Lời nhắn nhủ của Đức Mẹ ở Akita – Nhật Bản
TGPSG / Aleteia -- Những tỏ lộ của Đức Mẹ ở Akita, Nhật Bản, rất ít được biết đến, cho dù mới diễn ra gần đây thôi và đã được Đức Cha Gioan Ito của giáo phận đó công nhận. Đặc điểm ở đây là: sứ điệp thánh thiêng không tỏ lộ cho một người ‘sáng mắt’, mà cho một người ‘sáng tai’ rất đơn độc.
Nếu nói về Akita, dám đoan chắc là kể cả trong giới Công giáo, cái tên đó chẳng gợi lên điều gì cả, có chăng là tên của một giống chó nổi tiếng vì lòng trung thành và gắn bó với chủ.
Tuy nhiên, từ ngày 12-6-1973 đến 15-9-1981, lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Akita chính là nơi đã diễn ra một loạt, không phải "hiện ra" như đôi khi người ta nói cách sai lạc, mà là những hiện tượng thần bí, kèm theo những sứ điệp được gởi gắm cho một tập sinh dòng Nữ Tì Thánh Thể, sơ Agnès Sasagawa Katusuko, cảnh báo thế giới và Giáo hội về một hình phạt khủng khiếp và đích đáng có thể xảy ra.
Được Đức Giám mục địa phận Gioan Ito công nhận năm 1984, và được Đức Hồng y Ratzinger - Giáo hoàng Biển Đức 16 tương lai - đánh giá là kế tục sứ điệp Fatima, những tỏ lộ ở Akita tuy vậy vẫn không tạo được nhiều tiếng vang, không hẳn chỉ là vì diễn ra ở chốn xa xôi.
Một người con của thời chiến
Nước Nhật luôn là mảnh đất của Mẹ Maria, cho dẫu bị cản trở hồi thế kỷ 16 bởi sự bách hại trước sự lan rộng nhanh chóng của đạo Công giáo trên quần đảo Nhật Bản.
Nhiều lần hiện ra của Đức Mẹ hồi cuối thế kỷ 19, đã được Giáo Hội công nhận, khi một kitô hữu bị giam cầm và chịu tử đạo được Đức Mẹ tới an ủi trong tù.
Năm 1948, Hội đồng Giám mục Nhật đã dâng hiến nước này cho Trái Tim Vô Nhiễm Maria, như Đức Mẹ đã yêu cầu vào năm 1917 ở Bồ Đào Nha và cho thấy sự cảnh báo của Mẹ nghiêm túc tới mức nào ở một quốc gia vào tháng Tám 1945 đã bị cú đúp trời giáng của hai trái bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki - thành phố thứ hai này là một tổng giáo phận công giáo.
Sinh năm 1931 trong một gia đình theo Phật giáo, cô Sasagawa Katusuko là một người con của thời chiến và của thảm họa kép, khắc ghi đậm nét trên nhiều thế hệ.
Là nạn nhân ở tuổi vị thành niên với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể giết chết cô, hay nhẹ nhất là làm cô bị liệt, cô gái trẻ này lại được lành bệnh như một phép lạ khiến cô quyết định xin rửa tội theo Công giáo và cống hiến cuộc đời mình cho công cuộc truyền giáo và giảng dạy giáo lý.
Hỡi ôi, vào tháng Ba 1973, cô gái mang tên thánh là Agnès ấy bỗng nhiên lại mắc bệnh và bị điếc hoàn toàn, điều này khiến cô không thể giảng dạy được nữa...
Thế nhưng, không để mình bị số phận trớ trêu hạ gục, người nữ 42 tuổi đó, trong lúc vẫn học cách đọc nhờ nhìn vào môi người khác và làm chủ được ngôn ngữ ra dấu từ bàn tay, đã xin vào dòng Nữ Tì Thánh Thể - một hội dòng sẵn sàng đón nhận cô - bất chấp tuổi tác và khuyết tật của cô. Cô vào dòng ngày 12-5-1973, ngay trước lễ mừng Đức Mẹ Fatima.
Giọng nói của Đức Mẹ
Một tháng sau, trong đêm 12 rạng ngày 13-6, sơ Agnès, đang cầu nguyện trước Nhà Tạm, thì thấy phát ra từ đó một luồng ánh sáng chói chang.
Ngày 28-6, sơ thấy đau kinh khủng trên bàn tay trái: một vết thương dưới dạng một dấu nung hình thánh giá xuất hiện trên bàn tay này từ ngày 6-7; và vết thương đó có liên quan đến bức tượng Đức Bà của các dân tộc - được một nghệ sĩ địa phương chạm khắc cho tu viện trước đó mười năm; hình bức tượng này ở Amsterdam đã từng gây nhiều tranh cãi vì những cuộc hiện ra bắt đầu từ năm 1945, gây chú ý do Đức Mẹ nói nhiều điều, khiến người ta tốn biết bao nhiêu giấy mực.
Dù đã từng gây tranh cãi như thế, bản thân bức tượng này không quan trọng; điều đáng nói là vết thương chảy máu của vị nữ tu lại tỏa ra một mùi hương êm dịu, đồng thời hương thơm ấy cũng tỏa ra nơi bức tượng Đức Bà bằng gỗ, dù mùi hương đó không phải là mùi hương của loại gỗ địa phương này. Hiện tượng này không chỉ một mình sơ Agnès nhìn thấy.
Gần như cùng thời điểm, sơ tập sinh này, bị điếc từ nhiều tháng nay, lại nghe thấy rõ ràng giọng của Đức Mẹ hứa với sơ sẽ chữa lãnh cho sơ - sự lạ này đã được thực hiện một phần sau đó ít lâu, và sau 9 tháng thì sơ đã hoàn toàn nghe được - và Đức Mẹ yêu cầu sơ, trong khi chờ đợi được lành bệnh, hãy dâng hết những đau khổ vì bệnh điếc và những đau đớn do dấu nung trên tay, “để đền bù tội lỗi của nhân loại".
Sứ điệp ngày 3-8
Sứ điệp đầu tiên này được tiếp nối bằng một sứ điệp thứ hai, ngày 3-8, rõ ràng hơn:
"Đức Mẹ nói với sơ Agnès: Hỡi con gái của Mẹ, hỡi sơ tập sinh của Mẹ, con có yêu mến Thiên Chúa không? Vậy thì hãy nghe những gì Mẹ nói với con đây vì điều này rất quan trọng. Trên thế gian này có quá nhiều người làm Chúa sầu khổ. Mẹ muốn có những linh hồn an ủi Chúa. Để làm dịu cơn thịnh nộ của Chúa Cha trên trời, Mẹ chờ đợi, cùng với Con Mẹ là Đức Giêsu Kitô, chờ mong những linh hồn đền tội bằng những đau khổ và tinh thần từ bỏ, thay cho những kẻ tội lỗi và những kẻ bội bạc.
Chúa Cha chuẩn bị trừng phạt nhân loại để họ biết cơn thịnh nộ của Ngài đối với thế gian này. Cùng với Con của Mẹ, Mẹ đã can thiệp rất nhiều lần để làm dịu cơn thịnh nộ của Chúa Cha. Mẹ đã ngăn chặn những tai ương khi cùng với tất cả những linh hồn nạn nhân đang an ủi và dâng lên Chúa Cha những đau đớn mà Chúa Con phải chịu trên Thánh giá, dâng lên Máu và Linh Hồn tràn đầy tình yêu của Chúa Con. Cầu nguyện, đền tội, từ bỏ tội lỗi và can đảm hy sinh, tất cả đều có thể làm dịu cơn thịnh nộ của Chúa. Mẹ cũng yêu cầu điều đó với cộng đoàn của con: phải sống trong nghèo khó, thánh hóa bản thân và cầu nguyện để sửa chữa những bội bạc và xúc phạm của rất nhiều người."
Ngày 13-10 tiếp theo, kỷ niệm ngày diễn ra phép lạ mặt trời xoay ở Fatima, Đức Mẹ đã loan báo một thảm họa chưa có tiền lệ, cùng lúc với một cuộc khủng hoảng khủng khiếp trong Giáo Hội trong đó ma quỷ sẽ ra tay; rồi từ ngày 4-1-1975 đến ngày 15-9-1981, tượng Đức Mẹ đã chảy nước mắt tới 101 lần.
Thảm họa chưa xảy ra. Điều này khiến chúng ta tin rằng những linh hồn hối cải, trong đó có nhiều linh hồn ngoài kitô giáo xao xuyến vì những giọt lệ của Đức Mẹ -những giọt lệ khó chảy ra trong một nền văn hóa mà khóc nơi công cộng được xem là sự khiếm nhã khó tin - có lẽ đã chạm đến trái tim của Chúa Cha. Chính vì vậy mà ngày xưa, trước sự bất bình của ông Giôna, "Ninivê, thành phố lớn" đã không bị phá hủy.
bài liên quan mới nhất
- Nét đẹp của giờ kinh Mân côi
-
Bảy loài hoa trong Ca vãn cổ truyền dâng hoa Đức Bà -
Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 - Đón nhận tính dễ bị tổn thương -
Đức Mẹ Hồn xác lên Trời -
Đức Trinh Nữ Maria có giọng nói như thế nào ? -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 10 - Nhận biết những nhu cầu -
Cầu nguyện với Nữ Vương Hòa Bình tại Sài Gòn -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 09 - Được người cao niên chúc phúc -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 08 - Suy đi nghĩ lại trong lòng
bài liên quan đọc nhiều
- Mười cách để nhận biết Đức Maria là Mẹ của chúng ta
-
Đức Mẹ sông Mê-Kông: Hương thơm đồn xa -
Niềm Vui Cùng Mẹ Maria đón mừng Chúa Giáng Sinh -
Đức Mẹ hồn xác lên trời & Đức Mẹ ngủ -
Hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu -
“Hãy để Mẹ ngủ” là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích -
Ngày Đức Mẹ hiện ra ở Mỹ -
Mẹ Maria dạy ta cách cầu nguyện -
Tràng Chuỗi Mân Côi của Má -
Đọc kinh Mân Côi liên gia, nối kết tình nghĩa gia đình, bà con lối xóm