Hy vọng hòa bình cho vùng Trung Đông
Một vài nhận định của Linh Mục David Jaeger, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa và của linh mục Ibrahim Faltas, Tổng quản lý của dòng, về hy vọng hòa bình cho vùng Trung Đông
Sau 20 tháng bế tắc, sáng ngày mùng 2-9-2010 Israel và Palestine đã bắt đầu trở lại các cuộc thương thuyết hòa bình tại Washington. Phái đoàn Israel do thủ tướng Benjamin Netanyahu cầm đầu, và phái đoàn Palestine do tổng thống Abu Mazen hướng dẫn, đã họp nhau trước sự hiện diện của ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton. Chiều ngày mùng 1 tháng 9 trong bữa tiệc khoản đãi hai phái đoàn, tổng thống Barack Obama nói ông tin tưởng rằng các cuộc thương thuyết sẽ kết thúc tốt đẹp và đem lại hòa bình cho vùng Trung Đông trong vòng một năm tới đây. Ông tuyên bố: ”Mục đích là một thỏa hiệp thương thuyết giữa hai bên giúp chấm dứt việc chiếm đóng của năm 1967 và đưa tới việc thành lập một nước Palestine dân chủ và độc lập, sống bên cạnh nước Israel và các dân tộc láng giềng, trong hòa bình và an ninh”. Cùng tham dự bữa tiệc có các nhân vật nỗ lực dấn thân trong việc đem lại hòa bình cho vùng Trung Đông là nguyên thủ tướng Tony Blair của Anh quốc, tổng thống Mubarak của Ai Cập, và vua Abdallah II của Giordania.
Bầu khí cuộc thương thuyết căng thẳng, vì ngày 31-8-2010 đã có 4 người Israel bị sát hại gần Hebron. Ngày mùng 1 tháng 9 lực lượng Hamas lại thú nhận đã phục kích khiến cho hai người khác bị thương. Tổng thống Obama cũng như tổng thống Abu Mazen và thủ tướng Netanyahu đều than phiền về các hành động bạo lực giết người này và khẳng định rằng các lực lượng cực đoan sẽ không thành công trong việc phá hoại tiến trình hòa bình. Thủ tướng Netanyahu nói: ”Tôi không đến đây để tìm các lời xin lỗi. Tôi đến đây để tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề hòa bình”. Ông định nghĩa tổng thống Abu Mazen của Palestine là một ”đối tác của hòa bình”. Trong khi tổng thống Mazen nhấn nạnh rằng: ”Thời giờ không ở phía chúng ta. Vì thế chúng ta không được phung phí nghị lực trong việc đương đầu với các vấn đề tế nhị hơn”.
Báo chí Israel cũng như báo chí Arập đã chào mừng các cuộc tái thương thuyết với thái độ dè dặt và nghi ngờ, vì bóng đen của vụ khủng bố sát hại 4 người Israel và vấn đề Israel tiếp tục các vụ chiếm đất của người Palestine và thành lập làng mạc trên đất của người Palestine đè nặng trên tâm tư mọi người. Trong khi đó thì phía Hamas coi các cuộc thương thuyết này là ”bất hợp pháp” và cho rằng chúng ”sẽ thất bại”.
Trong diễn văn khai mạc các cuộc tái thương thuyết, ngoại trưởng Hillary Clinton thừa nhận các khó khăn của quá khứ cũng như hiện tại giữa hai dân tộc, nhưng bà tin tưởng nơi cố gắng của cả hai phía Israel và Palestine để đi tới một thỏa hiệp hòa bình, làm sao để hai dân tộc có thể sống trong hai quốc gia bên nhau trong an ninh và hòa bình.
Bà khẳng định rằng hai dân tộc đã phải đau khổ và đổ quá nhiều máu và nước mắt rồi, đây là lúc phải chấm dứt thực tại thê thảm ấy. Hai dân tộc đáng được hưởng hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Hoa Kỳ không thể và sẽ không áp đặt một giải pháp nào cho tiến trình hòa bình tại vùng Trung Đông. Giải pháp ấy phải do hai bên đối tác tìm ra và thỏa thuận với nhau thế nào để nó được thực hiện trong vòng một năm tới đây. Bà ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng kêu gọi những người của cả hai phía cho tới nay đã lựa chọn đứng ngoài lề hay chống đối tiến trình hòa bình, cùng hiệp lực với hai phái đoàn để tìm ra giải pháp công bằng và lâu bền cho hai dân tộc. Bà kêu gọi hai phái đoàn thương thuyết cũng như mọi thành phần của cả hai dân tộc Israel và Palestine ý thức rằng giải pháp hòa bình tùy thuộc nơi họ và nằm trong tay họ, chứ không tùy thuộc ai khác. Sau đó bà Hillary Clinton đã để cho thủ tướng Netanyahu và tổng thống Abu Mazen lần lượt đưa ra lời tuyên bố khai mạc các cuộc thương thuyết hòa đàm. Cả hai bên đều đồng ý là đã đến lúc chấm dứt chiến tranh xung khắc, thừa nhận các quyền lợi của nhau, loại bỏ các chướng ngại, và cùng nhau kiếm tìm giải pháp công bằng và lâu bền để cho hai dân tộc được sống trong an bình thịnh vượng trong hai quốc gia độc lập.
Trong khi đó tại Castel Gandolfo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến tổng thống Israel ông Simon Perez. Cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha đã kéo dài khoảng 40 phút. Hai bên đã nhắc lại kỷ niệm chuyến hành hương Thánh Địa của Đức Thánh Cha hồi tháng 5 năm ngoái và đề cập tới các cuộc thương thuyết hòa bình tái nhóm tại Washington. Đức Thánh Cha và tổng thống cầu mong cuộc tái thương thuyết này đạt đến một thỏa hiệp tôn trọng các khát vọng của hai dân tộc Israel và Palestine, và có khả năng đem lại một nền hòa bình ổn định và lâu bền cho Thánh Địa và toàn vùng Trung Đông. Đây là lần thứ tư tổng thống Perez gặp Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: hai lần đầu vào tháng 4 năm 2006 và tháng 9 năm 2007 và lần thứ ba trong dịp Đức Thánh Cha hành hương Thánh Địa hồi năm 2009.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một vài nhận định của Linh Mục David Jaeger, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa và của linh mục Ibrahim Faltas, Tổng quản lý của dòng, về hy vọng hòa bình cho vùng Trung Đông.
Hỏi: Thưa cha Jaeger, tổng thống Barck Obama đã khẳng định rằng có thể tiến tới hòa bình tại vùng Trung Đông nội trong vòng một năm. Có thể thực hiện được điều này hay không, trong khi còn có biết bao nhiêu khó khăn tại Thánh Địa?
Đáp: Chắc chắn là có thể thực hiện được nền hòa bình tại Thánh Địa, không phải chỉ vì các vấn đề đều được mọi người biết tới, mà nói chung cả các giải pháp cũng được mọi người biết tới nữa. Các bản thảo thỏa hiệp hòa bình đã nằm trong hộc bàn từ nhiều năm nay. Điều thiếu cho tới nay không phải là các bản thảo thỏa hiệp hòa bình, các văn bản, các giải pháp hay tư tưởng, nhưng là ý chí ký nhận các thỏa hiệp và các quyết định ấy.
Hỏi: Theo cha, đâu là các điểm mà cả hai bên có thể đồng ý với nhau dễ dàng nhất, và từ đó có thể đạt sự đồng thuận cuối cùng?
Đáp: Để chấm dứt cuộc xung đột lịch sử, dĩ nhiên có vấn đề người tị nạn Palestine của hai cuộc chiến hồi năm 1948 và 1967, nhưng nhất là người tị nạn của chiến tranh năm 1948. Về điểm này trên thực tế không thể có một giải pháp đơn thuần giữa hai phe, vì vấn đề cũng liên quan tới các quốc gia tiếp nhận phần đông các người tị nạn này nữa như Giordania, Siria và nhất là Libăng, nơi tình trạng sống của người tị nạn Palestine trong các trại tị nạn rất là thê thảm. Chỉ mới đây luật lệ Libăng đã quyết định cho người tị nạn thuộc thế hệ thứ ba thứ tư có thể tìm công ăn việc làm tại Libăng, với các quyền như quyền của các nhân công nước ngoài. Về điểm này cần phải có một nỗ lực đa quốc mới có thể giải quyết được.
Hỏi: Trong cuộc tái thương thuyết tại Washington có một phe vắng mặt: đó là lực lượng Hamas. Sự vắng mặt này, sự chống đối này gây ra các phiền toái nào thưa cha?
Đáp: Sự kiện lực lượng Hamas thống trị trong dải Gaza là triệu chứng của sự thiếu vắng hòa bình. Khi sẽ có một thỏa hiệp giữa Israel và Tổ chức giải phóng Palestine, thì nhóm Hamas sẽ mất mọi tính cách hợp pháp. Vì thế lực lượng Hamas chống đối Thỏa Hiệp hòa bình, và tìm mọi cách để làm cho các cuộc thương thuyết bị thất bại. Thực hiện và có được Thỏa hiệp hòa bình sẽ khiến cho các nhóm cực đoan, trong trường hợp ở đây là lực lượng Hamas, mất đi mọi sự hơp pháp trước người dân. Đây là cách thức duy nhất để làm điều ấy, bởi vì chính sự thiếu vắng hòa bình, việc kéo dài thảm cảnh sống của người dân Palestine trao ban sức mạnh cho tổ chức vũ trang.
Sau đây là vài nhận định của cha Ibrahim Faltas, Tổng quản lý tỉnh dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa, về các cuộc thương thuyết hòa bình cho Thánh Địa.
Hỏi: Thưa cha, cha có nhận xét gì liên quan tới các cuộc tái thương thuyết giữa Israel và Palestine hay không?
Đáp: Cuộc đối thoại giữa hai bên đã tiến được một bước lớn. Theo tôi, đây là cơ may cuối cùng cho cả hai phía Israel và Palestine. Và chúng tôi hy vọng có được một nền hòa bình đích thật.
Hỏi: Đối với người Israel và Palestine có được một một nền hòa bình đích thật có nghĩa là gì thưa cha?
Đáp: Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người dân Israel cũng như Palestine đều hy vọng rằng cuộc gặp gỡ đối thoại lần này không giống các cuộc thương thuyết trong qúa khứ, vì chúng đều đã thất bại. Và vụ ám sát xảy ra những ngày vừa qua là điều chúng tôi đã chờ đợi, vì mỗi khi có bước tiến nào đó thì lại xảy ra bạo lực giết người nhằm quay trở lại đàng sau bao nhiêu năm. Điều chắc chắn đó là đa số dân của cả hai bên đều muốn có hòa bình. Tôi nhớ tới câu nói của một phụ nữ tên là Celine: ”Chiến tranh là một cuộc tàn sát giữa biết bao nhiêu người không hề quan biết nhau, cho lợi lộc của một ít người biết nhau nhưng không tàn sát nhau”.
Hỏi: Vùng Gaza vẫn là nút thắt khó tháo cởi: nó có sức nặng nào đối với việc tái đối thoại hòa đàm để đi tới một con đường hòa giải, nếu không phải là con đường hòa bình thưa cha?
Đáp: Trước hết sẽ có một thỏa hiệp giữa Israel và Palestine, lần này là ở Washington. Tôi nghĩ rằng sẽ có một thỏa hiệp giữa hai lực lượng Al Fatah và Hamas, giữa vùng Cisgiordania và Ramallah tại Gaza. Tôi nghĩ là sẽ có điều đó, bởi vì các nước A rập đã dấn thân góp phần vào việc xây dựng hòa bình cho hai phe Israel và Palestine. Điều mà họ đang làm hiện nay là một gương mù gương xấu.
Hỏi: Từ nhiều phía khi nói tới xung khắc nội bộ trong thế giới Palestine, người ta cho rằng có các phe phái khác cố ý gây ra sự xung khắc nội bộ này, đặc biệt là các nhóm gần gũi phong trào khủng bố Al Qaeda, có đúng thế không thưa cha?
Đáp: Rất tiếc là cũng có nguy cơ đó. Nhưng theo tôi, trước sau gì thì người Palestine cũng phải tìm ra một giải pháp giữa họ với nhau, nếu họ thực sự muốn có hòa bình.
Hỏi: Như thế, các cuộc tái thương thuyết này là bước đầu tiên khiến cho mọi người đều hy vọng?
Đáp: Vâng, đó là niềm hy vọng của tất cả mọi người, đặc biệt là dân chúng ở đây, bởi vì họ hết chịu đựng nổi rồi. Chúng ta cũng không nên quên rằng đây là cuộc gặp gỡ đích thực đầu tiên giữa tổng thống Abu Mazen và thủ tướng Netanyahu. Và chúng tôi hy vong rằng cả hai bên tìm ra một thỏa hiệp và giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng. Theo tôi, vấn đề phức tạp nhất và khó nhất là vấn đề của thành Giêrusalem.
(RG 1.2-9-2010)
bài liên quan mới nhất
- Cuộc Gặp mặt Giới trẻ Châu Âu lần thứ 47 tại Tallinn
-
Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé nhân dịp Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 47 -
Chúa nhật, thứ Bảy và lễ Vọng: Sự khác biệt giữa thánh lễ chiều hôm trước và lễ Vọng -
12 sự kiện đánh dấu năm 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ -
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô