Ơn gọi dòng Camillo

Ơn gọi dòng Camillo

Ơn gọi dòng Camillo

TGPSG-- “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 25-37)

Viết về màu áo tôi yêu

Cách đây năm năm, vào buổi sáng nọ, một thầy dòng Camillô mời tôi làm cộng tác viên phụ giúp các thầy phục vụ bệnh nhân ở mái ấm Gary trong khoảng thời gian ngắn. Thú thật, khi đó tôi vẫn chưa biết nhiều về dòng Camillô nên cảm thấy mơ hồ, không ấn tượng gì cả. Thậm chí, dẫu biết linh đạo của dòng là chăm sóc bệnh nhân nhưng tôi vẫn chưa thể mường tượng đúng ý nghĩa về việc chăm sóc bệnh nhân ở nơi đây. Tuy vậy, tôi đã nhận lời thầy vì màu áo và linh đạo hoàn toàn khác so với các dòng đang phục vụ ở giáo xứ tôi.

Đến mà xem

Dù nhận lời đến phục vụ tại mái ấm Gary, nhưng thi thoảng tôi vẫn phụ giúp việc ở những cơ sở khác của nhà Dòng, trong đó có mái ấm Naza. Đây là nơi chăm sóc các bệnh nhân HIV thời kỳ cuối và không nơi nương tựa.

Lần đầu tôi đến mái ấm Naza là để tham gia chuẩn bị Thánh lễ Tiệc ly được cử hành tại đây. Sáng sớm, tôi đến mái ấm, vừa bước vô và lướt ánh mắt nhìn qua ô cửa sổ, tôi thấy các bệnh nhân đang ngồi trên hàng ghế dọc bờ tường dáng siêu siêu vẹo vẹo. Bất chợt nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ dỗ dành: “ngồi yên nha, cạo râu cho sạch để chiều đi lễ nha”, tôi ngạc nhiên và tìm xem giọng nói đó của ai. À, một thầy đang chăm chút vẻ ngoài cho mười hai bệnh nhân sẽ đóng vai các tông đồ trong thánh lễ chiều. Giọng nói của thầy nhỏ nhẹ, dỗ dành, xen chút điệu bộ “nịnh hót” các bệnh nhân.

Chiều hôm ấy, trong thánh lễ Tiệc ly, linh mục chủ tế đã cúi xuống rửa và hôn chân những tông đồ bệnh nhân. Nhìn vào những đôi bàn chân đó, tôi chợt nghĩ: “liệu có còn đôi chân tông đồ nào đặc biệt hơn những đôi chân này?”. Thánh lễ chiều hôm ấy đã khơi gợi nơi tôi nhiều suy nghĩ về đời sống con người, về tinh thần dấn thân phục vụ bệnh nhân.

Thật vậy, nhìn cách các tu sĩ nơi đây đã làm cho các bệnh nhân bằng tất cả tình yêu thương, tôi thầm cảm phục họ. Tình cảm quý mến đó càng lớn dần theo năm tháng, đặc biệt là sau cơn đại dịch Covid-19 khốc liệt vừa qua.

Lời khấn thứ tư: Chăm sóc bệnh nhân dù nguy hiểm đến tính mạng.

Tháng 5 năm 2021, đại dịch Covid bắt đầu càn quét Sài Gòn. Vì chưa hiểu thấu đáo về dịch, chưa có những biện pháp chữa trị kịp thời nên số ca lây nhiễm cứ thế tăng dần và bắt đầu xuất hiện những ca tử vong. Trong lúc ai ai cũng đang hoang mang lo sợ về dịch bệnh thì các linh mục, tu sĩ, tu sinh và tiền tập sinh dòng Camillô đã tạm ngưng các việc học của nhà dòng để tham gia chống dịch. Người thì tham gia đội quân tình nguyện để đến các bệnh viện chăm sóc bệnh nhân F0; người thì hỗ trợ tư vấn và điều trị cho các F0 tại nhà; người thì quản lý việc nhận nhu yếu phẩm tiếp tế rồi sắp xếp, phân chia lại cho các nhà trọ, khu xóm bị cách ly. Ai cũng có việc quan trọng để làm.

Nhớ lại thời gian đó, cảnh tượng tan hoang hiện hữu trên mọi ngả đường, len lỏi vào từng ngõ ngách, tác động mạnh mẽ đến tâm lý của người dân khiến họ sợ hãi, lo âu. Các vị này không sợ chết à? Tôi không dám quả quyết là họ có sợ hay không, nhưng mấy ai trên đời không sợ chết chứ. Hơn thế nữa, họ là những người có học thức và nhiều người trong số họ đã được tập huấn về y khoa. Họ có nhiều dự định và hoài bão trong tương lai về đời sống tu trì cũng như trong sự dấn thân phục vụ. Rõ ràng là họ có nhiều thứ quan trọng để cân nhắc trước khi đưa ra một quyết định mạo hiểm có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của họ.

Có thể cho rằng, những vị linh mục, tu sĩ, tu sinh này đã thấm nhuần linh đạo của nhà dòng là làm chứng cho Mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô và lòng thương xót của Ngài trong việc chăm sóc sức khỏe, chữa trị, nâng đỡ và phục vụ người bệnh, người bị bỏ rơi trong xã hội.

Tâm tình người phục vụ

Nhóm phục vụ trong bệnh viện, có khi buổi tối vừa ăn cơm chung xong sáng mai nhận kết quả một người trong nhóm bị dương tính đồng nghĩa với việc cả nhóm bị cách ly. Khi người bị dương tính đầu tiên được hỏi cảm giác thế nào? nỗi sợ lớn chừng đâu? Câu trả lời nghe thật lạ, “có chút ho rát cổ nhưng cảm thấy mát và thoải mái lắm, đi thăm bệnh nhân đang điều trị covid-19 không cần “bộ giáp bảo vệ”, tay chạm tay chứ không qua lớp bao tay nên dễ cảm nhận và chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân”. Họ coi chuyện nhiễm bệnh như là cách họ chia sẻ nỗi đau với người bệnh, giữa con người với con người. Phải chăng những người có lời khấn rồi họ sống trọn vẹn cho lời khấn, thanh niên nào chưa khấn họ sống trải nghiệm để lời khấn sắp tới trở nên hữu hiệu hơn. Họ thấu hiểu về điều họ dấn thân phục vụ.

Có một cha dòng Camillo trong bài giảng cha kể rằng một bệnh nhân đau nặng hay nhõng nhẽo với cha, cha biết điều đó nhưng cha vẫn tới thăm và chăm sóc, một tuần cũng vài lần. Bữa nọ anh trở nặng và mong cha tới thăm, hôm đó cha đang bận việc gì chưa tới kịp và cứ đinh ninh anh đang nhõng nhẽo, hôm đó cha không tới và anh đã ra đi. Cha nghe tin mà cứ đau mãi, nỗi đau của cha trở thành bài học đắt giá cho chính cha và các thầy, đừng vô tâm với các bệnh nhân quen thuộc của mình.

Một cha khác chia sẻ trong Thánh lễ tiệc ly rằng, mẹ cha mới qua đời sau một thời gian bệnh nặng. Cha kể cha chỉ về thăm mẹ vấn an mẹ, kiệu Mình Thánh cho mẹ, nhưng cha chưa bao giờ tắm hay rửa chân cho mẹ trong khi cha đã làm điều đó cho nhiều bệnh nhân nhà cha. Cha hối hận vì bây giờ cha có muốn làm điều đó cho mẹ cũng không có cơ hội để làm nữa rồi.

Vác thập giá mình mà theo.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

Đối với người không có niềm tin thì Thập giá tiêu biểu cho sự khổ đau thật nhục nhã. Thế nhưng, Thập giá lại chứa đựng một giá trị tuyệt vời: giá trị cứu độ trần gian. Thập giá là tiếng nói vĩ đại của lời yêu thương, là con đường để biến đổi ta thành một con người mới.

Vậy đấy, các linh mục, tu sĩ, tu sinh dòng Camillo đã luôn mang trên mình Chiếc Thánh Giá Đỏ để đem niềm vui, sự an ủi và nâng đỡ đến cho nhiều người còn đang đau khổ tại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam và toàn thế giới.

Tu sĩ Camillô – họ  là ai?

Dòng Camillô được thánh Camillô de Lellis (1550-1614) sáng lập năm 1582 nhằm phục vụ những người nghèo khổ đau yếu. Linh đạo của dòng là “Chăm sóc người bệnh với tình yêu của người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình khi bị đau yếu”. Họ đã sống trải nghiệm và gìn giữ lời khấn. Họ mặc áo dòng trắng và Thánh Giá đỏ trên ngực. Họ là những tu sĩ dòng Camillô, dòng Tá Viên Mục vụ Bệnh Nhân.

Lời kết

Với tôi, sau những tháng ngày phục vụ tại mái ấm Gary, được tiếp xúc với nhiều linh mục, tu sĩ, tiền tập sinh và tu sinh tại Camillô, tôi nghiệm ra rằng, đây là những con người biết biến yêu thương thành hành động thiết thực. Họ sống trong Tình Yêu và dạy tôi cách Yêu. Yêu người chỉ có bệnh tật là tài sản. Tôi …vẫn đang học.

Các bạn trẻ muốn tìm hiểu và gia nhập Dòng Camillô để tiếp nối sứ vụ mà năm xưa Chúa đã trao cho Cha Thánh Camillô bằng cách đáp lại lời mời gọi dấn thân làm linh mục hay sư huynh, có thể liên hệ:

Cha Giuse Vũ Anh Hoàng, MI - Học viện Camillô
Tel: 038 323 6699
174/29 Tam Châu, P. Tam Bình, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM
Email: stcamillo.vn@gmail.com

Maria Quỳnh Linh (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top