Lặng bước cùng Giêsu
TGPSG -- Tam Nhật Thánh năm nay có gì khác so với những năm trước? Đây là câu hỏi lớn tôi đặt ra cho chính mình khi bước vào Tuần Thánh. Mùa Chay năm nay tôi được tham dự các nghi thức tại một giáo xứ lớn với hơn 12 ngàn giáo dân. Có điều gì khác và đặc biệt hơn nữa chăng? Vâng, Tam Nhật Thánh năm nay tôi được cùng Chúa Giêsu trải nghiệm trên một con đường mới, bước đi trên con đường Thinh Lặng. Nhìn đoàn người đông nghẹt di chuyển trên đường với một từ rất quen “kẹt xe”, với tiếng “rền rền” của động cơ xe máy, ô tô luôn ù ù bên tai, tôi ngẫm suy về cái “lặng” của khung cảnh Tam Nhật Thánh. Tôi tự hỏi, giữa muôn tiếng ồn ào, náo nhiệt, tấp nập, xô bồ thế này, lòng tôi có chỗ nào “lặng, bước cùng Giêsu” trong hành trình thập giá chất ngất yêu thương của Ngài?
Tôi đã lặng, bước cùng Giêsu trong cái lặng của Bữa Tiệc Ly với Thầy trò Giêsu (Ga13, 1-15). Bữa tiệc hôm nay sao ngậm ngùi quá, rượu quý, bánh ngon mà sao cả thầy và trò chỉ nhìn nhau thay bao lời muốn nói. Trong sự thinh lặng ấy, Đức Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 4-5). Trong cái lặng ấy, Đức Giêsu tiên báo người môn đệ sẽ bán mình, người môn đệ sẽ chối mình và các môn đệ khác bỏ trốn,… Chúa Giêsu hiến thân vì con người, nhưng con người lại quá so đo tính toán khi hiến thân cho Chúa. Và cái lặng ấy cho tôi thấy chính mình. Tôi đã bao lần lặng lẽ nhìn người này người kia làm việc bác ái, và cũng chỉ lặng nhìn những thế lực sự dữ đang diễn ra hàng ngày để bận tâm với bao cái gọi là “việc riêng của mình”, thế rồi khoảng lặng cũng qua đi và tôi chạy theo vòng xoáy náo nhiệt của thời đại.
Tôi lặng, bước cùng Giêsu đến Vườn Dầu. Thầy trò chìm sâu trong cái lặng của khung cảnh Vườn Dầu: các môn đệ ngủ mê mệt, Thầy Giêsu cầu nguyện. Cái lặng của Vườn Dầu cho tôi chiêm ngắm hình ảnh một Thiên Chúa làm người thật sống động. “Người quỳ gối cầu nguyện: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con mà xin theo ý Cha.” (Lc 22,42) Cuộc chiến đấu giữa sống và chết giữa ý riêng và ý Cha, cái lặng của khung cảnh và không gian bên ngoài lại càng làm chúng ta lặng để nghe rõ hơn những cuộc chiến đấu nội tâm đang giày xéo tâm hồn chúng ta. Có những khoảnh khắc của đêm Vườn Dầu vẫn diễn ra mỗi ngày, nhưng đôi lúc những tiếng “rền rền” của xe cộ ngoài kia, khiến Cuộc sống có quá nhiều ồn ào khiến chúng ta nghe được tiếng nói và nhận ra được sự hiện diện của Chúa. Rất nhiều lúc chúng ta không đủ lặng để bước vào cuộc chiến đấu phân định, mà chỉ đủ thời gian “ngay” và “luôn” quyết định làm theo ý mình. Chính điều đó làm cho Thiên Chúa dường như bị che khuất, ẩn mình và dần vắng bóng trong cuộc sống của chúng ta.
Ra khỏi Vườn Dầu, tôi lặng, bước theo Giêsu trên hành trình khổ giá. Con đường lên Canvê hôm ấy sao dài và dốc cao đến thế. Tiếng xiềng xích, đánh đập của roi đòn, lời mắng nhiếc, phỉ nhổ có vẻ làm phá tan cái tĩnh lặng vốn có của ngày thứ sáu lịch sử. Cũng như tiếng động cơ, còi xe, công việc… làm phá đi khoảng lặng cần có trong chúng ta khi bước vào những ngày thánh. Thế nhưng, với Con Thiên Chúa làm người, sự tủi nhục, đau đớn ấy càng làm cho khoảng lặng nơi Ngài lớn hơn, Ngài có thể thốt lên: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23, 34). Chính trong cái lặng của Thiên Chúa mà tình yêu hiến tế, tình yêu đến cùng chạm vào từng tâm hồn chúng ta - những tội nhân đang ngóng chờ lòng thương xót. Chính trong khoảng lặng ấy mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa tiếp tục hoàn thành với một sức sống mãnh liệt và đem lại sự giải thoát cho chúng ta.
Sau giây phút cùng Chúa tại đồi Gôngôtha, tôi lặng chiêm ngắm Giêsu trong mộ đá. Khoảng lặng của ngày thứ bảy lịch sử làm cho người ta có cảm giác vắng bóng Thiên Chúa trên mặt đất này. Có vẻ Thiên Chúa đã thất bại trước sự cứng lòng và phản bội của con người. Dường như Thiên Chúa đành “bó tay, bó thân” chôn mình vào lòng đất trước thế lực của sự dữ. Thưa không, sự thinh lặng của ngày thứ Bảy Tuần Thánh lại là tiếng nói mạnh mẽ nhất của mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa làm người. Mầu nhiệm ấy sẽ được vén mở và vươn lên sức sống mới để đem lại hy vọng cho nhân loại. Lặng mình trước ngôi mộ của Giêsu, tôi nghe Chúa nói rằng: Ngài yêu thương tôi. Chúa mời gọi tôi mai táng vào lúc đó tất cả mọi thứ sôi sục ồn ào của cuộc sống, và để cùng với Ngài phục sinh trong cuộc sống mới. Thinh lặng chiêm ngắm ngôi mộ Chúa, tôi nghe được tiếng thì thầm của Chúa: hạt giống rơi xuống đất, có thối đi thì mới nẩy mầm và sinh hoa kết trái. Ðau khổ thử thách hôm nay như hạt giống cần được vãi gieo để được trổ sinh những bông lúa chín vàng, chan chứa niềm vui phục sinh.
Lặng, bước cùng, sống với và ở bên Giêsu trong những Ngày Thánh này thật là một cơ hội và một khoảng thời gian đẹp để chiêm ngắm, cảm nếm, suy sâu, hiểu thấu một mầu nhiệm tình yêu, một mối tình giữa Thiên Chúa - con người, giữa Thiên Chúa và chính tôi để chúng ta tìm về với Chúa và với lòng mình sau bao bộn bề, bận rộn trong nhịp sống thường ngày. Vậy, ngay lúc này còn chần chờ gì nữa mà sao chúng ta không tạm gác lại tất cả để “lặng, bước cùng Giêsu”.
Xin mượn lời cầu nguyện của Mẹ Têrêsa Calcutta thay cho lời kết và cũng là lời nguyện ước cho chính tôi và tất cả mọi người: “Lạy Thiên Chúa là Đấng yêu thích sự thinh lặng. Xin dạy chúng con thinh lặng, để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe, và thấm nhuần Lời Hằng Sống. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu cứu của người nghèo, và chối từ những mời mọc của quỷ ma. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa luôn, và đem lại an vui cho muôn người, tránh mọi lời nói gây đớn đau đổ vỡ. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật, và khép lại trước dối trá. Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ, oán thù, ghen ghét, hầu mến yêu và ao ước Thiên Chúa trên mọi sự. Amen”. (Mẹ Têrêsa Calcutta).
Bài: Bút Chì, MRP (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Nếu 2+2=4, vậy Thiên Chúa hiện hữu
-
Hãy cầm và đọc - Cổ võ văn hoá đọc sách -
Khi “Chị Yagi” đi qua -
Suy tôn Thánh Giá và phục hồi căn tính -
Cách nuôi dưỡng lòng hiếu khách -
Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh -
Người chăn dẫn dân mình như người mục tử (Tv 78, 52) -
Sứ vụ của bình an -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường trút bỏ chính mình -
Bài học từ những mất mát trong đời
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19