Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi - Năm C
CHÚA NHẬT BA NGÔI
Cn 8:22-31; Rm 5:1-5
Ga 16:12-15
MẦU NHIỆM BA NGÔI
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
“Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy;
Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy
mà loan truyền cho các con.”
(Ga 16,15)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc ngày Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi trình bày cho chúng ta những chứng cứ trong Thánh Kinh về Ba Ngôi Thiên Chúa. Bài đọc I trích từ sách Châm Ngôn là bài ca ngợi khen Đức Khôn Ngoan. Dù chưa phải là mạc khải rõ ràng về một ngôi vị Thiên Chúa khác với Chúa Cha, nhưng có thể tìm thấy những tương quan với Ngôi Lời mà thánh Gioan trình bày trong Tin Mừng thứ tư. Trong Tân Ước, mạc khải về Ba Ngôi được trình bày rõ ràng hơn bởi chính Chúa Giêsu cũng như bởi các Tông đồ.
1. Bài đọc I (Cn 8, 22-31)
Đức Khôn Ngoan trong sách Châm ngôn được nhân cách hóa, được diễn tả như một ngôi vị, và được gọi là người phụ nữ Khôn Ngoan. Đoạn trích sách Châm ngôn chúng ta nghe trong bài đọc I hôm nay là một bài ca, gồm những lời ngợi ca mà chính Đức Khôn Ngoan ngợi khen mình. Trước hết Đức Khôn Ngoan nói về nguồn gốc nguyên thủy của mình: Người được Thiên Chúa tạo thành đầu tiên, trước tất cả mọi loài thụ tạo khác. Người là chứng nhân khi Thiên Chúa tạo thành thế giới vũ trụ bởi vì Người đã hiện diện trước từ đời đời. Bằng hai cách diễn tả: Đức Khôn Ngoan hiện hữu “trước khi” các sự vật được tạo thành, và “khi” các sự vật được tạo thành Đức Khôn Ngoan đã hiện diện, tác giả sách Châm ngôn nhấn mạnh sự hiện diện của Đức Khôn Ngoan trong suốt công trình tạo dựng và như thế làm nổi bật sự trổi vượt của Đức Khôn Ngoan trên hết mọi loài thụ tạo. Đức Khôn Ngoan hiện diện bên Thiên Chúa và như là dụng cụ của Người; Đức Khôn Ngoan làm vui lòng Thiên Chúa và là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.
Như thế, Đức Khôn Ngoan được trình bày như một sự nhân cách hóa ám dụ của phẩm tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng phẩm tính này để tạo thành và hướng dẫn vũ trụ và các loài cư ngụ trong đó cách quan phòng. Chính Đức Khôn ngoan sẽ là thầy dạy, hướng dẫn những người không được học hỏi để họ có thể tham dự vào quyền năng tạo thành của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan cũng ban sự sống và những lời cố vấn cho các vua để họ có thể lãnh đạo cách đúng đắn. Đức Khôn Ngoan còn là trung gian giữa Đấng sáng tạo và thế giới được tạo thành, Người làm cho thế giới nhận biết về Thiên Chúa, dạy cho họ biết ý định của Thiên Chúa dành cho con người, và hướng dẫn con người tuân theo những quy luật để điều hành vũ trụ như cộng tác vào chương trình của Đấng sáng tạo.
2. Bài đọc II (Rm 5,1-5)
Thánh Phaolô giải thích cho các tín hữu Roma hệ quả của niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Nhờ đức tin, các tín hữu được cứu độ và nên công chính, và nhờ đó được hòa giải với Thiên Chúa và tận hưởng sự bình an mà không có đau khổ nào có thể xâm chiếm, cũng như mang lấy một niềm hi vọng vững bền và sự tin tưởng vào sự bảo đảm chắc chắn của ơn cứu độ. Như thế hệ quả đầu tiên của sự công chính chính là sự bình an. Đây không chỉ đơn giản là sự bình an trong tâm trí hay lương tâm vì được tha tội, nhưng là bình an vì được sống trong quan hệ tràn đầy với Thiên Chúa. Chính trong sự bình an này mà không có đau khổ khó khăn nào làm cho người tín hữu chao đảo hay thất vọng. Chính nhờ Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng, và nhờ chính sự chết và sống lại của Người, con người thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được tha thứ, giao hòa, và cứu độ. Đức Giêsu chính là đấng trung gian và đấng giao hòa con người với Thiên Chúa.
Hiệu quả thứ hai của ơn công chính là niềm hi vọng vào vinh quang của Thiên Chúa. Đây chính là mục đích của cuộc sống con người, nhưng vì tội lỗi mà họ đã lạc xa niềm hi vọng này. Nay nhờ Đức Giêsu, đấng trung gian, và nhờ ân sủng của sự chết và sống lại của Người, con người có thể đạt tới niềm hi vọng vĩnh cửu trong vinh quang của Thiên Chúa. Chính niềm hi vọng này giúp tín hữu chịu đựng các gian nan thử thách. Niềm hi vọng vào vinh quang của Thiên Chúa không phải là ảo huyền, hay làm cho người ta thất vọng, ngược lại là một niềm hi vọng vững chắc vì được đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người, tình yêu mà Thiên Chúa đổ tràn đầy trong tâm hồn con người nhờ Chúa Thánh Thần mà Người đã ban. Thánh Phaolô lần đầu tiên nhắc đến Chúa Thánh Thần và vai trò của Người. Vai trò của Chúa Thánh Thần được nói đến ở đây chính là phương thế mà Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu của Người cho loài người.
Như thế thánh Phaolô trong đoạn thư gửi gíao đoàn Roma đã nhắc đến Ba Ngôi Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc loài người. Thiên Chúa Cha yêu thương loài người sa ngã vì tội lỗi và phải chịu đựng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đã sai chính Ngôi Hai Con Một Người đến để cứu độ họ. Đức Giêsu chính là con Thiên Chúa trở thành Đấng trung gian giao hòa con người với Thiên Chúa bằng chính sự chết và sống lại của Người. Công trình cứu độ loài người còn được sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, đấng làm chứng và thánh hóa tâm hồn con người.
3. Bài Tin Mừng (Ga 16,12-15)
Trước khi rời bỏ các môn đệ, Đức Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho họ. Chúa Thánh Thần chính là Đấng bào chữa, Đấng an ủi, và trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Người được gọi là Thần Chân lý. Là Thần Chân lý vì công việc của Người là hướng dẫn các môn đệ của Đức Giêsu tới chân lý vẹn toàn. Khi Đức Giêsu còn ở giữa họ, Người dạy dỗ họ nhiều điều, nhưng họ chưa thể thấu hiểu. Khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ hướng dẫn họ mỗi ngày đi vào chiều sâu của chân lý, để họ có thể hiểu những điều mà trước đây họ chưa thể cảm nhận được. Sự hiểu biết này sẽ không dừng lại ở sự thông hiểu của trí tuệ nhưng còn dẫn đến một cuộc sống tương xứng với những giáo huấn của Đức Giêsu.
Chúa Thánh Thần không tự nói điều gì nhưng chỉ những gì Người nghe, những điều mà Chúa Con đã dạy các môn đệ, hay là những điều mà Chúa Cha đã mạc khải. Điều này nhấn mạnh sự liên kết hòa hợp giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con. Người tham gia vào việc thông truyền mạc khải nhờ sự liên hệ của Người với Đức Giêsu, như Đức Giêsu đã thông truyền mạc khải nhờ bởi sự liên hệ với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần không dạy về chính mình, nhưng là về Chúa Con, Người tôn vinh Chúa Con và chứng tỏ rằng Người đến để tiếp tuc công việc của Chúa Con, Người là Đấng được Chúa Con sai đến để dạy dỗ các môn đệ. Soi sáng hướng dẫn các môn đệ hiểu rõ về giáo huấn của Đức Giêsu, làm cho họ hiểu hơn biết hơn về con người và sứ vụ của Đức Giêsu, chính là làm cho Đức Giêsu được tôn vinh.
Chúa Thánh Thần, như Đức Giêsu, cũng là sứ giả của Chúa Cha. Người không chỉ giải thích và hướng dẫn các môn đệ về giáo huấn của Đức Giêsu, nhưng còn giới thiệu Chúa Cha cho mọi người, vì chính khi nhận biết Chúa Con cũng là nhận biết Chúa Cha.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ý thức hơn khi làm dấu Thánh Giá: tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
2. Chúc tụng Thiên Chúa Cha vì tình yêu Người dành cho nhân loại. Tin tưởng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Vì thế, dầu cho khó khăn nguy hiểm, thử thách đau khổ, chúng ta luôn tin tưởng tín thác vào Thiên Chúa, Cha chúng ta.
3. Tin tưởng vào Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, Đấng trung gian giao hòa ta với Chúa Cha. Người đã hi sinh vì tội lỗi chúng ta. Ghi nhớ điều này để cố gắng hoán cải thay đổi cuộc sống, tránh xa con đường tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa.
4. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống. Biết chọn lựa theo sự hướng dẫn của lương tâm chân chính với niềm tin Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi thông dự vào sự sống và vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh có sứ mạng giới thiệu tình thương cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi cho mọi người. Xin cho các thành phần trong Hội thánh luôn hiệp nhất yêu thương, và phản ánh trung thực tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng
2. Thiên Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang khát khao tìm kiếm chân lý được ơn nhận biết Chúa là Thiên Chúa thật, và luôn biết sống chia sẻ trao ban trọn vẹn cho nhau theo gương yêu thương của Thiên Chúa.
3. Đức Kitô là Ðấng cứu độ duy nhất của trần gian. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu luôn xác tín và kiên trì bước theo Chúa Kitô, trung thành thực thi mọi giáo huấn của Chúa, cũng như can đảm làm chứng cho Người trong môi trường sống hằng ngày.
4. Chúa Thánh Thần là Ðấng thánh hóa nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ngoan ngoãn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nỗ lực nên thánh mỗi ngày qua việc chu toàn mọi bổn phận mà Chúa trao phó.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã giao hòa thế gian với Chúa trong Đức Kitô và ban Thánh Thần thánh hóa nhân loại; xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn ý thức sống mầu nhiệm hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, hầu xứng đáng với danh nghĩa là con cái Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023