời này hay đó chỉ là sự hão huyền, giả tưởng? Câu hỏi vẫn cứ đặt ra cho con người từ ngàn xưa đến ngàn sau.
Từ ngàn xưa đến ngàn sau, muôn người vẫn còn thao thức và băn khoăn cho một lời giải đáp. Bởi sống - chết là một mầu nhiệm. Con người phải biết sống để khám phá huyền nhiệm đời mình. Thao thức, cật vấn về đích điểm, tận cùng của kiếp người là gì, nghĩa là vẫn còn trăn trở để đi tìm cho mình một lẽ sống. Tôi chẳng phải là triết gia để có thể đặt nền móng cho một dòng suy tư mới. Chắc chắn là thế. Hơn nữa, phận tài hèn mọn, trí tài sơ thiển, tôi chỉ xin được mạo muội gom góp những suy tư vụn vặt như hạt cát ở dưới đại dương, tựa giọt sương chìm trong biển lặng, mong rằng cũng có thể làm giọt nước mát giữa trưa hè oi bức cho lữ khách đường xa, hay làm đốm lửa lập lòe để soi bước đường ai trong đêm tối, hoặc có thể chỉ là ngọn gió để mong làm lay chuyển cánh lá khô gầy mùa Đông trơ trụi, cũng có thể là lời thức tỉnh cho những ai đang mê ngủ trong vỏ bọc hưởng thụ vinh quang trần thế.
Quan điểm của Phật giáo
“Người Phật Tử coi cái chết là một trong 4 khâu của định luật “thành, trụ, hoại, diệt”. Bất cứ sự vật nào thuộc thế giới hiện tượng, nghĩa là có hình có tướng, đều phải trải qua bốn giai đoạn của hiện hữu: Thành (từ chưa có trở nên có), Trụ (tồn tại một thời gian), Hoại (bị hư hoại, yếu dần, suy thoái), và Diệt (cuối cùng bị tiêu diệt, mất đi, không còn tồn tại nữa). Chết chính là khâu cuối cùng của 4 giai đoạn hiện hữu trên cho mọi vật sống, mọi chúng sinh, là giai đoạn từ có trở về không.
Ðịnh luật “thành, trụ, hoại, diệt” là định luật phổ quát tuyệt đối cho tất cả mọi sự vật vô thường (hay thay đổi) trong thế giới hiện tượng: Theo định luật này, phàm cái gì có sinh thì phải có diệt, chỉ những cái không sinh mới không diệt thôi. Hễ cái nào đã từng sinh ra, nghĩa là trước chưa có mà sau lại có, ắt thuộc loại bất tất, vô thường, hay thay đổi, mà thay đổi tức là phải “thành, trụ, hoại, diệt”, cuối cùng phải bị hủy hoại, tiêu diệt, nghĩa là chết.” (Nguyễn Chính Kết, quan niệm của Phật giáo về cái chết, định luật cho thế giới hiện tượng).
Phật giáo quan niệm, chết không phải là hết hay chấm dứt mọi cảnh khổ đau nhưng là tiếp tục cho đến khi hoàn toàn giải thoát được hết các ác nghiệp. Luân hồi trả nghiệp không chỉ là quan điểm Phật giáo mà còn là quan điểm của các tôn giáo khác trước khi Phật giáo ra đời như Ấn giáo, Bà-la-môn giáo. Thế nên, chết không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi từ cảnh giới này sang cảnh giới khác.
Đối với Phật giáo, những giây phút cuối đời người thân sắp từ giã cõi trần, người Phật tử lưu tâm, lắng lo và nâng đỡ họ có những tư tưởng và tâm tình tốt đẹp, hướng thiện, nghĩ về những hình ảnh đẹp, cao thượng, để người thân sắp biệt ly có thể vãng sinh tới nơi tốt lành, tạo điều kiện cho họ tiến tới cảnh siêu thoát, tới niết bàn. Điểm này, Phật giáo có nét tương đồng với Công giáo. Người sống có thể giúp đỡ người sắp lìa trần hướng thiện, tin tưởng vào tình thương của Chúa, ăn năn sám hối các tội lỗi, bớt cảnh khổ đau, giảm thiểu các hình phạt mà sau khi từ giã cõi đời họ phải đền bù để được chóng hưởng tôn nhan Thiên Chúa, Đấng sẽ ban cho họ hạnh phúc muôn muôn đời.
Vì thế, người phật tử luôn sống vươn lên, hướng thiện, ăn chay tụng niệm, cứu giúp chúng sanh, mong cho mình và mọi người sau này được cứu thoát, đạt cảnh giới, siêu thoát, tiến tới niết bàn, “kiến tánh” để trở “thành Phật”. Người phật tử sống có mục đích, có sự sống đời sau nên họ làm lành lánh giữ, sống công bình bác ái, giúp đỡ tha nhân và yêu thương đồng loại. Giáo lý của Phật giáo về sự chết và về sự tồn tại sau khi chết là một cách giải đáp những thắc mắc sâu xa của con người.
Quan điểm của Kitô giáo
Dĩ nhiên, đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Kitô Phục sinh – Đấng đã chết và sống lại và ban cho nhân loại sự sống vĩnh hằng, nơi con người không bao giờ phải chết nữa. Người Công giáo vẫn dâng lời ca tiếng hát cho người quá cố : “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi”. Hoặc ông, bà, anh, chị đã về nhà Cha, hay đã được Chúa gọi về. Trong kinh tiền tụng cầu cho người tín hữu đã qua đời: “Lạy Chúa, đối với những người tin kính Chúa, sự sống không bị hủy diệt, nhưng được biến đổi, và khi thời gian sống của họ trên trái đất này chấm dứt, họ có được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên quê trời”. Ông bà ta cho rằng chết là cuộc hành trình trở về quê hương đích thực, nên mới có chuyện sinh ký tử quy – sống gởi thác về. Sách giáo lý Công giáo nói: “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và xót thương để mỗi người thực hiện cuộc sống theo ý định của Ngài.”
Chết là linh hồn lìa ra khỏi xác, đợi chờ sự phán xét của Thiên Chúa: được lên thiên đàng, trong luyện ngục hay bị đọa đầy ở hỏa ngục; được vinh phúc hay bị kết án. Ở một trong ba cõi nào là tùy thuộc vào đời sống của chúng ta chọn lấy khi sống ở trần gian này.
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về 10 cô trinh nữ:
“Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi! "Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! "Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn." Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! "Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,1-13).
Khi giờ khắc đến, chúng ta phải ra nghênh đón Đức Kitô như cô trinh nữ ra đón chàng rể. Lúc đó, ngọn đèn dầu tình yêu, tức lòng thành đạo đức kính mến tôn thờ Chúa và yêu tha nhân phải cháy sáng như những ngọn đèn của năm cô khôn ngoan. Nếu vì tội lỗi làm tắt ngọn đèn yêu mến, ta còn có cơ hội để thắp lại ngọn đèn bằng tâm tình thống hối ăn năn. Nhưng một khi giờ khắc là cái chết đến mà ngọn đèn leo lét kia vụt tắt, thì giờ khắc đó coi như đã đoạn. Giống như năm cô khờ dại mang đèn mà không chuẩn bị dầu, tức là lòng yêu mến, các nhân đức, để ra đón chàng rể. Lúc đó, nếu có gõ cửa thì cũng chỉ có tiếng vọng ra rằng: Ta không biết các ngươi là ai!
Như vậy, cuộc sống của ta mai sau như thế nào, là còn tùy thuộc vào lối sống của ta ở đời này. Thánh Gioan Thánh Giá bảo rằng: khi tuổi đà xế bóng, lúc ngưỡng cửa cuối cùng của đời người, ta sẽ được xét xử theo công bằng và tình yêu. Do đó, ta phải biết chuẩn bị hành trang, để hơn bất cứ lúc nào, được Thiên Chúa kêu mời, ta sẵn sàng hân hoan và tin tưởng ra đi, một sự ra đi trong an bình, không run rẩy sợ sệt, vui vẻ đón nhận cái chết trong ơn lành và tin tưởng vào Đấng luôn muốn sự tốt lành nơi ta, để ta cũng có thể cảm nhận như thánh Ambrôsiô: Thiên Chúa định liệu sự chết như một phương thuốc để cứu chữa tội lỗi. Một thứ thuốc mà ta không nên sợ hãi, bởi vì chính Ngài là Vị Lương Y Tốt Lành đã cho toa đúng liều lượng vì lợi ích của mỗi người. Hay một cách thanh thản, vui tươi, hồn nhiên như thánh Đaminh Saviô coi sự chết thật nhẹ nhàng, yên vui khi được Chúa gọi về, vì tin rằng Thiên Chúa – vị Thầy tốt lành sẽ công thưởng cho những ai sống giới răn yêu thương của Ngài. Hoặc là một lòng khát khao, khắc khoải tìm về chốn quê thật như thánh Augustine: tâm hồn tôi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa. Hay như thiền sư Suzuki, cùng với những người theo Thiền, cái chết không phải là điều kinh hoàng: “Con người với cái chết là một cũng như con người với sự sống là một.” Trước sau vẫn là một thái độ bình thản, an vui khi giờ khắc đến.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải biết chuẩn bị sẵn sàng, để bất cứ lúc nào Chúa muốn, Ngài mời gọi ta trở về với Ngài, ta sẵn sàng gác lại mọi chuyện để bước đi trong bình an, thanh thản. “Cẩn tắc vô ưu!”
Quan điểm của người vô thần
Chủ nghĩa vô thần hay thuyết vô thần, là một quan điểm khẳng định rằng thần thánh không tồn tại, hoặc phủ nhận “đức tin” vào thần thánh. Từ “vô thần” còn được định nghĩa một cách rộng hơn là sự không có đức tin vào thần thánh, đồng nghĩa với phi thần luận (nontheism). (Bách khoa toàn thư - Wikipedia).
Theo nghĩa chính xác, chủ nghĩa vô thần là chủ trương phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta nói: Sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không nói: sự hiện hữu của các thần minh, bởi vì đối với người Kitô hữu, “Ngoài Thiên Chúa ra chẳng có ai là Thiên Chúa” và “chư thần dân ngoại chỉ do tay người thế tạo thành”. (Các hình thức vô thần theo hiến chế mục vụ).
“Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, Mác nói. “Thượng Đế đã chết” triết gia Nietzsche bảo vậy. Vì coi tôn giáo là thuốc phiện, vì cho rằng Thượng Đế đã chết, họ chủ trương lối sống vô thần và chết là hết, không có chi phải bàn cãi, chẳng còn gì sau cái chết.
Có nhiều người quan niệm rằng chết là chấm hết. Đó là một sự giã từ vĩnh viễn. Sự giã từ này không luyến tiếc, không thương nhớ, chẳng khắc khoải âu lo. Vì không có bờ bên kia của sự chết. Tất cả đều đặt trong một chữ “hết”. Chết là hết! Đó là quy luật, là định mệnh không thay đổi. Có chi phải buồn, có chi phải lo xa, hơi sức đâu mà khắc khoải, có đâu sự sống mai sau. Vì quan niệm đời này đã không được gì, đời sau cũng chẳng có, vậy tội chó gì mà không hưởng thụ, không sống cho sướng cái thân. Thật đúng với Aritippus, chủ nghĩa khoái lạc (435-356 trước CN): Hãy ăn uống, tận hưởng mọi vui thú trần thế, hãy hành lạc và hưởng lạc, vì rồi mai đây chúng ta sẽ chết. Nguyễn Công Trứ cũng đã có lần dùng câu ca dao để nói về cõi nợ phong lưu đời mình thì phải:
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già sồng sộc nó thì theo sau.”
Cứ ăn, cứ thỏa mãn vui chơi, cứ hưởng lạc. Đằng nào cũng chết mà!
Vì nghĩ như thế, quan niệm như thế, nên đâu có lo lắng, băn khoăn, khắc khoải gì. Cứ thế mà sống. Sống mà như không có vấn đề. Sống mà chẳng hề biết đến ai. Cứ ung dung tự tại cho một đời sống. Sống cho thỏa chí những ước muốn, những đòi hỏi, những tham vọng của lòng mình.
Đích điểm là gì? Hậu quả là đâu? Xã hội ra sao?
Vì một lối sống không vấn đề, nên sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Cứ việc ăn trên ngồi trốc, cứ việc chỉ tay năm ngón, cứ trên phán sao dưới rắm rắp phải nghe theo làm vậy, cứ tự tiện bóc lột, cứ thỏa thuê đàn áp, cứ bức hiếp dân lành, cứ phè phỡn trong lạc thú. Vì sống không có vấn đề mà!
Có phải vậy không, gần đây cư dân trên mạng xôn xao và căm phẫn vì trái tim con người đã khô cứng, mất hết lương tri, tình người khi đối xử với bé Duyệt trong lúc tai nạn thương tâm như thế. Một xe đã cáng nát chân em, khiến em như chết đứng. Xe thứ hai lại cáng lên em, khiến em như chết lần thứ hai. Rồi bao nhiêu con người khác đi qua, lòng lạnh lùng, thấy thế rồi tránh qua một bên, bỏ mặc em nửa sống nửa chết. Thật xót xa! Thương tâm quá!
Sự kiện qua đi, nhưng lòng người vẫn cứ mãi nhức nhối: Đâu là giá trị của sự sống? Lương tri con người nằm ở đâu? Tại sao con người lại có thể cư xử với nhau như vậy?
Tại sao ư? Câu trả lời dễ lắm. Bởi sống không có vấn đề. Sống không cần niềm tin hay tâm tình tôn giáo. Vì không tin có bờ bên kia của sự chết. Một thứ sống “vô thần”. Từ vô thần rồi trở thành “vô luân”!
Đến đây, tôi nhớ tới triết gia Soren Kierkegaard, một ông tổ của ngành triết học hiện sinh trung thực. Cuộc đời ông như được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn hiếu mỹ, luân lý và tôn giáo. Dĩ nhiên cuộc đời của ông có những giai đoạn vươn lên hết sức tuyệt vời. Đặc biệt ông có bước nhảy của đức tin (giai đoạn tôn giáo). Nhưng ở đây tôi chỉ xin đề cập tới giai đoạn hiếu mỹ. Ở giai đoạn này, ông chỉ biết đi tìm cái đẹp và hưởng thụ bao nhiêu có thể. Trong nhật ký, ông tự sự: Mỗi một cô gái là một cái đẹp. Bao nhiêu cô gái là bấy nhiêu cái đẹp. Hưởng nếm cô gái này thì khác muôn vàn cô gái khác… Ông tranh thủ, ông khẩn trương, ông tìm mọi cách để thỏa mãn những đam mê dục vọng của lòng mình. Bởi con người hiếu mỹ không biết đến luân lý. Con người này cũng không có khái niệm về tôn giáo. Không có luân lý để sống trong vòng kiềm tỏa của luật đạo đức; không có niềm tin tôn giáo để biết hướng nhìn lên và đi tìm cho mình giá trị sống bằng luật lương tâm. Con người này sống bằng cảm giác và bị chi phối bởi giác quan. Chỉ biết sống theo sự đòi hỏi của bản năng và tìm cách làm thỏa mãn dục vọng đê hèn và tìm kiếm những thị hiếu tầm thường. Thật nguy hiểm!
Cuộc sống ở đời này mong manh mà bấp bênh lắm, kết thúc lúc nào không ai biết, vì “sinh hữu hạn, tử bất kỳ.”
Cứ ăn chơi đi, cứ sống theo những đòi hỏi của bản năng thấp hèn đi, cứ hưởng thụ đi, cứ bám víu và cậy dựa và những của cải mình có đi, nhưng nếu “nội ngay đêm nay, người ta đòi mạng ngươi thì những gì ngươi có sẽ thuộc về ai?” (Lc 12, 20). Chỉ cần hỏi như thế thôi cũng đã đủ để biết mình đi về đâu rồi. Con người ta không ai sống mãi ở đời, cũng chẳng một ai trường sinh bất tử - Nhân sinh tự cổ thùy vô tử là vậy.
“Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn,
Tôi nay ở trọ trần gian,
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.”
(Trịnh Công Sơn, Ở Trọ).
Chúng ta – phận người chỉ là kiếp đời mong manh, một đời sống tạm bợ, gió thoảng, mây trôi, mau qua, chóng tàn hay chỉ là quán trọ của lữ khách trần gian. Níu kéo để làm gì, bám víu để làm gì, rồi cũng ra đi tay trắng! Trịnh Công Sơn quở trách chính mình và người yêu của ông vì những quyến luyến với cõi đời trần tục. Ông tự hỏi và cũng là để nói về chính mình:
“Tôi là ai mà còn trần gian thế?
Tôi là ai, là ai, là ai,
Mà yêu quá đời này.”
(Tôi ơi, đừng tuyệt vọng)
Thực tại sự chết
Nói gì thì nói, dù tin hay không, có niềm tin tôn giáo hay vô thần đi chăng nữa, cuộc hành trình của mỗi người trên dương thế dài hay ngắn, lâu hay mau, tất cả đều được kết thúc bằng cái chết. Khi bước vào biên giới vĩnh cửu, nghĩa là bờ bên kia của sự chết, con người phải bỏ lại tất cả những gì mình có thuộc về thế giới vật chất. Trịnh Công Sơn cũng đã từng trăn trở băn khoăn về phận người, “chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà”, nên đời cứ mãi quẩn quanh:
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi,
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt,
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.”
(Một cõi đi về)
May lắm, cuối cùng ông cũng nhận ra đời người là đi về chứ không phải đi tới. Lúc trầm lắng hay u hoài, ông dạo đàn gẩy khúc tình ca, ngân ca câu hát phận đời: “Những ngày ngồi rủ tóc âm u. Nghe tiền thân về chào tiếng lạ.” (Cỏ xót xa đưa). Có lẽ, ông cũng nghe như hiểu được người “kiếp trước” và người “kiếp sau” kết nối với nhau bởi dòng xoáy của ý thức và luật nhân quả, nên đặc tính của một kiếp này bắt nguồn từ những đặc tính của “kiếp khác”. Như vậy, chết đâu phải là hết. Người sống và người chết có liên hệ mật thiết với nhau. Người sống phải có trách nhiệm nhớ đến những người đã khuất vì đó là tình người, vì ơn cả nghĩa dày, vì loài người với nhau. Nhớ đến để cầu siêu cho họ và cũng là thương đến họ. Những lúc làm người ai chẳng có những sai phạm này lầm lỗi kia; biết đâu họ còn vướng bận trong kiếp người mà mong chờ sự trợ giúp nơi ta. Điều đấy cần lắm. Chắc chắn họ cũng cầu thay nguyện giúp và độ trì cho ta nơi dương thế này. Bởi “Người chết nối linh thiêng vào đời” (Nối vòng tay lớn).
Người Công giáo không chỉ là nhớ đến những người đã khuất mà còn dành riêng một tháng để tưởng niệm và cầu nguyện cho họ. Chúng ta cũng hiểu được rằng, dù con người có cố gắng đến mấy, tốt lành đến mấy, nhưng vẫn có lúc không tránh khỏi những sai phạm lầm lỗi. Có những lỗi phạm từ phía mình, có những sai lầm gây ra từ phía người. Đức công bình bác ái, đức yêu thương phục vụ, lẽ ra, khi còn sống ta phải kiến tạo dựng xây và làm cho anh em, nhưng “giờ khắc” đến, ta chưa kịp làm hay chưa làm đủ khi còn tại thế. Vậy giờ đây, hơn bao giờ hết, họ đang mong chờ, van nài tình thương và sự trợ giúp nơi ta. Nên chúng ta cũng phải nhớ đến, thương yêu người quá cố, tha thứ và cầu thay nguyện giúp cho họ. Xin Chúa mở rộng lòng khoan hồng mà tha bớt các hình phạt cho các linh hồn đang còn vướng mắc nơi luyện tội, để họ mau chóng được hưởng phúc lộc quê trời và diện kiến nhan thánh Chúa. Đó cũng là lời cầu nguyện liên lỉ trong mỗi cuộc đời chúng ta, để dù sống, chúng ta biết sống cho Chúa và tha nhân, biết yêu thương, phục vụ, biết lo lắng và sẻ chia những gánh nặng đầy vơi, những vui buồn sướng khổ, tinh thần cũng như vật chất; và dù có chết, chúng ta được chết trong vòng tay yêu thương từ ái của Đấng Toàn Năng, trong an bình hạnh phúc. Nguyện xin cho mỗi người trong chúng ta cũng biết nhận ra phận người mỏng dòn, yếu đuối mà sống sao cho xứng hợp, đừng để như Đại tá Gaddafi chết trong sự nguyền rủa, tủi hờn, cay đắng và nhục nhã.
Thay lời kết
Nói đến cái chết không phải là điều xui quẩy, không phải là trù dập hay hù dọa ai, cũng chẳng phải là bi quan, lạnh lùng như triết gia Hy Lạp Epicure: “Khi chúng ta sống cái chết vắng mặt, và khi chết là ta không còn sống nữa”, hoặc thái độ bất mãn như nhà thơ Du Tử Lê: “Chưa bao giờ tôi thấy kiếp sống con người lại có thể vô nghĩa đến thế?”, hay bàng quan của chủ nghĩa vô thần “chết là hết” hoặc như Arthur Schopenhauer có vẻ đắng cay và giằng xé : “Nếu ta nhìn sâu vào cái náo nhiệt của đời sống, ta thấy mọi con người bị giày vò bởi những đau khổ lo âu của kiếp người”, cũng không phải để nói đến sự đúng sai của mỗi bên quan niệm về sự chết, nhưng là để mỗi người chúng ta có dịp suy tư, có cái nhìn tích cực hơn khi triết lý về cùng đích của đời người. Heidegger cho rằng đời sống con người với ý niệm gần kề với cái chết, con người sẽ sống tha thiết và nồng nàn hơn.
Suy tư về cái chết của phận người và về cái chết của chính mình sẽ nhận ra giới hạn của kiếp người, của bản thân, tính bất định của sự sống. Qua đó, con người có thể sống tốt hơn, tương quan với tha nhân và yêu thương đồng loại nhiều hơn. Biết chia sớt nỗi niềm, thông cảm, tin yêu và phó thác. Biết chấp nhận và đón nhận bình thản cái chết một cách nhẹ nhàng. Ngẫm suy về sự chết sẽ giúp con người ý thức rõ hơn giá trị của cuộc sống, có cái nhìn tích cực và hành động đúng đắn hơn. Biết yêu thương và quý trọng con người như một nhân vị với đầy đủ ý thức và tự do, chứ không phải coi tha nhân như một món hàng hay bàn đạp để tiến thân dù trong xã hội và kể cả tiến thân trong đàng nhân đức.
Vâng, sự chết vẫn là điều bí nhiệm. Chúng ta được mời gọi vào đời cũng là để triết lý về huyền nhiệm ấy. Nhưng thiết tưởng, dẫu sao vẫn cần một niềm tin, tâm tình tôn giáo. Niềm tin mời gọi ta tiếp bước. Tâm tình tôn giáo giúp ta dấn thân và sống trọn vẹn hơn.
“Ai tin vào Thầy, thì dầu có chết cũng sẽ được sống.
Còn ai sống mà tin vào Thầy đây, sẽ không phải chết đời đời.” (Ga 11,25-26).
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19