Ngày 11 tháng 02: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức - Ngày Quốc tế Bệnh nhân

Ngày 11 tháng 02: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức - Ngày Quốc tế Bệnh nhân

Ngày 11 tháng 02: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức - Ngày Quốc tế Bệnh nhân

BÀI ĐỌC I:

 “Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Gđt 13, 23bc-24a. 25abc (Hr 18bcde. 19. 20)

Đáp: Mẹ là vinh dự của dân tộc chúng con (c. 15, 10d: Hr 9d).

Xướng:

1) Hỡi con gái ta, con đã được Chúa là Thiên Chúa Tối Cao chúc phúc trên tất cả mọi người nữ sinh ra ở gian trần. Chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên đất trời. - Đáp.

2) Vì hôm nay Thiên Chúa ca tụng danh nàng, miệng người đời không ngớt lời tung hô, và hằng ghi nhớ quyền năng Thiên Chúa đến muôn đời. - Đáp.

 

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. (Mc 7,6)

Tin Mừng: Mc 7,1-13

1 Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa    ?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. 9 Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Môsê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! 11 Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “Corban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa” rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”

 

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu và nhóm Biệt phái cùng Kinh sư tranh luận với nhau về vấn đề sạch dơ.

Họ bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì là sạch cái gì là dơ và về những đòi buộc về rửa tay chân chén dĩa…

Chúa Giêsu nói đó mới chỉ là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn.

Ngài nhận xét đạo đức của họ chỉ là đạo đức giả: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”.

Ngài còn kết án họ lấy tập tục của loài người mà thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa. Ngài lấy tục lệ Corban ra làm thí dụ điển hình: Corban là của dâng cúng cho Thiên Chúa. Mặc dù Xh 20,12 buộc con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng để khuyến khích người ta đóng góp cho đền thờ, Biệt phái và Kinh sư dạy rằng nếu ai khấn hứa đem những gì phải giúp cho cha mẹ để dâng cho Đền thờ thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Quả thật đây là một cách bóp méo Lời Chúa.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Những sai lầm của Biệt phái và Kinh sư là những sai lầm mà chúng ta dễ mắc phải: Dễ tưởng mình đã là người “công chính” rồi. Từ đó dễ phê phán những người khác không được “công chính” như mình.

Thực ra, sống công chính là một mục tiêu phải phấn đấu suốt đời mà cũng chưa chắc đạt tới. Lời Chúa Giêsu khiển trách họ cũng là một lời khuyên chúng ta lo tu luyện bản thân hơn là để ý so sánh người khác.

+ Giữ hình thức bề ngoài dễ hơn sống tâm hồn bên trong. Rất tiếc nhiều người mới lo được vẻ bề ngoài thì đã vội tự mãn.

+ Corban là một cớ để người Biệt phái dựa vào tự chuẩn miễn những bổn phận quan trọng. Chúng ta cũng thường có những thứ Corban của chúng ta. Nhiều khi chúng ta lấy cớ bận lo việc Chúa để trốn tránh bổn phận lo cho con người.

+ “Dân này kính Ta bằng môi miệng”.

Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng”.

Bà cầu nguyện suốt ba ngày cũng vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra ngay sau bàn thờ: “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai”.

Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện.

2. ”Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”. (Mc 7,6)

Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả… thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả…. Những thứ ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm, quả, hoa, nến, nhang, đèn giả… mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu: trông thật hóa “dỏm”; trông xịn hoá “xoàng”. Vì thế mới có kẻ dở khóc dở cưòi.

Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách trong Mt 23,13-29. Và thánh Gioan đã lật tẩy:

“Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4);

“Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, ngưòi ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ trông thấy” (Ga 4,20).

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng con, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thờ phượng Chúa trong Thần Khí và Sự Thật.

 

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Pausanias là một tác giả Hy Lạp chuyên mô tả xứ sở và các nghi lễ cổ của đất nước thần thoại Hy Lạp. Ông đã có viết về một truyền thuyết xứ Elis như sau: “Giữa khu chợ và sông Menius là một rạp hát cũ và đền thờ Dionysos - thần rượu của người Hy Lạp. Tượng thần ấy do Praxitels sáng tạo. Không có thần nào được dân Eleans kính trọng cho bằng thần Dionysos, họ bảo là thần Dionysos đến dự tiệc cùng họ tại khu Thyia, địa điểm tổ chức lễ cách thành phố khoảng một dặm. Người ta đem ba cái ấm lớn vào đền thờ và các vị tư tế đặt chúng tại đó (người ta không nói rõ trong ấm đựng gì), trước sự hiện diện của dân chúng. Các tư tế và những người được chọn sẽ đóng dấu niêm phong cửa đền.

Hôm sau, mọi người tự do xem xét các dấu niêm phong, sau đó họ mở các ấm và kinh ngạc khi thấy đầy rượu. Tác giả khẳng định mình không có mặt tại kỳ lễ, nhưng ông dựa trên các lối kể của những người khả kính nhất trong xứ Elis và cả khách lạ tham dự, những người đó đều thề rằng: “Các sự kiện có thật”.

Câu chuyện thần Dionysos ban rượu được kể lại và Pausanias ghi chép và giới thiệu lại với các độc giả. Dù sao tác giả vẫn không tận mắt nhìn thấy sự kiện mà mọi người cho là có thật. Trong khi Gioan đã thấy tận mắt và còn được uống thử rượu được biến từ nước lã mà Chúa Giêsu đã làm...

Suy niệm

Tại tiệc cưới Cana, giữa lúc thượng khách, bạn bè, họ hàng nâng ly rượu mừng cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc thì hết rượu. Thật là một tai họa bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối và khó xử, làm sao để ly tiếp tục đầy rượu và mọi người nâng ly với lời chúc mừng không bị đứt đoạn vì hạnh phúc của đôi trẻ và vì danh dự của gia đình cô dâu chú rể. Bằng sự nhạy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử, Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy và mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo, một sự chia sẻ nỗi lo cho gia đình đang có tiệc cưới. Dù câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ lạnh lùng: “Việc đó có can chi đến tôi và bà…” (Ga 2,4). Nhưng Mẹ Maria vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Con Mẹ sẽ làm một điều gì đó, nên nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm theo lời Ngài… Rượu tràn trề thơm ngon, đến quản tiệc phải ngạc nhiên. Đức Giêsu đã biến nước lã không mùi vị thành rượu thơm nồng để mọi người tiếp tục với ly rượu nồng.

Khi can thiệp để nước hóa thành rượu, Đức Kitô đã chúc lành cho đôi tân hôn, và tình yêu kết hợp của hôn nhân qua sự hiện diện và chúc lành của Ngài sẽ thành Bí tích ngàn đời bền vững thủy chung. Người hiện diện trong sự kết hợp hai người nam nữ thành gia đình và đảm bảo cho sự che chở của Ngài như sự hiện diện của Ngài tại tiệc cưới Cana: hết rượu, rượu lại tràn trề…

Ở Cana, khi tiệc cưới thiếu rượu, Chúa Giêsu đã làm cho có rượu. Ngày hôm nay Chúa vẫn tiếp tục can thiệp, không chỉ cho tiệc cưới hôn nhân mà còn cho mọi giây phút cuộc đời mỗi người, đó là tiệc cưới Cana mỗi ngày: khi tôi và bạn thiếu rượu nồng tình yêu, hết rượu nồng của sức sống, thiếu hương rượu phấn đấu vượt khó khi gian nguy, khi hết men hy vọng cho mình. Ngài can thiệp cho tràn trề rượu tình yêu, sức sống, cam đảm, hy vọng...Nhưng sự can thiệp kịp thời này chỉ dành cho những ai thực lòng mong muốn mời Ngài và Mẹ Ngài đến dự tiệc cưới là cuộc sống của chính mỗi người.

Hãy nhờ Mẹ chuyển lời cầu xin và đón Chúa cùng Mẹ đến trong tiệc cưới của cuộc đời...

Ý lực sống

Tiệc cưới Cana Chúa hiện diện
Giơ tay chúc phúc nước thành rượu,
Cuộc đời hạnh phúc luôn bền vững
Như rượu thơm nồng mãi trăm năm.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top