Ngày hội Giới Trẻ hạt Gò Vấp lần V: Thắp Sáng Gia Đình Bằng Tình Giêsu
WGPSG -- Vào lúc 17 giờ, Thứ Sáu, ngày 06/11/2009 Đại Hội Giới Trẻ lần thứ V, với Chủ đề Thắp Sáng Gia Đình Bằng Tình Giêsu, đã gây được nhiều ấn tượng tốt lành nơi các thành viên tham dự. Ai cũng thấy tinh thần Giáo dục gia đình Kitô giáo của Giáo Hội hoàn vũ đang được triển khai rất rõ qua Đại hội lần này.
Dù trời chiều chưa kịp tắt nắng, nhưng các bạn trẻ đã nô nức kéo về khuôn viên nhà thờ. Họ đến từ 11 giáo xứ của Hạt.
16giờ 30, anh Quang và các Trưởng đã đứng ngay tại cổng nhà thờ để đón chào quan khách. Trong nền nhạc dạo, các bạn trẻ cùng nhau ôn, hát, múa, cùng với băng reo rồi thổi bong bóng để khởi động.
17giờ 30, trong tiếng nhạc vui tươi rộn rã, tất cả cùng hát bài: “Hân hoan đón chào” để chào mừng Đức Cha Phêrô và quan khách.
Sau khi giới thiệu những thành phần tham dự, tất cả cùng vỗ tay hát bài “Tuổi trẻ về đây.” Bài hát được kết hợp với vũ điệu đã làm không khí Đại hội như bừng lên, thật sinh động.
Ngỏ lời chào mừng Đại hội, Đức cha Phêrô nói lên niềm vui và sự hân hoan trước đông đảo bạn trẻ của Giáo Hạt, Ngài cũng đặc biệt chào mừng “Giới trẻ đồng trinh” là các Nữ tu, cả giới trẻ thuộc vào hàng U70 đã có mặt hôm nay. Sau các nghi thức khai mạc, Đại hội bắt đầu sinh hoạt.
Nghe Audio:
- Ngày hội Giới Trẻ hạt Gò Vấp lần V: Phần I
- Giới trẻ Gò Vấp: Bài ca chủ đề "Tình yêu gia đình"
Trong suốt buổi sinh hoạt với 3 đề tài, Đại hội luôn gây được bầu khi sinh động với các tiết mục múa, hát xen kẽ tạo nên sự lôi cuốn ngay từ đầu, dù qua nhiều tiết mục khác nhau của mỗi đề tài. Màn múa hiphop đầy sôi động đã được giới trẻ Giáo xứ Hòa bình trình diễn chuẩn bị bước vào đề tài I:
Thắp Sáng Gia Đình, Bằng Tình Giêsu
Đức cha Phêrô gợi ý: “Các bạn trẻ thân mến, tôi đến đây không để dạy dỗ hoặc giảng đạo, chỉ xin đồng hành với các bạn về những ưu tư trăn trở của các bạn… Vậy, ai có câu hỏi nào, xin mời sẵn sàng, chúng ta cùng nhau trao đổi…”
Thật thú vị, rất nhiều cánh tay đã giơ lên.
Một bạn nữ đã nêu câu hỏi: Sao cha mẹ thường khó khăn với con cái về mọi vấn đề, nhất là trong các giao tế. Chúng con phải làm sao?
- Đáp: đây là một câu hỏi khó cho tôi, vì tôi không có con, nhưng cũng rất may rằng, tôi được nghe nhiều người ở nhiều nơi, nên hiểu rõ vấn đề, cộng thêm kinh nghiệm cá nhân rằng, dù tôi đã gần 60 tuổi, nhưng bà cố vẫn luôn lo lắng cho tôi đủ mọi thứ, từ nhỏ nhen vặt vãnh nhất đến to tớn trọng đại nhất. Đó là tấm lòng của một người mẹ, dù đôi khi ta cảm thấy thừa thãi, có khi còn gây nhiều khó chịu.
Này các bạn, khoảng cách thời gian, ít nhất là 20, đến 30, 40 năm giữa cha mẹ và con cái bao giờ cũng kéo theo những khoảng cách về suy nghĩ, nhận thức và cả lối sống nữa. Từ đó, sẽ nảy sinh các khó khăn giữa cha mẹ và con cái, rồi kéo theo những khó khăn với các thày cô trong nhà trường. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta phải cùng nhau xác tín rằng, cha mẹ nào cũng thương yêu con mình, tất nhiên không nói đến ở đây, có những cha mẹ đã đối xử nọ kia không đúng với con mình, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt không đáng nói. Hiểu được điều ấy và cùng nhau xác tín như vậy, khó khăn mà bạn vừa hỏi sẽ chỉ còn một nửa. Nhân đây, xin cho phép tôi lưu ý với các bậc cha mẹ rằng, phải chấp nhận cho con tập đi, dù có bị vấp ngã. Nếu cứ sợ con mình vấp ngã mà cấm con tập đi, thì người con ấy sẽ không bao giờ có thể chạy nhảy và bay xa được.
Trong lãnh vực tinh thần cũng không thể khác.
Những tràng pháo tay rộn rã vang lên. Phần văn nghệ với bài hát, kết hợp với vũ điệu và hoạt cảnh về “Tình yêu gia đình” do giới trẻ GX Bến Hải trình diễn dẫn vào đề tài II:
Tình yêu lứa đôi
Đây có lẽ là đề tài nóng nhất, vì có quá nhiều cánh tay đã đưa lên với rất nhiều câu hỏi. Xin ghi lại vài câu hỏi chính:
- Sao luật Chúa khắt khe và cổ hủ quá, quan hệ tình dục mà cũng cấm và bị coi là tội? Phá thai cũng thế, đang khi xã hội hiện nay lại khuyến khích và cho phép một cách gián tiếp qua dịch vụ “điều hòa kinh nguyệt”… ở các bệnh viện chính thức và vẫn đầy dãy ở các cơ sở chui hiện nay?
- Sanh đẻ nhiều, nhưng lại cấm không được dùng thuốc tránh thai, vậy, cách tránh thai nào là được phép?
- Yêu thế nào là tốt và đẹp lòng Chúa?
- Sống thử có tội hay không?
Sau mỗi câu hỏi, Đức cha đều ân cần mời gọi, ai biết xin trả lời dùm.
Thật bất ngờ, đã có rất nhiều cánh tay trẻ đưa lên, để xin giải đáp những câu hỏi của các bạn trẻ trong giới của mình. Điều này đã nói lên rất rõ, những ưu tư, sự quan tâm cùng những kiến thức về những vấn nạn lớn của xã hội thời nay của giới trẻ.
Đức cha Phêrô đã tổng kết ngắn về những trả lời của các bạn trẻ:
“Tính dục là một chuyện rất đẹp theo Thánh Kinh. Tính dục là một nhu cầu thật tự nhiên, không có tội. Khởi đi từ Adam, quan hệ Nam Nữ là một quan hệ tuyệt vời, xác thịt nằm trong tương quan với Thiên Chúa, khi có Tình Yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Nói rõ hơn, khi ăn ở với nhau giữa hai trường hợp, “ăn bánh trả tiền” và “quan hệ vợ chồng” là có sự khác biệt rất căn bản, đó cũng là ý nghĩa và giá trị đích thực của Tin Mừng. Đó cũng là cách nhìn của Giáo Hội về hôn nhân và tính dục.
Tự dâm hay thủ dâm là cách tự làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình, là cách không được khuyến khích.
Hôn nhân luôn có 2 mục đích: yêu thương nhau, và sinh con nối dõi. Vì vậy, Giáo Hội luôn muốn đồng hành với mọi người, do đó, không có chuyện khó hoặc không khó ở đây….
Từ đó, suy ra, ta sẽ hiểu thấu đáo những vấn nạn đã được đặt ra qua các câu hỏi.”
Tiếp theo là phần văn nghệ với bài hát “Du ca Tình yêu” kết hợp vũ điệu, giới trẻ GX Mân Côi phụ trách, dẫn chúng ta vào đề tài thứ III:
Tình yêu Thiên Chúa
Đây là đề tài cuối cùng, có bạn trẻ đã nêu câu hỏi rằng, từ lâu nay, đã có quan niệm rằng, giữ đạo thì tại tâm, mà sao cha mẹ cứ bắt phải đi nhà thờ và đọc kinh chán ngắt, như thế có là quá đáng không?
Đức cha Phêrô đã chia sẻ bằng một câu chuyện rất sinh động:
“Hai người, họ nói rằng họ yêu nhau tha thiết, nhưng chẳng bao giờ họ gởi cho nhau một lá thư, cũng không có món quà gì, mà họ cũng không muốn gặp nhau nữa. Như thế, họ có yêu nhau không? và có thật đó là yêu ở trong lòng?”
Này các bạn trẻ, ai ăn cơm xong cũng phải xỉa răng, mỗi lần xỉa răng mất 2 phút. Làm một con tính nhân đơn giản, ta sẽ thấy, một ngày phải ăn 3 bữa x 2 phút x 7 ngày = 42 phút / 1 tuần. Mất 42 phút mỗi tuần cho nhu cầu riêng, bạn không để ý tới. Nhưng mỗi tuần, với 1 Thánh lễ chỉ mất khoảng 60 phút, là bạn liền than lên than xuống. Như thế, thật sự Thiên Chúa có phải là người yêu như bạn nói, theo kiểu “yêu trong lòng” hoặc giữ “đạo tại tâm” không?
Nhưng khi gặp thất bại hay khổ đau, bạn luôn mang Chúa ra mà trách móc và đổ tội trước tiên. Như thế, có phải bạn đang “xử ép” với người yêu, bạn có thiếu công bằng với Chúa quá đáng không
Mặt khác, trên đời này, cái gì cũng phải học hỏi và rèn luyện tập tành, bạn quên sao? Văn chương, chữ nghĩa hoặc bất cứ ngành nghề gì, bạn cũng phải tập tành với nhiều công phu khổ luyện mới mong thành tài.
Về đường tâm linh và tinh thần cũng không khác đâu bạn. Vì, nhân đức là thói quen tốt được lập lại nhiều lần.
Mặt khác nữa, nơi Thánh lễ, bạn sẽ luôn được gia tăng thần lực, củng cố niềm tin vốn vẫn mỏng manh yếu đuối của mỗi người, nhờ đó, bạn sẽ vững mạnh và trưởng thành hơn qua từng ngày sống.
* Một đoạn kết có hậu
Hoạt cảnh - diễn nguyện qua dụ ngôn: “Đứa con hoang đàng trở về.” Đọc Thánh Kinh, khi đến dụ ngôn này, ai cũng thấy một đoạn kết lửng lơ, khi đứa con thứ trở về nhà cha, người anh cả đã không vui mừng, nhưng chỉ ra mắng mỏ và kết án người em, mặc cho cha già đã nói những lời thống thiết: “Em con đã chết, nay được sống lại, đã mất nay lại tìm thấy…,” nhưng thái độ của người anh cả lúc ấy vẫn không có gì rõ ràng, khiến cho dụ ngôn trở thành lửng lơ, cái lửng lơ đầy ẩn ý ấy dành cho mỗi người. Và lúc này, qua hoạt cảnh, ẩn ý kia đã biến thành một đoạn kết rất có hậu. Người anh cả đã ôm lấy em mình, 2 anh em cùng tất cả cộng đoàn đều rưng rưng hướng về người cha nhân hiền của mình. Một hình ảnh thật đẹp về lòng yêu thương, tha thứ. Về những điều nói thì rất dễ, nhưng thực hiện không bao giờ là dễ dàng đơn giản. Chiều sâu của Đại hội cũng xuyên suốt chính nhờ đoạn kết đầy nhân bản thánh thiêng này.
19giờ 30, Thánh lễ đồng tế do Đức cha Phêrô chủ tế cùng quý cha.
Sau phần cám ơn của đại diện giới trẻ, trong phần phát biểu cảm tưởng, Đức cha đã rất vui vì nhiều lý do, một trong các niềm vui ấy là đã thấy sự liên kết chặt chẽ giữa các cha trong Giáo Hạt, điều ấy đã giúp thuận lợi rất nhiều cho các sinh hoạt mục vụ. Ngài cám ơn nhiều về một Đại hội sinh động, vui vẻ, hứng thú và thật cuốn hút.
Nhưng có một điều đáng tiếc rằng, các tiết mục hấp dẫn lại diễn ra ngay trên gian cung thánh. Và điều đáng tiếc ấy đã được Đức Cha Phêrô giải quyết tức khắc với một lời hứa: “Sẽ mời các Bạn về Trung Tâm mục vụ, ở đó sẽ có sân khấu và mặt bằng rộng rãi hơn, để các bạn sinh hoạt thoải mái. ” Các bạn trẻ đã hoan hô rầm trời về sự quan tâm ưu ái và đầy yêu thương ấy.
“Ngọn lửa yêu thương đã được thắp lên trong các bạn lúc này, xin hãy tiếp tục làm sáng thêm ngọn lửa ấy, nơi gia đình, trong khu xóm, nơi trường học và tất cả nơi nào các bạn có mặt. Đó không chỉ là lời khuyên đạo đức, nhưng chính là Bài sai tôi xin gởi đến các bạn.”
Đại hội giới trẻ lần thứ V tại GX Xóm Thuốc đã kết thức hồi 21 giờ cùng ngày.
Tất nhiên không ai muốn so sánh một cách khập khiễng về một nơi nào khác với lực lượng nhân sự hùng hậu, chuyên nghiệp, hoặc một mặt bằng lớn lao với sức chứa hàng vạn người. Và với một cái vốn hoàn toàn là “cây nhà lá vườn” như ở đây, nếu phải nói một câu ngắn nhất về Đại hội này, nhiều người đã không ngần ngại bảo rằng, đây là một Đại hội hoành tráng, tầm cỡ và đầy chiều sâu.
Lược sử giáo xứ Xóm Thuốc:
Ngày hội Giới Trẻ hạt Gò Vấp lần V đã diễn ra trong Nhà thờ Xóm Thuốc.
Có nhiều người đã thắc mắc, sao lại gọi là Xóm Thuốc, vì nơi đây có thấy loại thuốc nào đâu? Đem thắc mắc này hỏi các bậc trưởng thượng kỳ cựu của giáo xứ thì được giải thích rằng, nơi đây, trước kia là một địa danh nổi tiếng vì trồng cây thuốc rê, nhờ đất đai thích hợp, nên từ rất lâu, thuốc rê Gò Vấp vốn là đặc sản của vùng và đã vang danh khắp xứ. Lúc đầu, chỉ có một số ít người Công Giáo quy tụ lại với nhau thành một xóm nhỏ, Giáo xứ Xóm Thuốc có tên vì thế.
Giáo xứ Xóm Thuốc được thành lập vào năm 1954 với cha sở đầu tiên là linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Hương. Số giáo dân ban đầu khoảng 100 người. Năm 1957, ngôi thánh đường đầu tiên của giáo xứ được xây dựng xong, năm 1973 được xây lại và năm 1991 đại trùng tu.
Các linh mục phụ trách giáo xứ:
- 1954-1955: linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Hương
- 1955-1969: linh mục Antôn Vũ Doãn Cát
- 1969-1990: linh mục Antôn Hoàn Thiện Chi
- 1991-nay: linh mục Giuse Nguyễn Văn Chủ
Một nét nổi bật về vị chủ chăn hiện nay, mà người giáo dân nào cũng dễ dàng kể cho bạn nghe, đó là đặc tính xây dựng: Xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng con người về mọi mặt, đặc biệt về phần tinh thần và tâm linh cùng với đời sống đạo từ lâu đã đi vào nề nếp.
Ngài đã sửa sang ngôi nhà thờ cũ 2, 3 lần, nhưng cuối cùng vẫn quá tải. Cho đến năm 2004, bắt đầu xây dựng lại nhà thờ và sau đó là lần lượt những công trình phụ như nhà sinh hoạt, cũng được gọi là nhà xứ, nhà Giáo lý, nhà Chầu Thánh Thể, nhà Hài cốt, đài Đức Mẹ.
Năm 2005 Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đã về chủ sự buổi lễ khánh thành ngôi thánh đường và những cơ sở mới này.
Ngôi nhà thờ hiện nay rất khang trang thoáng đãng, với dàn âm thanh và ánh sáng hiện đại vào hàng tầm cỡ so với cả Giáo phận, 8 hàng ghế trong lòng nhà thờ với 1200 chỗ ngồi, trên lầu và 2 bên cánh bàn thờ 800. Tổng sức chứa là 2000 người.
Số giáo dân hiện này 3500 người.
Những nề nếp đẹp trong đời sống giáo dân: khi đi dự lễ, ai đến trước thì tự động lên ngồi phía trên, cứ lần lượt như thế không phải nhắc nhở. Điều này tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng thật ra không hề đơn giản vì không dễ thực hiện; khi cử hành Thánh lễ, không ai đứng ngoài nhà thờ, hút thuốc vặt và tán gẫu như ở nhiều nơi thường thấy. Khi nào quá tải, thì sẽ có những ghế đơn được mang ra trước cửa, dù thấp hơn sàn nhà thờ một chút, nhưng tính hài hòa và trang trọng lúc nào cũng thế.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024)
-
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn -
Chương trình “Ngày Quốc Tế Người nghèo” tại giáo hạt Thủ Thiêm -
Đại hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024 -
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Tân Định mừng lễ Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023