Kitô hữu không có ký ức Kitô giáo thì không gặp được Chúa Giêsu
Ký ức Kitô giáo là muối của cuộc sống; nhìn về quá khứ để tiến bước. Chúng ta phải nhớ và suy gẫm về những thời khắc đầu tiên chúng ta gặp Chúa Giêsu, nhớ đến những người đã truyền trao đức tin và nhớ đến luật yêu thương. Đó là chủ đề bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng thứ năm 07/06/208.
Từ ý tưởng của đoạn thư thánh Phaolô gửi cho Timôthê trong bài đọc thứ nhất: “Con hãy nhớ đến Chúa Giêsu Kitô”, Đức Thánh Cha giải thích rằng nhìn lại quá khứ với ký ức cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu để tìm thấy sức mạnh và có thể tiến bước. Ký ức Kitô giáo luôn là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.
Ký ức Kitô giáo như là muối của cuộc sống. Không có ký ức chúng ta không thể tiến bước. Khi chúng ta gặp những Kitô hữu “bị mất ký ức”, ngay lập tức chúng ta nhận thấy họ đã đánh mất hương vị của cuộc sống Kitô giáo và họ trở thành những người tuân giữ các giới răn mà không có chiều khích huyền nhiệm, không gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng chúng ta phải gặp gỡ trong cuộc sống.
Có 3 hoàn cảnh, trong đó chúng ta có thể gặp Chúa Giêsu Kitô. Đó là trong những giây phút đầu tiên, nơi ông bà tổ tiên chúng ta và trong lề luật. Thư gửi các tín hữu Do thái chỉ cho chúng ta biết phải làm thế nào: “Anh em hãy trở lại những thời gian đầu tiên, sau khi anh em trở lại”, lúc đó anh em kiên trì mạnh mẽ… Mỗi người trong chúng ta có những thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng ta, có một, hay hai, hay ba thời điểm, mà khi đó Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Người tỏ mình ra cho chúng ta. Anh chị em đừng quên những giây phút này: chúng ta phải quay lại và nhớ về quá khứ bởi vì đó là những giây phút chúng ta được soi sáng, nơi đó chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô.
Giây phút đầu tiên
Mỗi người trong chúng ta có những giây phút như: khi gặp Chúa Giêsu, khi thay đổi cuộc sống, khi Chúa soi sáng chúng ta thấy được đúng ơn gọi của mình, khi Chúa thăm viếng chúng ta trong những lúc khó khăn… Trong tâm hồn, chúng ta có những giây phút đó. Hãy tìm kiếm chúng. Suy gẫm về các giây phút đó. Hãy nhớ về những giây phút đó, những lúc mà ta đã gặp Chúa Giêsu Kitô. Hãy nhớ về những giây phút đó, những lúc mà Chúa Giêsu Kitô đã gặp tôi. Đó là nguồn động lực cho cuộc hành trình của Kitô hữu, nơi sẽ ban cho tôi sức mạnh. Anh chị em có nhớ những giây phút đó không? Những giây phút gặp gỡ Chúa Giêsu khi mà cuộc sống của tôi được biến đổi, khi Người hứa với tôi điều gì đó? Nếu anh chị em không nhớ thì hãy tìm lại những giây phút đó. Mỗi người chúng ta đều có.
Ký ức của ông bà tổ tiên
Cuộc gặp gỡ thứ hai với Chúa Giêsu xảy đến qua ký ức của ông bà tổ tiên, mà thư gửi các tín hữu Do thái nhắc đến: “các vị lãnh đạo của anh em, những người đã dạy đức tin cho anh em.” Trong thư thứ hai gửi Timôthê, thánh Phaolô cũng mời gọi như thế: “Con hãy nhớ đến mẹ và bà của con, những người đã truyền trao đức tin cho con.” Chúng ta không nhận được đức tin qua bưu điện nhưng chính những con người đã trao truyền đức tin cho chúng ta và thư gửi tín hữu Do thái viết: “Hãy nhìn họ, rất nhiều chứng nhân và hãy nhận lấy sức mạnh từ họ, những người chịu tử Đạo.”Luôn xảy ra là khi mà nước sự sống trở nên xao động, việc đi đến nguồn và tìm lấy sức mạnh để tiến bước là điều quan trọng. Chúng ta có thể tự hỏi chính mình: Tôi nhớ đến những vị đứng đầu, các tiền nhân của tôi. Tôi có phải là một người có nguồn gốc không? Hay tôi đã mất gốc? Có phải tôi chỉ sống trong hiện tại? Nếu như thế, ngay lập tức, hãy xin ơn trở lại với nguồn cội, với người đã trao truyền đức tin cho chúng ta.
Trong lề luật
Cuối cùng là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong lề luật. Trong Tin mừng thánh Marcô, Chúa Giêsu đã nhắc chúng ta. Giới răn đầu tiên là: “Nghe đây, hỡi nhà Israel, Thiên Chúa, Chúa chúng ta.” Ký ức về lề luật. Lề luật là một cử chỉ tình yêu mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta để chỉ dạy cho chúng ta đường đi, Người nói với chúng ta: đi trên đường này ngươi sẽ không sai lối. Hãy trở lại với ký ức về lề luật. Không phải là thứ lề luật lạnh lẽo, giống như là thứ luật phán xử, nhưng là luật của tình yêu, luật mà Thiên Chúa đã đặt vào trong trái tim của chúng ta. “Tôi trung thành với lề luật, nhớ luật, lập lại luật phải không?” Có những lần các Kitô hữu chúng ta, cả những người được thánh hiến, gặp khó khăn để nhắc lại thuộc lòng các giới răn. “Có, có tôi nhớ chúng” nhưng có lúc nào đó, tôi bị sai, tôi không nhớ.
Anh chị em hãy nhớ Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là có cái nhìn gắn chặt vào Chúa, trong những giây phút của cuộc sống khi mà tôi gặp Người, những giây phút gặp thử thách, nơi tổ tiên và trong lề luật. Nhớ lại quá khứ để tiến bước. Ký ức và hy vọng đồng hành với nhau. Chúng bổ túc cho nhau và chúng đầy đủ. Hãy nhớ đến Chúa Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa đã đến, đã đền thay tội lỗi cho tôi và Người sẽ đến. Thiên Chúa của ký ức và Thiên Chúa của hy vọng.”
Mỗi người chúng ta ngày hôm nay hãy dành một vài phút để tự hỏi mình: hồi ức về những giây phút tôi gặp Chúa Giêsu, hồi ức về tổ tiên của tôi và hồi ức về lề luật như thế nào. Và rồi, hy vọng của tôi thì như thế nào? Tôi hy vọng vào điều gì? Xin Chúa giúp chúng ta trong việc kiểm tra ký ức và hy vọng. (Rei 07/06/2018)
(Nguồn: “http://vi.radiovaticana.va”)
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19