Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXVI Thường Niên - năm A
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - A
Ed 18,25-28 – Phil 2,1-11 – Mt 21,28-32
QUÁ KHỨ HAY HIỆN TẠI? LỜI NÓI HAY VIỆC LÀM?
“Con không muốn! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.” (Mt 21,29)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Ed 18,25-28
Đây là một phần trong những lời phán quyết của Đức Chúa khi muốn nhấn mạnh với dân Israel rằng: trước mặt Đức Chúa đã không còn giá trị câu ngạn ngữ: ‘Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ghê răng.’ (Ed 18,2) mà đã đến lúc ‘Ai phạm tội kẻ ấy phải chết.’ (Ed 18,4). Như thế trách nhiệm cá nhân được đặc biệt đề cao trong lời tuyên sấm này của Đức Chúa.
Trong câu liền trước của bài đọc thứ nhất, Đức Chúa đã nói lý lẽ như sau về số phận của kẻ công chính nhưng lại làm những điều ghê tởm: ‘Nhưng nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết’ (Ed 18,24). Đối với dân Israel, lối suy nghĩ này của Đức Chúa dường như quá nghiêm khắc! Bởi vì, theo logic của Đức Chúa, những việc công chính trong quá khứ sẽ chẳng có thể biện hộ được điều gì cho những sự dữ mà họ đang thực hiện.
Hành động 'mạnh tay' này của Chúa đã bị dân Israel phản ứng thật mạnh mẽ khi cho rằng: 'Ðường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng' (Ed 18,25). Trước thái độ đó của dân Israel, một lần nữa Đức Chúa đã đặt lại vấn đề: Đường lối của Ta hay đường lối của các ngươi không ngay thẳng? Và cuối cùng Ngài như muốn củng cố lại quan điểm của mình về số phận của hai hạng người:
Người công chính bỏ lẽ công chính để phạm tội ác nó phải chết
Kẻ gian ác bỏ đàng gian ác để thực thi công bình chính trực nó sẽ được sống
2. Bài đọc II - Phil 2,1-11
Nếu được liên kết với Đức Kitô, được tình yêu khích lệ, được hiệp thông trong Thần Khí, cũng như sống thân tình và cảm thương nhau, theo thánh Phaolô, điều này chắc chắn phải dẫn tín hữu Philipphê tới chỗ có cùng một cảm nghĩ, một lòng mến, một tâm hồn, một ý hướng. Do vậy, thánh nhân mời gọi họ thay đổi động cơ khi làm việc: 'Ðừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh' (Phil 2,3). Muốn được vậy hãy cố gắng khiêm nhường khi nỗ lực sống tự hạ: không tìm ích lợi cho cá nhân nhưng vì lợi ích của người khác theo gương Chúa Kitô.
Thánh thi Philipphê nhấn mạnh nỗ lực từ hai phía: a/ Từ phía Ngôi Lời: đó là sự tự hủy (Kenosis) cho đến cùng: dẫu thân phận là Thiên Chúa – nhưng đã mặc lấy thân nô lệ – chấp nhận cái chết của một kẻ tử tội; b/ Từ phía Thiên Chúa: đó là sự siêu tôn Đức Giêsu đến tột đỉnh: ban cho danh hiệu vượt trên ngàn danh hiệu – muôn vật phải bái quỳ khi nghe danh Giêsu – mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ngài là Kitô, là Đức Chúa.’ Như thế, cái chết vừa là tận điểm của đau khổ nhưng cũng vừa là khởi điểm của vinh quang.
3. Bài Phúc Âm – Mt 21,28-32
Đoạn Phúc âm này đã được thánh sử Matthêu xếp sau hai sự kiện: cây vả không sinh trái và bị khô héo – người Do thái chất vấn Chúa Giêsu về quyền của Người. Bối cảnh của đoạn tin mừng liền trước Mt 21,23-27 đã giúp hiểu rõ ‘các thượng tế và các kỳ mục trong dân’ chính là đối tượng mà Chúa Giêsu muốn họ phải suy nghĩ và trả lời khi Ngài đặt vần đề: ‘Các ông nghĩ sao...’
Dụ ngôn xoay quanh thái độ của hai người con trước lời mọi gọi làm vườn nho cho cha mình:
a. Người con thứ nhất: "Con không muốn!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
b. Người con thứ hai: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi.
Sau khi các thượng tế và kỳ mục đã thừa nhận: người con thứ nhất đã làm theo ý muốn của cha. Chúa Giêsu liền đưa ra một khẳng định về số phận của hai hạng người:
A. Những người thu thuế và những cô gái điếm tin vào Gioan. A’. Người con thứ nhất: "Con không muốn!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
B. - Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy.
- Ngay cả khi đã thấy người thu thuế và những cô gái điếm tin vào Gioan, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.
B’. Người con thứ hai: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết. Kẻ gian ác bỏ đàng gian ác và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống.’ Quá khứ, dù tốt hay xấu, không còn là điều quan trọng trong ánh nhìn của Thiên Chúa. Vấn đề hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người vào thời điểm hiện tại. Sám hối để bỏ đàng tội lỗi vẫn luôn là chìa khóa dẫn con người đi vào sự sống của Thiên Chúa.
2. Ganh tị và hư danh luôn là cơn cám dỗ của con người trong khi làm việc, nhiều khi nó còn được bao bọc bởi một công việc với vẻ bên ngoài rất đạo đức. Thái độ tự hủy đến cùng của Con Thiên Chúa là một kinh nghiệm đắt giá giúp cho mỗi Kitô hữu sống triệt để thái độ khiêm nhường trước mặt Chúa cũng như trong tương quan với anh chị em của mình.
3. "Con không muốn!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi - "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Điều người cha đợi chờ không phải là một lời nói suông đầy hoa mỹ, nhưng là một hành động như ý muốn của người cha. Hành vi hối hận chính là ngưỡng cửa quan trọng để đưa người con bước từ việc bỏ ý riêng mình sang việc thi hành ý muốn của cha.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực hằng mong muốn tất cả mọi người được công chính hóa qua việc vâng nghe và thi hành thánh ý của Người. Với quyết tâm sống theo ý Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy thành khẩn nguyện xin:
1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng và hàng Giám mục. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn bừng cháy lòng nhiệt thành cùng sáng suốt trong việc chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên Chúa đã trao phó trên hành trình tiến về quê trời.
2. Cầu cho Đại hội chung của Thượng Hội Đồng Giám mục về gia đình sắp nhóm họp. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần trên các tham dự viên để kỳ họp đạt được thành quả tốt đẹp và tìm ra những giải pháp cho các vấn nạn của đời sống gia đình.
3. Cầu cho các kitô hữu đang bị bách hại trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những anh chị em đang chịu nhiều đau khổ vì Đức Kitô, xin cho họ được bình an và luôn kiên vững vượt qua mọi gian nan thử thách để tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin của mình.
4. Cầu cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn tỉnh thức nhận ra lời mời gọi của Chúa và mau mắn đáp trả bằng việc tích cực dấn thân cộng tác để mọi sinh hoạt của cộng đoàn luôn hiệp nhất và thêm phong phú.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân lành, xin khứng nhận những ước nguyện chân thành của chúng con và xin dùng quyền lực Thánh Thần biến đổi, giúp chúng con luôn biết vâng nghe và thực thi ý Chúa trong sự khiêm tốn và tín thác. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy