Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi
Ngày 4 tháng 10
THÁNH PHANXICÔ ASSISI
1. Đôi dòng tiểu sử
Thánh Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi, ở phía bắc thủ đô Rôma và qua đời cũng tại đây ngày 3.10.1226. Cha ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ rất giàu có; mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức, hiếm có.
Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên cậu mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gôthiê đi Briênnơ đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.
Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe thấy tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát!” Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại ba ngôi nguyện đường cạnh Assisi. Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.
Ngày 24.2.1208, đang buổi lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy...” (Mt 10,10). Phanxicô đã nhận ra tiếng gọi của Chúa, từ nay quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Tự (Mt 19,21; Lc 9,1-6 ; Mt 16,24). Phanxicô vừa đi rao giảng Tin Mừng vừa khất thực.
Phanxicô muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong sự khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ. Chính vì thế mà Ngài hết lòng yêu thương những người nghèo khó, nhất là những bệnh nhân mà ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Năm 1220, vì những khó khăn nội bộ của Hội Dòng do một số anh em cấp tiến gây ra, Phanxicô phải bỏ dở cuộc truyền giáo cho người Hồi giáo để trở lại nước Ý. Những anh em này muốn sửa đổi lý tưởng nghèo khó thuở ban đầu. Đây chẳng khác gì một cuộc tử đạo đặc biệt đối với Ngài. Vì quá đau khổ cho nên năm 1224, Phanxicô xin rút lui về ẩn mình tại núi Laverna. Nơi đây, ngài được Chúa in năm dấu thánh của Chúa trên chân tay và cạnh sườn của Ngài. Phanxicô đã sống một cuộc tử đạo này trong hai năm trời. Các vết thương luôn rỉ máu rất đau đớn nhưng còn đau đớn hơn nữa khi phải chứng kiến cảnh một số anh em càng ngày càng sống xa lý tưởng ban đầu đang diễn ra. Trong nỗi cô đơn và đau khổ do bệnh hoạn, ngài chỉ muốn hoàn tất ý định của Thiên Chúa cho đến khi “Bạn Chết” của ngài đến kết thúc cuộc đời vào ngày 3.10.1226.
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16.7.1228.
2. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG NỔI BẬT.
Vâng! Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội kính nhớ vị thánh đặc biệt này. Thật khó có thể kể ra hết những sự tốt lành Chúa đã thực hiện qua cuộc đời của ngài, nhưng một trong những hình ảnh đẹp nhất người ta không thể không nhắc tới nhất là đối với hoàn cảnh cuộc sống hôm nay đó là hình ảnh về một con người của HOÀ BÌNH. Chính nhờ hình ảnh này mà ngài trở thành một con người được nhắc nhớ, yêu mến và tôn kính nhiều nhất không những trong Giáo Hội mà còn cả ngoài Giáo Hội nữa. Người ta tôn kính ngài như vị sứ giả của hoà bình.
Cuộc sống của ngài vô cùng đơn sơ, nhưng cái nhìn đơn sơ ấy đã trở thành lý tưởng cho con người của mọi thời đại. Chúng ta hãy lắng nghe những nét đơn sơ ấy được mô tả trong giai thoại kể về cuộc gặp gỡ giữa thánh nhân và con chó sói hung bạo tại Agodio:
Khi thánh Phanxicô cư ngụ tại Agodio thì có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc tai họa cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng phải trang bị khí giới sẵn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ thánh nhân quyết định đến chạm chán với con thú dữ, Ngài làm dấu thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân không lùi bước. Ngài tiến lại gần, làm dấu thánh giá và gọi nó lại. Ngài nói với nó như trò chuyện với một con người:
- Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.
Như một phép lạ, con chó sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên thánh nhân, thánh nhân lại tiếp tục bài giảng như sau:
- Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này. Anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài. Anh không những sát hại những súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa. Anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người. Ai cũng ca thán kêu ca vì anh. Nhưng tôi, tôi muốn giải hoà giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa.
Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con sói vặn mình ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của Ngài.
Thánh nhân nói tiếp: “Này anh sói, hẳn anh thích được làm hoà với mọi người chứ? Tôi hứa rằng: bao lâu anh còn sống anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là anh sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không?
Con vật cúi đầu như đoan hứa. Thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời ngài vừa hứa với con chó sói. Giai thoại kể tiếp rằng: con chó sói đã được sống 2 năm tại Agodio, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không làm hại ai mà cũng chẳng ai hãm hại nó, sau 2 năm, con vật qua đời giữa tiếng thương khóc của dân Agodio.
Anh chị em thân mến.
Trong tác phẩm có tựa đề là: “Tôi, Phanxicô” linh mục Carlô Carestô thuộc dòng tiểu đệ Chúa Giêsu đã đặt trên miệng thánh Phanxicô những lời sau đây: “Đọc lại những lời trong vô số những lời người ta viết về tôi, tôi phải thú nhận rằng; điều làm cho tôi thích nhất là những giai thoại có tựa đề: “những bông hoa nhỏ của Phanxicô”. Tôi cũng không nhớ những gì mà người ta kể lại nữa, đôi khi có những điều hơi quá đáng. Nhưng hệ gì, tôi lấy làm thích, tôi chấp nhận tất cả những điều đó. Bởi vì đó là một bức chân dung mà lòng tốt của anh em đã tô vẽ cho đẹp thêm. Đó là chân dung của sự bất bạo động, chân dung mà tôi yêu thích nhất và tôi xin cám ơn anh em đã hiểu được như thế.
Quả thực, Thánh Phanxicô Assisi là hiện thân của hoà bình, là sứ giả của bất bạo động. Giai thoại về con chó sói Agodio và bài ca vạn vật của ngài nói lên khát vọng của thánh nhân, Ngài giao hòa ngay cả với vạn vật, ngay cả những vật vô tri. Theo thánh nhân con người cần phải tỏ ra bất bạo động đối với thiên nhiên, với chim trời, với núi rừng, với không khí, với nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà với thiên nhiên như thế con người mới có thể xây dựng hoà bình với con người.
Quả thật, chăm sóc bảo vệ thiên nhiên là thể hiện ý chí hoà bình cao độ nhất. Hoà bình ở đây chính là trách nhiệm đối với con người, không những con người của hiện tại mà con người của thế hệ mai sau nữa.
Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô.
Xin cho chúng con biết yêu chuộng hoà bình, hòa bình với mọi người và nhất là với những người đối nghịch với chúng con. Xin cho lời kinh Hoà Bình mà thánh Phanxicô để lại được thấm vào tim, vào phổi, vào khối óc của chúng con biến chúng con thành người sứ giả hoà bình của Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ