Ngày 24/04: Thánh Fiđêlê đệ Sigmaringa, tử đạo (1528-1622)
Ngày 24 tháng 4
THÁNH FIDÊLÊ ĐỆ SIGMARINGA TỬ ĐẠO
(1528-1622)
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Thánh Fiđêlê, tên thật là Marê Rey, sinh ra năm 1528 ở Sigmaringa nước Đức. Sau những ngày sống trong tuổi thơ ấu trong trắng vô tội, Ngài được gởi đi học tại đại học tại Fribourg, Thụy Sĩ. Để tự chủ, Marê thực hiện nhiều việc bỏ mình nghiêm ngặt. Khi đã hoàn tất cấp bậc tiến sĩ về triết học, Ngài đã tỏ ra rất mực khôn ngoan đến nỗi người ta gọi Ngài là triết gia Kitô giáo.
Năm 1604, công tước Stotzngen xin Ngài hướng dẫn cho con mình và hai nhà quí phái khác trong một cuộc du hành khắp các vương quốc Âu Châu để học hiểu. Cuộc du hành kéo dài sáu năm. Marê đã khuyên nhủ họ nhiều điều không thể quên được. Ngài thúc giục họ phải biết thắng vượt chính mình:
- Sống xa hoa nhẹ dạ, người ta bất xứng với vinh quang thực mà chỉ chinh phục được bằng nỗ lực và bằng việc chà đạp vui thú dưới chân.
Sau cuộc viễn du những nhà quí phái trẻ muốn Ngài đừng bỏ họ. Ngài đã theo học luật. Và sau khi nhận bằng tiến sĩ luật Ngài mở văn phòng luật sư ở Colmar. Ngài quyết thực thi đức ái đến nỗi Ngài được gọi là luật sư của dân nghèo. Nhưng nghề nghiệp đã cứu giúp Ngài khám phá ra được những bất lương của cuộc đời. Quyết định theo đuổi đời sống hoàn hảo, Ngài tới gõ cửa dòng Phanxicô. Năm 1612 Ngài được danh hiệu Fiđêlê.
Vị luật sư trở thành thầy dòng làm cho ma quỉ tức giận. Trước các cơn cám dỗ, thầy Fiđêlê bối rối, nhưng thử thách tan biến khi Ngài đến giải bày nỗi lòng với một linh mục giàu kinh nghiệm, Người đã dạy Ngài cầu nguyện nhiều hơn,
Fiđêlê đã khẩn cầu tha thiết.
- Lạy Chúa cứu chuộc con, xin trả lại niềm vui cần thiết và bình an tâm hồn. Xin hãy tẩy sạch mọi nghi ngờ để ý Chúa được thực hiện và để con thắng vượt quân thù, thắng con người và những đam mê của con.
Fiđêlê nỗ lực hy sinh hãm mình cho đến khi Thiên Chúa ban lại bình an cùng ánh sáng cho Ngài. Từ đó thánh nhân luôn trung thành quảng đại hiến mình cho Chúa. Ngài nói:
- Thật bất hạnh nếu tôi là một chiến sĩ dưới quyền thủ lãnh đầu đội mão gai, mà lại chiến đấu một cách yếu hèn.
Khi được chọn làm bề trên tu viện ở Welt Kirchen, Ngài được ơn làm phép lạ để hoán cải người ta. Gặp thời dịch tễ, Ngài hết mình phục vụ các bệnh nhân. Người ta thấy Ngài ở khắp nơi, trong nhà thương, ở tư gia, chạy trên đường phố, săn sóc thân xác linh hồn mọi người và thường chữa lành cho cả hồn lẫn xác.
Lạc giáo tàn phá miền Grisons. Đức Giáo hoàng giao cho thánh Fiđêlê trách nhiệm đối phó với nhóm người theo phái Calvin. Thánh nhân giã từ tu viện, để lại bao nhiêu là xúc động, Ngài từ biệt dân Waldkirchen như đi chịu tử đạo.
Nhưng với các bạn đồng hành, Ngài khích lệ:
- Nào chúng ta lên đường tới nơi mà Chúa kêu gọi và mùa gặt thúc bách.
Ngài giảng cho dân chúng, dạy người nghèo, thông truyền giáo lý cho trẻ em.
Để cứu một linh hồn, Ngài cũng sẵn sàng đi chân không vượt qua mọi sỏi đá tuyết sương. Những người Thệ phản bực tức vì sự anh dũng của thánh nhân nên họ quyết thủ tiêu Ngài. Thư từ Ngài viết còn ghi:
- Thầy Fiđêlê sẽ sớm làm mồi cho sâu bọ.
Một lần kia, sau bài giảng hùng hồn, thánh nhân xin bạn mình ngồi tòa giải tội vì Ngài phải đi Seewis không biết có điều gì sẽ xảy ra, nhiều người lo lắng cầu nguyện cho Ngài.
Một người đã hỏi :
- Nếu các người theo lạc giáo tấn công thì Cha làm sao ?
Thánh Fiđêlê trả lời :
- Tôi sẽ làm như các vị tử đạo. Tôi sẽ vui mừng đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao dành cho tôi.
Ngài thường nói : - Lạy Chúa, con phải chịu khó với Chúa nếu con muốn được hoàn toàn thuộc về Chúa.
Tại Serwis, Ngài rung chuông tập hợp dân chúng lại. Một tiếng súng nổ, nhưng không trúng Ngài. Trên đường về Grisch, Ngài bị một nhóm binh sĩ lạc giáo xông vào đánh đập, Ngài chỉ nói được trong hơi thở yếu ớt:
- Tôi hiến mạng sống tôi để các bạn nhận biết đức tin của tổ tiên chúng ta.
Và Ngài đã xin Thiên Chúa tha cho kẻ thù mình và gục ngã dưới lưỡi gươm ngày 24 tháng 04 năm 1622.
II. BÀI HỌC: ƠN TỬ ĐẠO
Cuộc đời của thánh Fiđêlê để lại cho chúng ta nhiều bài học đặc biệt. Một con người tài đức vẹn toàn như thế hẳn phải làm cho mọi người phải kính nể. Thế nhưng tất cả những vinh quang trần thế đó ngài đã không coi trọng mà ngược lại ngài lạ coi trọng một điều mà nhiều người khác không đủ can đảm để đón nhận đó là ơn được tử đạo.
Một lần kia có người hỏi ngài:
- Nếu các người theo lạc giáo tấn công thì Cha làm sao ?
Thánh Fiđêlê trả lời ngay:
- Tôi sẽ làm như các vị tử đạo. Tôi sẽ vui mừng đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao dành cho tôi.
“Đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao Chúa dành cho tôi”
Tử đạo là một hồng ân.Nhiều đấng thánh đã khao khát hồng ân tử đạo này. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã cầu xin Chúa cho các con cái của mẹ được hồng ân này.
Xin trích nhật ký của thánh Jean Brébeuf tử đạo, cho chúng thấy ân huệ này lớn lao như thế nào.
“Suốt hơn hai ngày liên tiếp, tôi hết sức ao ước được tử đạo và mong muốn chịu mọi cực hình mà các thánh tử đạo đã chịu.
Lạy Chúa, lạy Chúa Giêsu Đấng cứu chuộc con, con biết lấy gì đền đáp muôn ơn huệ của Chúa đã ban cho con? Con sẽ lấy chén đau khổ, mà Chúa đã trao cho con, và con sẽ khẩn cầu danh Chúa.
Trước mặt Chúa Cha hằng hữu và Chúa Thánh Thần, trước mặt Mẹ chí thánh và thánh Giuse, bạn rất thanh sạch của ngài, trước mặt các thiên thần và các thành tông đồ, và cha thánh Inhaxiô của con, cũng như trước mặt thánh Phanxicô Xaviê, con xin khấn hứa: Lạy Chúa Giêsu đấng cứu chuộc con, con xin tuyên hứa, bao lâu còn sức, con sẽ không bao giờ tránh né ơn tử đạo, nếu có ngày nào đó vì lòng thương xót Chúa khứng ban ơn trọng đại đó cho con, tôi tớ mọn hèn của Chúa.
Bao lâu con còn sống, con quyết là con không tự tránh những cơ hội chịu chết và đổ máu vì Chúa, trừ khi con thấy phải hành động cách khác mới làm vinh danh Chúa hơn… Hơn nữa con còn cam kết là khi con chịu tử đạo, con sẽ nhận nó từ tay Cha với tất cả niềm khao khát và vui mừng; vì thế lạy Chúa Giêsu, rất đáng yêu mến, vì niềm vui to lớn con đang có đây, ngay từ bây giờ, con xin hiến dâng cho Chúa máu thịt con, thân xác con và cả đời sống con, con chỉ muốn chết vì Chúa, nếu Chúa ban ơn huệ cho con; vì Chúa đã khứng chịu chết vì con, xin cho con biết sống thế nào để đáng được Chúa rộng ban cho con ơn huệ chết hạnh phúc như thế. Lạy Thiên Chúa và đấng cứu chuộc con, con sẽ nhận lấy chén khổ nạn do Chúa trao ban và con sẽ khẩn cầu danh Chúa: Lạy Chúa Giêsu, Giêsu, Giêsu, …
Lạy Thiên Chúa của con, con đau khổ biết bao vì người ta không nhận biết Chúa, vì tất cả vùng đất man ri này chưa hoàn toàn quay về với Chúa, cũng như vì tội lỗi vẫn còn ngự trị ở đó. Lạy Chúa, Chúa của con, nếu quả thật con cần phải chịu tất cả hình phạt, cộng thêm mọi cực hình độc ác mà tù nhân trong vùng này phải chịu, thì con sẵn lòng tình nguyện gánh chịu tất cả một mình con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi -
Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục -
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)