Khi Ðạo mang thịt xương Việt, một công trình Việt hóa Ðạo Chúa của Cụ Sáu Trần Lục

Khi Ðạo mang thịt xương Việt, một công trình Việt hóa Ðạo Chúa của Cụ Sáu Trần Lục

 

 Nhà thờ Phát Diệm
 
Vị trí: Nhà thờ Phát Diệm thuộc thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm: Là nhà thờ mang đậm kiến trúc phương Đông.

Nhà thờ Phát Diệm cách Hà Nội 120km về phía nam, được xây dựng vào những năm 1875 - 1898. Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp, tên Phát Diệm do Nguyễn Công Trứ đặt. Nhà thờ được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục, với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19 thì chỉ việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây nhà thờ cũng là một kỳ công. Kim Sơn vốn là vùng đất mới khai khẩn, trước đây rất lầy lội, để xử lý độ lún của khu đất trước khi xây dựng người ta đã chuyển cả một quả núi nhỏ cách 40km về Phát Diệm, khách về thăm nhà thờ còn thấy núi Sọ, đấy chính là một phần của trái núi đã được dân rời về Phát Diệm.

Ðây là một quần thể kiến trúc phương Ðông gồm có (từ hướng nam đi vào): Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn với bốn nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, nhà thờ đá.

Phương Ðình là khu vực đầu tiên trong quy hoạch kiến trúc của nhà thờ Phát Diệm. Ðây là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Nghệ thuật xây dựng Phương Ðình rất đáng khâm phục, với kỹ nghệ thủ công những người thợ địa phương đã ghép những phiến đá nặng hàng nghìn cân, mức độ chính xác rất cao. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Ðình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh rất đẹp với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2000 kg, quả chuông lớn ở Phương Ðình được đúc vào năm 1890. Mái của Phương Ðình có năm vòm, bốn vòm ở bốn góc thấp hơn, vòm cao nhất là vòm ở giữa tầng ba. Mái của Phương Ðình ở nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa.

Nhà thờ lớn: Nhà thờ lớn là nhà thờ chính được xây dựng năm 1891, có năm lối vào vòm đá được chạm trổ. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn.

Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.

Nhà thờ đá: nhà thờ đá còn được gọi là nhà thờ dâng kính trái tim Ðức Mẹ. Gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa... Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường.

Hang đá nhân tạo: ở phía bắc khu nhà thờ Phát Diệm có 3 hang đá được tạo bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trong đó, hang Lộ Ðức là đẹp nhất

Nhà thờ Phát Diệm, một công trình kiến trúc độc đáo có một không hai ở Việt Nam Các công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ nhưng hài hòa với cảnh vật thiên nhiên, mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông.
 (VnExplore)

 

KHI ĐẠO MANG THT XƯƠNG VIT

 

Ai muốn tìm hiểu về kiến trúc và mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt về tôn giáo, cũng đều phải chú ý đến nhà thờ Phát Diệm. Và bỗng nhiên hình chụp Phương Ðình và nhà thờ chính tòa có mái cong mang đầy chất Việt này đã trở thành biểu tượng cho công cuộc Việt Hóa Ðạo Chúa, hội nhập Tin Mừng vào văn hóa nước nhà.

Những đường nét xây cất đã chuyển diễn và thể hiện được những biểu tượng gốc rễ của đạo lý Việt tộc theo tinh thần Ðạo Chúa. Trong cả một diễn trình dài của lịch sử truyền giáo trên 400 năm, tìm ra đường lối và phương thức nào hữu hiệu nhất để Ðạo Chúa có thể đi vào mạch máu và rung cảm tận trong tế bào người Việt, vẫn luôn là một thách đố. Cụ Sáu Trần Lục đã bắt đầu con đường đó bằng công trình xây cất quần thể nhà thờ Phát Diệm, nơi cụ đã làm chánh sở 34 năm từ năm 1865 đến năm 1899.


NGƯỜI ÐẦU BẾP GIỎI

Cũng là một miếng thịt, mà mỗi sắc dân xào nấu thành các món ăn khác nhau. Nói đến thịt bò chẳng hạn, người Âu Mỹ khoái làm món “bí tết”, mỗi người một tảng lớn và dầy bằng cục gạch vắt ngang qua đĩa. Rồi cắt rồi xén, mỗi người một đĩa riêng, một “thế giới” riêng, không ai “chơi” với ai. Người mình thì thái nhỏ ra, để chung một đĩa, ăn chung, tùy lượng tùy sức. Nào là thịt bò bẩy món: nhúng dấm, ép chảo, nướng ngói v.v.... Nào là thịt bò lúc lắc, thịt bò xào rau. Và đặc biệt là món phở bò thì... ôi thôi, cả một bầu trời quê hương bỗng cô đọng lại nơi đây, cũng khói hương nghi ngút, có ánh mắt long lanh và nụ cười tươi thật là tươi. Ngon quá sức phải không?

Ngon hay không còn tùy người làm bếp nữa. Có tiệm mở ra, quảng cáo “tưng bừng khai trương”, nhưng rồi chẳng bao lâu lại phải “âm thầm đóng cửa.” Cũng chỉ vì người ta ăn một lần là biết ngay tài của tay đầu bếp.

Vũ Bằng mà viết về phở thì khỏi chê. Có vấn đề ăn phở thì cũng có vấn đề làm phở. Tả “Miếng Ngon Hà Nội” thì không thể nào quên được phở Tráng hay phở Hàng Than hồi năm 1952. Anh Tráng làm phở không có tiệm mà chỉ bày quầy ra ở hè phố. Còn anh thì nào có đẹp trai gì cho đành!

“Hình thù vóc vác của anh trông thật nản. Người gầy, môi hơi thưỡi, mắt thì lờ đờ như người chết rồi... Thêm vào đó, lại bịt ở trên đầu một cái mùi-soa trắng, trông mới lại càng... “thiểu số”. Người đâu mà lại “lỳ-sỳ” đến thế là cùng! Hàng năm bẩy chục người, hàng tám chín chục người đứng vòng lấy gánh hàng của anh ta, chật cả một cái hè đứng để mua ăn, để “đòi” ăn - phải, họ đòi ăn thật. Mà anh ta cứ làm như thể không trông thấy gì, không nghe thấy gì.”

“Anh cứ thản nhiên thái thịt, dốc nước mắm, rưới nước dùng. Ai đợi lâu mặc; ai phát bẳn lên, mặc; mà ai chửi, anh ta cũng mặc.”

“Ði ô-tô đến cũng thế; mặc áo vải đến ăn cũng thế; các bà các cô đẹp đáo để đến ăn cũng thế. Anh ta không đặc biệt với ai. Kể cũng dân chủ đấy! Nhưng có nhiều bà tức vì anh ta không nịnh đầm.”

“Ghét quá. Thế thì thuê một cái nhà rộng, mượn thêm người làm có phải lợi không?... Mặc cho ông cứ nói, anh phở Tráng không trả lời, nhất là không bao giờ cười. Trông thật lộn ruột, muốn tát cho một cái. Chết một nỗi ghét người thì thế, nhưng đến cái phở của anh ta muốn ghét, không tài nào ghét được.”

Anh tráng “phù phép” thế nào mà ăn vào là mê, là nghiện. Ðợi lâu mấy cũng phải chịu. Vì khi “bài thơ phở” đã viết xong, thì “húp một tí nước thôi, đừng nhiều nhé! Ông đã đã thấy tỉnh người rồi phải không? Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy cả lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên...” (Miếng Ngon Hà Nội, Xuân Thu, trang 19-21)

Ấy, tôi phải dùng hình ảnh cụ thể như vậy để biểu hiện cái đạo như miếng thịt được truyền đến từ phương Tây mà Cụ Sáu Trần Lục lại có thế biến chế, xào nấu một cách tài tình đúng khẩu vị người Việt mình. Ai ăn cũng phải mê, phải tấm tắc khen, và rủ người khác tới ăn nữa.

Mà ví đạo như miếng thịt cũng không quá đâu. Con người hữu hạn luôn đói khát cõi vô biên. Nấu nướng và cung cấp đồ ăn thiêng cho con người theo đúng khẩu vị của mỗi người chẳng phải là một sứ vụ cao cả sao! Kinh Thánh đã bảo: “Trên núi này, Chúa các cơ binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc. Thịt thì ngon, rượu thì nồng...” (Isaia 25:6). “Hỡi những ai khát, hết thảy hãy đến, có nước đây, cả những ai không có tiền, cũng hãy đến! Hãy mua mà ăn! Hãy đến mà mua, không phải trả tiền, mà có rượu có sữa! Tại sao phí tiền vào cái thứ không phải bánh ăn, phí của vào đồ không làm no bụng? Hãy nghe Ta và các ngươi sẽ có thức lành mà ăn, và cao lương mà hưởng tùy theo sở thích.” (Isaia 55:1-2).


KHI ÐẠO MANG THỊT XƯƠNG

Khi người ngoại quốc đề cao kiểu kiến trúc nhà thờ mái cong thì chẳng phải vì do óc hiếu kỳ chuộng cái mới lạ, mà là nhận ra đây chính là một phương thức sống đạo, diễn đạo và truyền đạo đúng nhất hợp cho người địa phương. Lần đầu tiên, một người Việt là Cụ Sáu Trần Lục đã dám thoát ra khỏi cách “nấu ăn” theo kiểu người Tây, mà mang vào những đường nét rất Ta, rất gần gũi, rất hợp khẩu vị... ăn ngon quá chừng.

Thật vậy, ngay từ năm 1658, khi đặt hai Giám Mục đầu tiên là Ðức Cha Pallu và Lambert De la Motte cho hai miền Bắc và Nam, Tòa Thánh đã ra chỉ thị rõ ràng: "Những người truyền giáo phải đạo đức, sẵn sàng hội nhập vào tâm thức và phong tục địa phương; phải đào tạo và truyền chức cho người bản xứ nhiều linh mục, và ngay cả việc tuyển chọn người địa phương cho chức vụ giám mục; không nên áp dụng giáo luật cứng rắn đối với những người tân tòng; không được và không nên vịn lý lẽ mà bắt dân chúng đổi nghi lễ, thói quen và phong tục, trừ phi trái ngược với đức tin và luân lý một cách rõ ràng; đừng coi rẻ phong tục địa phương đem so với phong tục bên Tây; và cuối cùng, là phải làm chứng về tinh thần khó nghèo của Phúc Âm." (Xem The Christian Faith, ed. J. Dupuis, New York: Alba House, 1982, pp.308-10).

Vì chính Ðức Giêsu đã là khuôn mẫu căn bản cho việc “xào nấu” biến chế hội nhập này. Thiên Chúa vô biên và vô hình đã mang hình, đi vào không gian và thời gian, nhập thể và nhập thế. “Ðạo đã mang thịt xương loài người và ở giữa chúng ta,” do một người mẹ Do Thái, trong bối cảnh lịch sử Do Thái, với lối suy tư và tình cảm theo kiểu Do Thái, giữ phong tục Do Thái, ăn đồ ăn Do Thái và nói tiếng Do Thái, để gọi là sống đạo.


Lịch sử truyền bá Tin Mừng đã bắt đầu từ Do Thái với Chúa Giêsu là người Do Thái, thuộc châu Á, Ðông phương. Khi đi lên hướng Tây vào thế giới Hy Lạp, Tin Mừng đã mang nhiều nét diễn tả của nền văn hóa Hy Lạp mà ai cũng nhận ra nơi Phúc Âm theo Thánh Gioan và các thư của thánh Phaolô. Truyền thống “Dabar” của Do Thái đã hội nhập vào truyền thống Logos của Hy Lạp. Rồi khi Tin Mừng lan rộng tới Âu Châu, thì đúng là đã “mang thân xác” văn hóa và phong tục Âu Châu, khiến nhiều người vẫn tưởng rằng đạo Công giáo là đạo của Tây Phương. Chẳng hạn như lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu “mặt trời công chính” đã được chọn vào ngày 25.12 của đêm đông giá lạnh là để “rửa tội” cho phong tục thờ thần mặt trời của đế quốc Roma. Ðó là lúc đêm dài nhất được chuyển dịch thành ngắn dần lại và ngày dài hơn ra, nghĩa là nhiều ánh sáng mặt trời hơn.

Quả thực, Ðạo Công giáo phát triển tại Âu Châu dài suốt 20 thế kỷ qua, đã hầu như đồng hóa với nền văn minh Âu Tây. Rồi thì các kiểu kiến trúc nhà thờ cho đến những trang trí phụng vụ như áo lễ, đồ lễ, cũng đều mang đường nét của Âu Tây. Nào là kiểu Hy Lạp, Rô-ma, Gô-tích, Ba-rốc. Mỗi nước lại mang nét riêng của mình nữa. Như Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha thì có vẻ rườm rà màu mè hơn Pháp. Ý thì trọng nghệ thuật thẩm mỹ hơn.


Các nhà truyền giáo phát xuất từ nước nào thì dễ “nhập cảng” theo lối kiến trúc và trang trí nước ấy. Nghĩa là vẫn “xào nấu” theo kiểu Tây phương. Ở những giáo phận do Hội Truyền Giáo Paris (M.E.P) thì các nhà thờ xây trước kia giống Tây lẳm, cũng những nét gô-tích hay thời phục hưng bên Âu. Còn những giáo phận do dòng Ða-Minh coi sóc thì ảnh hưởng Tây Ban Nha thấy rõ, từ kiểu nhà thờ cho đến những chân nến và các cuộc rước.

Cuộc hội nhập của Ðạo Chúa vẫn diễn tiến tự nhiên từ Do Thái thuộc Á Châu bước sang Hy Lạp rồi Âu Châu. Nhưng lạ thay, khi sang Việt Nam thì có vẻ còn nguyên vẹn hình hài Âu Tây đặc sệt. Ðạo xem ra vẫn chưa thực sự nhập thể và nhập thế vào tâm hồn và tâm thức Việt Nam. Tiến trình hội nhập như bị ngưng đọng.


MÁI CHÙA HAY MÁI CONG?

Phật giáo phát xuất từ Ấn Ðộ thì “đền thờ” Phật tức là nhà Chùa đáng lẽ ra phải “nhập cảng” theo kiểu Ấn chứ. Nhưng, thật đặc biệt, đạo Phật đã được Việt hóa rất tài tình. Những đường nét kiến trúc theo kiểu Ấn như đền Ðế Thiên Ðế Thích bên Miên, Tháp Chàm, hay những chùa miếu bên Thái, không thấy có nơi các mái Chùa Việt Nam.

Cũng như một điều khá đặc biệt nữa là Ðức Quan Âm Bồ Tát bên Ấn là đàn ông, thế mà khi sang Việt Nam lại đã biến thành Ðức Phật Bà Quan Âm. Các nhà văn hóa tha hồ mà diễn cái nét nữ của mẫu hệ trong văn hóa và tâm hồn Việt. Có lẽ cũng chính vì vậy mà người Việt Công giáo rất sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria hơn nhiều truyền thống Công giáo các nước khác. Nói cách khác, miếng thịt đạo Phật đã được xào nấu theo khẩu vị người Việt, theo tâm thức và lối sống người Việt. Tôn giáo vẫn là một cái bè để qua sông, vẫn là ngón tay chỉ mặt trăng, như lời Ðức Phật dạy. Ðừng quá chú trọng vào ngón tay hay cái bè mà quên mất mặt trăng hay bờ bên kia phải sang.

Trông thấy một nhà thờ mái cong thì người Tây chú ý ngay. Họ thấy đường nét uốn lượn, co giãn, hài hòa, uyển chuyển như sóng nước thủy triều, như điệu vũ, không cứng đơ ngang bằng xổ thẳng kiểu biện chứng pháp “đấu tranh giai cấp.” Ðường nét kiến trúc luôn nói lên chí hướng và tâm hồn một lớp dân, một thời đại. Một số người Công giáo Việt trái lại, cứ thấy nhà thờ mái cong thì cho là “sao giống chùa” quá vậy, và chỉ sợ “rối đạo” thôi! Nhà mái cong đâu có nhất thiết là “đền thờ” Phật hay nhà Chùa, mà chính là đường nét đặc thù của văn minh Ðông Nam Á. Các cung điện, các dinh thự di tích lịch sử đều mái cong cả đó.


MÁI CONG CHUYỂN DIỄN TÂM HỒN VIỆT

Theo giáo sư Kim Ðịnh, thì mái cong chính là nét hòa hợp của vuông và tròn. Những đường nét này đã thấy khẳc vẽ trên mặt trống đồng thời Ðông Sơn của Việt tộc khoảng 2000 năm trước đây. Vào năm 43, sau khi thắng Hai Bà Trưng, Mã Viện đã thu trống đồng Việt đem về phá hủy đi vì muốn diệt trừ cả một nền văn hóa cao.

“Các nét cong lớn, như thuyền cong, nhà mái cong hay những đình có đầu dao cong vắt hoặc những vòng chạy quanh đồ vật... là điểm đặc trưng, bởi nét cong là hệ quả do sự hòa hợp giữa tròn và vuông, tức tinh thần bao trùm vật chất khiến vật chất không còn quá gẫy khúc nhưng trở nên cong. Ðấy là hậu quả của giao thoa giữa tròn và vuông.” (Kim Ðịnh, Sứ Ðiệp Trống Ðồng, Thanh Niên Quốc Gia xuất bản, trang 111-112)

Giáo sư Vũ Ðình Trác cũng cùng quan điểm trên: “Nhà mái cong là biểu tượng cho âm dương hòa hợp. Âm dương hòa hợp đây được thể hiện bằng hai hình vuông tròn. Triết lý vuông tròn đã thể hiện từ thời Hùng Vương, qua truyện “Bánh dầy bánh chưng” của Tiết Liêu, như mọi người đã biết. Hình vuông tròn chen nhau, đó là đường cong và đường thẳng hòa hợp với nhau. Những hình ấy được nhìn thấy trong các hình trang trí trên các dụng cụ Phùng Nguyên và Ðông Sơn. Cũng có nhiều hình trang trí trên gạch đá ở trong các cung điện hoặc lăng tẩm chùa miếu... Ðó là những nét uyển chuyển của tâm hồn và những đổi thay của kiếp sống muôn mặt. Có người cho rằng người Trung Hoa có vẻ bảo thủ, người Nhật thì cố chấp, còn người Việt thì uyển chuyển theo thời, theo người và hoàn cảnh chung quanh... chỉ biết một điều là những đường nét trang trí đã biểu lộ phần nào những làn sóng đắp đổi của tâm hồn.” (Thời Ðiểm Công giáo, tháng 5.1991, trang 120).

Giáo sư Vũ Ðình Trác còn khẳng định nhà mái cong là nét đặc trưng của Việt Nam: “Về nhà mái cong, thì nhà mái cong đã có trước công nguyên, ít gì cũng đã 1000 năm, qua các trống đồng của ta... Kiến trúc mái cong được vẽ lên mặt trống đồng Ðông Sơn và Ngọc Lũ...

Trung Hoa chỉ có mái cong từ thời nhà Ðường, khoảng năm 630.. Nhật Bản có tháp Chùa cổ nhất là tháp Chùa Nhạc Sư có mái cong rất đẹp được kiến tạo năm 730, tại Nara.” ( Thời Ðiểm Công giáo, tháng 5.1991, trang 118).


Tác giả Olichon đã rất thán phục nhà thờ Phát Diệm, cho là một công trình kiến trúc mái cong vừa đồ sộ lại vừa mỹ thuật, có một không hai. Nhưng ông lại chỉ nghĩợ nhà mái cong này là theo kiểu Trung Hoa. Quả là người Âu Tây chẳng sao phân biệt được.

Mái cong còn giống như hai cánh chim đang giang rộng để bay lên. Chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn có tạc hình chim phượng ở mỗi góc mái cong. Ðúng là những cánh chim tiên huyền thoại đã từng bay suốt dọc dài lịch sử bi hùng của Việt tộc. Cũng một cánh chim trên mặt trống Ðông Sơn. Cũng là cánh chim bồ câu biểu tượng Thánh Linh trong Kinh Thánh.

Ðưa nét cong vung cánh bay lên này vào kiến trúc một ngôi đền thờ, không chỉ nhằm diễn nghĩa hay mỹ thuật, nhưng còn để con người cùng hòa nhập thành chính biểu tượng đó. Mình đang biến đổi hóa thân thành làn sóng uyển chuyển vòng lượn phong lưu. Mình đang mọc cánh, đang vũ hóa đắc đạo thành chim tiên.


TỪ CÕI VUÔNG ÐẾN CÕI VUÔNG TRÒN

Phương Ðình đứng sừng sững uy nghi ngay phía trước nhà thờ lớn, là kiến trúc đồ sộ nhất và mỹ thuật nhất của Cụ Sáu, hoàn tất năm 1898. Phương Ðình có nghĩa là cái đình làng hình vuông, là phòng họp chung, có những bàn đá để ngồi. Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất. Mọi sinh hoạt trần thế được qui tụ nơi đây, gồm cả “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người”, buồn, vui, đắng, ngọt. Mọi diễn trình của cuộc sống đều có góc có cạnh. Cả con người cũng bị giới hạn bởi không gian và thời gian trong cái bị thịt như cái hộp vuông góc. Nhưng trong thâm tâm con người luôn ước vọng vươn tới vô biên. Cõi vô biên toàn mãn của trời được tượng trưng bằng bánh dầy tròn.

Những bế tắc nhốt giam trong cái hộp vuông thì ai cũng cảm thấy. Nhưng đây là con đường hóa giải: Bước vào đình vuông là dám chấp nhận thực trạng cuộc sống với tất cả mọi khía cạnh, và di chuyển vào nhà thờ để cho sức thiêng cảm hóa thành hòa hợp vuông tròn. Ðây là cả một đạo lý sống được diễn ra bằng đường nét hiển hiện, như một qui trình đạt vuông tròn, mẹ tròn con vuông. Chứ những con đường duy vật, chỉ cậy dựa vào sức riêng của cái hộp vuông hữu hạn, thì chỉ mang lại những hậu quả chém giết hãi hùng như đã từng thấy trong lịch sử nhân loại.

CÂY TRÚC MỌC BÊN ÐÌNH

Diễn trình từ vuông đến tròn không thể xẩy ra được nếu không có cõi trống. Dám xả bỏ cái tiểu ngã hộp vuông hữu hạn. Cõi trống đúng là cái bè hay cái cầu bác từ bờ hữu hạn sang bờ vô hạn.

Phương Ðình Phát Diệm trống không, chả chứa đựng gì cả. Ðược xây bằng những tảng đá lớn, trông hùng vĩ kiên cố như núi đá độ trì. Các chấn song đá chạm hình thân trúc. Biểu tượng cõi trống là đây. Gióng thì thẳng, lòng thì rỗng, để cho linh khí đất trời có thể hội tụ được. Chẳng phải để nhìn cho đẹp mắt. Cũng chẳng phải để suy cho lắm nghĩa hay. Nhưng là một biểu tượng diễn tả mỗi lòng người khi bước vào nhà Chúa. Maisen đã chẳng cởi giầy ra vì thấy mình bất xứng khi nhận ra Chúa hiện diện là gì. Khi lòng bạn càng được xả trống ra, thì ơn thiêng mới đổ đầy được. Ngược lại nếu lòng bạn đã quá đầy ắp mọi thứ, thì đến với Chúa, bạn cũng vẫn thấy rỗng không, như tâm tình của thi hào Tagore:

Ân sủng Người ban thì thì vô biên vô tận
Ðể lãnh nhận tôi chỉ có hai bàn tay nhỏ bé vô cùng.
Ngày ngày lớp lớp qua đi Người vẫn không ngừng đổ rót,
Song hồn tôi vẫn trống và tay tôi thì hãy còn vơi.


Vậy thì, để có thể vào nhà Chúa, để được tròn đầy, bạn hãy trở nên “cây trúc xinh (tang tình) là cây trúc mọc bên đình” nhé.

Ðức Maria đã được truyền thống tu đức gọi là cây sậy hay cây trúc của Thiên Chúa. Ðó là truyền thống của những người “bé nhỏ” tay không (anawim) từ Cựu Ước qua Tân Ước. Và bài ca tuyệt vời ví như khúc sáo ân tình mà “Chị Hai (Maria) xinh, tang tình là Chị Hai đứng, đứng một mình qua lối xinh cũng xinh” chính là bài Tình Khúc Tạ Ơn “Magnificat”:

Vì chính Chúa Ðấng Cứu Ðộ của tôi
Ðã đoái nhìn phận nữ hèn tôi tới...
Ngài đập tan lũ kiêu căng ngạo nghễ
Kẻ quyền thế sẽ bị Ngài hạ bệ
Và nâng cao kẻ hèn mọn khiêm nhường
Ai đói khó được no thỏa thần lương...


CÕI TRỐNG DIỆU VỢI

Nói rằng Phương Ðình không chứa đựng gì cả thì không đúng hẳn. Vì ở tầng giữa có chứa một trống cái, là cái trống không, ở ngay giữa lòng. Tầng trên cùng đặt một quả chuông nam cao 1,90m, đường kính 1,10m, nặng gần 2 tấn.

Tiếng trống như tiếng sấm lệnh đã từng vang lên từ động Ðông Sơn, động Mê Linh. Hãy xả trống cái tâm đầy đặc ra. Tiếng chuông nam âm trầm như tiếng chiêng, tiếng OM như truyền thống Aãn Ðộ, chuyển sinh lực từ cõi trời cao, như lời ghi ở mặt tháp chuông:

Tôi ca tụng Chúa thật
Tôi kêu gọi dân chúng,
Tôi tập họp giáo sĩ,
Tôi khóc người qua đời,
Tôi xua đuổi ôn dịch,
Tôi tô điểm ngày lễ.


Nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác bài hát tuyệt vời với nghĩa đạo lý của Cõi Trống trong bài Nghìn Thu. Bạn có thể liên tưởng phần nào đến tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chúa là Suối Nguồn Hồng Ân, và chỉ ai là Cõi Trống mới có thể được đong đầy:


Nghìn Thu anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ.
Nghìn thu, em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi
Không bao giờ biển vơi.
Em là Cõi Trống
Cho tình đong vào
Anh là Nơi Vắng
Cho tình căng đầy.

(Ngàn Lời Ca trang 371)


Nhiều “học giả” đã từng tốn sức tranh luận với nhau xem Trống Ðồng Ðông Sơn là của Việt tộc hay không? Cái trống kích thước bao nhiêu, màu gì, bằng chất gì, ở đâu, vẽ khắc gì trên đó, của văn hóa nào? Tất cả những câu hỏi đó sẽ trở nên lẩm cẩm nếu bạn bước vào nơi đây với một tấm lòng mở rộng trống không, cho sức thiêng tác động.

Bạn đang bước vào cõi trống tịch mịch trong một hang động của núi Sinai với Mô-sê hay vùng sa mạc với Ðức Giêsu. Lòng bạn tự nhiên hòa nhập vào cõi trống bao la, như không còn trời, không còn đất, không còn chính mình. Tất cả như chỉ còn một hơi thở, một nhịp tim đập. Bắt đầu trống là bắt đầu đầy. Chân không diệu hữu. Thật lạ. Và tâm hồn bạn cũng đang trở thành chính cái trống diệu vợi này. Bước vào cõi trống hang động là bước vào một thế giới khác vượt qua thế giới bạn đang trông thấy trước mắt, bước vào một thực tại khác lớn hơn và có thực hơn cái thực tại đang nhốt giam bạn với những vật lộn của cuộc sống. Tự nhiên bạn muốn buông trống tất cả.

Vậy, bạn hãy cùng tôi xả trống tâm hồn bằng cách đánh ba hồi trống nhé. Mở đầu mỗi thánh lễ, đều có đấm ngực ba lần lúc đọc kinh Cáo Mình phải không? Trong các nghi lễ khai mạc, người Việt thường đánh ba hồi trống. Rồi đến lúc rửa tay trước khi dâng của lễ, bạn hãy cùng linh mục dìm mình xuống nước để xả trống, chết đi cho con người cũ và bắt đầu cuộc sống mới. Và nhất là khi bẻ bánh, bạn hãy bẻ mình ra. Ðúng rồi, trái nho phải được đạp dập, bánh phải được bẻ ra, trầu cau phải được nghiền nát, ống trúc phải được đục khoét để Thần Khí thổi hơi tình yêu vào thành khúc sáo ân tình. Tất cả là cái trống. Như cái trống không tột cùng là chính cây thánh giá. Ðó là con đường “hủy mình đi để trở thành trống không” (Phil 2:7) của chính Ðức Kitô cho khí lực Thần Linh bừng dậy.

Cũng như biểu tượng trầu cau của truyện thiêng Việt tộc: miếng trầu là đầu câu chuyện. Ðây là chìa khóa của mọi giao tiếp cảm thông. Bạn và tôi chỉ có thể đến với nhau trong thân thương tình người, khi những khác biệt và ứ đọng tham thân si được khai thông làm trống ra. Như trầu, cau, và đá vôi là ba thực thể khác biệt như vậy, mà khi chịu nghiền nát ra, thì hoà được với nhau biến thành màu đỏ son thắm, màu của tình yêu. À, thì ra là vậy. Mở đầu câu chuyện bước vào ngôi đình xum họp này mà “gặp nhau ăn một miếng trầu” thì lòng bạn và tôi sẽ mở ra thênh thang để có thể hài hòa được với nhau và vươn lên được tới thái hòa với huyền nhiệm tròn đầy.


QUI TRÌNH TÂM LÝ THỂ HIỆN VUÔNG TRÒN

Diễn trình từ vuông đến tròn trong biểu tượng Việt tộc được khoa tâm lý ngày nay gọi là thực hiện toàn mãn, “individuation,” theo ngôn từ của Karl Jung, một nhà tâm lý nổi tiếng nhất thế kỷ.

Bước qua Phương Ðình vào Nhà Thờ Lớn, bạn đang đi vào một diễn trình biến đổi. Từ một nếp sống tầm thường đến một cuộc sống hoàng vương như hoàng tử Tiết Liệu đã làm với của lễ bánh chưng vuông hòa hợp với bánh dầy tròn. Từ những góc cạnh nhọn hoắt của đất thấp đến vòng tròn viên mãn trời cao. Karl Jung đã từng vẽ lên những biểu tượng vòng tròn mandala trong khoa tâm lý trị liệu. Qui trình căn bản của một cuộc chữa bệnh tâm lý (therapy) hay của tu đức hoán cải (conversion, healing) gồm 3 giai đoạn như một điệu vũ nhịp ba, cô đọng trong 3 từ:


- Vuông: nhận diện và đối diện với hiện trạng Vuông đầy góc cạnh của mình chứ đừng lẩn trốn.

-
Trống: bằng lòng xả trống những góc cạnh đó qua một thái độ hay một tác động.

-
Tròn: hòa vào Vòng Tròn viên mãn.

Và kết quả của cuộc biến đổi tiến tới nhiệm hiệp này là “Thiên Chúa đã xuống làm người để chúng ta có thể trở nên giống Chúa.” (Thánh Anathasio), để chúng ta cũng là “những thần linh” (Gioan 10:34), “tham dự bản tính Thiên Chúa” (1Phêrô 1:4).


Ở BẦU THÌ TRÒN

Những nhà tâm lý miền sâu phải phục lăn ra khi đọc được câu ca dao Việt Nam:

Ở bầu thì tròn
Ở ống thì dài.


Ðây là một phương thức giáo dục tuyệt diệu, vượt qua mức ý thức, mà xuống được tiềm thức. Cứ tạo ra cái bầu khí bầu tròn thì tâm hồn những người bước vào sẽ tròn ra dần dần.

Cụ Sáu Trần Lục quả là đã thấy được sức mạnh biến đổi của tiềm thức khi xây Nhà Thờ Lớn với một bầu khí như hang động. Từ ngoài bước vào trong, phải một lúc mới nhìn rõ, vì bên trong tối hơn bên ngoài nhiều, tạo nên một bầu khí trầm mặc thuận tiện dìu con người vào một chiều kích siêu vượt. Năm cửa chính của Nhà Thờ Lớn điêu khắc những bức tiêu biểu kỳ bí của sự hợp thông hai lối kiến trúc đông - tây, hình ảnh đạo Chúa nằm bên cạnh hình ảnh bông sen của Phật, hai thế giới xem ra xung khắc. Yvonne Schultz trong báo Illustration ngày 9.11.1929 đã nhận thấy như sau:

“Những bông sen, cây cau, cây chuối che bóng những cảnh Thánh Kinh, mấy chú bò mọc sừng trâu, những nhân vật giống dáng người sơ khai, nhưng lại mang vẻ mặt người Phật giáo... Tất cả những điêu khắc kỳ lạ đó làm tôi ngỡ ngàng và cảm phục vô cùng.”

Người Da Ðỏ thường làm lễ Quan cho một đứa con bước vào tuổi trưởng thành bằng cách đưa vào trong một cái hang trống. Vào trong hang trống là vào cõi huyền nhiệm, để con người vượt ra khỏi cái hộp không gian và thời gian chật hẹp thường ngày, mà vươn tới một chiều kích mới rộng mở. Ðó là chiều kích thứ tư, chỉ có thể thấy được bằng con mắt thứ ba, con mắt của tâm.

Như vậy, nhà thờ tự căn bản, là cái “hang trống”, để con người có thể vươn tới huyền nhiệm. Và các nghi lễ phụng vụ phải là những tác động dẫn con người vào chiều kích này. Ðến nhà thờ hay tham dự phụng vụ, chẳng phải để nghe hiểu cái này điều kia, mà là một cuộc biến đổi sâu xa bằng tác động, bằng biểu tượng.

Ðể tạo bầu khí “hang trống” huyền linh, nhà thờ thường đừng quá nhiều ánh sáng mà phải trầm mặc u linh. Âm thanh phải siêu thoát, thường được phả bằng tiếng phong cầm như gió thoảng qua ống tre ống trúc, chứ không phải là những điệu nhạc ù tai nhức óc làm bấn loạn tâm thần. Mùi hương dịu thơm làm thư giãn khứu giác và làm cho hơi thở trầm lại êm ả.

Cái bầu khí tròn “hang trống” như trên phải được đề cao để thay thế cho những ồn ào náo động của nhiều nhà thờ, chỉ khiến người tham dự thêm mệt mỏi hơn là tìm thấy an bình thảnh thơi để vươn tới một thực tại siêu vượt. Và nếu phụng vụ Công giáo không dẫn con người đến được chiều kích thứ tư này thì xì ke ma túy sẽ được thay thế vào đó với hậu quả tai hại biết chừng nào. Và hiện tượng xảy ra là một số giới trẻ Công giáo chạy theo những nhóm đạo thần bí, một số khác kể cả người có tuổi cũng hồ hởi với những niềm tin rất ư hiếu kỳ như nhân điện của hỏa xà Kundalini trong những luân xa nhặt được ở mãi bên xứ Ấn.

Giáo sư Kim Ðịnh đã nhận xét thật sâu xa về nghệ thuật nói chung, có liên hệ đến kiến trúc và những xếp đặt tạo bầu khí phụng vụ:

“Lý tưởng nghệ thuật là cố gắng biểu lộ vô biên xuyên qua những cái hữu hạn. Vì thế khi tiếp nhận với nghệ thuật chân chính ta cảm thấy cái chi như thấm vào tâm hồn, như được vén màn lên để chạm tới cái chi man mác. Ðiều này dẫn tới một nhận xét khác là lý tưởng của nghệ thuật cũng chính là lý tưởng con người, vì con người cũng luôn luôn hướng về siêu việt. Có thể nói, lý tưởng của nghệ thuật sao, lý tưởng con người cũng vậy: tức cũng như nghệ thuật, con người luôn cố gắng kết hợp với cái chi vô biên thường được gọi là thần là thánh.” (Sứ Ðiệp Trống Ðồng, trang 90).


KHI CON NGƯỜI MỌC CÁNH

Về phụng vụ, ngày nay nhiều người đang tìm hiểu những nghi lễ của dân Da Ðỏ với chiều kích nội tâm sâu thẳm. Ðạo sĩ Shaman của họ không tìm giảng thuyết hùng hồn giải nghĩa giáo lý thần học. Họ bắt đầu bằng “vũ phụng vụ”. Ðạo của họ không phải để suy tư, mà là đường để đi, để nhảy múa mà hòa vào một thực tại siêu vượt hơn.

Tổ tiên Việt tộc cũng xâm mình rồng mặc áo lông vũ của chim để ca vũ. Chữ vũ bắt nguồn từ đó. Vũ là một tác động “phụng vụ” để biến đổi, hóa thân thành vật tổ chim tiên rồng lửa. Ðạt được như vậy gọi là đắc đạo, vũ hóa, nghĩa là mọc cánh.

Vị Shaman người Da Ðỏ cũng bắt đầu nghi lễ bằng mặc áo lông chim, khai mào bằng những hồi trống và những lời thần chú, cốt làm cho lòng người tham dự trống rỗng ra cho thần nhập. “Thần” của người Da Ðỏ cũng có hình chim. Chính vì thế mà họ mặc áo lông chim khi ca vũ. Tổ của dân Việt là tổ Tiên, cũng là chim. Chúa Thánh Thần cũng được diễn ra bằng hình chim bồ câu. Chắc hẳn trong tiềm thức cộng thông, con người đã tìm thấy một mạc khải nào rồi trong các biểu tượng uyên nguyên?

Vị Shaman người Da Ðỏ luôn đóng vai trò là linh hướng và thầy thuốc của nhóm dân mình. Ðối với họ, cầu nguyện hay nghi lễ là những tác động “xuất ngã nhập thần”. Liệu những canh tân phụng vụ ngày nay có nhận ra chiều kích này không hay chỉ giậm chân tại chỗ bởi những thay đổi luẩn quẩn, đôi khi thay đổi chỉ vì mặc cảm phải thay đổi mà thôi.

Kiến trúc và tác động phụng vụ phải chuyển diễn được những tình cảm sâu xa nhất của tâm hồn và của một sắc dân. Phụng vụ chỉ có thể làm rung được những tế bào người Việt khi những tác động đó bắt đầu cùng rung được bằng những đường nét của những Truyện Thiêng Việt tộc, đã nằm sẵn trong huyết quản mang theo chất nhiễm thể của cả một dân tộc trải dài mấy ngàn năm với những bi đát và hào hùng của lịch sử.

Nhờ khoa uyên tâm học ngày nay mà người ta khám phá ra vai trò quá ư quan trọng của biểu tượng trong cuộc sống con người, vượt hơn những suy luận của lý trí. Liệu kiến trúc và phụng vụ Công giáo đã có thể bắt đầu nhận ra và thể hiện những biểu tượng uyên nguyên của nhân loại qua đạo Công giáo cũng hài hòa với những biểu tượng uyên nguyên của Việt tộc không? Những biểu tượng đó đã được thể hiện qua các thời đại và các nền văn minh từ Hy Lạp tới Roma, và ngày nay qua não trạng của nền văn minh cơ khí Âu Mỹ.

Liệu những đường nét kiến trúc và những phẩm phục nghi lễ Rô-ma, Gô-tích, Ba-rốc, có phải là những nét cốt tủy có tính cách biểu tượng uyên nguyên cần phải nhập cảng vào nhà thờ Việt không? Hay người Việt Nam Công giáo cần phải tìm ra những nét biểu tượng gốc rễ của dân tộc mình mà áp dụng vào kiến trúc cũng như phụng vụ như một bắt buộc nếu muốn rung cảm được trong thâm sâu tiềm thức của người dân Việt.


BẦY CHIM VỀ TỔ

Một kinh nghiệm khá đặc biệt xẩy ra trong một buổi nhạc sĩ Phạm Duy trình bày tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ cho đám đông sinh viên Việt vùng New Orleans, Hoa Kỳ. Một số khá lớn sinh viên trẻ thì tiếng Việt có vẻ “ăn đong”, nghĩa là nói năng rất lõm bõm, và chẳng hiểu bao nhiêu. Thế mà khi nghe tổ khúc với những điệu vút bay qua những biểu tượng của bầy chim huyền sử, hay những điệu khèn điệu trống vang vọng như từ những hang động Ðông Sơn, Mê Linh, Hoa Lư, Lam Sơn... những người trẻ “rung cảm” thấy một cái gì thật lạ. Mắt họ sáng lên, người họ rạo rực hẳn ra. Họ đứng lên vỗ tay tán thưởng với tất cả hào khí cảm thông có sức truyền tới như điện lực của những người lần đầu nhận ra mình phát xuất từ cùng một tổ, từ một bọc mẹ chim Âu. Những tế bào của họ như được lay động. Có cảm tưởng họ cũng đang mọc cánh bay lại dòng lịch sử trải dài mấy ngàn năm, nhận ra một sức sống nhiệm mầu qua bao thế hệ đang luân chuyển qua mạch máu của họ. Và qua ánh mắt, một linh ảnh bầy chim đang vút cánh bay cao nối lại không gian và thời gian, khơi cho dòng sinh mệnh dân tộc chảy tới. Và thân thương tình tự dân tộc như bộc phát với sứ điệp thầm lặng:

Người với ta tuy hai mà một
Ta với người tuy một mà hai.


Từ kinh nghiệm này, một sự thật được nhận ra: người ta “hiểu” bằng biểu tượng nhiều hơn là bằng đầu. Karl Jung đã bảo hiểu bằng đầu thì chỉ được khoảng 5% đến 10% thôi. Còn tới 90% là do tiềm thức, do biểu tượng.

Vậy thì những ngôn từ về đạo cũng từ đó cần được điều chỉnh. Nếu chỉ “theo” đạo thì có vẻ thụ động quá, giống như một cái gì có sẵn nhập cảng từ Tây Phương, phải được rập lại nguyên văn kẻo sợ rối đạo. Nếu chỉ “giữ” đạo thì e sắp bị đào thải đến nơi! Còn “đi” đạo thì có vẻ hợp thời hơn một chút, vì đạo là đường để mà đi; nhưng xem ra cũng lam lũ đổ mồ hôi hột lắm. Vậy có lẽ tiếng “vũ” đạo có cái gì hấp dẫn hơn nhiều: đạo được chuyển diễn như một khúc vũ nhảy múa thênh thang. Ðạo được diễn ra bằng những biểu tượng, bí tích, cử điệu, kiến trúc, nghệ thuật, vũ khúc, thì mới dễ cảm được lòng người, và mới tạo được nét nhẹ nhàng tươi mát đầy sinh khí.

Như thế. thánh lễ hay phụng vụ đúng là một vũ khúc, trong đó mọi người đều là nghệ sĩ, cùng hoà vào một nhịp, theo nhịp trống, di chuyển từ hình vuông qua hình tròn. Vũ khúc này có thể gọi là Vũ Khúc Bầy Chim Về Tổ, như đàn chim 100 con cùng bay về tổ nguồn viên mãn là Thiên Chúa.


TRỞ VÀO LẠI VƯỜN ÐỊA ÐÀNG

A-Ðam và E-Và đã đánh mất vườn hạnh phúc, chỉ vì đã chọn con đường vuông cạnh tách lìa khỏi nguồn sống tròn đầy. Con đường trở vào lại thửa vườn ấy cũng đơn giản thôi mà ít người nhận ra. Scott Peck gọi là con đường ít người đi trong cuốn sách nổi tiếng “The Road Less Traveled”. Ðó là con đường xả trống tiểu ngã mà hòa vào vòng tròn nguồn cội sức sống của đại ngã tâm linh.

Trong một buổi lễ tết tại vùng New Orleans, Louisiana, vũ khúc Bầy Chim Về Tổ được áp dụng vào bài vũ phụng vụ Vườn Ðịa Ðàng (bài hát của Hùng Lân). Bốn em nam biểu tượng 4 dòng sông phát nguồn từ cây hằng sống ở trung điểm (Khởi Nguyên 2:5-16). Cũng là đồng bánh vuông 4 góc của Phương Ðình đang được biến đổi. Các em nữ với khăn đóng vàng mặc áo gấm đỏ hai tà như hai cánh chim. Ðoàn chim hai cánh này đang lượn vòng quanh rồi hướng về tổ nguồn bánh tròn viên mãn ở chính giữa như hình ảnh trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có thể từ tâm tình này mà ngay sau bàn thờ nhà thờ chính tòa Long Xuyên ở Việt Nam bây giờ có một bức tranh Trống Ðồng thật lớn.


Vườn Ðịa Ðàng có nụ là nụ tầm xuân
Nở ra óng ra (í a) bên trời reo vui.
Nói lên tình là tình yêu Chúa Trời
Dựng nên chúng sinh muôn loài
Ðể thông phần hạnh phúc với người.


Công trình Việt hóa Ðạo Chúa của cụ Sáu Trần Lục quả là tài tình và sâu sắc. Không như một hoa hòe hoa sói hay do tự ái dân tộc, mà phát xuất từ một bắt buộc, vì muốn Ðạo Chúa thấm vào trong mạch máu và rung được trong tế bào người Việt. Ðó là qui trình của vũ khúc bầy chim về tổ vuông tròn, con đường trở vào lại được Vườn Ðịa Ðàng hạnh phúc.

Cũng chỉ có một con đường thôi. Ðó là khi đạo thể hiện mang thịt mang xương. Ngôi Lời đã mang thịt xương làm người. Ðạo đã mang thịt xương Do Thái. Ðạo đã mang thịt xương Hy Lạp. Ðạo đã mang thịt xương Rô-ma. Ðạo đã mang thịt xương văn hóa Aạu Mỹ. Thì nay, với công trình của Cụ Sáu Trần Lục, đạo đang mang thịt xương Việt để cắm lều giữa lòng văn hóa dân Việt mà mang đến Tin Mừng cứu độ.

Lm. Trần Cao Tường

 

 

 

Top