Năm bước hướng tới sự chữa lành tâm linh
NĂM BƯỚC HƯỚNG TỚI SỰ CHỮA LÀNH TÂM LINH
Jeannie Ewing
WHĐ (24.08.2023) – Trong phận người yếu đuối, sau khi phạm sai lầm, nhiều khi chúng ta mang nơi mình những vết thương tâm lý và tâm linh gây ảnh hưởng đến động cơ, phản ứng của chính chúng ta đối với hành vi của người khác. Thậm chí, đôi khi vì những lý do sâu xa hơn, những lỗi phạm này cũng có thể khiến chúng ta sợ hãi hoặc tránh né một số điều nào đó. Khi còn học cấp hai, tôi đã tò mò tìm hiểu về những điều huyền bí. Cha mẹ tôi đã cảnh báo tôi trước khi tôi tỏ vẻ quan tâm đến bảng Ouija (Cầu cơ), và nói rằng đó là một thứ rất tệ hại, tôi cần phải tránh xa. Dù thế, trong một lần đến chơi nhà người bạn, tôi thấy có mấy người ở đó đang chơi với bảng Ouija. Và rồi, vì tò mò, tôi cũng tham gia vào với họ.
Sau đó, tôi thấy mình như rơi vào trạng thái rất sợ hãi mà tôi chưa từng trải nghiệm trước đây, kể cả cảm giác tội lỗi len lỏi vào lòng. Nhận ra những gì mình đã làm là sai, nên tôi đã kể lại sự việc với bố mẹ, và cha mẹ tôi đã đưa tôi đến với tòa giải tội.
Nhiều năm trôi qua, tôi tin rằng việc xưng tội của mình là đủ để xóa bỏ những hậu quả còn sót lại của những gì tôi đã làm hôm ấy, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một gánh nặng vô hình và nỗi sợ hãi hầu như khiến đời sống tâm linh của tôi bị tê liệt. Gần đây, tôi biết được việc chữa lành là một tiến trình phức tạp, đôi khi kéo dài nhiều năm, và trong nhiều trường hợp, thậm chí cả đời.
Dựa trên hành trình hướng tới sự chữa lành của chính mình, sau đây là 5 bước đã giúp tôi tìm thấy sự tự do và bình an nội tâm thực sự.
1. Sám hối
Sự chữa lành không thể xảy ra với một con tim khép kín hoặc chai đá. Khi bị tổn thương, phản ứng tự nhiên là chúng ta dễ khép mình khỏi việc đón nhận tình yêu hoặc chấp nhận rủi ro khi yêu thương người khác. Chúng ta sợ bị phản bội hoặc bị từ chối. Nhưng nếu thực sự mong muốn được chữa lành nội tâm sâu xa, chúng ta cần cầu nguyện để có được tâm hồn ngoan nguỳ.
Sự ngoan nguỳ là một phúc lành bao gồm sự nhạy cảm, cởi mở, và dịu dàng. Ngoan nguỳ hoàn toàn trái ngược với cứng lòng. Khi tâm hồn lắng đọng, chúng ta sẽ nhận thấy một ước muốn chân thành muốn cải thiện để sống cuộc đời tốt lành hơn. Một khi biết mở lòng và khiêm tốn sám hối, thì cũng có nghĩa là chúng ta đang bước đi trên hành trình của sự chữa lành.
2. Từ bỏ
Từ bỏ nghĩa là chúng ta dốc tâm cự tuyệt tội lỗi. Sau khi chơi bảng Ouija hôm đó, tôi không bao giờ chạm vào nó một lần nào nữa. Tôi xa lánh tất cả các hình thức của sự huyền bí, bởi vì tôi biết nó nguy hiểm như thế nào đối với tâm hồn tôi và nó khiến xúc phạm đến Thiên Chúa ra sao. Khi từ bỏ một điều gì sai phạm mà chúng ta đã làm, là chúng ta đang cho thấy rằng mình hoàn toàn biết điều đó là sai và quyết tâm tránh tái phạm điều đó trong tương lai.
Khi từ bỏ tội lỗi, chúng ta củng cố ý chí của mình và có thêm khả năng hợp tác với ơn thánh hơn trong những lúc bị cám dỗ.
3. Hòa giải
Bí tích Sám hối và Hòa giải là điều thiết yếu để chữa lành thương tổn của chúng ta. Ân sủng mà chúng ta nhận được qua hành động khiêm tốn tự hạ này mang lại cho chúng ta sự minh bạch, sáng suốt, và khôn ngoan để có thể nhận ra những yếu đuối và thiếu sót của mình tốt hơn. Nếu năng đến với Bí tích hoà giải (khoảng một tháng/lần chẳng hạn), tâm hồn chúng ta sẽ cảm nhận sự bình an, bớt đi cảm giác sợ hãi Thiên Chúa và muốn né tránh người khác để dễ trao tặng tình yêu cách vô điều kiện hơn.
Sự sám hối thực sự là nền tảng cho hành trình hướng tới sự chữa lành của chúng ta. Đặc biệt, khi kết hợp việc lãnh nhận Bí tích Hoà giải và Bí tích Thánh Thể, vốn được xem là những Bí tích chữa lành, chúng ta được củng cố, hàn gắn những gì đã bị phá vỡ trong tâm hồn, và được dẫn vào một lối sống của lòng can đảm và niềm hy vọng.
4. Đền tội
Chỉ nói những từ “Tôi xin lỗi” hoặc “Những gì tôi đã làm là sai” và sau đó tiếp tục cuộc sống của mình là chưa đủ. Dấu vết của tội lỗi đôi khi đọng lại trong tâm hồn và gây thêm đau đớn nếu chúng ta không nỗ lực một cách ý thức để đền bù tội lỗi của mình.
Điều này có nghĩa là gì? Không phải là Thiên Chúa ngăn cản ân sủng hoặc tình yêu của Ngài đối với chúng ta trừ phi chúng ta cố tình làm điều đó đối với Ngài. Đền tội là vì lợi ích của chúng ta. Đó là chúng ta tự nguyện chọn để thực hiện sự hy sinh hoặc hãm mình vì lòng yêu mến Chúa cách chân thành. Việc đền tội là một cách thế chúng ta chứng tỏ qua hành động rằng chúng ta hết sức hối hận về tội lỗi của mình.
Về phần mình, tôi đã quyết tâm đọc Kinh Chuỗi Máu Châu Báu Chúa Giêsu vào mỗi Thứ Sáu với ý hướng đền bù cho tội lỗi của tôi. Đây cũng là cách thế để tôi suy niệm về những mầu nhiệm tình yêu của Chúa Kitô dành cho tôi, đồng thời dành thêm thời gian trong ngày để bày tỏ tình yêu tôi dành cho Người.
5. Phục hồi
Cuối cùng, Thiên Chúa muốn chúng ta được phục hồi hoàn toàn về tình trạng trọn vẹn. Chúng ta càng mở lòng để cho Thiên Chúa chữa lành những vết thương và lấp đầy lỗ hổng trong tâm hồn chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta càng phản chiếu hình ảnh của Ngài; và khi càng kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta càng lớn lên trong sự thánh thiện. Sự phục hồi là tiến trình qua đó Thiên Chúa cắt tỉa và thanh luyện chúng ta, đôi khi điều này gây đau đớn trước khi được chữa lành, và sự đau đớn là do hành vi tiêu cực và những tật xấu đã ăn sâu nơi chúng ta gây ra.
Sự cắt tỉa đôi khi tạo cảm giác giống như là một hình phạt, nhưng thực ra, đó là cách thế đầy lòng thương xót của một người Cha, Đấng luôn mong muốn khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu cho chúng ta. Chúng ta phải cho phép mình có thời gian và không gian để Thiên Chúa làm mới tâm hồn và cuộc sống của chúng ta theo cách mà Ngài biết là cần thiết để sự phục hồi đó xảy ra. Để rồi, chúng ta lại trở thành kiệt tác mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành.
***
Trên hành trình cuộc đời, ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng sự bất toàn gắn liền với số phận của con người. Nhưng, khác ở chỗ là sau những vấp ngã, sai phạm, chúng ta chọn cách hành xử với chính mình, với người khác, và với Thiên Chúa như thế nào. Xin cho chúng ta biết ngoan nguỳ trước tình yêu tha thứ và ân sủng chữa lành của Thiên Chúa, vì biết rằng, giống như trải nghiệm của Thánh Augustinô: Chúa dựng nên con, không cần có con, nhưng Chúa chẳng thể cứu chữa con, nếu không có sự đồng ý của con!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicdigest.com
bài liên quan mới nhất
- Bừng sáng Tình Yêu
-
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện -
Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu -
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19