Giới thiệu sách “Nghệ thuật Công giáo - tập 1”
Uỷ Ban Nghệ Thật Thánh:
Giới thiệu sách “Nghệ thuật Công giáo-tập 1” (*)
Ngày 14 tháng 9 vừa qua, trong Hội thảo chuyên đề “Nghệ Thuật Thánh”, do Ủy ban Nghệ Thuật Thánh (UBNTT) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) tổ chức, cuốn sách “Nghệ thuật Công giáo-tập 1” vừa xuất bản của nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng đã được giới thiệu, và đã được Đức Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi (Chủ tịch UBNTT) dùng làm quà tặng cho các đại biểu trong hội thảo…
Đây là cuốn sách rất đáng để tham khảo.
Ở đây, thay lời giới thiệu, xin đăng lại “Lời nói đầu” in trong sách của tác giả Nguyên Hưng. Qua “Lời nói đầu” này, chúng ta có thể hiểu được ít nhiều về giá trị, ý nghĩa và một số đặc điểm của sách…
Bìa sách
“Lịch sử nghệ thuật Công giáo đã có chiều dài gần 20 thế kỷ; trong đó, một thời gian rất dài, khoảng từ thế kỷ thứ III cho đến thế kỷ thứ XVIII, nghệ thuật Công Giáo là dòng chủ lưu, thậm chí, ít nhiều đồng nhất với nghệ thuật Tây phương nói chung. Hầu hết những tác phẩm lớn, từ hội họa đến điêu khắc và kiến trúc, nếu không gắn liền với cảm hứng từ Cựu Ước và Tân Ước thì cũng được Giáo hội bảo trợ; tư tưởng mỹ học của nghệ thuật Công giáo ảnh hưởng, với những độ đậm nhạt khác nhau, lên hầu hết các trào lưu mỹ thuật Tây phương suốt từ thời trung cổ đến thời sơ kỳ hiện đại, từ nghệ thuật Romanesque và Gothic đến nghệ thuật Phục hưng và Baroque. Từ thế kỷ XIX, trong khi ảnh hưởng của nghệ thuật Công giáo giảm dần ở Tây phương thì nó lan rộng và ăn sâu vào nghệ thuật của vô số quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á và châu Phi, trước hết theo con đường thực dân hóa và sau, theo con đường toàn cầu hóa.
Bởi vậy, có thể nói, nghệ thuật Công giáo là một hiện tượng toàn cầu. Đó là tài sản của nhân loại và là một trong những thành tựu xuất sắc nhất mà con người đã đạt được trong lịch sử. Việc tìm hiểu nghệ thuật Công giáo, do đó, không đơn giản thuộc phạm vi của đức tin mà rộng hơn, thuộc phạm trù tri thức và thẩm thức. Hầu như bất cứ người nào yêu nghệ thuật và tò mò về lịch sử nghệ thuật thế giới, hoặc ít nhất, nghệ thuật Tây phương, cũng đều quan tâm đến nghệ thuật Công giáo. Có thể nói, không hề sợ khoa trương, thiếu kiến thức về nghệ thuật Công giáo, sự hiểu biết của chúng ta về nghệ thuật nói chung, sẽ bị hụt hẫng hẳn đi - cũng như nói về hội họa và điêu khắc mà quên đi những tên tuổi lớn như Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphel (riêng hai người sau thì gắn cả sự nghiệp vào các sinh hoạt mỹ thuật của Giáo hội).
Điều đáng tiếc là, ở Việt Nam, trong mấy chục năm vừa qua, do nhiều nguyên nhân, khách quan cũng như chủ quan, nghệ thuật Công giáo chưa bao giờ được quan tâm đúng mức. Và đúng cách. Do đó, ngộ nhận rất phổ biến; thậm chí, nhiều người không hề nghĩ đến sự tồn tại của nó.
Cuốn sách này, bởi vậy, có thể được xem là bước đầu chạm lại nghệ thuật Công giáo.
Chạm lại, bằng cách điểm lại một số tác phẩm tiêu biểu của một số tác giả tiêu biểu ở một số chủ đề tiêu biểu của nghệ thuật Công giáo.
Là bước đầu, cuốn sách này dĩ nhiên không thể tránh khỏi khuyết điểm. Tôi hy vọng, một đề tài lớn lao và thú vị như thế này sẽ được tiếp tục và ngày càng được đào sâu hơn nữa. Trong tương lai.”
Uỷ Ban Nghệ Thật Thánh
…….
(*) Sách dày 182 trang, khổ 19 x 29 cm, in 4 màu trên giấy couche, với nhiều hình ảnh đẹp…
Sách hiện đang được bán tại Nhà sách Đức Mẹ dòng Chúa Cứu Thế-38 Kỳ Đồng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08). 3843 9540-3843 8607
Giá bìa: 180.000đ
Một số trang trong sách:
bài liên quan mới nhất
- Tượng Đức Mẹ khổng lồ và đầy xúc cảm tại Nagasaki
-
“Chúa Giêsu không nhà” đến Vatican -
Ủy ban Nghệ Thuật Thánh: Hội thảo chuyên đề -
14 Chặng đàng Thánh giá bằng đồng tại Rôma -
Đôi điều về Pietà của Michelangelo (1) -
Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 2) -
Nghệ nhân quốc gia, điêu khắc Duy Chinh với giải Bàn Tay Vàng
bài liên quan đọc nhiều
- Tượng Đức Mẹ khổng lồ và đầy xúc cảm tại Nagasaki
-
Nghệ nhân quốc gia, điêu khắc Duy Chinh với giải Bàn Tay Vàng -
Đôi điều về Pietà của Michelangelo (1) -
14 Chặng đàng Thánh giá bằng đồng tại Rôma -
Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 2) -
Ủy ban Nghệ Thuật Thánh: Hội thảo chuyên đề -
“Chúa Giêsu không nhà” đến Vatican