Ngày 28/04: Thánh Luy Maria Montfort, linh mục (1673-1716)
Ngày 28 tháng 4
THÁNH LUY MARIA GRIGNION MONTFORT
LINH MỤC
(1673 - 1716)
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Luy-Maria sinh tại Bretagne, thuộc Montfort–la-Cane, năm 1673. Trước tiên ngài học tại trường các tu sĩ Dòng Tên ở Rennes, trước khi vào Đại Chủng viện Xuân Bích, để chuẩn bị cho việc đào tạo làm linh mục tại Paris. Được thụ phong linh mục năm 1700, ngài dấn thân truyền giáo tại vùng nông thôn thuộc miền Tây và miền Trung nước Pháp. Ngài nói: “Tôi muốn dạy giáo lý cho các người nông dân”. Khi vào làng và lưu lại ở đó, đôi khi bị dân làng xua đuổi, nhưng ngài cũng được tiếp nhận và nhiều người lắng nghe. Ngài dành nhiều thời giờ để ban bí tích hoà giải. Không bao giờ ngài dùng bữa mà không mời một người nào cùng ăn và tự mình phục vụ kẻ ấy.
Tại Poitiers, Cha Luy-Maria tổ chức lại bệnh viện thành phố và thành lập Dòng Nữ tử khôn ngoan năm 1703. Năm 1706 để ghi nhận sự hoạt động truyền giáo phi thường của Cha Luy-Maria, Đức Giáo Hoàng Clément XI phong ngài làm “Thừa sai tông tòa tại Pháp”. Vinh dự này giúp ngài thành lập Tu hội Đức Mẹ Thừa Sai là tu hội các nhà truyền giáo ở nông thôn mà ngài đã từng muốn thành lập từ năm 1705.
Cha Luy-Maria qua đời lúc bốn mươi ba tuổi do bởi kiệt sức và các khổ chế. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1947.
Ngày nay, sứ điệp của thánh Grignon de Montfort được tiếp tục thực hiện qua các môn đệ của ngài là: những tu sĩ Dòng Montfort, các Nữ tử khôn ngoan và các Anh em Dòng thánh Gabriel. Đặc biệt, các tu sĩ này luôn chuyên cần giảng dạy để gợi cho mọi người nhớ đến trọng tâm của ơn đoàn sủng nơi thánh Luy-Maria là: người Kitô hữu phải được nuôi dưỡng bởi lẽ khôn ngoan đích thực và biết tìm kiếm đời mình nhờ sự nâng đỡ của Đức Trinh nữ Maria.
II. THÁNH LUY MARIA GRIGNION MONTFORT VÀ LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MARIA
a. Thánh Luy-Maria được Phụng Vụ kính nhớ như là “vị Tông Đồ của Mầu nhiệm Thánh Giá và là người tôi trung phi thường của Đức Trinh Nữ Maria” (lời nguyện riêng)
Ngài thường tự hỏi: “Làm sao chúng ta yêu được những gì chúng ta không biết? Làm sao chúng ta yêu say mê những gì chúng ta chỉ biết cách bất toàn? Tại sao chúng ta ít yêu thích lẽ Khôn Ngoan đời đời và đã được nhập thể, đó là Đức Giêsu rất đáng yêu và đáng tôn thờ, nếu không phải là vì chúng ta không biết được hoặc biết quá ít về lẽ Khôn Ngoan đó ?” (Lòng say mê lẽ Khôn Ngoan đời đời 1,8). Vậy, đối với nhà linh đạo vĩ đại dư đầy sự khôn ngoan này, điều quan trọng chính là “biết nếm hưởng và làm cho các tâm hồn khác được nếm hưởng Đức Giêsu Kitô, lẽ khôn ngoan nhập thể”. Khi trích dẫn lời của thánh nữ Marie-Madeleine de Pazzi: “Ôi ! tình yêu ! ôi Giêsu tình yêu !Ngài ít được người ta biết đến dường bao !” hay lời của Phanxicô Assise: “Giêsu là người yêu chịu đóng đinh của tôi, đã không được người đời biết đến ! Giêsu, người yêu của tôi, đã không được người đời yêu mến !” (Ib. XIII, 166), Grignon de Montfort còn nói thêm: “Trong mọi lý lẽ giục chúng ta yêu mến Đức Giêsu Kitô, lý lẽ mạnh nhất đối với tôi là các khổ hình Người cam chịu để chứng tỏ tình yêu của Người cho chúng ta”. Vì thế: “Mầu nhiệm cao cả nhất về lẽ Khôn Ngoan đời đời, đó chính là Thánh giá”. (Ib. XIV, 167). “Lẽ Khôn ngoan đã mang lấy và tìm kiếm Thánh giá với niềm vui khôn tả suốt cả đời mình. Cuộc đời ấy cũng chỉ là một Thánh giá trường kỳ” (Ib. XIV, 170). “Không bao giờ có Thánh Giá mà không Giêsu, và cũng không bao giờ có Giêsu mà lại không có Thánh Giá”. (Ib. XIV, 172).
b. Với tư cách là “người tôi trung phi thường của Đức Trinh Nữ Maria” thánh Luy-Maria – qua tác phẩm của mình – muốn bày tỏ chiều kích cơ bản về Kitô-luận trong lời rao giảng. Ngài nói: “Chính nhờ Rất thánh Nữ Đồng Trinh Maria mà Đức Giêsu Kitô đến trần thế, và cũng chính nhờ Mẹ mà Người phải thống trị trần thế” (khảo luận “Lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh Nữ Maria 1), “... Lòng tôn sùng này cần thiết cho chúng ta để gặp được Đức Giêsu Kitô cách hoàn hảo, yêu mến Người dịu dàng và phục vụ Người tín trung” (Ib.62). “... Chúng ta cùng tự hiến cho rất thánh Nữ Đồng Trinh và cho Đức Giêsu Kitô; cho rất thánh Nữ Đồng Trinh như là phương thế tuyệt hảo mà Đức Giêsu Kitô đã chọn để hiệp nhất với chúng ta và chúng ta kết hợp với Người; cho Đức Giêsu Kitô như là cùng đích của chúng ta, nơi Người chúng ta nhận được sự sống, Người là Đấng cứu thế và là Thiên Chúa chúng ta” (Ib. 125).(Enzo Lodi)
c. Cha Luy Maria với chuỗi Mân Côi Đức Mẹ Maria.
Năm 1710, Cha xin lập Dòng Ba Thánh Đaminh. Bề trên Cả Dòng, ban cho Cha được đặc quyền lập các họ Mân côi. Chỉ trong thời gian ngắn, Cha đã tổ chức hơn 200 họ tại các miền Cha rao giảng Phúc âm. Đến đâu, Cha cũng thu tập đủ hạng người quây quần dưới chân Mẹ. Cha xướng kinh, mọi người đọc theo, lời kinh Mân côi sốt mến bay thấu tận Trời cao?
Cha viết trong tập ký sự : ” Như tôi biết, kinh Mân côi có sức lay chuyển được những con tim chai đá nhất. Trong nhiều tuần đại phúc, tôi đã giảng về những chân lý đáng kinh sợ nhiều lắm, nhưng không gây ảnh hưởng chi, hay có thì cũng rất ít.
Còn khi giảng Phép Mân côi, cổ võ về sự lần hạt hàng ngày, thì tội nhân lũ lượt trở về.
Thoạt đầu tôi tranh luận với những người lạc đạo rất hăng, họ phục lý nhưng không hề trở lại. Nhưng rồi tôi khuyên họ lần hạt, lập tức, trong ít ngày, số người lạc đạo trở về đông hơn nhiều năm trước.”
“Kinh Mân côi không những kéo ơn trên trời xuống cho tội nhân, khiến họ mau mắn về với Mẹ, nhưng còn làm cho họ đứng vững trên con đường sùng kính mến yêu Mẹ. Nơi nào đông người chuyên chăm lần hạt, nơi ấy giáo hữu tiến nhanh trên đường thánh thiện, trái lại nơi nào thờ ơ, giáo hữu sẽ lâm vào tình trạng hư hỏng.
Bỏ kinh Mân côi, thật đáng thất vọng! Chỉ có Mẹ, Nữ Vương phép Mân côi, mới là sức mạnh độc nhất toàn thắng hỏa ngục, Satan và bè lũ chúng. Mẹ nâng đỡ an ủi những con Mẹ sống qua những ngày thê lương bi đát nhất “ .
Nhờ vào kinh nghiệm thực tế, Cha Mon Pho đã hiểu thấu sức mạnh tiềm ẩn nơi kinh Mân côi.
Bằng tinh thần Mẹ, Cha đã viết ra cuốn : ”Bí thuật kỳ diệu của kinh Mân côi “. Nó gồm tóm tất cả các học thuyết xưa nay trong cánh đồng Mân côi. Cha lập thành hệ thống vững chắc, đơn giản, dễ dàng, hết mọi người, mọi nơi đều có thể thi hành việc diễm phúc đó.
Sau đây là những hồng ân ban cho những người siêng năng lần hạt, theo như Cha và thánh Alanô de la Roche:
1. Kẻ có tội ăn năn trở lại,
2. Người đói khó được dư đầy ơn phúc,
3. Người bị xiềng xích, nô lệ tội lỗi được giải phóng,
4. Người buồn phiền, than khóc được vui mừng,
5. Người chiến đấu được an bình, khỏi mọi mưu chước ma quỉ,
6. Người thiếu thốn được no đủ,
7. Các tu sĩ sống xứng đáng với bậc mình,
8. Người ngu dốt thành thông giỏi,
9. Người ham danh sẽ chiến thắng hư danh,
10. Kẻ qua đời được ơn thương xót, tha hình phạt vì tội đã phạm.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục
-
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục -
Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)