Hội thảo: Người Công giáo với vấn đề bảo vệ môi trường

Hội thảo: Người Công giáo với vấn đề bảo vệ môi trường

WGPSG -- ... Người tín hữu cần suy nghĩ và có hành động đáp lại Thông điệp về Môi trường của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đây là một đề tài có tầm quan trọng và cần thiết. Xin anh chị em tham gia, tìm hiểu và đóng góp ý kiến cho việc thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường của Tổng Giáo phận...”. Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã nhắn nhủ các tham dự viên trong phần khai mạc hội thảo “Người Công giáo với vấn đề bảo vệ môi trường” tại hội trường lớn Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM, vào sáng thứ Bảy ngày 28.11.2015, do Ban Bác ái xã hội - Caritas tổ chức.

Tham gia buổi hội thảo có đại diện nhiều giáo xứ, giáo hạt và một số đoàn thể của Tổng Giáo phận TP.HCM. Các thuyết trình viên là: Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng - chính xứ Phú Trung; Linh mục Giuse Đinh Đức Huỳnh - dòng Thánh Thể; Nữ tu Matta Vũ Thị Kim Hường - giảng viên Đại học Hoa Sen; Phó Giáo sư Tiến sĩ Maria Angel Nguyễn Thị Vân Hà - giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường; Chị Maria Nguyễn Thị Thùy Trang - Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM.

Mở đầu buổi gặp gỡ, linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng - chính xứ Phú Trung, Trưởng ban Công lý và Hòa bình - đã giúp cộng đoàn tìm hiểu Thông điệp Laudato Si’ (Ngợi khen Chúa) của Đức Giáo hoàng Phanxicô đương kim. Quan điểm bảo vệ môi trường theo Giáo hội Công giáo được linh mục diễn giải: “Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, giao cho con người canh tác và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát triển. Vũ trụ thụ tạo và con người là bình đẳng với nhau. Loài người có mối tương quan với Thiên Chúa, tương quan với nhau và tương quan với vũ trụ tự nhiên. Sống tốt 3 mối tương quan này để bảo vệ sự sống”. Cha Quốc Thăng giải thích thêm rắng: Mỗi loài thọ tạo đều phản ánh vinh quang, quyền năng và sự sống của Thiên Chúa, nhưng con người đang phá vỡ vũ trụ được Thiên Chúa sáng tạo hài hòa. Việc biến đổi gien cây trồng, cấy sinh sản vô tính... đã đem lại những kết quả xấu. Phá rừng, xây đập thủy điện, khai thác tài nguyên làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống. Người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người nghèo. Linh mục thuyết giảng nhấn mạnh: “Quan điểm Giáo hội là con người phải cộng tác với Chúa, quản lý vũ trụ ngày càng phát triển hơn”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Maria Angel Nguyễn Thị Vân Hà - Trưởng Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - đem đến hội thảo một thông điệp: “Mỗi người phải thay đổi hành vi, trở nên mẫu gương trong cộng đồng, bảo vệ môi trường cho thế hệ hôm nay và ngày mai”. Với chuyên đề “Nhận thức và vai trò của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống”, nữ Phó Giáo sư Tiến sĩ đã giới thiệu về khái niệm ô nhiễm, các biểu hiện của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng với nước ta. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng người bị phơi nhiễm với ngập lụt. Khoảng 20% dân số phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt hằng năm. Lũ lịch sử ở Quảng Ninh ngày 26.07.2015, ngập lụt ở Hải Phòng ngày 02.08.2015, hạn hán nghiêm trọng ở Ninh Thuận, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng, môi trường, tài nguyên nước, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và xây dựng... Mỗi người cần bảo vệ mình trước thiên tai, học kỹ năng sống, ứng phó sự cố, giảm thiểu nguy cơ hiệu ứng nhà kính.

Linh mục Giuse Đinh Đức Huỳnh - dòng Thánh Thể, chuyên viên Thần học về Môi trường - có một bài thuyết trình dài, được soạn thảo công phu, giúp tham dự viên hiểu thêm “Đức tin Kitô giáo về môi trường /trái đất”. Chính khủng hoảng niềm tin - biểu hiện qua thái độ vô thần, dửng dưng với nhu cầu thiêng liêng - luân lý và tôn giáo, chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất - là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng môi trường. Con người không tôn trọng các giá trị văn hóa, trở nên gian tham, ác độc và hủy diệt nguồn tài nguyên.

Cha Đinh Đức Huỳnh còn suy tư về bản chất và giá trị của “ngôi nhà vũ trụ / trái đất / môi trường sống” theo đức tin Kitô giáo. Mỗi khi nhìn ngắm vũ trụ vạn vật mà Thiên Chúa đã tạo dựng, có thể nhận ra 5 điểm nổi bật: Thế giới là biểu tượng nói về mầu nhiệm Thiên Chúa; Tạo thành còn là lời mặc khải về Thánh giá; Tính đa dạng sinh học nơi vũ trụ vạn vật diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; Vũ trụ tương tác diễn tả Thiên Chúa tương quan; Thế giới thụ tạo phản ánh Thiên Chúa tốt lành... Vạn vật hiện hữu vì được Chúa yêu thương. Vạn vật là “bí tích” về sự tốt lành, quyền năng sáng tạo, sự đa dạng phong phú, tương quan và sự sung mãn trong đời sống của Thiên Chúa. Bản chất đích thực và giá trị cao quý của “ngôi nhà vũ trụ” còn biểu lộ ngang qua các bí tích Kitô giáo mà Giáo hội cử hành. Người tín hữu được mời gọi sống niềm tin vào Đấng Sáng tạo và trân trọng môi trường sống như quà tặng của Thiên Chúa. Từ đó, mỗi người thay đổi lối sống theo tinh thần Phúc Âm, góp phần bảo vệ và phát triển trái đất này tốt đẹp hơn.

Một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường thiết thực tại khu dân cư, trường học được chị Maria Nguyễn Thị Thùy Trang - Thạc sĩ, Phó Phòng Thông tin Truyền thông thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM - giới thiệu với các tham dự viên. Các mô hình này có thể áp dụng tại các giáo xứ. Theo Thạc sĩ Thùy Trang, nếu mỗi người chỉ thải ra 1 kg rác, thì mỗi ngày thành phố 10 triệu dân này đã có khối rác bằng tòa nhà 4 tầng, mà các bãi rác hiện nay đều quá tải. Hạn chế thải rác, phân loại rác có thể tái chế... để giảm thiểu ô nhiễm và tái sử dụng là thông điệp chị muốn gửi đến mọi nhà. Mô hình “Giáo họ không rác” ở khu phố 1, phường 15, quận 4 (thuộc giáo xứ Xóm Chiếu) cần được nhân rộng. Giáo họ La Vang được vận động thực hiện vào năm 2009. Đến năm 2010 có giáo họ Lộ Đức, Hường Nhiệm tham gia.

Sống xanh - sống có trách nhiệm với môi trường” là ý tưởng của Nữ tu Matta Vũ Thị Kim Hường - thạc sĩ về Phát triển Bền vững, giảng viên Đại học Hoa Sen. Theo thống kê, mỗi ngày thành phố này có hơn 25 triệu túi nylon bị vứt đi, phải từ 100 năm đến 400 năm mới phân hủy hết; có độc tố ngấm vào đất, nước ngầm, nước biển. Hộp cơm xốp thường dùng thì cần 1 triệu năm mới phân hủy hoàn toàn... Có 5 bước để người dân thay đổi nhận thức: Chưa quan tâm -> Quan tâm -> Quyết định -> Hoạt động -> Duy trì. Bước đầu khởi đi từ thay đổi hành vi mua sắm và thói quen tiêu dùng, từ chối túi nylon, sử dụng túi thân thiện môi trường. Nữ tu Kim Hường cũng cho biết chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2015 là “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững”.

Linh mục Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng - Trưởng ban Caritas Tổng Giáo phận TP.HCM tạm đúc kết. Ngài cảm ơn các thuyết trình viên đã giới thiệu đường hướng của Giáo hội, phác họa những nét chính trong việc gây nhận thức và công tác bảo vệ môi trường cho cộng đoàn. Còn nhiều điều muốn trao đổi với đại diện các giáo xứ, nhưng thời gian có hạn, đành phải hẹn nhau vào chương trình học hỏi tiếp theo.

Kết thúc buổi hội thảo, mỗi tham dự viên được tặng một cuốn sách “Laudato Si’ - Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” của Đức Giáo hoàng Phanxicô, do Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam dịch. Kèm theo là bản kế hoạch bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2017 ở Tổng Giáo phận TP.HCM.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top