Hy Vọng Thế Gian và Hy Vọng Kitô Giáo
TGPSG -- Người Kitô hữu là những con người của niềm hy vọng đích thực, niềm hy vọng thúc đẩy con người vươn lên Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa, là sự thiện tối thượng của con người. Chính sự thiện tối thượng ấy, mang lại niềm tin và sức mạnh, để con người theo đuổi niềm hy vọng của mình. Hy vọng thế gian và hy vọng Kitô giáo đều bị giới hạn bởi các điều kiện cuộc sống trần thế, nghĩa là, bởi những đau khổ, nghèo đói, chán nản, nhưng, sự khác biệt giữa hai niềm hy vọng này là: niềm hy vọng Kitô giáo có thể ôm lấy tất cả những gì là nhân bản và cao đẹp của niềm hy vọng thế gian. Thật vậy, hai niềm hy vọng này có sự khác biệt nhau về nền tảng, đối tượng, và phương thế để đạt được.
1. Về nền tảng:
Nền tảng của niềm hy vọng thế gian thuộc trật tự thực nghiệm và duy lý. Con người hy vọng về tương lai, vì hiện tại, họ có những phương thế bảo đảm cho mình có thể thực hiện được những bước tiến xa hơn. Ngược lại, nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo không nằm trong hiện tại mà là quá khứ, nền tảng ấy vượt qua kinh nghiệm và kiến thức của con người, nền tảng ấy là một con người có tên Giêsu Kitô, sự liên kết với Đức Giêsu Kitô cũng không dựa trên những lý do khoa học, triết lý, mà hoàn toàn có tính cách siêu nhiên và Kitô tính.
2. Về đối tượng:
Đối tượng nuôi dưỡng niềm hy vọng thế gian cũng thuộc trật tự thực nghiệm, đóng khung trong trần thế này. Chẳng hạn, con người hy vọng một ngày nào đó trong thế giới này, hay trong một thế giới nào đó, sẽ không còn chiến tranh, đói khổ, bất công, một xã hội không có giai cấp bóc lột. Ngược lại, đối tượng mà niềm hy vọng Kitô giáo hướng đến không là một tương lai trong trần thế này, nhưng là, trời mới đất mới, dĩ nhiên, trời mới đất mới không phải là một giai đoạn phát triển của nhân loại, mà là, cuộc phục sinh của mọi người trong và với Đức Giêsu Kitô.
3. Về phương thế:
Những phương thế để giúp con người thế gian theo đuổi niềm hy vọng của mình dĩ nhiên cũng thuộc thế giới hữu hình này, thế gian tin tưởng ở sức mạnh của đôi tay và tâm trí của mình. Mặc dù, những phương thế mà niềm hy vọng Kitô giáo sử dụng hoàn toàn thuộc trật tự siêu nhiên, nhưng, niềm hy vọng Kitô giáo không xem thường những phương thế tự nhiên của con người, bởi vì, chúng cũng có những giá trị nhất định. Tuy nhiên, chỉ có những phương thế siêu nhiên, mà Thiên Chúa ban cho, mới có thể giúp cho các Kitô hữu đạt tới cứu cánh đích thực của mình.
Tóm kết:
Khác biệt không có nghĩa là đối nghịch nhau. Tuy không thuộc về thế gian, nhưng, các Kitô hữu vẫn sống giữa thế gian. Vậy đâu là mối tương quan giữa niềm hy vọng thế gian với niềm hy vọng Kitô giáo? Thật ra, niềm hy vọng thế gian không chỉ có một, mà còn, có những niềm hy vọng khác: mang tính giáo điều và đóng kín, chẳng hạn, những ý thức hệ với những hứa hẹn một thiên đàng không tưởng, và chối bỏ chiều kích siêu việt của đời sống con người, cũng như, tước đoạt mọi thứ tự do cơ bản của con người. Đứng trước một niềm hy vọng duy vật và đóng kín như thế, Hội Thánh không thể có thái độ thỏa hiệp được, trái lại, đối với một niềm hy vọng thế gian cởi mở, nghĩa là, hướng đến việc xây dựng hạnh phúc ấm no cho con người, mà vẫn không khinh thường hay chối bỏ cuộc sống mai hậu, với một niềm hy vọng mở như thế, nghĩa vụ của người Kitô hữu chính là nâng đỡ, soi sáng, hướng dẫn, bằng chính niềm hy vọng vĩnh cửu của mình, sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, cho nên, vai trò của người tín hữu Kitô giáo chính là muối men, để làm dậy nên tất cả những gì thật sự là nhân bản, và cao đẹp của con người, để dẫn đưa tất cả tới mục tiêu tối hậu, là sự hiển trị của Nước Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (TGPSG)
bài liên quan mới nhất

- Đức Hồng y Arizmendi: dừng lại, phân tích, quyết định!
-
Lá Thư Mùa Chay (4): Sai một ly đi một dặm -
Hy vọng phát sinh từ tình yêu -
Hậu hiện đại là một văn hóa hiện đại chưa hoàn tất hay một hiện đại đã bị vượt qua? -
Mẹ Maria: Ngọn Lửa Hiến Dâng -
Lễ Truyền Tin -
Thiếu thợ gặt -
Lá Thư Mùa Chay (3): Những lý tưởng và niềm tin trong cuộc sống -
Điều Thánh Giuse dạy người Kitô hữu -
Cha Pasolini: Lãnh nhận Bí tích Rửa tội là đi ra khỏi chính mình, hoán cải và sống theo sự thật
bài liên quan đọc nhiều

- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
Thập giá hay Thánh Giá? -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Ánh sáng - bóng tối -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ?