Năm Bài Giảng trong Tin Mừng Mátthêu
TGPSG -- Mỗi thánh sử miêu tả Đức Giêsu cách khác nhau: Máccô nhìn Đức Giêsu là một Con Người (Son of Man); Mátthêu: Vua người Dothái (King of Jews); Luca: Đấng Cứu Độ trần gian (Saviour of World); Gioan: Con Thiên Chúa (Son of God).
Vua thì phải có: nước, thần dân, và luật pháp. Mở đầu Cựu Ước là năm cuốn sách Luật, gọi là Ngũ Kinh. Mở đầu Tân Ước là Tin Mừng Mátthêu với năm bài giảng của Đức Giêsu. Điều này cho thấy thánh Mátthêu đã cố tình đưa độc giả của mình đến một nhận định so sánh đối chiếu giữa: Luật cũ và Luật mới, Luật của Môsê và Luật của Đức Giêsu. Thánh Mátthêu nhấn mạnh: Đức Giêsu đến để kiện toàn, chứ không hủy bỏ Lề Luật.
Năm Bài Giảng được thánh Mátthêu sắp xếp thật tài tình giữa những việc Đức Giêsu làm và những lời Đức Giêsu dạy, như một chiếc bánh mì kẹp thịt năm tầng mà thánh Mátthêu đã dọn ra và kêu mời chúng ta đến thưởng thức:
(1) Bài Giảng Trên Núi (chương 5 đến 7) được theo sau phần trình thuật những việc Đức Giêsu đã làm để Công Bố Nước Trời. Bài giảng này cho thấy cung cách hành xử của người công dân Nước Trời phải như thế nào: sống các mối phúc; bố thí, cầu nguyện, ăn chay kín đáo; không xét đoán, muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm cho người ta, phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa…
(2) Bài Giảng về Sứ Mạng Truyền Giáo (chương 10) được theo sau phần trình thuật những việc Đức Giêsu đã làm để rao giảng Nước Trời. Bài giảng này cho thấy: một khi đã gia nhập vào vương quốc của Thiên Chúa, thì việc đầu tiên phải làm là thi hành sứ mạng truyền giáo, như Đức Giêsu đã sai mười hai Tông Đồ đi rao giảng, tiên báo những cuộc bách hại, đừng sợ: hãy nói giữa ban ngày, từ bỏ chính mình để theo Chúa…
(3) Bài Giảng bằng Dụ Ngôn (chương 13) được theo sau phần trình thuật những việc Đức Giêsu đã làm để mặc khải Mầu Nhiệm Nước Trời. Bài giảng này cho thấy: một niềm hy vọng tràn trề, cho dẫu, gieo 4 hạt, thì chỉ có 1 hạt vào đất tốt, nhưng, một hạt sẽ thu được 30, 60, và 100; Nước Trời như hạt cải bé nhỏ, nhưng, sẽ thành cây cao bóng cả; lúa tốt và cỏ lùng, cá tốt và cá xấu lẫn lộn với nhau, nhưng, đừng lo, hãy kiên nhẫn chờ đợi…
(4) Bài Giảng về Hội Thánh (chương 18) được theo sau phần trình thuật những việc Đức Giêsu đã làm để chuẩn bị cho Hội Thánh như bước khởi đầu của Nước Trời. Bài giảng này cho thấy: những kẻ bé mọn là những người lớn trong Nước Trời, đừng làm cớ cho những kẻ bé mọn sa ngã, tìm chiên lạc, sửa lỗi, tha thứ cho nhau…
(5) Bài Giảng về Thời Cánh Chung (chương 24 đến 25) được theo sau phần trình thuật những việc Đức Giêsu đã làm để tuyên bố Nước Trời: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Bài giảng này cho thấy: những cơn đau đớn khởi đầu, khốn khổ tại Giêrusalem, cuộc quang lâm của Con Người, hiện tượng của ngày quang lâm, các dụ ngôn về canh thức sẵn sàng, cuộc phán xét chung…
Thánh Mátthêu nhìn Đức Giêsu là Vua người Do Thái, ngài nhắc đến Cựu Ước nhiều hơn các sách Tin Mừng khác: có đến 29 lần trích dẫn được lấy trực tiếp từ Cựu Ước, và 121 lần ám chỉ đến Cựu Ước. Chỉ riêng trong trình thuật Giáng Sinh, cụm từ “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ…” xuất hiện đến 13 lần.
Trong Vương Quốc của Thiên Chúa, chúng ta không chỉ là thần dân, mà còn là con cái của Cha trên trời. Vua của Vương Quốc cũng là Cha của chúng ta. Mátthêu nhắc đến “Cha” đến 44 lần, trong khi, Máccô chỉ có 4 lần, còn Luca thì 17 lần. Chúng ta phải ý thức rằng: chúng ta vừa là thần dân, vừa là con cái trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền, chứ không như nô lệ khiếp sợ ông chủ hà khắc.
Năm Bài Giảng của Đức Giêsu được thánh Mátthêu xen kẽ giữa việc làm và lời dạy của Người. Điều này cho chúng ta thấy: nếu chúng ta chỉ chú ý đến những việc phải làm khi ở trong Vương Quốc của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên kiêu ngạo như những người Pharisêu, chỉ chăm chăm giữ luật, mà quên mất tình yêu: tự biến mình thành nô lệ không bao giờ dám trái lệnh Cha như người con cả, mà quên mất ơn cứu độ là ơn hoàn toàn nhưng không, không do công trạng của chúng ta, nhưng, do bởi tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Cha trên trời.
Bài: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Mở Đạo Kontum (Phiên Bản Mới)
-
Giêrusalem quan trọng thế nào với Thánh Luca? -
Tước hiệu “Chúa” (Κύριος) trong Tin Mừng Luca -
Hiểu thế nào về “Missio” - Truyền Giáo? -
Làm thế nào để có bài giảng thú vị? -
Tên của 4 nữ tu được đặt cho 4 tiểu hành tinh -
Huy hiệu giám mục của Đức Giám mục phụ tá tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh (05/10/2024) -
Tại sao các Lời Nguyện hầu hết đều cầu xin Chúa Cha? -
Khi Đức Giáo hoàng Piô XII gặp cha đẻ của thuyết Big Bang -
Giáo xứ Tam Hải: Sự hình thành và phát triển của Giáo lý Viên
bài liên quan đọc nhiều
- Kỷ niệm đẹp về Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung
-
Đức Thánh Cha giải thích tại sao Giáo hoàng lại mặc áo màu trắng -
Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ -
Khai sinh bộ lễ Seraphim, bài Thương khó và Mừng Vui lên (Exsultet) tại Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt -
Vì sao có lời dịch Thánh Giuse là "Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ"? -
Hội Thừa Sai hải ngoại Paris là ai? -
Sách mới về cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô -
FABC: Kho tàng bị chôn giấu của Vatican II tại Châu Á -
Huy hiệu giám mục của Đức Giám mục phụ tá tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh (05/10/2024) -
Khóa học thứ 18 về Trừ tà và cầu nguyện giải thoát khỏi ma quỷ