Nói thêm về "thở để chữa bệnh"

Nói thêm về "thở để chữa bệnh"

Nhiều độc giả đã viết thư hỏi thêm về thở để chữa bệnh. Có người bảo sau hai tháng “tập luyện” đã thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn.

Có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v. Một độc giả ở tận Hà Tiên, 47 tuổi, nói nhờ có người bạn gửi cho bài báo này, nên đã thử tập thở hai tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ năm phút mới hết...

Trước hết, cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải giờ giấc, tư thế nọ kia.

Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả. Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết: nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và... thở bằng cái bụng!

Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên không chỉ của con người mà của mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương... thì biết, nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi.

Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả. “Ở đâu cũng được, Lúc nào cũng được” là vậy.

Thứ hai là không nên ráng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần.

Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối loạn sự điều hòa tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma.” Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn nhân” của một phái võ nào đâu.

Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng. Nhưng phải kiên trì, như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó (tăng huyết áp, tiểu đường...) thì vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Thứ ba, luôn nhớ mình đang thở, theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống theo từng nhịp thở là được. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức. Nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, theo dõi sát nó thì sẽ giúp ta quên mọi thứ chuyện khác.

Nhờ vậy, Tâm ta được tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi!”

Đằng sau chuyện thở bụng còn nhiều điều hay.

Top