Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda
Vatican News (24/11/2024) - "Lòng biết ơn, sự hiếu kỳ, sự đón nhận và tận hưởng những điều nhỏ bé nhất" là cách Sơ Pia Gumińska từ Trường học và Trung tâm giáo dục dành cho trẻ em mù ở Rwanda mô tả về tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện nơi các trợ lý của trung tâm.
Với dân số 14 triệu người, Rwanda được nhớ đến bởi những gì đã xảy ra ở quốc gia đó vào đầu những năm 1980. Sau đó, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với các bé gái ở Kibeho. Giáo hội Công giáo chính thức công nhận các lần hiện ra, và các khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây. Gần đó, có một trường học và trung tâm giáo dục dành cho người mù do các Nữ tu dòng Phanxicô Nữ tỳ Thánh Giá của Ba Lan điều hành. Trường được thành lập vào năm 2008; năm 2009, một trường tiểu học đã được khánh thành, đây là trường học đầu tiên dành cho người mù trên toàn Rwanda. Ngoài ra còn có một trường trung học cơ sở và một trường trung học phổ thông với các phương cách giáo dục khác nhau. Năm nay, trung tâm có 185 trẻ em theo học. Đội ngũ nhân viên gồm hai nữ tu đến từ Ba Lan, một người đến từ Kenya, ba người đến từ Rwanda và nhiều nhân viên giáo dân.
Sơ Pia giải thích rằng sơ đã cân nhắc đến việc phục vụ như một nhà truyền giáo trong nhiều năm. Sơ chia sẻ: "Tôi đã nói với Chúa Giêsu rằng nếu có nhu cầu, tôi sẽ đi. Có một lời đề nghị của các bề trên, vì vậy tôi muốn tìm hiểu về Giáo hội trẻ này, và tôi đã đến đây với sự cởi mở hoàn toàn". Các nữ tu tại Kibeho muốn truyền đạt cho các cơ sở của mình ý tưởng về Mẹ Rosa Czacka, người sáng lập Hội dòng Nữ tu Phanxicô Nữ tỳ Thánh Giá. Sơ Pia nói thêm: "Chúng tôi muốn cho họ thấy rằng các em có thể độc lập và các em có thể là những người tỏ cho người khác thấy rằng khuyết tật không cản trở sự phát triển và thành công. Chúng tôi muốn mang đến cho các em hy vọng thông qua hành động của mình".
Tuy nhiên, nhiều trẻ em mà các Sơ chăm sóc đã bị chính gia đình của các em từ chối. Đây là lý do tại sao các em thường đến trung tâm muộn, ở độ tuổi 12 hoặc 13. Các học sinh tại trường của các sơ rất siêng năng. Các em dậy sớm, bắt đầu học cá nhân lúc 6 giờ sáng, đến trường lúc 8 giờ sáng và ở đó đến 5 giờ chiều. Sau giờ học, các em tham gia các hoạt động thể thao và sau đó lại học riêng. Tất nhiên, nhóm có một số học sinh giỏi. Một trong số đó là Jean de Dieu Niyonzima, người đứng thứ năm toàn quốc trong kỳ thi cấp bang vào cuối cấp trung học cơ sở. Em nói với phương tiện truyền thông địa phương rằng em muốn học báo chí và ngôn ngữ.
Các nữ tu rất tự hào về thành tích của những người được các sơ trợ giúp. Sơ Pia chia sẻ: "Các em nhỏ cực kỳ sáng tạo. Ví dụ, các em có thể sáng tác một bài hát cho Ngày Nhà giáo. Các em hát bằng nhiều giọng và ở các cung khác nhau, và chúng tôi cũng có một dàn hợp xướng của trường. Các em biểu diễn tại mọi lễ kỷ niệm của trường và hát trong Thánh lễ Chúa Nhật". Hai giáo viên dạy các bài học khiêu vũ cho trẻ em khiếm thị nhỏ tuổi và lớn tuổi.
Ngôi trường cũng là nơi sinh sống của một nhóm trẻ em bị ảnh hưởng bởi bệnh bạch tạng. Các em cảm thấy an toàn ở đây, mặc dù cuộc sống của các em có thể rất bi thảm ở Châu Phi. Sơ Pia kể: "Một ngày nọ, một người phụ nữ đưa hai đứa trẻ bạch tạng đến trường, nói rằng chỉ còn đứa thứ ba ở nhà là người Rwanda". Và sơ nhấn mạnh: "Đó là lý do tại sao cần phải dành tình yêu thương đặc biệt cho các em".
Các nữ tu khẳng định rằng Chúa quan phòng đang dõi theo công việc của họ. Sơ Pia nói thêm: "Thiên Chúa thực sự chăm sóc chúng tôi, gửi cho chúng tôi những người tài trợ; hầu hết các hoạt động của chúng tôi đều có thể thực hiện được nhờ các khoản đóng góp, chủ yếu là từ Ba Lan và các tổ chức từ các quốc gia khác". Sơ cho biết, "Đôi khi chúng tôi chỉ cần nghĩ ra một ý tưởng mới, và đột nhiên có những người giúp chúng tôi hiện thực hóa ý tưởng đó".
Mẹ Rosa Czacka là một người bảo trợ độc đáo trong các nhiệm vụ hàng ngày của các nữ tu. Sơ Pia nói: "Chính Mẹ đã chấp nhận sự mù lòa như thánh ý Chúa, vì vậy chúng tôi cố gắng hết sức để truyền đạt đức tin cho trẻ em. Điều này rất dễ dàng vì xã hội Rwanda là một xã hội của những người tin vào Chúa. Lòng biết ơn và niềm vui có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của những đứa trẻ. Các em thậm chí còn rơi nước mắt khi nhận được những món quà nhỏ nhất. Khi tổ chức tiệc sinh nhật, niềm vui của các em vô cùng lớn lao và biết ơn vì có người nhớ đến một dịp như vậy".
Những từ như niềm vui, lòng biết ơn và sự sẵn sàng học hỏi thường được nghe thấy ở Kibeho. Trẻ em lấy lại niềm tin rằng các em có thể đạt được điều gì đó trong cuộc sống. Các em tự hào khi có thể chứng minh cho gia đình rằng các em có thể đọc. Các em tạo ra mũ và khăn quàng cổ trong các buổi học hỏi đan lát, tất cả đều là động lực tuyệt vời cho các nữ tu. Sơ Pia cho biết: "Việc chúng tôi ở đây là công trình của Chúa; chúng tôi cảm nhận được điều đó. Chúng tôi có ít người và trung tâm thì lớn, vì vậy chúng tôi hy vọng sẽ có những ơn gọi mới".
Việc Ba Lan sẽ mở đại sứ quán tại Rwanda sẽ là sự hỗ trợ đáng kể cho các nữ tu. Các công tác chuẩn bị đang được thực hiện để mở đại sứ quán. Vào tháng 2 năm 2024, trung tâm đã tiếp đón Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và phu nhân Agata Kornhauser–Duda.
Sơ Pia nhấn mạnh: "Ở đây, mọi người tận hưởng những điều ít ỏi mà họ có". Mặc dù đây chỉ là năm đầu tiên sơ phục vụ tại trung tâm, nhưng sơ đã có ấn tượng đặc biệt, đó là nụ cười từ những người trợ giúp các sơ.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la
-
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản -
Trung tâm y tế Đức Mẹ Thương Xót ở Sudan -
Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam