Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 2)
2. NGHỆ THUẬT NÓI CHUNG VÀ SỰ THÁNH THIÊNG
Từ “nghệ thuật” trong nguyên ngữ La-tinh (ars) vừa diễn tả một khả năng sáng tạo của con người, vừa được dùng để chỉ những kết quả do khả năng ấy tạo ra. Khi phát huy nghệ thuật cùng với các ngành khác như triết học, sử học, toán học, sinh vật học, v.v., con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại để đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán có giá trị phổ quát.
Chân, thiện, mỹ, liên kết chặt chẽ với nhau, và trên bình diện hữu thể cả ba chỉ là một. Tất cả những gì chân thật và tốt lành đều đẹp. “Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý đi đôi với việc thực thi điều thiện. Cũng vậy, chân lý đem lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Chân lý tự nó là đẹp”. Theo một nghĩa nào đó, cái đẹp là biểu hiện hữu hình của sự thiện, còn sự thiện là điều kiện siêu hình của cái đẹp.
Trong Sứ điệp gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc công đồng Vaticanô II, các nghị phụ đã khẳng định: “Thế giới chúng ta sống ngày nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp cũng như chân lý mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa trái quí giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ thông cảm nhau khi thán phục nhau”. Các nghệ sĩ: thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, diễn viên, là “những người say mê và phục vụ cái đẹp”.
Theo Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, chân lý thường được diễn tả bằng lời nói, một sự diễn tả hữu lý của nhận thức về thực tại. Nhưng chân lý cũng có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau để bổ túc cho nhau, nhất là khi vấn đề phải gợi lên lại bao hàm những điều khôn tả, những điều sâu thẳm của trái tim con người hay những điều huyền nhiệm của Thiên Chúa. Trước khi tự mạc khải cho con người bằng những lời chân lý, Thiên Chúa đã mạc khải cho họ qua ngôn ngữ hình ảnh là công trình tạo dựng với tất cả vẻ đẹp và trật tự hài hòa, “vì chính Đấng Tạo Hóa mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13,3).
“Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Tạo Hóa bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn mọi nhu cầu sinh tồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo (x. Kn 7,17), để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và bằng tai nghe. Như vậy nghệ thuật bao hàm một sự tương tự nào đó với hoạt động của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý về vạn vật và lòng yêu mến vạn vật. Cũng như bất cứ hoạt động nào khác của con người, nghệ thuật không có mục đích tuyệt đối nơi chính nó, nhưng được qui hướng về con người và trở nên cao quí nhờ mục đích tối hậu là con người”.
Đặc biệt trong Thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ, chúng ta đọc thấy như sau: “Bởi đó Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ sĩ. Chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật ấy mà hơn bao giờ hết con người cho thấy mình giống Thiên Chúa. Con người hoàn thành nhiệm vụ này xuất sắc nhất là khi uốn nắn chất thể kỳ diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương, Nhà Nghệ Sĩ thần linh đã chuyển giao cho người nghệ sĩ nhân loại một chút óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền sáng tạo của mình”.
“Mọi trực giác nghệ thuật chính hiệu đều vượt xa những gì giác quan nhận biết và một khi đã lọt được tới cái nằm đằng sau bộ mặt của thực tại, nó sẽ cố gắng giải thích mầu nhiệm kín ẩn của thực tại ấy. Bản thân trực giác này cũng nảy sinh từ nơi thẳm sâu của linh hồn con người, nơi đó ta gặp thấy con người đang khát khao tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình, đồng thời thoáng thấy vẻ đẹp cũng như sự thống nhất diệu kỳ của mọi sự. Người nghệ sĩ nào cũng nghiệm thấy có một khoảng cách không sao vượt qua được giữa tác phẩm do tay mình làm ra, dù có thành công đến đâu, và vẻ đẹp tuyệt vời mà mình đã thoáng thấy trong một lúc được cảm hứng sáng tác: những gì họ cố gắng diễn tả qua tranh vẽ, tượng điêu khắc, tác phẩm sáng tác, đều chẳng hơn gì một tia sáng phát ra từ ánh sáng đã từng lóe lên trước đôi mắt tinh thần của họ trong một khoảnh khắc nào đó”.
“Mọi hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy, đó chính là một phương cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin, cho kinh nghiệm sống của con người có được ý nghĩa cuối cùng của nó. Đó chính là lý do giải thích tại sao chân lý trọn vẹn của Tin Mừng ngay từ đầu đã có sức khơi dậy sự quan tâm thích thú của các nghệ sĩ, những người do bản tính tự nhiên vốn rất nhạy cảm trước các sự “hiển lộ” của cái đẹp bên trong các sự vật”.
“Để truyền đạt sứ điệp mà Đức Kitô giao cho mình, Giáo Hội cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật có nhiệm vụ làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa, trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay. Bởi đó, nghệ thuật phải chuyển dịch những gì tự chúng vốn không thể diễn tả được thành những ngôn từ có ý nghĩa. Nghệ thuật có một khả năng độc đáo là lấy một mặt này hay một mặt khác của sứ điệp, rồi chuyển dịch thành một cái gì đó có màu sắc, hình dáng và âm thanh, để nuôi dưỡng trực quan của những người đến xem hay đến nghe. Nghệ thuật làm việc này không phải bằng cách đánh mất đi giá trị siêu việt và hào quang mầu nhiệm của sứ điệp”.
“Cái đẹp là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế cái đẹp của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người say mê cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới; con yêu Chúa quá muộn màng” (Tự thuật 10,27)”.
Qua các giáo huấn trên đây của Giáo Hội chúng ta thấy giữa nghệ thuật và sự thánh thiêng có một mối tương quan chặt chẽ với nhau. Trước hết, có thể nói trong nghệ thuật có hàm chứa một chiều kích thánh thiêng, vì nó phản ánh hành động sáng tạo đầy huyền nhiệm của Thiên Chúa. Chắc hẳn vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dám khẳng định rằng chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà hơn bao giờ hết con người cho thấy mình giống Thiên Chúa.
Tiếp đến, tất cả mọi hình thức nghệ thuật chân chính đều được coi như phương tiện để diễn tả các thực tại thánh thiêng, vượt trên thế giới vật chất này. Quả thế, mọi nghệ thuật đều vượt trên cái thực tại trước mắt, biến đổi thực tại sống, đem lại luồng sinh khí mới cho vật chất mà nó uốn nắn, dẫn đưa con người vào những chiều kích sâu thẳm của con người và thế giới, mà con người chỉ biết chiêm ngưỡng với lòng say mê. Nó bắt buộc con người phải luôn chuyển động trong những gì đã biết và trong sự khám phá liên lỉ thế giới huyền nhiệm và đầy ắp ý nghĩa đối với con người.
Cuối cùng, cũng trong chiều hướng ấy nhưng đẩy xa hơn nữa, nghệ thuật phục vụ cái thánh thiêng vì nó dẫn đưa con người vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa là huyền nhiệm trên mọi thứ huyền nhiệm khôn tả; nó gợi nhớ Thiên Chúa như nguồn cảm hứng và mời gọi con người vượt qua cái hữu hình đang phô bày trước mắt để nhìn thấy dấu ấn của chính Thiên Chúa như Đấng đang phả hồn vào tác phẩm nghệ thuật. Mọi nghệ thuật chân chính, cho dù không thể hiện các đề tài tôn giáo, vẫn có thể được coi như một chiếc cầu nối liền với kinh nghiệm tôn giáo, bởi vì sự tìm kiếm vẻ đẹp và công trình của trí tưởng tượng trong nghệ thuật có thể được coi như một lời đáp trả tiếng gọi của thực tại thánh thiêng. Các tác phẩm nghệ thuật giúp chúng ta cảm nghiệm được một điều gì đó của mầu nhiệm Thiên Chúa. Có thể nói một nghệ sĩ đích thực tự thâm tâm luôn là một người tôn giáo, cho dù ông ta rất ít khi thực hành.
Cuối cùng, tính thánh thiêng của nghệ thuật đã tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và nghi thức tôn giáo: nghệ thuật được dùng để diễn tả điều mà các nghi thức không diễn tả được. Mối liên hệ này có thể được tìm thấy nơi tất cả các nền văn minh trên thế giới. Không phải là táo bạo khi nói rằng nghệ thuật ngay từ thời cổ đại đã là phương tiện liên lạc giữa con người và thế giới thần linh, như các đền đài, ảnh tượng, thi ca, vũ điệu, nơi các tôn giáo cổ xưa đã làm chứng.
bài liên quan mới nhất
- Tượng Đức Mẹ khổng lồ và đầy xúc cảm tại Nagasaki
-
“Chúa Giêsu không nhà” đến Vatican -
Giới thiệu sách “Nghệ thuật Công giáo - tập 1” -
Ủy ban Nghệ Thuật Thánh: Hội thảo chuyên đề -
14 Chặng đàng Thánh giá bằng đồng tại Rôma -
Đôi điều về Pietà của Michelangelo (1) -
Nghệ nhân quốc gia, điêu khắc Duy Chinh với giải Bàn Tay Vàng
bài liên quan đọc nhiều
- Giới thiệu sách “Nghệ thuật Công giáo - tập 1”
-
Tượng Đức Mẹ khổng lồ và đầy xúc cảm tại Nagasaki -
Nghệ nhân quốc gia, điêu khắc Duy Chinh với giải Bàn Tay Vàng -
Đôi điều về Pietà của Michelangelo (1) -
14 Chặng đàng Thánh giá bằng đồng tại Rôma -
Ủy ban Nghệ Thuật Thánh: Hội thảo chuyên đề -
“Chúa Giêsu không nhà” đến Vatican