Khai giảng khóa đào tạo Giáo Lý Viên niên khóa 2024-2025 tại cơ sở Trung Chánh

Khai giảng khóa đào tạo Giáo Lý Viên niên khóa 2024-2025 tại cơ sở Trung Chánh

Khai giảng khóa đào tạo Giáo Lý Viên niên khóa 2024-2025 tại cơ sở Trung Chánh

TGPSG -- Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?(Mc 8,29) 

Đây  câu hỏi suy tư dành cho mỗi người trong Thánh lễ Chúa nhật 24 Thường niên, khai giảng khóa đào tạo Giáo lý viên (2024-2025), cử hành lúc 16g00 Chúa Nhật 15/9/2024, tại nhà thờ Trung Chánh, do Linh mục (Lm) chủ tế Giuse Phạm Sỹ Tùng - chánh xứ Trung Chánh, Giám đốc cơ sở đào tạo Giáo lý viên hạt Hóc Môn.

Đồng tế với Lm Giuse có Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban giáo lý TGPSG, Lm Giuse Đoàn Văn Tuyến chánh xứ Bạch Đằng cùng 5 Lm khách mời là giảng viên. Tham dự Thánh lễ có nữ tu Lucia Trần Thị Linh Chi - Giám học cơ sở Trung Chánh, các giảng viên, các anh chị Giáo lý viên cấp 1; cấp 2; và cấp 3, cùng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Trung Chánh.

Trong bài giảng lễ, Lm Phêrô chia sẻ:

1. Cái nhìn và cách nhìn qua đoạn Tin Mừng:

- Cái nhìn và cách nhìn trong cuộc sống rất quan trọng. Từ cái nhìn dẫn đến thái độ ứng xử với nhau một cách tích cực hay chưa thật tích cực. Ví dụ như một chai rượu ngon còn một nửa, người chưa tích cực nhìn vào và nói: “còn có nửa chai hà”. Trong khi người tích cực nói: “còn đến nửa chai lận”. Trong cuộc sống khi chúng ta nhìn nhau và nói người ấy là bạn, chúng ta sẽ đón tiếp một cách niềm nở, vui vẻ, ân cần. Nhưng nếu nhìn một người nào đó và bảo người này chuyên gây phiền hà cho tôi, là thù địch của tôi thì chắc chắc rằng chúng ta có thái độ có cách đón tiếp khác, từ đó mối tương giao sẽ không lớn lên được.

Chính cái nhìn nó quan trọng như thế nên sau khi Chúa Giê su hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai?” thì Người lại hỏi chính các Tông đồ, những người được Chúa tuyển chọn: “còn các con, các con bảo Thầy là ai?”(Mc 8,29). Ngài biết Ngài là ai, nhưng Chúa muốn hỏi như vậy để các ông thấy mối tương giao giữa mình và Thầy của mình, và qua đó để họ biết họ ở đâu trong mối tương giao và hành trình theo theo Chúa.

Đối với chúng ta Chúa là ai? Nếu như nhìn Chúa là Đấng tạo dựng trời đất như trong lời nguyện đầu Thánh lễ, thì chúng ta đi theo Chúa sẽ trở nên một loài thụ tạo trọn vẹn nhất, tự do nhất và sẽ đạt đến sự hoàn hảo của Đấng đã tạo nên chính mình. Nếu chúng ta tin rằng Chúa là Đấng luôn nâng đỡ và bênh đỡ chúng ta trong cuộc sống, thì trước những sự dè bỉu, khinh chê, những đắng cay trong cuộc đời có hề hấn gì đâu!

Con đường theo Chúa, con đường vác thập giá theo Ngài không phải máu và nước mắt mà là con đường của sự sống, sự sống dồi dào. Nếu chọn Chúa là gia nghiệp trong cuộc đời của chúng ta thì có từ bỏ cái này hay cái khác, có phải hy sinh cái này hay cái kia thì cũng là chuyện nhỏ so với mối lợi lớn chúng ta có được là chính Chúa.

Cách riêng với các anh chị Giáo lý viên trong năm học mới, cũng như các anh chị đã hoàn tất năm học thứ nhất, thứ hai thậm chí là thứ ba, đã đi một đoạn đường trong quá trình đào tạo thì Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi các bạn đặt lại câu hỏi xem Chúa Giêsu đối với tôi là ai? Ngài là ai trong cuộc đời của tôi? Để chúng ta biết Chúa có một chỗ nào trong tâm hồn, trong cuộc đời của ta. Chúa có chiếm chỗ nhất trong cuộc đời chúng ta không?Khi tham gia học, đào tạo chúng ta có lớn lên có nhận thức về Chúa Giêsu trong mối tương giao giữa ta với Chúa hay không?

Hôm nay phụng vụ mời chúng ta hỏi lại chính mình câu hỏi đó. Chúa có là gia nghiệp? Chúa có là đấng nâng đỡ cuộc đời tôi giữa những thử thách trong cuộc sống? Theo Chúa dù có phải vác thập giá, dù có chịu đóng đinh vẫn là con đường sống chúng ta bước đi trong cõi nhân sinh, bước đi giữa những người của thế giới sự sống không?

2. Chúa là ai trong cuộc đời của chúng ta.

“Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống” với lời tuyên xưng này Chúa tỏ lộ cho các ông việc Người sẽ chịu đau khổ chịu chết và sống lại ra sao. Ngay lập tức, ông Phêrô kéo Người ra và can gián liền bị Chúa quở phạt vì tư tưởng của ông rất đỗi con người. Phận người có lúc rất sáng, lúc bước đi trong sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhưng rồi có lúc chúng ta nói những lời theo tư tưởng đặc sệt của con người, của thế gian. Chính vì vậy chúng ta được mời gọi để rèn luyện chính mình, không bao giờ chúng ta hoàn thiện. Chúng ta đi theo Chúa, đi với Chúa và đi với nhau trong hành trình để giúp nhau khám phá ra huyền nhiệm của Thầy chí thánh trong cuộc đời của mình.

Tự rèn luyện chính mình để loại bỏ bớt những tư tưởng và cách ứng xử của thế gian để chúng ta có thể mặc lấy những tâm tình và cư xử của Chúa. Ngài tiếp tục đặt những câu hỏi: Có nhiều khi chúng ta đến với Chúa khi chúng ta thất bại? Nếu khi chúng ta bệnh tật, ốm đau chúng ta mới chạy đến với Chúa? Nếu mình thiếu tiền mới chạy đến với Chúa? Vậy những lúc đó Chúa là sự thành công, là thày thuốc, là ngân hàng của ta à? Do đó, chúng ta phải loại bỏ cái nhìn của nhân loại và chúng ta đến với Chúa như là sự sống, là gia nghiệp trong cuộc đời của mình.

Chúng ta được mời gọi để luôn xin Chúa giúp chúng ta lớn lên trong tương giao với Chúa Giêsu hằng ngày, biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, nên giống Chúa nhiều hơn, nên một với Chúa hơn, để trước mắt các em chúng ta thật sự là một Giêsu khác và dẫn đưa mọi người và các em đến với Chúa.

Cuối cùng, làm sao chúng ta biết chúng ta sống thật với Chúa? Làm sao chúng ta biết được suy nghĩ và lối sống của chúng ta không phải là của thế gian mà là của Chúa? Thánh Giacôbê nói: Anh em bảo anh em tin, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống, cách sống tạm, lối suy nghĩ, cách anh em đối xử với người xung quanh không phải là của Chúa. Tôi sẽ chỉ cho anh em những gì tôi làm để nói lên tôi tin những gì.” Ước chi những điều đó cũng đến với tất cả mỗi người chúng ta và chúng ta dám nói với mọi người rằng cứ nhìn vào cách chúng ta suy nghĩ, nói năng, ứng xử với nhau trong cuộc đời để nói lên chúng ta tin gì. Và mọi người trong đó có các em Thiếu nhi hiểu rằng Tin không phải là một mớ giáo thuyết, mà Tin làm nên chính một con người hoàn hảo giống hình ảnh của Chúa Giêsu.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu và phụng vụ Thánh Thể.

Thánh lễ kết thúc lúc 17g00 trong niềm vui của cộng đoàn đặc biệt là các anh chị Giáo lý viên qua việc Tin và dấn thân bước theo Chúa, phục vụ Chúa qua các em thiếu nhi bằng sứ mạng dạy giáo lý của mình.

Ngay sau Thánh lễ là nghi thức tuyên hứa và phát chứng nhận cho các học viên niên khóa 2023-2024. Soeur Lucia Linh Chi - Giám học, giới thiệu niên khóa vừa qua có: 104 các anh chị tốt nghiệp các cấp thuộc 15 giáo xứ, hai dòng tu và 4 giáo phận.

 

Được biết cơ sở đào tạo Trung Chánh là một trong sáu trung tâm đào tạo Giáo lý viên cấp giáo phận của Ban giáo lý - TGPSG. Nơi đây tiếp nhận và đào tạo từ cấp 1 đến cấp 3 giáo lý theo chương trình đào tạo chung của Ban giáo lý- TGPSG.

Các học viên ghi danh theo điều kiện:  tốt nghiệp cấp 3 (lớp 12) và có giấy giới thiệu của cha chánh xứ nơi học viên đang phục vụ.

Giảng viên là các linh mục và nữ tu.

Bài & Ảnh: MVTT hạt Hóc Môn (TGPSG)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top