Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật II Phục Sinh
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH - NĂM C
(Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31)
TIN VÀ LÀM CHỨNG
“Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Đoạn sách Công Vụ mô tả tóm tắt hoạt động của các Kitô hữu tại cộng đoàn Giêrusalem dưới tác động của Chúa Thánh Thần sau khi Đức Giêsu Phục Sinh về trời.
Trước hết, sức mạnh và ân sủng của Đức Kitô Phục Sinh, qua Chúa Thánh Thần, tác động trên các Tông Đồ khiến họ có khả năng làm được những dấu lạ và chữa bệnh. Quả vậy, trước khi về trời, Đức Kitô Phục Sinh đã hứa ban cho các Tông Đồ quyền trừ quỷ và chữa bệnh, theo đó “nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,18). Giờ đây, khi Đức Kitô Phục Sinh đã về trời, các Tông Đồ thực thi quyền chữa bệnh bằng việc đặt tay trên bệnh nhân. Việc đặt tay chữa bệnh không do tự khả năng của các Tông Đồ nhưng là thừa hành quyền được trao phó cho họ nhờ sức mạnh Thánh Thần và nhân danh Đức Kitô Phục Sinh (x. Cv 3,6; 16,18).
Sau nữa, Đức Kitô Phục Sinh còn là điểm nối kết các tín hữu sơ khai, biến họ trở nên chứng nhân cho Người. Thật vậy, Đức Kitô Phục Sinh đã quy tụ các tín hữu nhát đảm, rời rạc thành một cộng đoàn “đồng tâm nhất trí”, không chỉ trong việc cầu nguyện, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và chia sẻ của cải (x. Cv 3,42-46; 4,32-35), mà còn trong việc làm chứng cho Người. Khi nhìn vào đời sống hiệp nhất và đoàn kết của các tín hữu, toàn dân nể phục và ca tụng họ. Đời sống hiệp nhất “một lòng một ý”, cả tinh thần lẫn vật chất, là lời chứng hùng hồn về niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần (x. Cv 4,33; 5,32), lời chứng của các Kitô hữu đã thuyết phục được nhiều người tin theo Đức Kitô (x. 4,5; 5,14; 13,12; 14,1; 15,7).
2. Bài đọc 2
Tác giả đoạn sách Khải Huyền giới thiệu danh tính và hoàn cảnh của mình, đồng thời mô tả thị kiến trong đó tác giả được Con Người mạc khải và truyền lệnh hãy viết những gì được chứng kiến.
Trước hết, tác giả giới thiệu về mình như là một “người anh em”, được cùng chia sẻ nỗi gian truân và kiên trì chịu đựng trong Đức Giêsu, để rồi cùng được hưởng vương quốc. Tác giả đang bị tù đày tại đảo Pátmô vì “đã rao giảng lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu Kitô” (Kh 1,9). Như thế, khi bị giam cầm vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, tác giả cho thấy mình đồng cảnh ngộ với các Kitô hữu đang gặp gian nan, thử trách vì đức tin, nên có đủ tư cách để khích lệ các Kitô hữu kiên trì giữ vững đức tin.
Hơn nữa, tác giả không dựa theo ý riêng của mình để viết, nhưng dựa vào lệnh truyền của Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với ông trong thị kiến vào “ngày của Chúa”, tức ngày Đức Giêsu Phục Sinh. Quả vậy, từ hình ảnh lờ mờ về “Con Người” trong sách ngôn sứ Đanien (Đn 7 và 10), tác giả xác định “Con Người” này chính là Đức Kitô, Đấng vừa là tư tế, mặc áo chùng và đứng giữa các cây đèn (x. Xh 28,4; 29,5), vừa là vương đế, thắt đai bằng vàng (x. 1Mcb 10,89; 11,58). Chính Đức Kitô Phục Sinh, là tư tế và quân vương, truyền lệnh cho tác giả hãy viết ra “những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này” (Kh 1,19), nên những gì được viết ra là những lời đáng tin cậy.
Sau cùng, đứng trước mặc khải lớn lao, tác giả thấy mình nhỏ bé, yếu đuối và sợ hãi. Tuy vậy, ông được khích lệ hãy can đảm để làm chứng về những điều mình thấy vì “Con Người” này chính là Đấng đã chết nhưng nay đang sống, Đấng là “Đầu và là Cuối”. Lời chứng của tác giả khích lệ các Kitô hữu đang bị bách hại hãy vững tin và nhẫn nại sống chứng tá cho Đức Kitô vì Người là Đấng đã chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và sự chết. Người đã trải qua đau khổ mới đến vinh quang nên những khó khăn, bách hại hiện tại là con đường dẫn đến gặp Đức Kitô, Đấng đã chết nhưng nay là sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu.
3. Bài Tin Mừng
Đoạn Tin Mừng chia làm hai phân cảnh. Phân cảnh thứ nhất nói về việc Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trong lúc các ông đang hoang mang sợ hãi. Qua cuộc hiện ra này, tác giả Tin Mừng thứ tư muốn làm nổi bật bốn yếu tố sau.
Thứ nhất, Đức Giêsu hiện ra để chứng minh cho các môn để tin rằng Người chính là Đấng đã chịu đóng đinh, chịu chết nhưng nay đã phục sinh. Người cũng chính là Đấng đem lại “bình an” và “niềm vui” cho các môn đệ như lời Người đã hứa (x. Ga 16,20).
Thứ hai, Đức Giêsu Phục Sinh sai các môn đệ đi rao giảng. Tin Mừng thứ tư nhiều lần nhấn mạnh rằng Đức Giêsu chính là Đấng mà Chúa Cha sai đến. Và trong lời nguyện hiến tế, Đức Giêsu hé lộ cho biết rằng một trong những mục đích của Người là sai các môn đệ ra đi rao giảng (Ga 17,18). Giờ đây, sau khi phục sinh, Người hoàn tất điều đã tiên báo khi sai các môn đệ ra đi để tiếp tục sứ mạng mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha.
Thứ ba, Đức Giêsu Phục Sinh ban Thánh Thần cho các môn đệ. Trong khi theo truyền thống Luca, các môn đệ phải chờ đợi một thời gian khoảng năm mươi ngày mới được đón nhận ơn Thánh Thần, thì Tin Mừng Gioan nhấn mạnh việc Thánh Thần được ban cho các môn đệ gần như ngay sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh. Việc sai các môn đệ ra đi rao giảng cần đi kèm với ơn Thánh Thần vì chính Thánh Thần là sức mạnh giúp các ông can đảm làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.
Thứ tư, các môn đệ được Đức Giêsu Phục Sinh ban cho quyền tha tội. Đức Giêsu được Gioan Tẩy Giả giới thiệu là “Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29) và việc tha tội là một phần sứ mạng của Người. Nay, Người ban cho các môn đệ, và qua đó cho Hội Thánh, quyền tha tội để tiếp nối sứ mạng của Người.
Phân cảnh thứ hai nói về việc Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra để củng cố đức tin cho thánh Tôma và qua ngài, chúc phúc cho những ai không được thấy mà vẫn vững tin vào Người.
Trước hết, như các Tông Đồ khác, thánh Tôma cũng muốn được chứng kiến tận mắt, sờ tận tay Đức Kitô Phục Sinh, và ngài đã được toại nguyện khi Đấng Phục Sinh đáp ứng tất cả những điều ngài mong muốn. Việc thánh Tôma tuyên xưng đức tin là hệ quả tất yếu của một tiến trình kiểm chứng và xác thực bằng các giác quan. Thánh nhân không thể không tuyên xưng khi mọi sự đã quá rõ ràng.
Hơn nữa, thánh Tôma đã đi từ trạng thái nghi ngờ đến sự xác quyết mạnh mẽ và chắc chắn, dựa trên những bằng chứng hiển nhiên xác thực. Và cũng giống như các Tông Đồ khác, thánh nhân đã dùng cả cuộc đời và mạng sống của mình để làm chứng cho điều mình xác quyết. Vì thế, lời chứng đầy xác thực của thánh nhân có giá trị thuyết phục cho những ai đang tìm kiếm đức tin. Quả vậy, Đức Kitô chúc phúc cho những ai không được chứng kiến tận mắt, sờ tận tay, nhưng chỉ nhờ lời chứng của các Tông Đồ, cách riêng của thánh Tôma, mà tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.
Sau cùng, tác giả Tin Mừng thứ tư còn cho thấy hiệu quả của việc tin vào Đức Giêsu. Thật vậy, Tin Mừng Gioan nhiều lần quả quyết rằng đức tin vào Đức Giêsu mang lại cho con người sự sống đời đời (x. Ga 3,15-16.36; 6,40.47; 11,15; 20,31). Đối với tác giả Tin Mừng thứ tư, mục đích của tất cả những gì được viết ra là để nhằm cho người ta “tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Sự sống nhờ danh Đức Giêsu là sự sống vĩnh cửu của Đấng đã chiến thắng sự chết và tất cả những người tin vào Người đều được chia sẻ sự sống thần linh với Người.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Đức Kitô Phục Sinh trao cho các Tông Đồ năng quyền chữa bệnh, nhờ ơn Thánh Thần ban cho họ. Chính Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh cũng nối kết các Kitô hữu nên “đồng tâm nhất trí” trong việc sống và làm chứng cho Đấng Phục Sinh. Nhờ ơn Thánh Thần ban cho tôi qua Bí trích Rửa tội, Đức Kitô Phục Sinh cũng mời gọi tôi tiếp nối sứ mạng chữa lành những tâm hồn mệt mỏi, đau khổ, chán nản và thất vọng. Đồng thời, Thần Khí của Đức Giêsu Phục Sinh cũng liên kết tôi nên “một lòng một ý” với tất cả các chi thể của Chúa Kitô để làm chứng cho Người bằng lối sống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ và cầu nguyện.
2/ Tác giả sách Khải Huyền tự thấy mình là một người anh em yếu đuối trong cảnh tù đày vì đã rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu.Nhưng ngài được Đấng Phục Sinh mạc khải và mời gọi hãy tiếp tục can đảm làm chứng cho Người vì Người chính là Đấng đã chết mà nay đang sống, là Đấng là khởi đầu và cùng đích mọi sự. Con đường Giêsu mà tôi chọn dù khởi sự có chông gai, khó khăn thế nào rồi cũng sẽ dẫn đến vinh quang sự sống trong Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã chết và sống lại vì tôi và cho tôi (x. 2 Cr 5,15). Tôi có sẵn sàng và can đảm làm chứng cho Đấng đã dám chết và sống lại cho tôi?
3/ Đức Giêsu Phục Sinh mang lại bình an và niềm vui cho các môn đệ. Người cũng ban cho các ông ơn Thánh Thần và quyền tha tội để các ông tiếp tục làm chứng cho Người. Để có thể làm chứng cho Người, điều kiện căn cốt đối với các môn đệ là tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Thánh Tôma đã thấy và đã tin; đức tin được kiểm chứng cách rõ ràng của ngài là bằng chứng xác thực và là nền tảng căn bản cho đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Tôi được Chúa Kitô chúc phúc khi tin vào lời chứng sống động của các môn đệ và tôi cũng được mời gọi làm chứng cho đức tin vào Người, một đức tin đem lại cho sự sống thần linh của Đấng Phục Sinh.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin và ban quyền lực Thánh Thần cho các ông. Người vẫn luôn hiện diện và nâng đỡ sứ vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại. Trong Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót hôm nay, chúng ta cùng hân hoan ca tụng Chúa và dâng lời cầu nguyện:
1. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng Linh mục được tràn đầy sức mạnh và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để các ngài chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh trong thế giới hôm nay.
2. Chúa nói với ông Tôma: “chớ cứng lòng, nhưng hãy tin.” Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại hôm nay đang bị lôi kéo bởi chủ nghĩa hưởng thụ duy vật chất mà chối bỏ Thiên Chúa, được lòng thương xót của Thiên Chúa chinh phục và biến đổi, luôn kiếm tìm và tin nhận Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của cuộc đời.
3. “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu, cách riêng cho những ai đang gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống, luôn vững tin vào lòng Chúa thương xót, được tràn đầy bình an và sức sống của Chúa Kitô phục sinh, hầu can đảm sống đức tin giữa những nghịch cảnh của cuộc đời.
4. Các tông đồ đã hăng hái làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh và trở nên dấu chỉ của lòng thương xót. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta cũng biết nỗ lực làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái và gương lành, hầu cho nhiều người ngày hôm nay nhận biết và tin tưởng vào lòng thương xót.
Chủ tế: Lạy Đức Kitô Phục Sinh là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và làm cho hiệu quả của mầu nhiệm Phục Sinh chúng con đang cử hành đem lại hoa trái dồi dào trong cuộc sống chứng tá của chúng con. Chúa hằng sống và hằng trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy