Nhỏ - To cùng nhau

Nhỏ - To cùng nhau

WGPSG -- Dịp Ban Mục Vụ Đối thoại liên tôn hội ngộ cùng quý tác giả tuyển tập “Có một vườn thơ đạo” hôm đầu tháng 9/2012, người viết được hân hạnh tham dự. Ngoài niềm vui hội ngộ - tay bắt mặt mừng và lắng nghe nhau tâm sự, về nhà, lòng cứ dâng đầy cảm xúc, ký ức bồi hồi ngong ngóng… Chợt đúc kết được vài cảm nghiệm nhỏ và TO, xin ghi lại để đánh dấu cái duyên thưở đầu gặp gỡ giữa chúng ta - tất cả những người đã hiện diện..

Bất kỳ ai khi ngâm nga một tứ thơ hay hoặc một bài thơ giàu cảm xúc… bất giác, người ta muốn đặt câu hỏi: “Thơ của ai vậy?”. Khi thắc mắc đó xuất hiện, có nghĩa là người ta muốn “truy đến nguồn”, muốn gặp gỡ để biểu cảm một nghĩa cử tốt đẹp đối với tác giả của những câu thơ trên. Lúc đó: danh tánh hoặc con người của Thi sĩ xuất hiện (nếu hai bên có duyên với nhau). Chúng tôi cũng hay lang thang trên mạng, lần tìm những bài thơ đăng trên web: dunglac.org. Thú thực, ai chưa dạo xem chơi thì thiếu lắm đấy. Chúng tôi đọc được những bài thơ hay, xem tên tác giả thì cũng chỉ biết vậy, nhưng muốn diện kiến thì “khó” đa. Ước ao trên đã dẫn đến cái duyên hội ngộ giữa Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn chúng tôi với hơn hai mươi thi sĩ Công giáo tại Trung tâm Mục vụ TGP vào lúc 8g30 ngày thứ Bảy 01.09.2012. Tóm lại, từ ước muốn “nhỏ” của từng người chúng tôi là được gặp gỡ thi sĩ lại biến thành cuộc hội ngộ “to” giữa một Ban Mục vụ với nhóm thi sĩ Công giáo đang sinh sống tại Tp.HCM.

Duyên lành này cũng xuất phát từ dịp xuất bản tuyển tập thơ “Có một vườn thơ Đạo” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, do linh mục Trăng Thập Tự chủ biên và nhóm thực hiện Cao Huy Hoàng – Lê Đình Bảng – Lê Hồng Bảo – Mạc Tường – Nguyễn Đình Diễn – Nguyễn Thanh Xuân – Thiện Chân – Trần Như Luận – Trần Vạn Giả - Vũ Thủy. Sách đã có, thì các tác giả có quà (sách). Vậy Ban MV ĐTLT được linh mục Trăng Thập Tự ủy thác việc trao sách cho quý thi sĩ có góp bài và đang sinh sống tại Tp.HCM. Quý thi sĩ hiện diện với tư cách tác giả là tư cách cá nhân. Ấy là “nhỏ”, nhưng họ hiện diện để chứng minh rằng: “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, những vị đã sáng tác từ nhiều vị trí khác nhau trên hành trình đức tin, nhưng đều có chung một cảm hứng linh thiêng để hội tụ khởi đầu cho một dòng chảy thanh thoát mà hiện thực, nhẹ nhàng mà không kém phần sắc nét. Tiếp nối và gợi hứng từ dòng chảy ấy, năm nay, 2012…” (trích Lời giới thiệu cho tuyển tập thơ của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống - Chủ tịch ủy ban văn hóa – HĐGMVN). Vậy là những con người “nhỏ” ấy đã góp lại, làm thành một chuyện “to”, ấy là “làm tiếp nối dòng chảy…” và kết quả là dâng cho Đạo và cho đời một “vườn thơ Đạo” của hơn 100 tác giả Công Giáo qua nhiều độ tuổi, khởi đi từ Hàn Mạc Tử (sinh 1912) cho đến Phêrô Đỗ Khắc Minh khoa (sinh 1990)

Mặt khác, “có thi sĩ thì mới có thơ, hay thơ làm nên thi sĩ?”. Một vấn đề tưởng đơn giản nhưng câu trả lời thì có khác. Vì nếu xét trên bình diện xã hội, có lẽ đa số người ta đều nghĩ: “có thi sĩ thì mới có thơ” vì sao thì xin quý độc giả tự lý giải. Nhưng đa số thi sĩ Công giáo đang qui tụ trong phòng Hội Ngộ này lại thú nhận rằng: “Chúng tôi không dám nhận mình là thi sĩ, chúng tôi chỉ biết là: cần phải nói (viết) ra những điều phải nói. Và khi viết ra, thì người ta gọi chúng tôi là thi sĩ”. Trả lời như thế, quý tác giả của tuyển tập “Có một vườn thơ đạo” đã muốn nói đến “một Ngôi vị khác bản thân họ – Ngài nằm trong bản thân họ – thôi thúc họ hành động”. Vậy là, thật sâu sắc thay lời của ĐGM Giuse đã viết: “…những vị đã sáng tác từ nhiều vị trí khác nhau trên hành trình đức tin, nhưng đều có chung một cảm hứng linh thiêng…” (trích: như trên) Mỗi tác giả làm thơ từ vị trí “nhỏ” của mình (trong gia đình, trong môi trường sống riêng) nhưng kỳ thực họ đều có chung một “nguồn cảm hứng linh thiêng”. Ấy là “to” rồi, vì họ đang làm nhiệm vụ ca ngợi uy công của “Thiên Chúa” cho loài người biết.

Sự hiện diện của Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết – Trưởng Ban Văn hóa TGP và ông Hương Quê – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ đã làm tăng tính “to” của buổi hội ngộ, vì qua dịp này, hai Ban Mục vụ, nhóm Đồng Xanh Thơ và quý tác giả đã trao đổi: tâm tình cá nhân, lời mời và tìm kiếm sự hợp tác cùng nhau vào công việc ích chung trong tương lai. Vậy là chuyện “nhỏ” của từng người cũng được đề cao. Chuyện “to” của từng đơn vị cũng được mở tới tương lai.


Tác giả Dzuy Sơn Tuyền và An Thiện Minh đã có lời phản hồi hết sức chân tình gởi đến Ban MV ĐTLT chúng tôi. Càng đọc thư, lòng chúng tôi như càng thấy thấm đẫm “dòng chảy thanh thoát mà hiện thực, nhẹ nhàng mà không kém phần sắc nét” của “nguồn cảm hứng linh thiêng”.

“Tạ ơn Chúa đã cho buổi Họp mặt diễn ra tốt đẹp với đầy những tâm tình trăn trở khắc khoải, những giọt nước mắt thổn thức tràn cảm xúc, những lời thơ tự sự trong Thiên Chúa với cả tâm can… nhưng đâu đó cũng đầy ắp những tâm tình ngợi khen, ca tụng với những niềm vui “vỡ òa” khi cảm nhận được Đức Tin, những nhịp rung diệu kỳ trong “cái chạm” đến Tình Yêu Vĩnh Cửu…

Quả là một cuộc Họp mặt thấm đượm chân tình!

Thêm nữa, cuộc Họp mặt vẫn còn đọng lại những lời tha thiết của các Đấng Bản Quyền kêu gọi những người cầm viết hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho Nước Chúa qua việc sáng tác và tham dự các hoạt động của Ban Văn Hóa và Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn, Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Những thông điệp này như triều sóng lao xao làm bừng dậy nguồn khởi hứng cho các tứ thơ trong trách vụ người môn đệ.

Vâng! Xin cảm ơn Cha Bảo Lộc, Cha Hữu Triết và quý thành viên trong Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn đã dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức buổi Họp mặt thật chu đáo và ấm cúng, cũng như tạo điều kiện thuận tiện cho quý tác giả được giao lưu chia sẻ.

Vâng! Xin cảm ơn quý tác giả đã không ngại đường xa dành thời gian quý báu để hiện diện thân tình và chia sẻ những tâm tình rất thơ và rất mến!

Nguyện Tình Yêu Chúa luôn thắp sáng trái tim của quý cha và quý tác giả để bừng lên hương ấm nồng nàn của một đời phục vụ!

Đại diện
Dzuy Sơn Tuyền – An Thiện Minh"

Top