Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ

Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ

Solemnity of Christ the King
Reading I: 2 Samuel 5:1-3 II: Colossians 1:12-20

Lễ Chúa Kitô Vua
Bài Đọc I: 2 Samuel 5:1-3 II: Colossians 1:12-20

Gospel
Luke 23:35-43

35 And the people stood by, watching; but the rulers scoffed at him, saying, "He saved others; let him save himself, if he is the Christ of God, his Chosen One!"

36 The soldiers also mocked him, coming up and offering him vinegar,

37 and saying, "If you are the King of the Jews, save yourself!"

38 There was also an inscription over him, "This is the King of the Jews."

39 One of the criminals who were hanged railed at him, saying, "Are you not the Christ? Save yourself and us!"

40 But the other rebuked him, saying, "Do you not fear God, since you are under the same sentence of condemnation?

41 And we indeed justly; for we are receiving the due reward of our deeds; but this man has done nothing wrong."

42 And he said, "Jesus, remember me when you come into your kingdom."

43 And he said to him, "Truly, I say to you, today you will be with me in Paradise."

Phúc Âm
Luca 23:35-43

35 Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô, của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!"

36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống

37 và nói: "Nếu ông là vua dân Dothái thì cứu lấy mình đi !"

38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Dothái".

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!"

40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!

41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!"

42 Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!"

43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng".Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

Interesting Details

• The reading for today's feast is not of Jesus' triumphal entry into Jerusalem where He was greeted like a king. Today's passage pointedly serves as an indication that Jesus' kingship is one of love and sacrifice, not of power and domination.

• (v.35) Jesus' enemies propose that if He is the "Son of God," He can save Himself and will not die. In contrast, because He is truly "Son of God," Jesus will die in obedience to God's will.

• (v.35) "save yourself": the challenge by Jesus' enemies echoes the temptation of Satan. In both instances, Jesus is urged to defy death and to avoid the cross. But in both instances, Jesus is victorious.

• The mocking, ironically, proclaims the truth about Jesus and His identity: The Christ of God, the Chosen One, the King of the Jews and the Savior of the people.

• (v.42) "when you come into your kingdom": These words imply that the repentant criminal expected Jesus to reign after death. He had been given some revelation that the dying Jesus was truly a king and can dispense the pardon and mercy, which only a king can. In Luke, he was the last person that Jesus talked to before He died.

Chi Tiết Hay

• Bài Phúc Âm Lễ Chúa Kitô Vua hôm nay không phải là bài kể lại việc Chúa Giê-su vào thành Giêrusalem và được đón tiếp như một vị Vua. Nhưng việc dùng bài đọc hôm nay cho thấy rằng vương vị của Chúa Giê-su là tình yêu và hy sinh chứ không phải là quyền lực và thống trị.

• (c. 35) Kẻ thù của Chúa Giê-su thách thức rằng nếu Ngài là "Con Thiên Chúa", thì có thể tự cứu sống mình và sẽ không chết. Nhưng ngược lại, bởi vì Ngài chính thực là "Con Thiên Chúa" nên Chúa Giê-su sẽ chịu chết trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.

• (c. 35) Sự thách đố của kẻ thù của Chúa Giê-su giống như sự thách đố của Satan. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giê-su bị cám dỗ tránh né sự chết, chối bỏ thập giá. Cùng trong cả hai trường hợp, Chúa Giê-su đều chiến thắng vinh quang.

• Trớ trêu thay, khi nhạo báng Chúa Giê-su chính họ lại tuyên xưng những căn tính của Ngài: Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng Được Tuyển Chọn, Vua dân Do-Thái và Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

• (c. 42) "khi nào Ngài vê đến vương quốc của Ngài": Câu nói này chứng tỏ người gian phi sám hối đã tin tưởng Chúa Giê-su sẽ thống trị sau sự chết. Kẻ tội phạm biết hối cải này đã được tỏ cho biết là Chúa Giê-su đang chết trên thập giá chính thật là một vị Vua và Ngài có thể tha thứ và thương xót mà chỉ một vị vua đích thực mới làm được. Theo thánh Lu-ca, kẻ tội phạm này là người cuối cùng được Chúa Giê-su ban cho một lời trước khi Ngài chết trên thập giá.

One Main Point

Down through history, thousands and millions of subjects have died for their kings, but Jesus is the King who dies for us. He accepted crucifixion as the climax of the perfect obedience to His Father.

Một Điểm Chính

Xuyên qua lịch sử, đã có hàng ngàn và hàng triệu người chết cho vua của họ. Nhưng Chúa Giê-su lại là một vị Vua đã chết cho chúng ta. Ngài chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá như một sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Cha của Ngài.

Reflections

1. How do we explain the passive attitude of the people? In what ways do they resemble us?

2. How does the repentant criminal symbolize us? In what ways does he resemble us?

Suy Niệm

1. Làm sao chúng ta có thể giải thích được thái độ thụ động của quần chúng? Họ giống với chúng ta như thế nào?

2. Kẻ tội phạm biết ăn năn tượng trưng cho chúng ta như thế nào? Anh ta giống chúng ta như thế nào?

Các bài suy niệm LỄ CHÚA KITÔ VUA - C
Lời Chúa: 2Sm. 5, 1-3; Cl. 1, 12-20; Lc. 23, 35-43

 

MỤC VỤ

1. Kitô Vua.
2. Vương quốc Đức Kitô - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
3. Xin nhớ đến tôi.
4. Mở cửa về hướng tình thương.
5. Giêsu –Vua phục vụ.
6. Viên đá – McCarthy.
7. Nhân từ kêu gọi nhân từ – McCarthy.
8. Suy niệm của William Barclay.

SUY NIỆM

1. Kitô Vua.

Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái đang mong chờ một vị vua sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Lamã. Chính vì thế, sau phép lạ bánh hoá nhiều, họ đã tôn Chúa Giêsu lên làm vua, nhưng Ngài lại rút lên núi một mình.

Rồi trước câu hỏi của Philatô: Ông có phải là vua không? Chúa Giêsu chỉ đáp lại: Ông nói đúng. Và Ngài đã chết với bản án: Giêsu Nagiarét, vua dân Do Thái.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy: Ngài là một vị Vua, không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không binh đội và không bờ cõi. Một vị vua nghèo túng và khổ đau, một vị vua bị lăng nhục, bị nguyền rủa. Và đặc biệt, Ngài là một vị vua nhân hậu.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, chính vào lúc Ngài hấp hối trên thánh giá giữa những lời sỉ nhục và thách thức của các thủ lãnh và lính tráng, thì tiếng nói của anh trộm lành bất ngờ vang lên. Anh ta chấp nhận hình phạt: Chúng ta chịu như thế này thật là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm. Rồi anh tuyên xưng sự vô tội của Chúa Giêsu: Còn ông này, ông có làm điều gì trái đâu.

Điều lạ lùng hơn nữa là anh đã tuyên xưng vương quyền của Ngài, khi mà mọi sự dường như đã sụp đổ: Khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng. Trong cái nhìn của anh, thì cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là một dấu chấm hết, anh vẫn tin có ngày Ngài sẽ đến trong nước của Ngài và anh hy vọng mình sẽ được dự phần vào ngày đó.

Và Chúa Giêsu đã ban một ơn trọng đại vượt quá lòng anh mong ước: Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.

Đức giám mục Bossuet đã chú giải như sau: Hôm nay, quả là nhanh biết mấy. Ở với Ta, quả thân tình biết bao. Trên thiên đàng, quả là nơi hạnh phúc vĩnh cửu. Như thế anh trộm lành là người đầu tiên được hứa ban ơn cứu độ. Kẻ gian phi lại là người trước hết được hưởng hoa trái của cái chết trên thập giá.

Tất cả những việc ấy đều nói lên lòng nhân hậu của Vua Giêsu đối với những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Vị vua bị đóng đinh đã bắt đầu cuộc chinh phục của Ngài trên các tâm hồn. Và sau khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, thì viên đội trưởng đã nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa và đã đấm ngực ăn năn.

Chúa Giêsu là một vị vua khác thường, Ngài không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng tha thứ.

Với những hành động bác ái và yêu thương, cho dù là tầm thường và nhỏ bé, chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Đức Kitô. Mừng lễ Đức Kitô Vua, chúng ta hãy hạ bệ những thần tượng giả mạo, để cho Ngài chiếm hữu từng khoảng khắc cuộc đời, và ngự trị trong cõi lòng chúng ta.

2. Vương quốc Đức Kitô - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người thắc mắc: Giáo Hội có nhầm không? Ngày lễ Chúa làm Vua mà lại đọc bài tường thuật cái chết tủi nhục của Chúa. Thật khó hiểu.

Ta không hiểu, vì trí ta luôn vẽ ra hình ảnh một ông Vua theo kiểu trần gian. Trong khi Chúa Giêsu đã cho biết: “Nước tôi không thuộc trần gian này” (Ga 18,36). Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ba tính cách của Vương quốc Đức Kitô.

Đó là Vương quốc của lòng hiếu thảo. Thiên Chúa muốn thiết lập Vương quốc này ngay từ buổi sơ khai. Nhưng ma quỷ phá hoại bằng cách xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu xuống thế để tái lập mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với loài người. Người đã sống như một người Con Hiếu Thảo của Đức Chúa Cha. Sống kết hiệp với Đức Chúa Cha. Trong Phúc Âm, lời đầu tiên Người nói là nói về Đức Chúa Cha: “Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con ư?” (Lc 2,49). Lời cuối cùng của Người cũng hướng về Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trọn cuộc đời Người luôn thi hành thánh ý Cha, cho dù có những lúc phải đổ mồ hôi máu mới bỏ được ý riêng mình. Người đã sống đến cùng tâm tình của người con hiếu thảo. Trên thập giá, Người đã hoàn tất việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa; quy tụ những người con hiếu thảo trong nhà Cha trên trời.

Đó là Vương quốc của sự tự do. Con người rời xa Thiên Chúa rơi vào vòng tay ma quỷ. Ma quỷ trói buộc con người bằng những sợi dây nô lệ: nô lệ cho danh vọng, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho thú tính. Đức Giêsu xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ. Người cứu con người khỏi mọi thứ sợ hãi. Người giải phóng ta khỏi mọi áp lực, mọi mặc cảm. Trọn đời Người nêu gương một đời sống tự do. Thoát khỏi sự ràng buộc của của cải vật chất, Người sống như một người nghèo: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có hòn đá gối đầu” (Mt 8,20). Người đã chống lại những cơn cám dỗ về quyền lực từ ngày đầu tiên trong sa mạc cho đến phút cuối đời trên thập giá: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy biến đá thành bánh mà ăn” (Mt 4,3). “Nếu Ông là Đức Kitô, hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi sẽ tin”. Rất tự do, Người đã đi vào cái chết. Chính khi bị treo trên thập giá, thân trần trụi, mất hết mọi uy tín, danh dự, Người đã phá tung hết mọi thứ xiềng xích nô lệ, khai mạc một triều đại tự do cho con người.

Đó là Vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.

Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.

Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Đã bao giờ bạn cảm nghiệm được sự tự do hoàn toàn, không còn ham hố tiền tài, danh vọng, lạc thú chưa? Nếu có, bạn cảm thấy thế nào?

2) Hình ảnh về Vua Giêsu nghèo hèn, khiêm nhường, chịu thiệt thòi, luôn tha thứ gợi lên trong bạn tâm tình nào?

3) Tuần này bạn sẽ làm gì để Vương quốc Chúa Giêsu lan rộng tới những người chung quanh?

3. Xin nhớ đến tôi.

Suy Niệm

"Đáng lẽ tôi đã được rửa tội từ lâu, nhưng vì vấn đề gia đình và làng xóm nên chưa được. Dù vậy tôi rất ư là kitô hữu."

Đó là lời của nhạc sĩ Văn Cao trong một cuộc gặp gỡ riêng tư năm 1990. Cụ đã sung sướng khoe với mọi người như thế, và thẳng thắn nhìn nhận: "Chúng tôi đã được đào tạo, nhờ đức tin và âm nhạc kitô giáo."

"Chúng tôi" ở đây muốn ám chỉ giới trí thức và văn nghệ sĩ thế hệ của cụ. Đức tin đã thấm vào con người tài hoa ấy, và làm sản sinh những tác phẩm bất hủ. "Nếu tôi không hiểu Halêluia là gì, thì đã chẳng có bài "Làng tôi", cụ bảo vậy. Chẳng ai ngờ Văn Cao lại là con người say mê Giêsu, mà là Giêsu trên thánh giá. Từ năm 1954, cụ vẫn treo một thánh giá trước mặt.Giêsu trần trụi, Giêsu không còn gì. Nhưng đối với Văn Cao, có ai hơn Giêsu?

Bài Tin Mừng trong lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ lại đưa ta về với Chúa Giêsu trên thập giá. Chẳng lúc nào Chúa làm vua rõ bằng lúc này. "Đây là vua người Do thái", tấm bảng ghi như thế. Nhưng kiểu làm vua của Ngài thật khác thường. Không có vương miện, chỉ có vòng gai. Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê.

Bị treo trên thập giá, Đức Giêsu nghe những lời mời mọc, ngọt ngào và tinh vi như các cơn cám dỗ buổi đầu. "Nếu ông là Đức Kitô thì hãy cứu lấy mình”. “Hãy xuống khỏi thập giá" (Mt 27,40). Cứu lấy mình là điều Ngài chẳng hề nghĩ đến.
Chính vì Ngài thật là Con của Cha, nên Ngài không tự ý xuống khỏi thập giá như xưa Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ.

Đức Giêsu không muốn chúng ta tin Ngài vì những màn trình diễn ngoạn mục. Ngài muốn chúng ta tin, vì Ngài đã buông mình cho Cha, đón nhận cái chết với niềm vâng phục tín thác.

Chính vào lúc hấp hối, mọi sự tưởng như sụp đổ, vị Vua bị đóng đinh lại hé lộ vương quyền của mình cho anh trộm lành có lòng thống hối, tin tưởng. "Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." Như thế kẻ gian phi lại là người đầu tiên được ơn cứu độ nhờ cái chết thập giá của Đức Giêsu.

Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, chúng ta muốn khước từ những thần tượng giả mạo, muốn để Ngài làm vua của vũ trụ lòng mình. Chúng ta muốn đưa Ngài đi vào mọi lãnh vực cuộc sống: văn chương, khoa học, nghệ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội... Cần có đức tin mạnh mẽ mới thấy Chúa Giêsu vẫn không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Ngài bằng trăm ngàn nẻo đường bất ngờ, trong đó có nẻo đường của cụ Văn Cao và anh trộm lành.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Có người cho rằng: "Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người càng có nhiều tiện nghi vật chất, thì lòng đạo đức càng sa sút. Nước Chúa như bị thu hẹp lại." Bạn có đồng ý với nah65n xét trên không? Làm sao để tiện nghi vật chất không làm người ta xa Chúa?

• Bạn đã làm gì để Nước Chúa đến với tập thể bạn đang sống như gia đình, xứ đạo, cộng đoàn, trường học, nơi làm việc? Bạn có gặp những khó khăn khi xây dựng Nước Chúa trong môi trường sống của bạn không? 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục, nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu, nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo, thì thế giới này sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên, thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm về sự dữ trên địa cầu, có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa, dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.

Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con, và không cho chúng con được yên ổn.

Ước gì một tỉ người Công giáo chịu để Chúa chi phối đời mình và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến. Như thế vũ trụ này trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

4. Mở cửa về hướng tình thương. (Suy niệm của Achille Degeest)

Bài Phúc Âm nêu rõ ngộ nhận cơ bản ngăn cách kẻ thiển cận với Đức Giêsu. Một bên là những kẻ luẩn quẩn trong cái nhìn thuần tuý trần tục về sự vật, bên kia là những tâm hồn được Đức Kitô tác động cho nên mở rộng đến cực độ. Địch thủ của Chúa đứng ở bình diện những viễn ảnh sơ đẳng mà tước hiệu ‘Vua’ gợi ra trong trí họ. Trái lại, Đức Giêsu mở ra cho kẻ tội lỗi những viễn ảnh vô tận về một Vương quốc của tha thứ và yêu thương. Hai bình diện hoàn toàn khác biệt. Con người bị ràng buộc nặng nề vào những chân trời hạ giới, cho nên thảm trạng của Đức Kitô (cũng là thảm trạng Giáo Hội) ở chỗ rất khó đưa con người lên tới tầm cao định mệnh toàn diện và siêu nhiên của nhân loại. Bản thân Đức Giêsu là một cơ may lịch sử tặng cho con người để gặp Thiên Chúa. Thế mà trong lịch sử thời Phúc Âm và trong Giáo Hội ngày nay, chúng ta thấy gì? Một số từ chối Đức Kitô vì mắt họ vấp phải cái khía cạnh trông thấy được của Đức Kitô làm người, của Giáo Hội gồm toàn những con người với bản chất rất nhân loại. Những kẻ khác thì thích ứng, đức tin họ chỗi dậy, và nhờ được tha thứ cho những giây phút yếu đuối, họ tiến vào Nước Thiên Chúa. Chúng ta nhận xét thêm. Đứng trước nhân loại, Giáo Hội có trọng trách phải có bộ mặt giống tôn nhan Đức Kitô khiêm hạ, nghèo khổ, không vị lợi, quay về cả hai phía Thiên Chúa và con người, cho nên Giáo Hội thu hút những tâm hồn muốn tiến lên trong đức tin. Chúng ta nhấn thêm vào hai điểm trọng yếu trong bài Phúc Âm hôm nay.

1) Đức Kitô không thiết lập một triều đại thế gian có quyền năng kỳ diệu hoặc nhiều phép thần thông. Con người, nhất là kẻ không tin, rất háo hức muốn được chứng kiến những cuộc biểu diễn phép thần. Kẻ thù của Chúa đứng bên chân thập giá, tấn công về điểm tâm lý ấy. Họ nói: Chúa hãy làm cử chỉ phi thường xuống khỏi thập giá là người ta sẽ tin vào Chúa ngay. Chúa đáp lại bằng sự im lặng. Chúa sống trên một bình diện quá cao. Ở đây chúng ta có nên đặt ra một câu hỏi có tính chất thời sự không? Phải chăng một số nào đó, gồm cả Kitô hữu, đòi Đức Kitô dùng phép thần làm cho thế giới hết đau khổ, bất công, giặc giã, …? Có những kẻ dám nói, nếu Đức Kitô có quyền năng của một ông vua thì xin hãy cải thiện xã hội! Với những kẻ ấy, Đức Giêsu không đáp lời bằng phép lạ, bằng điều phi thường.

2) Đức Kitô thiết lập triều đại tha thứ yêu thương. Tha thứ yêu thương là những ân huệ nhận được từ Trên, như thể muốn biểu hiện luật nội tâm của Trái Tim Thiên Chúa. Kẻ nào lãnh nhận ân huệ đó cũng phải lấy tha thứ yêu thương làm luật nội tâm cho mình trong cách đối xử với anh em. Đứng trước Đức Giêsu chịu đóng đinh, mỗi người chúng ta có thể, trong sự thật, nói như kẻ trộm lành: Lạy Chúa, xin nhớ đến con khi vào Nước Trời. Thốt lên như thế là cầu xin cho định mệnh vĩnh cửu của chúng ta, nhưng cũng là xin được hưởng ngay bây giờ ơn yêu thương tha thứ của Chúa. Toàn bộ Phúc Âm khẳng định: Trong cách đối xử với anh em, chúng ta không được chậm trễ, ngay hôm nay chúng ta phải sống ơn tha thứ, sống tình thương yêu. Đó là hai thực tại cực kỳ ý nghĩa của vương quốc Đức Kitô.

5. Giêsu –Vua phục vụ. (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Vua, một tước vị đã bị dìm dưới bùn đen do những vua chúa, những hoàng đế độc tài, tham quyền cố vị, giết cả bạn cả anh em, kể cả cha mẹ như một Nêron bạo vương, dìm mình trong dâm ô với hàng ngàn cung phi. Tai chúng ta vừa nghe tiếng vua, trí chúng ta liên tưởng ngay đến cảnh tượng ghê tởm khủng khiếp đó.

Thế nhưng tại sao chúng ta lại mừng lễ Chúa Giêsu là Vua. Vua Giêsu của chúng ta có như thế không? Hay là cần phải thay đổi tiếng vua thành chủ tịch, tổng thống, quốc trưởng cho hợp thời? Nhưng có thay đổi danh xưng, thì bản chất của những kẻ tham quyền cố vị, háo danh háo sắc chẳng có gì thay đổi. Điều đó đang diễn ra trước mắt chúng ta, vì “ai lấy thúng úp được voi”? đổi danh xưng làm gì, đổi bản chất người mới đáng kể.

Bài đọc I cho thấy dân Do Thái truất phế vua Saolê, một vị vua bất xứng, để chọn Đavit lên thay thế. Hết vua nầy đến vua khác. Vua nào cũng thế thôi. Suốt đời Chúa Giêsu, Ngài chưa hề một lần ngồi trên ngai vàng. Ngài không hề làm vua của một quốc gia hày trên một mảnh đất nào. Ngài đã không tỏ vẻ gì là một hoàng đế, là một ông vua. Ngài còn nhất quyết từ chối và lẫn trốn mỗi khi dân chúng có ý định tôn Ngài lên làm vua. Cũng có lần người ta gọi Ngài là “Vua Dân Do Thái”, nhưng là để chế nhạo Ngài, như chúng ta thấy trong Tin Mừng hôm nay.

Lúc đó Chúa Giêsu đang là một tên tử tội bị kết án đóng đinh thập giá giữa hai tên gian ác. Từ dưới chân thập giá, giới lạnh đạo cũng như quân lính và dân chúng đều chế giễu thách thức Ngài. Những lời giảng dạy và những việc Ngài làm để cứu chữa người khác được đưa ra để nhạo báng Ngài: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì ông hãy tự cứu mình đi!” Một trong hai tên gian ác bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu cũng lặp lại lời chế giễu thách thức đó: “Nếu ông là Đức Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu cả chúng tôi nữa!” Trên đầu thập giá của Chúa Giêsu, tấm bảng cáo trạng đã ghi rõ: “Giêsu – Nagiaret, Vua dân Do Thái”. Còn Chúa Giêsu thì vẫn im lặng trước những lời chế nhạo và thách thức của họ. Sự im lặng của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không phải là vua theo kiểu người dân Do Thái chờ đợi, một vị vua chính trị giải phóng dân tộc, cũng không phải là vua theo kiểu là người “cướp chính quyền”, tranh giành quyền thống trị của hoàng đế Xêda hay của bất cứ vị lãnh tụ nào trên trần gian nầy. Trước toà án của Tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là Vua, nhưng nước Tôi không thuộc về thế gian nầy”.

Lúc nầy, đang khi người ta chế nhạo vương quyền của Chúa Giêsu, thì tên ác kia – mà người ta gọi là “tên trộm lành” đã nhận ra vương quyền đích thực của Chúa Giêsu. Anh nhìn nhận Chúa Giêsu là người vô tội, Ngài thạt là Đức Kitô, là Đấng Thiên Chúa sai đến cứu độ nhân loại. Anh đã diễn tả lòng tin của anh bằng một lời cầu xin: “Lạy Ngài, khi nào về Nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đã xác nhận vương quyền của Ngài bằng cách nhận lời cầu xin của anh: “Tôi nói thật với anh, ngay hôm nay, anh sẽ ở với Tôi trên Nước Trời”.

Thưa anh chị em,
Chúa Giêsu là Vua. Vua là người dựng nước, Vua là người cứu nước, Vua là người của dân tộc. Thánh Phaolô đã triển khai ba điểm nầy trong Bài đọc II hôm nay. Chúa Giêsu là Vua, vì Ngài là Con Một của Thiên Chúa Cha. Vương quốc là của Con, là Trưởng Tử của mọi tạo vật, vì Ngài hiện hữu trước mọi tạo thành, mọi sự được dựng nên “nhờ Ngài và trong Ngài”. Như vậy Chúa Giêsu Kitô là đầu toàn thể vụ trụ: vật hữu hình và vô hình, trái đất chúng ta và không gian liên hành tinh, cả những tinh vân cực xa. Sau cùng, Hội Thánh là Thân Thể của Ngài và thế giới người chết cũng là nơi Ngài cai trị như là Trưởng Tử, là người đầu tiên sống lại từ cõi chết. Lịch sử sẽ hoàn tất nơi Chúa Kitô, bởi vì toàn thể vũ trụ đang tiến tới chỗ hòa giải trọn vẹn “nhờ Ngài và trong Ngài” và chính máu Ngài đổ ra trên thập giá để thiết lập nền hòa bình vĩnh cửu.

Chúa Giêsu là Vua, nghĩa là Ngài đã lãnh đạo, mở đường đưa cả loài người vào cõi sống vĩnh cửu, vào Nước Trời. Ngài đã giải thoát loài người khỏi mọi ách thống trị của sự ác và sự chết, để con người được gặp Thiên Chúa, được tham dự vào tình yêu, sự thật và sự sống của Thiên Chúa. Để hoàn thành sứ mạng đó, Ngài đã chấp nhận bị liệt vào hàng gian ác và đã chết cùng với những kẻ gian ác để đem họ vào cõi sống với Ngài.

Chúa Giêsu là Vua vũ trụ là Vua cả nhân loại, nhưng Ngài đã thi hành vương quyền của Ngài bằng cách yêu thương loài người đến nỗi sẵn sàng chết cho loài người ngay chính lúc loài người từ chối Ngài, chế giễu Ngài, thậm chí thách thức Ngài.

Chúa Giêsu Vua, ngai vàng là thập giá, vương miện là mão gai, thay cho tiếng hoan hô là những tiếng chữi rủa, thách thách, nhạo cười, đả đảo…

Chắc hẳn không ai thích làm vua kiểu đó. Nhưng thích hay không, chúng ta cũng phải làm vua, vì khi được rửa tội, chúng ta đã là dân tộc vương đế, vương đế theo kiểu Chúa Giêsu: Phải làm vua dục vọng của mình, phải dám lên tiếng bênh vực sự thật, phải dám hy sinh cho những người nghèo khổ. “Ai biết phục vụ anh em, người đó là người chỉ huy”: Phục vụ là cai trị.

Muốn được vào Nước của Thiên Chúa, được làm công dân Nước Chúa, không có con đường nào khác ngoài con đường của “người trộm lành”, đó là khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ có tội “Phần chúng ta, thế này là phải lắm”. Tin tưởng: “Còn Ngài có làm gì xấu đâu”, và cầu xin: “Lạy Ngài, xin nhớ đến tôi’.

Nếu Chúa Giêsu thực sự là Vua của lòng chúng ta, là Vua của đời ta, thay cho các “thần tượng” vua chúa khác, thì chắc chắn chúng ta sẽ được nghe Chúa đáp lại vào lúc cuối đời mình: “Ta bảo thật với con, hôm nay con sẽ ở với Ta trên Nước Trời”.

6. Viên đá – McCarthy.

Một lần nọ, hai người lữ khách đi qua một khu rừng khi màn đêm buông xuống. Chỉ trong ít phút, con đường nhỏ hẹp mà họ đang đi trở nên tăm tối. Một bóng tối khủng khiếp bao trùm mọi vật. Kế đó sự việc còn tệ hại hơn, một cơn bão có sấm sét nổ ra trong khu rừng. Anh sáng của chớp lóe lên kèm theo những tràng sấm làm rung chuyển mặt đất dưới chân họ. Mưa đổ xuống như trút nước trên người họ. Cây cối rung chuyển một cách nguy hiểm.

Người thứ nhất coi cơn bão như một tai họa ghê gớm. Mỗi khi có chớp lóe ra, anh ta nhìn lên bầu trời và nguyền rủa. Kết quả là anh ta đi chệch khỏi con đường và lạc vào rừng. Người thứ hai trái lại coi cơn bão như như một ơn lành hóa trang. Mỗi lần tia chớp lóe lên, soi sáng một đoạn đường trước mặt anh, và do đó anh có thể tiến lên từng bước một. Luôn giữ đầu cúi xuống sẵn sàng nhìn cho rõ, anh vẫn luôn theo đúng con đường. Và cứ thế, bước đi từng bước một, anh theo con đường để ra khỏi khu rừng.

Một đôi khi, đó là con đường trong cuộc đời: chỉ có đủ ánh sáng để bước được bước kế tiếp; chỉ có đủ sức mạnh để làm nhiệm vụ hiện nay.

Cơn bão có sấm chớp đều như nhau đối với hai người lữ khách. Tuy nhiên, đối với người kia, nó là viên đá dùng để bước qua.

Những người lữ khách ấy nhắc chúng ta nhớ đến hai người gian phi trong câu chuyện Tin Mừng. Cả hai đều bị rơi vào bóng tối khủng khiếp. Trước hết là bóng tối của đời sống tội lỗi của họ. Rồi bóng tối khủng khiếp bao trùm trên núi Canvariô lúc Đức Giêsu bị đóng đinh.

Một người thì nguyền rủa bóng tối. Người kia đã thấy một tia sáng yếu ớt xuyên qua bóng tối. Anh sáng ấy đến từ sự hiện diện của Đức Giêsu, Đức Giêsu người bạn của những người tội lỗi, đã đến để tìm và cứu những người lạc mất. Lời xưng tội trong sáng và khiêm nhường đi thẳng vào tâm hồn của Đức Giêsu để rồi anh ta nhận được không những ơn tha thứ, mà còn nhận được chính thiên đàng.

Sau cùng, Đấng duy nhất biết và hiểu chúng ta trọn vẹn là Thiên Chúa. Người là nhà viết tiểu sử mà chúng ta hoàn toàn tín thác vào sự chính xác của Người bởi vì chỉ có Người nhìn thấu suốt tâm hồn chúng ta. Người thấy ở đó những tổn thương và đau buồn, những tì vết và tật nguyền, những hy vọng và khát khao của chúng ta. Đức Giêsu nhìn vào người gian phi và thấy những mảnh vụn đau buồn của đời anh, và động lòng trắc ẩn, thương xót anh.

Người gian phi tốt lành đem lại niềm hy vọng cho tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt cho những người mà đến cuối đời không có gì để khoe mình ngoài những việc làm của bóng tối. Cho dù là giờ thứ mười một, người ta vẫn còn có khả năng để ánh sáng mặt trời chiếu vào. Nhờ lòng nhân hậu tuyệt đối của Người, Đức Giêsu biến đổi bóng tối thành ánh sáng.

Sự cứu chuộc luôn luôn là một ơn của Thiên Chúa. Người ban một cách quảng đại nhất cho những người (giống như người gian phi tốt lành) biết mình nghèo khó và cầu xin với đôi bàn tay không và tâm hồn trông cậy.

7. Nhân từ kêu gọi nhân từ – McCarthy.

Vào một đêm khuya ở Dublin, một cô y tá vội vã đi dọc theo một bến cảng để đón xe buýt, bỗng cô thấy một thanh niên đang nằm trên vỉa hè ngay phía trước cô. Anh ta có vẻ bị bệnh hoặc bị thương. Cô dừng lại để xem cô có thể giúp gì cho anh ta. Nhưng khi cô cúi xuống, anh ta nhảy dựng lên và giật cái túi xách của cô. Cô ghì chặt lại. Sau đó một cuộc chiến đấu xảy ra. Đến một lúc nào đó, hai cặp mắt gặp nhau. Thình lình, người thanh niên buông ra và nói: Ồ, cô có phải là y tá O’Reilly!”

Họ bắt đầu chuyện trò thân mật. Thì ra trước đó ít lâu, anh ta phải vào bệnh viện vì bị gãy chân, và y tá O’Reilly đã rất tử tế với anh ta. Anh hỏi cô định đi đâu. Cô nói cô định đón xe buýt. Anh ta đưa cô đến trạm xe buýt và chờ cho đến khi xe buýt đến. Rồi xin lỗi những gì đã xảy ra, anh ta nói lời chào.

Đó là một câu chuyện có thật. Nó dạy chúng ta điều gì? Có lẽ bài học chính là: Người ta không bao giờ hoàn toàn đánh mất mình trong điều xấu chừng nào người ta còn nhận ra lòng nhân từ và đáp lại nó.

Một đôi khi chỉ cần nhìn sự nhân từ tỏa sáng nơi một người khác đủ để người ta khám phá ra sự nhân từ ấy nơi chính mình. Một kỷ niệm tốt đẹp sẽ cứu được một số tính cách vào những lúc quyết định. Sự thấu cảm là điều kêu gọi một người quay lưng lại bóng tối.

Nếu đêm hôm ấy, một người phụ nữ khác đi dọc theo bến cảng thì người thanh niên sẽ không hành động như thế. Anh ta sẽ cướp giật người ấy và không cảm thấy hối hận vì đã làm thế. Nhưng vì là một người mà bản thân anh có kinh nghiệm là một cô y tá tốt lành, anh không thể tìm thấy điều gì làm anh đối xử tồi tệ với cô. Lòng nhân từ của cô làm cho anh ta thấy điều xấu anh đang làm. Điều gì còn quan trọng hơn nữa: sự việc làm cho anh ta nhận thức khả năng của mình về lòng nhân từ. Nó đánh thức chút nhân từ vẫn còn sót lại trong anh.

Câu chuyện trên nhắc chúng ta đôi điều về sự gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các gian phi trên núi Canvariô. Một gian phi đã hoàn toàn lạc mất trong bóng tối của điều xấu đến nỗi không còn thích ánh sáng. Người kia nhận ra ánh sáng của lòng nhân từ của Đức Giêsu và đáp lại lòng nhân từ ấy.

Người gian phi tốt lành nhận ra rằng Đức Giêsu vô tội. Và hơn thế nữa, người ấy còn bênh vực Người trước người gian phi kia. Anh ta là người duy nhất làm chứng về sự vô tội của Đức Giêsu. Lòng nhân từ của Đức Giêsu làm cho anh nhìn thấy cuộc đời anh ta quả là xấu nhưng cũng đánh thức lòng nhân từ đã mất của anh ta. Anh ta quay về với Đức Giêsu, nhận biết rằng Người là Đấng duy nhất có thể giúp anh trong phút cuối cùng của đời mình. Và Đức Giêsu đã không làm cho anh thất vọng.

Dĩ nhiên, Đức Giêsu là vua, nhưng là một loại vua lạ lùng. Người đã đến không phải để chinh phục mà để hoán cải, không phải để thống trị nhưng để giải phóng, không phải để chỉ huy nhưng để phục vụ. Người đã chết như một tội phạm, nhưng trị vì từ trên thập giá. Người đáp lại điều xấu nhất với điều tốt nhất trong Người. Tại sao Người không phản ứng lại những kẻ xử Người? Thi sĩ Seamus Heaney nói về thứ “quyền lực không được thi hành bằng quyền lực”.

Tất cả những gì chúng ta có thể làm là lặp lại lời thánh Phaolô đã nói: “Hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi”.

CÁCH TIẾP CẬN KHÁC

Câu chuyện về người gian phi sám hối trên núi Canvariô làm nổi lên một vấn đề quan trọng: Có phải người ta chết theo cách người ta đã sống? Và câu trả lời dường như là: Không nhất thiết như thế. Có những người đã sống một đời sống như trong địa ngục nhưng lại có cái chết rạng rỡ. Ân sủng của Thiên Chúa không liên quan gì đến công nghiệp.

MỘT CÂU CHUYỆN

Mẹ Têrêxa kể lại một ngày nọ ở Calcutta, mẹ đã nhặt được một người đàn ông ở một rãnh nước và đưa ông ta về nhà nuôi người hấp hối. Trước khi chết, ông ta nói với mẹ: “Tôi đã sống như một con vật nhưng tôi đã chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc”. Mẹ Têrêxa nhận thấy sự cao cả của ông ta, người có thể nói được như thế và có thể chết mà không trách móc hoặc chửi rủa một ai. Mẹ cảm thấy mình được đặc ân đã có thể giúp ông ta sống những giờ phút cuối đời trong sự cảm nhận mình được yêu thương và quý trọng.

MỘT MINH HOẠ

Những cảnh hoàng hôn đẹp nhất không phải xảy ra khi bầu trời không có mây nhưng xảy ra khi có vài đám mây trong bầu trời. Mây phản chiếu ánh sáng mặt trời và làm ánh sáng toả lan qua bầu trời, một đôi khi với những màu sắc kỳ ảo.Ở Mỹ, có một ngày tháng tám lạ lùng. Suốt buổi sáng có sấm chớp và những cơn mua ngắn nặng hạt. Suốt buổi chiều trời nóng và ẩm. Buổi tối thì tối đen và khốn khổ. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống một ngày tồi tệ thì một cảnh tượng rất đẹp xảy ra. Đó là một trong những buổi hoàng hôn đẹp nhất mà người ta vẫn mong ước ngắm xem. Và như thế ngày tháng tám với thời tiết xấu ấy kết thúc trong cảnh đẹp.

Nó nhắc chúng ta nhớ đến điều đã xảy ra với người gian phi tốt lành trên núi Canvariô. Khi bức màn đã buông xuống trên đời sống tội phạm tăm tối của anh ta. Một điều gì đó đã khiến anh ta bênh vực Đức Giêsu và đây là lời bênh vực duy nhất trên núi Canvariô. Rồi anh ta quay về Đức Giêsu và nói: “Ông Giêsu ơn, khi ông vào Vương Quốc của ông, xin nhớ đến tôi”. Và Đức Giêsu nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

Người gian phi tốt lành đã sống một đời tồi tệ, tuy nhiên, nhờ gặp gỡ với Đức Giêsu, anh ta đã tìm thấy yêu thương, bình an và hy vọng vào lúc cuối đời. Câu chuyện về anh dạy chúng ta rằng không có sự gì quá trễ. Đức Kitô Vua có thể làm cho sự kết thúc đen tối nhất toả sáng niềm hy vọng. Người có thể biến đổi sa mạc thành khu vườn, và gỉ sắt thành vàng ròng.

8. Suy niệm của William Barclay.

Người ta nói nhiều về người trộm biết ăn năn, thậm chí ở nhiều nước đạo gốc có nơi thờ một vị thánh. Được gọi bằng những tên khác nhau như Dismas, Demas, Dumachus. Có một chuyện kể hắn là một thứ Robin Hood của Do thái, ăn trộm của người giàu để phân phát cho người nghèo. Có chuyện rất đáng yêu kể rằng khi Chúa Giêsu còn nhỏ được gia đình đem sang Ai-cập, dọc đường bị một bọn cướp tấn công. Một thanh niên là con của thủ lãnh bọn cướp thấy con trẻ Giêsu dễ thương quá nên hắn không nỡ ra tay, hắn tha Ngài và nói: “Hỡi con trẻ rất có phước, nếu sau này có dịp nào để thương xót tôi, thì hãy nhớ đến tôi, đừng quên tôi giây phút này nhé!” Tên cướp đó là kẻ đã cứu Chúa Giêsu khi còn nhỏ đã gặp Ngài trên thập giá tại đồi Gôn-gô-tha, lần này thì Chúa Giêsu đã cứu anh ta.

Câu chuyện thực hư thế nào không ai được rõ nhưng điều rõ rệt ấy là quang cảnh đóng đinh này đã thực hiện điều mà trước đây cả bảy trăm năm Isaia đã tuyên sấm: “Ngài đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân.” (53,12). Mà chẳng những trong hàng phạm nhân mà thôi, nhưng theo vị trí xếp đặt, Ngài được coi là phạm nhân hạng nặng, đứng đầu trong bọn đầu trộm đuôi cướp. Không biết ai đã bày ra cái trò này, xếp đặt thập giá của Ngài ở giữa hai tên cướp. Nếu là Philatô thì quả ông quan xâm lược này muốn làm tăng vẻ khôi hài của bản án mà ông treo trên đầu “Vua Do thái”, cũng có thể do bọn đầu mục Do thái, theo dõi kẻ thù đến đỉnh núi Sọ, mua chuộc bọn lính sắp đặt để tăng sỉ nhục cho nạn nhân, hay có lẽ là chính bọn lính sắp đặt như vậy vì hiển nhiên Ngài là tử đáng chú ý hơn cả trong bọn. Sự thật ấy là có một cái gì hiểm độc trong hành động này về phía loài người. Thế nhưng, điều ti tiện trước mặt người đời, lại cao sang trước mặt Thiên Chúa. Điều mà lòng độc ác của loài người bêu xấu Ngài, thì lại tôn vinh Ngài trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, vị trí của Ngài giữa hai tên trộm cướp đúng là địa vị của Ngài. Từ lâu Ngài được gán cho danh hiệu “bạn của người thây thuế và phường tội lỗi.” (Mt 11,19). Giờ đây, qua hành động đóng đinh Ngài giữa hai người trộm cướp, ý tưởng ấy được thực hiện cách rõ rệt nhất. Chúa Giêsu đã đến thế gian để tự hòa mình vào đám tội nhân, Ngài đã chịu chung số phận của họ, Ngài đã sống giữa họ, và thật thích hợp Ngài đã chết giữa họ. Cho đến lúc này,Ngài đang ở giữa họ. Và thái độ kỳ lạ của những người đã bị treo hai bên Ngài, là một thực hiện và là một báo hiệu. Thực hiện điều cụ Si-mê-on nói về Chúa Giêsu trong Đền Thờ: “Con trẻ này có mệnh làm cho nhiều người trong dân vấp ngã trong khi nhiều người được giải cứu.” (Lc 2,34), và báo hiệu điều sẽ xảy ra luôn luôn sau này, một số người tin nhận Ngài và được cưu, trong lúc một số khác thông tin. Lịch sử loài người luôn luôn như thế, Tin Mừng sẽ đem lại sự sống cho nhiều người, và cũng đem lại án phạt cho nhiều người. Tình trạng ấy sẽ kéo dài cho đến ngày tận cùng, Ngài sẽ ở giữa họ, kẻ ăn năn đứng một bên phải, bên trái Ngài là những kẻ không ăn năn. Mát-thêu và Luca đều ghi lại: Cả những kẻ bị đóng đinh với Ngài cũng xỉ nhục Ngài, Luca ghi rõ hơn: Kẻ bên trái mắng nhiếc,kẻ bên phải ăn năn. Có thể lúc đầu hắn cũng hùa theo tên bạn rồi sau mới tỉnh ngộ. Nếu thế, thì đây không phải lần đầu tiên, hắn ta bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi, có lẽ tên đồng bạn này từ lâu vốn là ác quỷ bên cạnh hắn, đã phá đổ cuộc đời hắn, và cuối cùng đưa hắn vào kết thúc nhục nhã này. Một con người, mà cuộc đời đã đến chỗ sắp tàn như thế, mà lại còn đi mắng nhiếc người đồng cảnh ngộ, thì hèn hạ không biết chừng nào! Đau quá hóa điên, làm liều tất cả để tạm quên những đau đớn của mình, y như một con vật mắc bẫy cắn bất cứ cái gì nó gặp… Đó là tình trạng của tên cướp không chịu ăn năn! Còn tên kia thì kinh hãi lùi xa bạn, chính tội ác ấy đến mức lằn tối đã khựng lại và quay ngược lại. Lần đầu tiên trong đời, hắn nhận thức được con người thực của hắn: hèn hạ xấu xa.Ý thức ấy hắn có được, là nhờ nét tương phản với vẻ mặt bình tĩnh của Đức Giêsu. Đã từ lâu, tên bạn tàn bạo kia vẫn là lý tưởng của hắn, thế nhưng, giờ đây đối chiếu với thái độ bình tĩnh chịu đựng của Đức Giêsu, sự hung bạo kia chỉ là thấp hèn. Để giải thích sự ăn năn đột ngột này, có người cho rằng tên cướp này đã gặp Đức Giêsu rồi, chắc chắn là hắn đã nghe Ngài cầu xin tha thứ cho kẻ thù, đã thấy thái độ của Ngài trên đường dẫn tới Núi Sọ, được nghe lời Ngài nói với nhóm phụ nữ thương hại Ngài. Rồi, chính những tiếng nhục mạ của kẻ thù đứng dưới chân thập giá ném vào Ngài những danh hiệu mà Ngài tự xưng hay bị ghép cho, giúp hắn nhận ra Chúa Giêsu là ai! Có thể, hắn còn được chứng kiến, hay nghe được vụ xử của Ngài trước tòa Philatô… Còn lùi xa hơn nữa thì quả chúng ta không có bằng chứng chắc chắn. Hắn được nghe Ngài giảng chưa, đã được thấy phép lạ nào của Ngài chưa? Hắn đã biết được gì về vương quốc mà hắn đã cầu xin với Ngài không? Dầu sao đi nữa, thì lúc này, lòng hắn cũng tràn ngập đau đớn hối hận vì tội lỗi, và tràn đầy tin yêu, nên chỉ cần một tàn lửa phát xuất từ thánh giá Chúa Cứu Thế, cũng đủ làm cho đức tin bùng lên. Lòng ăn năn được biểu lộ qua câu nói với đồng bạn: “Mày không sợ Thiên Chúa sao?” chắc hẳn, trước đây hắn đã quên Chúa, dẹp Ngài qua một bên trong suốt thời gian tội lỗi, nhưng giờ đây Chúa đang ở gần, và trong ánh sáng của Ngài, hắn đang nhìn ra tình trạng tội lỗi của mình. Hắn công khai thú nhận, chẳng những trong lòng, mà còn bằng lời nói. Như vậy là vứt bỏ dĩ vãng, quá khứ tội lỗi, mà còn cắt đứt liên hệ với tên cướp không chịu ăn năn. Lại nữa, nhìn lại cuộc đời đã qua, hắn thấy đã bị nhơ nhuốc vì những hành động mà hắn biết rằng chỉ có cái chết là hình phạt xứng đáng. Kẻ thống hối sợ đến với Chúa là chuyện rất bình thường, vì nghĩ rằng tội họ quá lớn không thể tha thứ được. Thế nhưng, trường hợp của tên cướp ăn năn, là một bảo đảm rằng Chúa ban đầy đủ ơn tha thứ cho những người như thế. “Máu Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, rửa sạch tất cả mọi tội lỗi chúng ta.” (1 Ga 11,7) “Lạy Chúa, khi nào về nước Chúa, xin nhớ đến con.” Câu nói thật đơn sơ và khiêm nhường, nhưng biểu lộ rõ ràng niềm tin nơi Chúa; tất cả điều dám mơ ước là Chúa nhớ đến anh ta khi về nước Ngài. Chúa Cứu Thế được nhận biết giữa những tiếng kêu gào của đám quần chúng bị sách động, giữa những tiếng kêu than ai oán vì tội ác, giữa những tiếng cuồng loạn của đám người chống đối. Thiên Chúa chỉ nghe thấy có một tên trộm bị đóng đinh. Giữa lúc, những kẻ trước đây cuồng nhiệt tung hô nay lại phản đối Ngài, giữa lúc đám môn đệ thề quyết trung tín bỏ trốn hết, thì một mình tên trộm lên tiếng bênh vực Ngài. Nếu thiếu niên con của góa phụ thành Na-im, được cải tử hoàn sinh, lên tiếng tin vào quyền năng của Đấng xem ra mất hết quyền đế vương, nếu Phê-rô đã từng chứng kiến Chúa biến hình trên núi, nếu anh mù thành Giê-ri-khô đứng lên công nhận thần tính nơi Ngài… chúng ta không ngạc nhiên. Phải, nếu một trong những người trước đây đã hưởng ân huệ của Chúa lên tiếng, có lẽ các môn đệ nhát sợ lấy lại can đảm, đám dân vô tâm sẽ tỉnh ngộ, bọn ký lục và biệt phái sẽ tin theo… Nhưng giữa lúc cái chết gần kề, giữa lúc Chúa Cứu Thế như hoàn toàn thất bại trước mặt người trần (ngoài ba người đứng dưới chân thập giá), chỉ có một người lên tiếng tin nhận Ngài, đó lại là tên trộm bị đóng đinh. Anh thấy tiếng tin nhận Ngài, đó lại là tên trộm bị đóng đinh. Anh thấy cây thập giá nhưng tôn thờ như ngai vua cả, thấy người bị đóng đinh nhưng kêu cầu như Chúa Tể, thấy sự sống trong cõi chết, vinh quang trong nhục nhã… “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.”

Có thể đây là lần đầu tiên tên trộm cầu nguyện và có lẽ cũng là lần cuối cùng, dầu vậy Đấng đã được tiên báo “Không bẻ đứt cây sậy dập gẫy, không tắt hẳn tim đèn còn khói” (Mt 12, 20), lại không đáp ứng lại một niềm tin như vậy sao? “Người nào đến với Ta, chẳng bao giờ bị Ta xua đuổi.” (Ga 6, 37). Chúa Giêsu đã giữ lời và còn giữ hơn cả điều người ta trông đợi. Minh chứng của tên trộm là một chiến thắng vĩ đại của Chúa Giêsu, và Ngài đã dùng nghị lực mạnh mẽ hơn khi chế ngự thiên nhiên, Ngài mất sự sống nhưng cứu một linh hồn, tay Ngài bị đóng chặt vào thập giá vẫn có thể mở được cửa trời. Trong khi nhà cầm quyền Giê-ru-sa-lem không thể làm Ngài rời khỏi thập giá, trong lúc mọi tố cáo bất công không thắng được sự yên lặng của Ngài, trong lúc những lời gào thét “Nó đã cứu được người khác, mà không cứu nổi mình” không làm Ngài hé môi… Ngài nghiêng đầu về người yếu đuối cạnh Ngài, Ngài nói và cứu một tên trộm “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Trước đây không một ai được hứa như thế, dầu người đó là Áp-ra-ham, Mô-sê, Ngài hứa và nói về thế giới vô hình ấy như một nơi quê hương quen thuộc, nơi mà Ngài nắm quyền hành, Ngài ban cho ai tùy ý…

Trong lời Chúa hứa: “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”, từ thiên đàng dịch từ Paradi, và theo nguyên ngữ từ tiếng Ba-tư có nghĩa là “một khu vườn rào kín”. Khi vị vua Ba-tư muốn đặc biệt tôn trọng một bày tôi nào của Ngài, thì người ấy được cùng dạo mát với vua trong vườn thượng uyển. Chúa Giêsu đã hứa cho tên trộm ăn năn đó một sự gì quý báu hơn là sự bất tử, Ngài hứa cho hắn vinh dự được làm bạn của Ngài trong vườn cực lạc trên trời.

Để được vinh dự như người trộm lành, thánh Phê-rô đã khuyên bảo các tín hữu đầu tiên cũng như tất cả chúng ta: “Anh em hãy nỗ lực chứng tỏ mình đã thật được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn, anh em sẽ không còn vấp ngã nữa. Thiên Chúa sẽ mở rộng cửa tiếp đón anh em vào nước vĩnh cửu của Chúa Cứu Thế Giêsu, Đấng cứu rỗi anh em." (2 Pr 1, 10.11). và trước đó thánh Phê-rô đã khai triển việc nỗ lực chứng tỏ ơn gọi chọn đó bằng: “Không phải chỉ có tin là đủ, mà còn phải sống cuộc đời đạo đức. Lại phải học hỏi và biết rõ Chúa hơn và tìm hiểu Chúa muốn mình làm gì. Lại phải biết tự chủ và kiên tâm sống cuộc đời tin kính. Nhờ đó, anh em biết đối xử với người đồng loại trong tình huynh đệ và nhất là yêu thương họ cách chân thành” (2 Pr 1, 5s).

Top