Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy

Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy

Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy

TGPSG / Aleteia -- Nghệ thuật ở nhà thờ Assy phải chăng đã gây xúc phạm cho các tín hữu và là sự điên rồ của các nghệ sĩ?

Léger, Matisse, Lurçat, Bonnard, Braque - đây không phải danh sách những nghệ sĩ được giới thiệu trong một bảo tàng nghệ thuật đương đại, mà là tên của những người đã cống hiến thời gian để tạo ra một tác phẩm phục vụ cho một cuộc cách mạng nghệ thuật đầy bất ngờ. Nép mình dưới chân núi Mont Blanc (Pháp) là một kho báu nho nhỏ về nghệ thuật thánh mà câu chuyện ít được biết đến về nó đã làm đảo lộn những tiêu chí của nghệ thuật tôn giáo.

Cao nguyên Assy, tại thượng vùng Savoie nước Pháp, trước hết là một câu chuyện nhân đạo. 2500 giường bệnh được lắp đặt sau Thế chiến thứ nhất ngay trên chỗ mà trước đây chỉ là đồng cỏ trên núi. Để làm gì? Độ cao, không khí trong lành và nắng ấm - lúc đó là những phương tiện sẵn có duy nhất để chống lại bệnh lao đang tàn phá dân cư. Bên giường bệnh luôn túc trực các tu sĩ tuyên uý trong đó có thầy Jean Duvémy, ban đầu chỉ mong có một ngôi thánh đường "đơn sơ và coi được" để đón các bệnh nhân lao, gia đình họ và nhân viên chăm sóc đến cầu nguyện.

Nhưng dự án này vấp phải guồng quay lịch sử và một cuộc gặp gỡ gây đảo lộn giữa thầy tu nàyvị linh mục dòng Đa Minh kiêm nghệ sĩ Marie-Alain Couturier. Tin tưởng vào tiềm năng của từng nghệ sĩ như những "người lấy cảm hứng" từ bất cứ xác tín chính trị hay tôn giáo nào, cha Marie-Alain Couturier mong muốn mời những nghệ sĩ và nghệ nhân giỏi nhất thời đó đến đây để thực hiện được một kiểu trang trí mang tính nhân văn, vừa đem lại sự an ủi và nâng đỡ cho từng cư dân trên cao nguyên này, vừa kết nối với từng người đang đau khổ.

Dự án trải qua những biến cố thời cuộc lúc đó và thêm phong phú nhờ những trải nghiệm và những nỗi đau của từng nghệ sĩ.

Jean Lurçat, một người vô thần chống giáo sĩ, thể hiện trận chiến giữa Thiện và Ác trên bức tranh thảm khổng lồ của mình về Ngày Tận Thế, đã không quên cho xuất hiện những lá phổi đen sì của người mắc bệnh lao.


 

Còn trên khung cửa kính màu thể hiện thiên thần Raphaël (có sứ vụ chữa bệnh), gương mặt của vị thiên thần này làm liên tưởng đến gương mặt của tác giả, cha Couturier, người cũng bị bệnh về hô hấp.

Phép lạ thật sự ở Assy không nằm ở chỗ chữa lành các bệnh nhân mà là ở việc quy tụ những nghệ sĩ có những rung cảm khác nhau để cho “Thần Khí Chúa ngự trị” – giống như Chaîm Lipchitz đã ghi chú ở sau lưng tác phẩm "Đức Nữ Đồng Trinh ở Liesse".

Thế Chiến thứ hai có thể đã làm ngăn trở dự án nhưng điều này đã không xảy ra. Khi bom rơi đạn nổ, trú ẩn trong căn hầm, Pierre Bonnard thừa nhận đã cảm thấy được bảo vệ an toàn bởi chính tác phẩm Thánh Phanxicô thành Sales của mình, đang được ông thực hiện để đặt lên bàn thờ cạnh.

Còn bà Germaine Richier, một tín hữu công giáo thuần thành, đã sáng tác cho bàn thờ chính một tượng Chúa Kitô trên thánh giá, thể hiện những câu hỏi của về  con người, sau khi phát hiện ra những trại tập trung. Phải chăng là một hành vi man rợ khi viết một bài thơ sau khi phát hiện trại Auschwitz, như triết gia Adorno đã viết lúc đó?

Cái nhìn mà bà lấy từ sách ngôn sứ Isaia về người đầy tớ đau khổ (Is, 52,14), vẫn gây sốc cho các tín hữu công giáo vẫn còn chưa quen với việc cách tân ngôn ngữ nghệ thuật như vậy. Do đó tác phẩm này bị đưa vào nhà nguyện tang lễ trong 20 năm, gần như bị lên án, chỉ được sáng lên nhờ gương mặt của nữ thánh Vêrônica thành Rouault - được xem như La Joconde (Mona Lisa) của Assy. Vụ việc được đẩy đến tầm mức toàn cầu, cả Vatican cũng buộc phải cho ý kiến. Đức cha Costantini không ngần ngại nói rằng đây là “gương xấu xúc phạm đến lòng đạo đức của các tín hữu". Điều này lại không phải ý kiến của những bệnh nhân trên vùng cao nguyên này, vì cái họ nhìn thấy ở đó chính là lòng Thương Xót.

Bất chấp sự hiện diện của những nghệ sĩ này, Cao nguyên Assy vẫn là một địa điểm của đức tin, nhưng cho đến khi nào? Được xây dựng vào sau năm  1905, như vậy nhà thờ vẫn thuộc về giáo phận, báu vật của nghệ thuật thánh đương đại này hiện đang rất mong manh vì thiếu điều kiện tài chánh.

Nó trông cậy vào một nhóm tình nguyện viên cực kỳ dấn thân, luôn tìm tòi những ý tưởng mới, như tổ chức festival "Âm nhạc vùng Assy", mỗi mùa Hè lại tiếp đón những tên tuổi lớn của âm nhạc cổ điển.

Cộng đồng địa phương rất ý thức về nghĩa vụ phải truyền bá câu chuyện của ngôi nhà thờ nhỏ dành cho bệnh nhân phải cách ly này, dưới sự đỡ đầu của một linh mục dòng Đa Minh có tầm nhìn, để được xem là nơi cách tân của nghệ thuật thánh. 

Anne Victoire Morard  (Aleteia)
 Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

Top