Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Đêm Canh thức Vượt Qua 2020

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Đêm Canh thức Vượt Qua 2020

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Đêm Canh thức Vượt Qua 2020

“Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là tiếng nói của Thiên Chúa - trả lời cho những vấn nạn, bí ẩn của con người chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng (ĐTGM) đã khẳng định điều này trong Đêm Canh thức Vượt Qua do ngài chủ sự vào lúc 20g thứ Bảy Tuần Thánh 11.04.2020 tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.


 

Cùng hiện diện với Đức TGM có linh mục Tổng đại diện cùng 3 linh mục khác. Hiệp lòng trong Phụng vụ online Đêm Canh thức này gồm rất nhiều tín hữu trong cũng như ngoài giáo phận.

Phụng vụ đêm nay gồm 4 phần: Thắp sáng nến Phục Sinh và hát “Exsultet”, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Tẩy, và Phụng vụ Thánh Thể.

Khi giảng lễ ở phần Phụng vụ Lời Chúa, ĐTGM đã nói về sự “thinh lặng”. Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã thinh lặng trước bao nhiêu lăng mạ và hành hạ. Các tông đồ thì thất vọng ê chề, âm thầm thinh lặng tìm lối về quê. Đức Mẹ thì thinh lặng mà suy gẫm trong lòng. Đặc biệt, khi Chúa Giêsu cầu nguyện thống thiết đến toát mồ hôi máu: “Nếu có thể được thì xin cho Con khỏi uống chén đắng này”, Thiên Chúa Cha cũng hoàn toàn thinh lặng, nên Chúa Con cũng đành thinh lặng mà vâng phục ý Cha.

ĐTGM đặt câu hỏi: “Thiên Chúa có thinh lặng mãi không ? Thưa không… Đêm nay Ngài đã lên tiếng rồi”. ĐTGM quảng diễn: Khi cho Đức Giêsu sống lại, Thiên Chúa Cha đã trả lời cho Chúa Giêsu, “Cha không hề bỏ Con”: “Con mãi mãi vẫn là Con yêu dấu của Cha… Cha đã chấp nhận hiến lễ tình yêu của Con rồi”. Khi phục sinh Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng trả lời cho nhân loại rằng: Đức Giêsu đúng là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ, là sự thật, là con đường dẫn nhân loại đi tới hạnh phúc đích thực và viên mãn.

ĐTGM diễn giải thêm: Trong đại dịch hiện nay - hơn 1,7 triệu người đã bị nhiễm virus corona - bệnh nhân bị cách ly, lặng lẽ vật lộn với bệnh tật. Hơn 100,000 người lặng lẽ chết trong cô đơn, không ai dám tiễn đưa. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta hiện rất lặng lẽ, bao nhiêu người âm thầm chịu đau khổ. Nhà thờ vắng bóng giáo dân. Khó hiểu hơn cả, đó là chính Thiên Chúa cũng thinh lặng: bao nhiêu lời nguyện cầu tha thiết van xin, không thấy Thiên Chúa lên tiếng!

Phải chăng Thiên Chúa thờ ơ trước những đau khổ của con người ? ĐTGM giải thích: Ta chỉ mong được chữa lành phần xác, nhưng Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta điều vĩ đại hơn, đó là chữa lành con người toàn diện… Chúa tha thứ tội lỗi, ban cho ta sự sống đời sau và vinh quang vĩnh cửu. Chúa đổi mới cá nhân, đổi mới gia đình, đổi mới xã hội, đổi mới nhân loại, đó là điều thật cao cả.

ĐTGM kết luận: Riêng đối với Kitô hữu, ơn chữa lành toàn diện đã bắt đầu rồi khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội - được nhớ đến trong Đêm Vọng Phục Sinh: nhớ lại mình đã được tái sinh trong đời sống mới và đang được sống bằng sự sống thần linh của Đức Kitô, để cho dù sống giữa thế gian, vẫn không sống theo kiểu thế gian, không nô lệ tội lỗi, không buông theo đam mê dục vọng xác thịt, không tham lam ích kỷ ghen ghét hận thù, nhưng trái lại, hân hoan trung thành bước theo Chúa Giêsu. Đó chính là điều vĩ đại lớn lao, là ơn chữa lành toàn diện, là sự biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa. Sức mạnh và sự thật của mầu nhiệm Phục sinh ấy phải lên tiếng qua cuộc sống của từng Kitô hữu.

Sau bài giảng, Phụng vụ Vọng Phục Sinh được tiếp tục cử hành trong bầu khí thánh thiêng, và đã kết thúc lúc 21g50 cùng ngày.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top