Niềm vui chung ngày khai trương Phòng khám Từ Thiện Tam Tông miếu

Niềm vui chung ngày khai trương Phòng khám Từ Thiện Tam Tông miếu

Niềm vui chung ngày khai trương Phòng khám Từ Thiện Tam Tông miếu

Ngày 12.04.2011 (10 tháng 3 năm Tân Mão), lúc 09g00, các thành viên chúng tôi đến Tam Tông Miếu trao lẳng hoa nhỏ mang dòng chữ: “BAN MỤC VỤ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN TGP Tp. HCM - MỪNG NGÀY KHAI TRƯƠNG - PHÒNG KHÁM TỪ THIỆN TAM TÔNG MIẾU” (PKTT-TTM) cho vị đại diện Minh Lý Thánh Hội, Đạo tỷ Đại Cơ Huờn và được mời vào an tọa trong nhà hội. Nhìn qua quan khách hiện diện, chúng tôi thấy có Cha Quản Hạt Tân Định, Gioan Baotixita Võ Văn Ánh, linh mục bác sỹ Giuse-Maria Hà Thiên Trúc, Soeur Mai Thành, hai đại diện Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Vườn Chuối (phía Công giáo); còn có các chư Tăng Phật Bửu tự,... Ngoài các môn sanh của Minh Lý Thánh Hội, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, chương trình Chung tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài…, tôi còn thấy một nhóm khoảng 10 người cả nam lẫn nữ trong bộ đồ tây, đầy nhiệt tình và phong thái tự nhiên như đã thân thuộc với các đạo hữu tại Tam Tống Miếu này.

Trong lúc chờ khai mạc, mình tranh thủ giao lưu: “Dạ em chào anh, xin hỏi em đang được nói chuyện với ai ạ?”. - “À! Mình tên Nguyễn Tấn Trí, là bác sỹ đang cộng tác với Phòng Khám bệnh Nhà Thờ Cha Tam và nay mình cũng đứng tên chịu trách nhiệm PKTT-TTM”. - Ồ, hân hạnh cho em quá, còn em và cha Bảo Lộc là bên BMVĐTLT TGP Tp. HCM.” - Vậy hả, bên Ban cũng có một cha làm bác sỹ cộng tác vào PKTT-TTM, tên là …” - Dạ, cha Hà Thiên Trúc ạ!”.

Thế là chúng tôi không xa lạ với nhau rồi, lời mở lời, bác sỹ Trí tốt nghiệp năm 1973, lúc đó Đạo Huynh Đại Bác là giáo sư đại học. Họ là bạn của nhau và nhóm bằng hữu này có thêm nhiều thầy thuốc và giới khác … Nhóm đã thực hiện nhiều hoạt động tốt đẹp họ cho đồng bào… Để từ từ tôi kể, nhưng ghi nhận trước mắt là tình bạn của họ rất bền lâu như thế quả là đáng quý và đáng chúc mừng, vì trong văn hóa Âu Mỹ có câu nói rất hay “Bạn thân, chính là món quà của Thượng Đế tặng cho bạn”.

Đến 9g15, Đạo huynh Đại Mạng (MC) kính mời mọi người đứng lên làm “một phút thanh tịnh cầu nguyện cho bá tánh và cầu nguyện cho chúng ta được chung sức chung lòng trong công việc PKTT-TTM này”. Mọi người đều thinh lặng, ai cầu nguyện thế nào tôi không biết, riêng tôi lại nhớ đến thiên sứ Raphaen, xin Ngài hiển linh nơi đây để chữa lành chúng con vì Ngài được mang danh hiệu “Linh Dược chữa lành của Thiên Chúa” mà!

Lịch sử của PKTT-TTM

Qua lời phát biểu của Đạo trưởng Đại Bác, thì PKTT-TTM đã có từ trước năm 1975, chữa bịnh theo phương pháp Đông Y lẫn Tây Y, đến năm 1976 chỉ còn khám và chữa theo Đông Y, chủ yếu là châm cứu rồi sau đó ngưng hoạt động do thiếu nhiều điều kiện thiết yếu. Khoảng hai năm trở lại đây, phát xuất từ thiện ý và sáng kiến của một số vị muốn cộng tác để lập PKTT, sự cộng tác này không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt phải kể đến thiện tâm của một số vị bác sỹ-dược sỹ nên đã tiến hành sửa chữa cơ sở hạ tầng và xin giấy phép… đến nay là ngày khai trương PKTT-TTM. Đây là sự kết hiệp giữa Đạo và đời để đem lại quyền tối thiểu cho con người, đó là quyền sống không bệnh hoạn. PKTT không chỉ giúp bịnh nhân phòng và chữa bịnh phần thân thể mà còn hướng đến giúp tâm thân của họ đạt đến quân bình thể chất và tâm linh nhờ sách báo Đạo.

Lời Chúa Giêsu dạy và được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trích dẫn trong Thư Chung năm 2001: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Tôn giáo tạo điều kiện cho con người được sống sung mãn như thế, chúng ta hãy cùng cổ vũ cho sự hiểu biết - tôn trọng nhau trên tinh thần Bình đẳng, Cộng tác, Hòa ái, như chủ trương của Minh Lý Đạo. Tuy từng tôn giáo có những khác biệt, nhưng có điểm chung đó là “ĐẠO LÀM NGƯỜI” và người ngành Y cũng có “Y ĐỨC” xác tín như thế. Khi ta giúp đồng bào chính là ta đang thể hiện lòng nhân ái, mà lòng nhân ái là một phần của Nhân Đạo. Xin kêu gọi mọi sự hợp tác bền lâu và của nhiều người, các tổ chức, những người có chuyên môn, các vị Mạnh Thường Quân … cho hoạt động của PKTT-TTM, làm như thế chúng ta sẽ giúp cho thế giới được hòa bình hơn.

Tâm tư của người phụ trách PKTT-TTM

Bác sỹ Nguyễn Tấn Trí, thay mặt cho giới chuyên môn của PKTT-TTM phát biểu: “Ông ước mong ngày hôm nay như là thời điểm “số 1” từ từ sẽ có thêm “số 0” để thành “10” rồi lại thêm “số 0” để thành “100”. Chuyện ẩn dụ về con số của ông, người viết hiểu là việc chữa bịnh cho bịnh nhân càng lúc càng được nhiều về số lượng, càng lúc càng được chiều sâu về chất lượng điều trị. BS đã kêu gọi các bạn đồng nghiệp cộng tác, để bịnh nhân đến đây có thể đi làm các xét nghiệm với phí chỉ là “giá vật tư”. Còn về điều trị thì PKTT chăm sóc bịnh nhân giống quá trình điều trị ở bịnh viện (khám - chữa bịnh - theo dõi) cho đến lành bịnh. Ước mong, tiếng nói của chúng tôi không phải là tiếng kêu trong sa mạc- xin kêu gọi mọi người chung tay để xoa dịu những thân xác-tâm thần đau khổ!”.

Kinh nghiệm về sự phù trợ trên đường hành thiện

Đạo tỷ bác sỹ Kim Trinh thuộc Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (CQPTGLĐĐ) phát biểu: Trên đường hành thiện nay có Bạn Đồng Hành, chúng ta là những người đồng Đạo, anh em một nhà, đồng Môn, đồng nghiệp vì thế chị cảm thấy rất hạnh phúc, cứ hành thiện chúng ta sẽ có hạnh phúc. Kỷ niệm về ƠN TRÊN ĐỘ của chị ở Phòng Khám Phước Thiện của CQPTGLĐĐ như sau: vào rằm tháng bảy năm trước, do hoạt động từ thiện của phòng khám cần thêm hai triệu để lo cho bịnh nhân, mà các Đạo Hữu là nhà tu thì làm gì có tiền! Thật! chưa biết xoay sở cách nào! Một hôm chị đang trên đường đến CQPTGLĐĐ, bỗng có một em đón và đưa cho chị một phong thư với thái độ chân thành tha thiết góp vào việc chung, mở ra, “ô, đúng hai triệu!” Chị chỉ còn biết chạy lên Bửu Điện, quỳ trước Thiên Tòa và khóc ! Thế nên chị có xác tín muốn chia sẻ với mọi người là: “Trên con đường hành thiện của mình, trên thì có Đấng Chí Tôn, dưới có anh em đồng Đạo, bên cạnh thì có Mẹ, việc gì làm chẳng nên!”.

Góp Lời-Chung tay vào việc phục vụ nhân sinh

Đến lượt đại diện giới Công giáo, Soeur Mai Thành (người “Chị Cả” của BMVĐTLT) phát biểu: Đối với tôi, hôm nay là “ngày Tết” vì sao? Xin thưa rằng: ở Huế, đã có sự hợp tác giữa các Tăng, Ni với Giám mục, các tu sĩ để chăm sóc các bịnh nhân HIV. Hôm nay, mọi người đang thực hiện “tinh thần hiệp nhất – đa Tôn giáo – một trái tim”. Nghe các vị phát biểu, khiến tôi nhớ đến bài hát ”Đâu có Tình Yêu Thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người. Đâu có lòng bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui” và Niềm vui “Tết” ngày hôm nay là “Ý hợp Tâm đầu.” Sự đóng góp của chúng tôi nhỏ thôi, nhưng là sự đóng góp của tấm lòng để tham gia vào “cái Tâm” của quý vị ở đây.

Lời phát biểu của quý vị còn gợi cho tôi nhớ đến lời Chúa: “Khi các con làm những việc bé nhỏ cho những anh em bé nhỏ nhất, chính là làm cho Thầy” (Mt 25, 40). Một số bạn từ nước ngoài đã đến thăm hoặc nghe giới thiệu về phòng khám, họ hết sức vui mừng và đang tìm phương thế cộng tác. Hiện có một số nữ tu đã tình nguyện đến phục vụ bệnh nhân. Cầu xin cho chúng ta có được “một Trái Tim rung động trước những đau khổ của người nghèo” để sự hoạt động này được nhiều tín đồ các tôn giáo, những người trong cũng như ngoài nước cùng tham gia, vì chúng ta có chung một tấm lòng.

*  *  *

Khám phá qua đàm đạo

Phần Lễ của “ngày Khai Trương PKTT-TTM đã kết thúc, vị Đạo Huynh dẫn chương trình đưa ra cho các đại biểu hai chọn lựa: xin mời dùng tiệc bánh nhẹ và tham quan Phòng Khám. Ai đi thì đi, tôi ở lại! Vì PKTT-TTM làm việc vào thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm hàng tuần, từ 14g00 đến 16g00... Mình liên hệ ngay với Đạo tỷ Đại Cơ Hườn để xin có dịp đến thỉnh giáo về “Thiền” chứ, vì nghe đâu pháp tu thiền theo Minh Lý Thánh Hội có khác so với thiền Phật giáo. Khi “ngộ” thêm điều gì, sẽ kể lại hầu bạn đọc nhé.

Ngồi vào bàn, ăn bánh, uống nước. Tôi thật hên khi ngồi đồng bàn cùng Đạo huynh Đại Mạng và các môn sanh Minh Lý khác. Chuyện dẫn chuyện, hay nói đúng hơn là ‘người tìm Đạo’. Một môn sanh nói: “Kinh Thánh tôi đọc mà chẳng hiểu gì!”. - Ủa! Các Đạo huynh cũng đọc Kinh Thánh à?. - “có chứ, trong các bài thuyết giáo, cũng vận dụng những câu chuyện trong Cựu Ước hay Tân ước để giảng”

Chuyện tới lui một đỗi, tôi lại được đề nghị nói về các thành phần của Hội Thánh Công Giáo: “Hội Thánh Công giáo có giáo sĩ và giáo dân. Giáo sĩ là những người đi tu tại các Đại Chủng Viện, họ học và tu tập trong khoảng 8 đến 10 năm, trong lúc học thì chỉ gọi là Thầy, nếu học hành đạt họ sẽ được phong chức Phó Tế, rồi khoảng năm sau thì được phong chức linh mục. Thế thì chỉ có Phó tế, Linh mục, Giám mục là có chức Thánh và được gọi là hàng Giáo sĩ, họ có nhiệm vụ lãnh đạo, chăm sóc Dân Chúa. Còn giáo dân gồm tất cả những người sống ở đời như em vậy nè. Ngoài ra, còn có những người chọn sống đời tu trì với một cộng đoàn tu sĩ, nên họ vào các dòng tu nam hay nữ. Họ tự nguyện sống sống độc thân và gia đình “thiêng liêng” của họ chính là Cộng Đoàn tu trì đó chứ không còn là gia đình (đôi bạn) ở ngoài đời nữa. Vậy khi họ vào Dòng, đối với Dòng nữ thì không có nhưng đối với Dòng nam thì sẽ có thêm sự chọn lựa: tu sĩ hoặc tu sĩ-linh mục. Người tu sĩ-linh mục đồng thời phải chu toàn hai bổn phận: thành viên của Cộng đoàn Dòng tu và sứ mạng của linh mục. Chẳng hạn như trường hợp Cha Dũng mà quý vị biết và đi dự lễ Tạ ơn, là linh mục Dòng Tên, còn linh mục Giáo phận, được đào tạo tại Đại Chủng Viện như Cha Bảo Lộc đây. - "À, nghe anh nói chúng tôi biết thêm được có nhiều sự phân biệt và tổ chức thật to lớn và chặt chẽ!", Đạo huynh.

Cha Trưởng Ban đến báo tin vui: “Ở đây đang mở lớp Kinh Dịch, anh đang tìm hiểu thiền, thì nên đăng ký học, tôi đã trao đổi với Tổng Lý Tường Định”. Thích quá, nhưng tối thứ hai thì tôi còn là sinh viên của Học Viện Mục Vụ. Tiếc thật, đành chờ duyên sau vậy!

Đạo huynh Đại Mạng nói: “tôn chỉ của Minh Lý Thánh Hội là kết hợp tinh túy của 3 tôn giáo Thích-Nho-Lão, để mở rộng và đi đến thống nhất. Mỗi người có sứ mạng tự hoàn thiện mình và phụng sự nhân sanh. Bên Đạo giáo thì cốt lõi là tự độ-độ tha, còn cốt lõi bên Phật giáo là tự giác-giác tha …”. Tôi nói: bên đạo huynh cũng dùng từ “phụng sự" nhân sanh như Phật giáo, mà em được biết lý do qua một vị Thượng Tọa rằng: “Vì con người đều có Phật Tánh trong mình, nên khi ta phụng sự họ chính là phụng sự Phật”; vậy tại sao bên Đạo huynh cũng dùng từ “phụng sự nhân sanh?”. - “Phụng sự có nghĩa thiên về vật chất (gọi là quỹ) và nghĩa thiên về tinh thần (vốn dĩ). Nhân sanh chưa hiểu về Đạo, Đạo bao hàm phụng sự. Khi nói “Đạo” người ta thường hiểu Đạo như là tên gọi, điều mình muốn hướng người ta đến, đó là hiểu Đạo là Trời.”

Ý! Mọi người về hết rồi mà bàn mình vẫn chưa tan, thôi đành chia tay và hẹn đến ngày học tới vậy!

Con nguyện xin Tổng lãnh Thiên Thần Raphaen ở lại Phòng khám Từ Thiện -Tam Tông Miếu và các vị lương y phục vụ tại đây, để giúp chữa lành cho mọi người đấy nhé!

Top