Ít nói nhưng làm nhiều

Ít nói nhưng làm nhiều

WGPSG -- Trong cuộc sống, có lẽ mỗi người chúng ta đã không ít lần kinh nghiệm về mối liên hệ giữa lời nói và việc làm: nào là nói mà không làm, nói một đường làm một nẻo, và nói rất nhiều nhưng làm thì chẳng được bao nhiêu, nói mà không giữ lời… Đó là những bài học kinh nghiệm đau thương và nhớ đời cho mỗi người trong chúng ta. Hiện tại, chúng ta đang sống trong những ngày đầu của tháng Ba 2012. Phụng vụ mời gọi Kitô hữu hướng về Thánh cả Giuse trong tháng Ba này. Thực tế, đã có rất nhiều bài viết suy niệm về những nhân đức nơi Thánh Giuse. Trong bài viết này, chúng ta cùng suy nghĩ về đề tài Thánh Giuse: “ít nói nhưng làm nhiều”. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thật kỹ về con người nội tâm của Thánh Giuse và nhìn kỹ về bản thân mình ở hai phương diện: Nói và Làm.

Trước tiên, nếu đọc lại Tin Mừng thì chúng ta sẽ không thấy Thánh Giuse nói một tiếng nào cả. Vậy, chẳng lẽ nơi mái ấm Nazareth, Thánh Giuse không nói một tiếng nào chăng? Dĩ nhiên là có chứ: Thánh Giuse nói chuyện với Mẹ Maria; Thánh Giuse dạy Chúa Giêsu làm nghề thợ mộc và những bài học đạo lý, phong tục, tôn giáo Do Thái v.v… Tại sao Kinh Thánh không viết một lời nào phát ra từ môi miệng của Thánh Giuse? Đây là nét độc đáo của Kinh Thánh. Từ đó, chúng ta khám phá ra điều gì? Phải chăng chúng ta cảm nhận nơi Thánh Giuse một con người ít nói và yêu thích sự thinh lặng, luôn biết cân nhắc và là một con người có đời sống nội tâm sâu sắc. Tin Mừng Mathêu đã chứng minh điều này: Thánh Giuse dự định trốn Đức Maria cách kín đáo (x. Mt 1,19); khi đưa Đức Maria và Chúa Giêsu sang Ai Cập, rồi trở về (x. Mt 1,23) hay khi cùng Đức Maria và Chúa Giêsu lên đền thờ Giêrusalem (x. Lc 2,22-24), chúng ta cũng thấy Thánh Giuse không nói một tiếng nào… Thật vậy, Thánh Giuse là một con người “ít nói nhưng làm nhiều”: Ngài nghe nhiều hơn nói, ngài biết nói lúc nào và cần nói điều gì, ngài biết mình cần phải làm gì và luôn làm theo thánh ý của Thiên Chúa chứ không theo ý riêng của ngài. Chắc chắn, Thánh Giuse đã dùng lời nói để dạy dỗ Chúa Giêsu. Có lẽ, Thánh Giuse cũng đã nói những lời yêu thương, động viên và quan tâm tới Đức Maria. Thánh Giuse cũng đã nói những lời năn nỉ với ông chủ quán trọ để xin ông một chỗ cho Đức Maria sinh Chúa Giêsu. Vì thế, Thánh Giuse là một con người trưởng thành và bản lĩnh. Trưởng thành vì biết thinh lặng, lắng nghe, biết nói lúc nào và biết nói những gì cần phải nói. Bản lĩnh vì Thánh Giuse ít nói nhưng chỉ hành động một cách âm thầm, với tinh thần trách nhiệm của một người cha, người chồng trong gia đình: Thánh Giuse vất vả lao động với nghề thợ mộc để kiếm tiền lo cho Đức Maria và Chúa Giêsu.

Bạn thân mến, Thánh Giuse, “ít nói nhưng làm nhiều” phải chăng gợi lên trong chúng ta hình ảnh của người cha trong gia đình của mỗi chúng ta? Cha thường ít nói hơn mẹ. Cha chỉ âm thầm hành động để lo liệu miếng cơm, manh áo cho chúng ta. Cha chính là trụ cột của gia đình. Vì vậy, ca dao có câu: “Còn cha gót đỏ như son; Đến khi cha mất gót con như chì.” Nếu không có cha thì gia đình sẽ như thế nào? Mất cha là mất cả một bầu trời và mất cả một cuộc đời của người con. Trong cuộc sống hôm nay, đã có biết bao gia đình bất hạnh, khủng hoảng và suy sụp vì không có sự hiện diện của người cha trong gia đình. Bạn đã một lần nào đó trong cuộc đời cảm nhận được tình thương của cha chưa? Riêng tôi, có kinh nghiệm nhỏ thế này: Mỗi lần tôi chuẩn bị đi lên thành phố học, cha tôi thường hỏi: mấy giờ con đi? Cha tôi thường đưa hành lý lên chiếc xe Honda của tôi. Ngậm ngùi cha không nói một tiếng nào. Thế nhưng, lòng tôi nghẹn ngào và cảm nhận rằng: cha đang rất yêu thương tôi. Cha yêu thương tôi bằng những nghĩa cử yêu thương cụ thể. Cha đã từng giặt quần áo cho tôi. Cha lặn lội ra đồng rải phân, xịt thuốc, làm cỏ dưới cái nắng chang chang vì muốn có tiền lo cho tôi ăn học. Cha không mua sắm quần áo mới để dành tiền mua áo quần mới cho tôi. Cha chỉ mặc đồ cũ của tôi. Những lúc thấy tôi làm việc nặng cha thường gánh gồng việc đó cho tôi. Mỗi ngày tôi càng thêm cao lớn thì cha tôi càng già đi. Đã đến lúc tôi tự hỏi lòng: mình cần phải sống như thế nào, để đáp đền ơn cha lúc tuổi già xế bóng?

Vậy, khi chiêm ngắm gương Thánh Giuse “ít nói nhưng làm nhiều” trong tháng Ba này, đặc biệt là ngày lễ trọng Thánh Giuse 19.03, là dịp để chúng ta hướng về những người cha của mình. Chúng ta cầu nguyện cho cha. Cha là người đã hy sinh giữa dòng đời xuôi ngược vì thương chúng ta. Bởi vậy, chúng ta phải sống như thế nào để đáp đền tình cha?

Ngoài ra, mẫu gương “ít nói nhưng làm nhiều” nơi Thánh cả Giuse còn cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu trong đời sống đạo. Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta về việc nói mà không làm của những người Pharisêu: “Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23,3) Phải chăng, không ít lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng như thế? Thực tế cuộc sống này có “lắm thợ nhiều thầy”. Chúng ta thường thích khoe khoang, phô trương và thích nói về bản thân mình. Chúng ta thích chỉ huy lãnh đạo hơn là lăn xả cùng làm với người khác. Chúng ta nói rất hay nhưng làm thì ngược lại. Vì thế, nói thì dễ làm mới khó. Dạy người khác thì dễ nhưng làm gương cho người khác là cả một vấn đề.

Thật đáng khâm phục biết bao trước những con người biết “nói lời mà giữ lấy lời”, hứa cái gì là chắc chắn cái đó. Thật đáng ngưỡng mộ biết bao trước những con người “ít nói nhưng làm nhiều”, biết kiểm soát miệng lưỡi và biết hành động đúng nơi, đúng lúc. Đó là những con người trưởng thành về nhân cách và được mọi người quý mến.

Hơn thế nữa, chúng ta không thể biết dưới đáy một cái hồ có gì khi mặt hồ đang bị khuấy động. Cũng vậy, chúng ta không thể biết mình nếu miệng chúng ta luôn nói đủ điều, tâm hồn chúng ta thiếu sự thinh lặng để đi vào chiều sâu nội tâm. Vì vậy, noi gương Thánh Giuse, chúng ta cố gắng tập yêu thích sự thinh lặng. Thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa và tiếng lòng. Thinh lặng để suy nghĩ về sự thật nơi bản thân mình. Thinh lặng để suy nghĩ về Thiên Chúa, để lắng nghe và làm theo thánh ý của Ngài. Thinh lặng để suy nghĩ về tình thương của cha. Thiết nghĩ, đó là những khoảng thinh lặng để chúng ta “ít nói nhưng làm nhiều”. Đó là những khoảng thinh lặng giúp chúng ta hồi tâm định hướng lại cuộc đời và điều chỉnh bản thân mỗi ngày một trưởng thành hơn trong tháng Ba này.

Top