Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên
"Chúng ta có thể nói rằng chính Đức Trinh Nữ Maria là “cây đa” của chúng ta, ở đó, chúng ta gặp được niềm an ủi, sự nâng đỡ. Những bức tượng Đức Mẹ La Vang diễn tả điều rất đẹp là Đức Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể đến đây dâng lời cầu xin với Đức Mẹ, và cũng đến đây để xin Đức Mẹ che chở cho gia đình chúng ta."
WGPSG -- Thánh địa La Vang tháng Tám thật oi bức: nắng nóng gay gắt lại thêm gió Lào thổi qua, làm cho cây cối khô cằn, không khí ngột ngạt. Thế nhưng, từng đoàn xe vẫn nối đuôi nhau đưa dòng người hành hương từ khắp miền đất nước tuôn về bên Mẹ trong đại lễ mừng trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay, ngày 15/8/2012, ngày Giáo hội Việt Nam cử hành nghi thức Đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang (VCTĐLV).
Đúng 6g00, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐMVN), Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể - Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, 16 Đức Giám mục trong HĐGMVN, 1 Đan viện phụ, quý linh mục Tổng Đại diện, quý linh mục Giám tỉnh và 217 linh mục long trọng cử hành lễ Đặt viên đá đầu tiên xây dựng VCTĐLV với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”. Tham dự Thánh lễ còn có hàng trăm tu sĩ nam nữ, và khoảng trên 200 ngàn giáo dân đến từ khắp nơi, trong và ngoài nước.
Thánh lễ
Đoàn rước tiến lên lễ đài trong tiếng hát trầm hùng của ca đoàn tổng hợp đến từ giáo xứ Chánh toà Hà Nội, ca đoàn Phủ Cam Huế và ca đoàn Trùng Dương Sài Gòn, cùng tiếng trống của Thái Bình, phường kèn Nam Định, và tiếng cồng chiêng của anh em Dân tộc thuộc Giáo phận Kontum.
Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự Thánh lễ với phần bái hương trước bàn thờ và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Tiếp đến, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng Thư ký HĐGMVN, long trọng đọc thư chúc mừng của Thánh Bộ loan báo Tin Mừng cho các Dân Tộc.
Mở đầu Thánh lễ, Đức cha chủ tịch ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa: “Thật hạnh phúc cho chúng ta được hiện diện tại Linh đài La Vang sáng nay để cử hành Đại lễ kính mầu nhiệm Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Sự hiện diện đông đảo của các Giám mục chủ chăn các Giáo phận trong Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô thứ 16, càng khiến cho Thánh lễ hôm nay có tầm vóc toàn thể Giáo hội Việt Nam và Giáo hội toàn cầu. Thánh lễ hôm nay còn mang một ý nghĩa lịch sử, đó là việc Giáo hội Việt Nam muốn thể hiện đức tin, lòng mến và niềm hy vọng của mình khi cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng lại VCTĐLV. Chúng ta tin tưởng Mẹ La Vang sẽ chúc lành cho chúng ta, cho công trình cao cả này”.
Trong bài giảng, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch HĐGMVN, dẫn cộng đoàn hướng về Đức Mẹ, ngài nói: “Chúng ta rất may mắn được làm con của người Mẹ vô tiền khoáng hậu, được kính trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Chưa một ai đã được tạc tượng, ảnh nhiều như Đức Maria… Trong các thành phố trên thế giới, không có nơi nào không có nhà nguyện hoặc linh đài tôn vinh Mẹ, và lời kinh đọc nhiều nhất trên hành tinh của hàng tỷ người Công giáo chính là lời chào của bà Isave đã dành cho Mẹ…”
Cuối bài giảng, ngài chia sẻ: “Thông điệp được phát đi từ La Vang là thông điệp của hòa bình và của trái tim từ mẫu. Trong lịch sử của La Vang cũng như lịch sử của dân tộc Việt Nam, đã bao lần đồng bào, đồng hương, con Lạc cháu Hồng, vì chưa biết yêu thương nhau nên đã gây bao cảnh ‘huynh đệ tương tàn’, ‘nồi da xáo thịt’, biến đất nước thành khu rừng chém giết đầy sợ hãi. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy đến viếng thăm, cứu giúp chúng con khỏi hận thù thương đau. Ước gì hôm nay, tại linh địa này, viên đá đầu tiên chúng con đặt xuống cũng là viên đá yêu thương, khởi đầu cho một tương lai yên ấm, thuận hòa cho quê hương đất nước thân yêu của chúng con.”
Phần dâng lễ vật với bánh rượu, hoa nến, nón lá, bông lúa thật trang trọng, với tiếng chiêng trống thật linh thánh.
Xem hình - Lễ khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang (2)
Xem Video - Đồ án thiết kế Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang
Nghi thức đặt viên đá đầu tiên
Sau phần hiệp lễ là nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng VCTĐLV. Tiếng trống vang lên rộn rã bắt đầu cho nghi lễ. Đại diện các thành phần dân Chúa khiêng tảng đá có gắn 27 viên đá được Đức Hồng y Ivan Dias - Bộ trưởng bộ Truyền giáo - đã làm phép ngày 6/1/2011 tại Thánh địa La Vang, nhân dịp bế mạc Năm Thánh mừng 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960-2010), được rước lên đặt trên bệ đá đã được chuẩn bị.
Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, chủ tịch Uỷ ban Nghệ thuật Thánh trực thuộc HĐGMVN đọc quyết định của HĐGMVN về việc xây dựng lại VCTĐLV.
Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ tịch HĐGMVN, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể - Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, cùng với Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi - Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thánh trực thuộc HĐGMVN, cùng tiến đến bệ đặt đá.
Đức Tổng Giám mục Phêrô đọc lời nguyện trên phiến đá.
Đức Tổng Giám mục Phêrô, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli và Đức Tổng Giám mục Stêphanô trét vữa hồ trên phiến đá.
Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli rảy nước thánh trên phiến đá, trên cộng đoàn dân Chúa và trên khu vực sẽ xây dựng VCTĐLV.
Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi đặt các văn kiện chính yếu của Toà Thánh liên quan tới VCTĐLV vào trong phiến đá, gồm: Sắc chỉ MAGNO NOS SOLATIO của Đức Thánh Cha Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ngày 22/8/1961, các Huấn dụ và Tông thư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Đền thờ Đức Mẹ La Vang và kinh Thánh Mẫu, Quyết định xây dựng VCTĐLV của Đức cha chủ tịch HĐGMVN, và một số tài liệu quan trọng khác.
Tiếp đến là nghi thức đổ cát lấp chân bệ đá, biểu tượng việc khởi công xây dựng VCTĐLV: đại diện các thành phần dân Chúa của Hội Thánh Việt Nam hiệp lòng cùng chủ chăn của mình, hy sinh đóng góp công sức để cùng nhau xây dựng công trình Nhà Chúa.
Sau đó, đại diện các thành phần dân Chúa đọc lời nguyện.
Đức Tổng Giám mục Phêrô, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cắt phướn lớn có gắn hàng chữ: “Hân hoan mừng lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng VCTĐLV” và 27 phướn nhỏ với những quả bóng đủ màu sắc tung bay trên bầu trời La Vang thật ấn tượng.
Trong bài huấn từ của mình, Đức Tổng Giám mục Phêrô ngỏ lời cùng cộng đoàn: “Nguyện vọng của bao người tín hữu Việt Nam cũng như Giáo Hội Việt Nam là xây dựng lại ngôi đền thờ kính Đức Mẹ tại Việt Nam. Ngôi đền thờ này như mái nhà thân thương kính Đức Mẹ luôn rộng mở đón tiếp dòng người hành hương đến cùng Mẹ không phân biệt lương giáo… Thay mặt HĐGMVN, tôi kêu gọi mọi tín hữu hợp ý cầu nguyện cho công trình quan trọng này được tiến hành tốt đẹp, tôi mời gọi mọi người quảng đại góp phần cho công cuộc cao cả này nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, Thánh Cả Giuse và các Thánh Tử Đạo Việt Nam.”
Tiếp theo, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli ban huấn dụ cho cộng đoàn với những tâm tình rất cảm động như sau:
“Chúng ta hiện nơi đây để tham dự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng VCTĐLV, tôi rất hân hạnh hiện diện ở đây với tư cách là người đại diện của Đức Thánh Cha, tôi rất lấy làm hạnh phúc vì được hiện diện ở đây trong thời điểm này, và tôi còn cảm thấy hạnh phúc hơn nữa khi tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên. Vậy, tôi khuyến khích anh chị em hoàn thành công trình này càng sớm càng tốt như là công trình tôn vinh Đức Mẹ và tôn vinh Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ hiện ra ở đây dưới cây đa để chữa lành cho con cái, và cây đa là biểu tượng rất đẹp cho con cái Thiên Chúa.
"Chúng ta có thể nói rằng chính Đức Trinh Nữ Maria là “cây đa” của chúng ta, ở đó, chúng ta gặp được niềm an ủi, sự nâng đỡ. Những bức tượng Đức Mẹ La Vang diễn tả điều rất đẹp là Đức Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể đến đây dâng lời cầu xin với Đức Mẹ, và cũng đến đây để xin Đức Mẹ che chở cho gia đình chúng ta.
"Lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam là một lịch sử có nhiều khó khăn mà chính anh chị em ở đây đã cảm nghiệm. Ở miền Bắc, chúng ta có một dòng sông gọi là sông Hồng, màu hồng ấy là biểu tượng cho dòng máu tử đạo đã đổ xuống Việt Nam. Ở miền Nam có sông Cửu Long chia ra rất nhiều nhánh, đó là biểu tượng nói lên những khó khăn, sự phức tạp trong đời sống. Và ở đây, gần La Vang của chúng ta có dòng sông Hương đem đến hương vị Đức tin nơi Đức Giêsu Kitô. Vậy, tôi khuyến khích đời sống đức tin của anh chị em trở nên hương thơm của Đức Giêsu Kitô. Tôi nhìn thấy hôm nay sự hiện diện đông đảo của anh chị em, sự diễn tả lòng yêu mến của anh chị em đối với Đức Mẹ cũng như sự quý mến của anh chị em đối với Đức Thánh Cha. Tôi xin nhân danh với tư cách đại diện Đức Thánh Cha gởi lời chào thân ái đến Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể và quý Đức cha, quý Đức cha đã thể hiện lòng trung thành với Tòa Thánh. Nhân danh Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, tôi xin gởi đến quý anh chị em lời chào, chúc lành của Đức Thánh Cha và lời cầu chúc cho công trình tiến hành cách tốt đẹp.”
Trước khi Đức Tổng Giám mục Phêrô ban phép lành cuối lễ, Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản nhiệm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, cám ơn quý Đức tổng, quý Đức cha, quý cha và cộng đoàn hành hương.
Đúng 8g45, Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng VCTĐLV kết thúc với tràng chuỗi Mân Côi được thả lên trời cùng với những lời kinh và những hy sinh, công đức cho công trình sớm hoàn thành. “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”: Cầu cho chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Thánh Đường Latêranô - Hướng về Giêrusalem mới
-
Đức Thánh Cha: Nghệ thuật phản ánh sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người -
Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy -
La Vang - Công trình đền thờ của toàn Giáo hội Việt Nam -
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011)
bài liên quan đọc nhiều
- La Vang - Công trình đền thờ của toàn Giáo hội Việt Nam
-
Kiến trúc Công giáo (2) -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Tỉ lệ & Nhịp điệu: hai yếu tố của cái đẹp -
Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy -
Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 3) -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011) -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam