Ngày 01.4, viết về sự thật

Ngày 01.4, viết về sự thật

WGPSG -- Không biết tự bao giờ, người ta gọi ngày 01.4 hằng năm là ngày “Cá Tháng 4”? Ngẫm nghĩ ngày này thật đặc biệt: người ta không trao nhau một bông hoa hay một món quà như ngày 14.2; 08.3; nhưng người ta chỉ đùa với nhau bằng những lời nói dối “dở khóc dở cười”. Thế nhưng, là những Kitô hữu, chúng ta có suy nghĩ gì về ngày này? Có bao giờ chúng ta đặt vấn đề về sự thật: sự thật về xã hội hôm nay, sự thật về bản thân và sự thật về Thiên Chúa?

Não trạng của con người về sự thật trong xã hội hôm nay như thế nào?

Trước hết, chúng ta đề cập đến vấn đề nói và sống sự thật của con người trong xã hội hôm nay. Nếu theo dõi qua các phương tiện truyền thông, chúng ta nhận thấy: không có sự thật tuyệt đối trong xã hội hôm nay. Điều này được biểu hiện như thế nào? Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng nhức nhối: con người lừa dối nhau? Thật vậy, ngày nay sự giả dối len lỏi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và thậm chí là cả tôn giáo. Chẳng hạn như mới đây, báo chí có đưa tin về nhiều tệ nạn tham nhũng, nhiều công ty phá sản, vỡ nợ với số tiền lên hàng trăm tỉ đồng. Vì lợi nhuận của đồng tiền, người ta sẵn sàng lừa dối nhau ở lĩnh vực kinh tế như: làm tiền giả, hàng nhái, hàng giả, “báo cáo láo” v.v… Trong lĩnh vực giáo dục cũng đầy dẫy những hiện trạng giả dối như: làm bằng giả, quay cóp trong thi cử, mua bán bằng cấp… Trong đời sống hôn nhân gia đình: sự lừa dối giữa vợ chồng dẫn đến biết bao hậu quả tai hại: ly dị, ly thân, con cái bơ vơ không người chăm sóc.

Vâng, tất cả những hiện trạng ấy cho thấy: xã hội đô thị và toàn cầu hóa như hiện nay, làm cho phần đông con người không thể nói và sống sự thật. Vì vậy, nhiều người quan niệm rằng: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Lươn lẹo luồn lách lẹ lên lương.” Điều này, dẫn đến hiện trạng phần đông con người phải sống trong sự lừa dối nhau. Con người mất niềm tin lẫn nhau. Một lối sống như thế có làm cho họ bình an và hạnh phúc? Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này phải nói đến yếu tố khách quan bên ngoài. Nhưng, có bao giờ chúng ta nghĩ nguyên nhân sâu xa bên trong bản thân mỗi người chúng ta? Vậy thì, sự thật về bản thân mỗi người chúng ta là gì?

Sự thật về bản thân mỗi Kitô hữu. Điều này được hiểu như thế nào?

Tin Mừng thánh Gioan thuật lại lời của ông Philatô nói với Đức Giêsu như sau: “Sự thật là gì?” (Ga 18,38). Là một quan chức cao cấp, học thức của quân đội Rôma, nhưng Philatô hoàn toàn không hiểu về ý niệm sự thật. Phải chăng, mỗi người trong chúng ta cũng vậy? Kinh nghiệm cho thấy: chúng ta sợ phải đối diện với sự thật. Chúng ta khó nói lên sự thật và sống theo sự thật. Vì thế, đã có câu: “Sự thật dễ mất lòng.”

Bạn thân mến, câu Kinh Thánh mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thích nhất, đó là: “Sự thật sẽ giải phóng các con.” (Ga 8,32). Điều này có ý nghĩa gì đối với bản thân mỗi Kitô hữu chúng ta? Phải chăng, nguyên nhân tận căn của những bất an, lo sợ, hoài nghi nơi bản thân mỗi chúng ta đó là: chúng ta không dám sống và làm chứng cho sự thật? Một lần nào đó, quỳ gối trước Thánh Thể Chúa, chúng ta sẽ nhận ra sự thật trần trụi nơi bản thân mình: chúng ta là những con người mỏng giòn, yếu đuối và tội lỗi. Dù có thông minh, tài giỏi, học thức, giàu sang và quyền cao chức trọng đến đâu thì chúng ta cũng vẫn chỉ là những thụ tạo thấp hèn trước nhan Thánh Chúa. Chúng ta vẫn là con người chứ không phải là Thiên Chúa.

Thế nhưng, thực tế cho thấy: thật không dễ dàng để chúng ta khiêm tốn nhận ra sự thật nơi bản thân mình. Chúng ta luôn tự đề cao và lừa dối mình. Vì vậy, triết gia Socrate đã có câu nói bất hủ: “Hãy tự biết mình.” Còn sách Huấn Ca thì dạy chúng ta: “Đừng nói trái sự thật, và phải biết xấu hổ vì sự thiếu học của con… Dù phải chết, con hãy phấn đấu cho sự thật, và Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ bênh vực con.” (Hc 4,25.28). Vâng, chỉ có chúng ta là người hiểu chính mình nhiều nhất: khuynh hướng của tôi là gì? Khuyết điểm của tôi là gì? Tôi đang muốn cái gì? Cho nên việc “tự biết mình” là chìa khóa mở ra cánh cửa của một thế giới chân thật, thanh thản và hạnh phúc cho cuộc đời chúng ta. Hơn thế nữa, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn mời gọi chúng ta: “Đừng sợ! Hãy mở toang cánh cửa tâm hồn để đón nhận Đức Kitô.” Điều này dẫn chúng ta đến Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của sự thật cho con người và cho thế giới.

Thiên Chúa là căn nguyên và cội nguồn của sự thật

Kinh Thánh cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đến trần gian để loan báo về một vương quốc của sự thật và công lý: “Còn tôi, chính vì tôi nói sự thật, nên các ông không tin tôi.” (Ga 8,45). Đồng thời, chính Chúa Giêsu là sự thật: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6). Vậy thì, sự thật tuyệt đối chỉ có ở Thiên Chúa mà thôi. Con người chỉ sống trong sự thật khi có Chúa trong tâm hồn. Nguyên nhân sâu xa làm cho xã hội và bản thân không sống sự thật là bởi vì chúng ta không tin vào Thiên Chúa. Vì thế, sống theo sự thật là ơn Chúa ban cho chúng ta. Sống theo sự thật là một hành trình vươn tới sự trưởng thành tâm linh và đức tin nơi mỗi Kitô hữu chúng ta.

Bạn thân mến, xã hội hôm nay thiếu vắng sự thật. Vì vậy, mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở nên dấu chỉ làm chứng về sự thật cho con người trong thế giới hôm nay. Điều này đòi hỏi nơi mỗi chúng ta một sự cố gắng và cầu nguyện không ngừng. Để sống trong sự thật, chúng ta cần đến Thiên Chúa. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta nhận ra sự thật về bản thân. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta can đảm nói thật và sống thật cho dù phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, rủi ro và nguy hiểm.

Vậy thì, ngày “Cá Tháng Tư” người ta có quyền nói đùa, nói dối. Người ta tạo niềm vui cho nhau nhân ngày này. Bởi lẽ, có khi những kiểu nói dối như thế không có tội. Chúng ta có tội khi sống trong sự giả dối, khép mình trước những nhu cầu và lợi ích của tha nhân. Chúng ta chỉ có tội khi không tin vào Thiên Chúa là ánh sáng, là sự thật, sự sống và là tình yêu. Ma quỷ - cha đẻ của mọi sự giả dối- luôn tìm cách tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Ước gì, chúng ta đừng để lòng chiều theo những ngả đường giả dối của Satan.

Top