Ngày 24/07: Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục

Ngày 24/07: Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục

Ngày 24/07: Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục

Ngày 24 tháng 7
THÁNH SARBÊLIÔ MAKHLUF, LINH MỤC

I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Thánh Sarbêliô Makhluf (hay Giuse Makhluf) sinh ngày 28 tháng 5 năm 1828 tại Lêbanon. Gia đình Giuse rất nghèo. Thân phụ Giuse đã qua đời khi ngài còn rất nhỏ. Giuse và các anh chị em được thân mẫu và người cậu nuôi dạy. Vì được hấp thụ một nền giáo dục chân thành nên Giuse và các anh chị em đã thấu hiểu và yêu mến đức tin của mình cách rất tha thiết nồng nàn. Nơi nhà thờ, Giuse tham gia giúp lễ và ca đoàn. Ở nhà tư, Giuse giúp chăn giữ chiên cừu và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện cũng như suy gẫm một mình.

Giuse có hai người cậu đi tu và ngài thích thăm viếng các cậu để bắt chước lối sống của các cậu. Khi Giuse lên 23, ngài đã xin vào một tu viện và nhận tên là Sarbêliô. Khấn dòng sông, Sarbêliô theo học triết học và thần học. Sau đó, ngài  được thụ phong linh mục và đã sống cuộc đời cầu nguyện, hãm mình đền tội và chăm chỉ làm việc. Đó là những công việc thánh nhân rất ưa thích và ngài cảm thấy rất hạnh phúc.

Năm 1866, Sarbêliô Makhluf lui vào trong một cái am kín đáo để sống cuộc đời ẩn dật. Ngài cảm thấy Thiên Chúa mời gọi mình sống thân mật với Người qua lối sống này. Và ngài đã sống trong căn phòng nhỏ bé đó suốt 23 năm. 23 năm đó ngài dành hầu hết thời giờ để cầu nguyện và dâng thánh lễ.

Dù đã cố gắng sống ẩn mình, nhiều người vẫn tìm đến với thánh nhân để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo.

Ngày 16 tháng 12 năm 1898, đang lúc cử hành thánh lễ thì Sarbêliô Makhluf đã bị đột quỵ. Ngài được đưa về phòng và không thể dâng lễ được nữa. Sarbêliô Makhluf qua đời tám ngày sau đó, vào dịp lễ Giáng sinh. Ngài được chôn cất tại tu viện thánh Maron. Ngôi mộ của ngài đã trở thành địa điểm hành hương.

Trong năm 1950, mỗi ngày có khoảng 15.000 người đã đến kính viếng mộ ngài. Ngài 9 tháng 10 năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã phong thánh cho ngài.

II. BÀI HỌC

Lại một lần nữa chúng ta được Giáo Hội cho chúng ta mừng kính một vị thánh. Nhìn lại cuộc đời của vị thánh này, tuyệt nhiên chúng ta không thấy có những gì nổi bật hay cuộc sống nhiều chất anh hùng. Cuộc sống của ngài rất bình thường, bình thường như biết bao cuộc sống bình thường khác. Vâng! Tất cả chỉ là những việc bình thường và tầm thường như cuộc đời của biết bao người: Được giáo dục dạy dỗ, được tham gia vào hội giúp lễ và ca đoàn. Việc làm hằng ngày là việc làm của một người nghèo: giúp chăn giữ chiên cừu. Về phương diện tinh thần đạo đức thì biết dành nhiều thời giờ để cầu nguyện cũng như suy gẫm một mình, thích sống kết hợp với Chúa. Chỉ có thế nhưng Giáo Hội đã nâng ngài lên địa vị của một ÔNG THÁNH.

Chúng ta tự hỏi: Phải chăng việc nên thánh dễ như vậy sao?

Thường thì chúng ta hay nghĩ rằng: Nên thánh là chuyện cao siêu anh hùng. Các thánh là những người khác chúng ta. Đời sống các ngài phải vượt trội hơn chúng ta.

Thực ra thì không phải thế! Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người. Chính Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 6,48). Trong Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE “HÃY VUI SƯỚNG VÀ HÂN HOAN” VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY, vị Cha chung của Giáo hội cũng đã nói rõ cho chúng ta biết cách chúng ta nên thánh là như thế nào?

Ngài nhắc lại lời Công đồng Vatican II “Được củng cố bằng rất nhiều và bằng những phương thế cứu độ, mọi tín hữu, bất kể trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi –theo cách riêng của mỗi người– tiến tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn hảo.” (Trích Số 10 HVSVHH)

“Thánh không đòi phải là Giám mục, Linh mục hay tu sĩ. Ta thường bị cám dỗ nghĩ rằng, sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi các sự việc bình thường để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện.Thánh không phải thế.Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh qua việc sống cuộc đời yêu thương và làm chứng trong mọi việc ta làm và bất cứ ở đâu. Bạn được gọi vào đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống những cam kết của mình với niềm hân hoan. Bạn là người lập gia đình ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho vợ cho chồng, như Đức Kitô đã yêu thương và chăm sóc cho Hội thánh. Bạn đang phải làm việc để mưu sinh ư? Hãy nên thánh bằng cách lao động với sự chính trực và khả năng để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ, ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên trì dạy dỗ con cháu để chúng biết đi theo Đức Kitô. Bạn là người có quyền ư? Hãy thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ các lợi lộc bản thân.” (Trích số 14 HVSVHH)

Người  ta kể rằng trong đời của Thánh Antôn tu rừng có một lần ngài xin tá túc ở trong một ngôi nhà của anh thợ đóng giày theo lệnh của Chúa.

Hai vợ chồng dọn một bữa ăn và chuẩn bị chỗ ngủ cho thánh nhân. Ngài tá túc ở đó ba ngày, hỏi thăm về đời sống, công việc làm ăn. Nhờ những câu chuyện qua lại họ đã trở thành bạn thân với nhau.

Sau đó, thánh Antôn từ giã họ trở về nhà, Chúa mới hỏi ngài:

- Con thấy người thợ giày như thế nào ?

Thánh nhân thưa lại:

- Ông là một người đơn sơ, vợ ông có thai và sắp sinh con, họ có vẻ yêu nhau lắm, ông ta có một cửa tiệm nhỏ để đóng giày và sửa giày, ông làm việc hăng say, gia đình ông sống đạm bạc với số tiền kiếm được nhưng luôn biết chia sẻ tiền bạc lương thực cho những người kém may mắn hơn ông, ông và vợ ông tin tưởng mãnh liệt vào Chúa và cầu nguyện ít nhất mỗi ngày một lần, họ có nhiều bạn thân và người thợ giày thì kể chuyện khôi hài luôn miệng.

Chúa lắng tai nghe thánh Antôn và cuối cùng người phát biểu:

- Antôn, con là vị thánh sống, người thợ giày và vợ ông cũng là những vị thánh sống.

Top