Học viện Mục vụ TGP.TPHCM: tĩnh tâm Mùa Vọng
“Ngài đã bị khước từ”
Đó là chủ đề của vở diễn nguyện được diễn trong buổi Tĩnh nguyện Mùa Vọng 2009 do Học Viện Mục Vụ Giáo Phận tổ chức tại Hội trường Gioan Bt. Phạm Minh Mẫn vào tối ngày 21/12.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc (Cha Tiến Lộc) và nhóm Rabbôni đã mượn một vở diễn cùng tên làm “chất dẫn” cho buổi tĩnh tâm. Ngay sau đó, bằng những lời chia sẻ thân tình, Đức Cha Giám Đốc Phêrô Nguyễn Văn Khảm, đã đánh thức tất cả các tâm hồn còn đang lầm lạc trong việc nhận biết và đón nhận Thiên Chúa đến.
Mở đầu buổi tĩnh tâm, Cha Tiến Lộc có một lời giới thiệu đơn sơ về nhóm Rabboni và công việc của nhóm: “Thành viên của nhóm là các giáo lý viên, linh hoạt viên, ca viên. Từ 18 năm nay, họ đã nghe lời mời gọi của Chúa để chọn một đường lối không có đụng hàng. Đó là dàn dựng các vở diễn nguyện.”
Kịch bản của nhóm do cố GS Trần Duy Nhiên biên soạn, vốn chú trọng về đối thoại, mà không đặt nặng vấn đề diễn xuất, trang trí, dẫn đến một đặc điểm là “kén cử tọa”.
Chị Đàm Thị Điểm, người dẫn chuyện lâu năm cho vở diễn, cho biết kịch dựa trên những câu chuyện trong Kinh Thánh nhưng có một góc nhìn vô cùng mới mẻ và độc đáo, liên đới đến cuộc sống hôm nay, có thể gây bất ngờ hoặc khó tiếp nhận cho những anh chị em (ACE) vốn quen thuộc với nếp nghĩ thông thường.
Ba lí do khước từ: lợi lộc, tự mãn, và hám quyền
Cũng với câu chuyện mà các em thiếu nhi thường hay diễn trong giờ Canh Thức Đêm Giáng Sinh, nhưng với vở “Ngài đã bị khước từ”, Cha Tiến Lộc và nhóm Rabboni hết sức thâm thúy chỉ ra nguồn căn khiến con người khước từ sự hiện diện của Chúa.
Điều này được thể hiện qua hai cảnh huống đầu tiên: trong quán trọ và nơi cung điện của vua Hê-rô-đê.
Ở tình huống đầu tiên, hai vợ chồng chủ quán trọ là những người hết sức tâm đắc về lối sống của mình. Buổi tối, trước khi đi ngủ, chồng đọc Kinh Thánh cho vợ vừa nghe vừa kiểm doanh thu trong ngày. Lúc đầu chồng chê vợ tham công tiếc việc, không có thời giờ cho kinh nguyện, nhưng khi người vợ ngừng tay nghe kinh, thì ông quát ngay: “Bà nghe bằng tai thôi chứ, còn mắt và tay thì cứ việc đếm, không thì lộn tiền mất.” Thật hài hước, mồm miệng người chồng cứ đều đều đọc những lời hay ý đẹp, yêu mến Thiên Chúa, phụng sự con người, nhưng đầu ông ta chỉ nghĩ đến việc hôm nay thu được bao nhiêu tiền.
Khi Thánh Cả Giuse và Bà Maria gõ cửa thuê phòng, người chồng cầm đèn soi xét kĩ, kỳ kèo và mãi mới quyết định cho thuê. Nhưng bà vợ không đồng ý vì e ngại Bà Maria mang thai đã đến kỳ sinh nở. Cuối cùng, họ nói dối quán trọ hết phòng, và đuổi hai ông bà ra ngoài hang đá. Với việc làm này, người chồng nghĩ mình vô cùng cao cả, ông ta dang hai tay “báo công”: “Tôi đã dành một phòng tốt nhất trong nhà cho Ngài. Cầu cho vinh quang của Chúa tỏa rạng trong nhà tôi.”
Lòng có ý định chào đón Chúa, nhưng khi nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng thiên thần hát xướng, khi nhìn thấy ánh sáng chói lòa ngoài chuồng bò, hai vợ chồng không hề nhận ra Chúa đã đến.
Những tưởng chỉ những kẻ ít học mới mù lòa, thế nhưng ngay trong Cung điện của vua Hê-rô-đê, một thầy thượng tế nhiều chữ nghĩa cũng không nhìn ra Chúa đến. Trong cuộc đối thoại với nhà vua, ông ta nhiều lần đề cao sự hiểu biết sách luật của mình, phủ nhận tin tức các nhà chiêm tinh phương Đông mang đến là Thiên Chúa đã hạ sinh làm người. Những lời lẽ hết sức ấu trĩ và ngông cuồng được trích dẫn sau đây:
- Ngài nói Hoàng Hậu vừa mới hạ sinh ư?
- Kinh Thánh nói Đấng Cứu Thế sẽ làm vua, nghĩa là phải được sinh ra làm hoàng tử.
- Ngài yên tâm, không có Đấng Cứu Thế nào sẽ sinh ra cả!
- Chúng tôi không cần kiểm chứng những gì ngoài Kinh Thánh.
Sự đắm chìm của thầy thượng tế, độc đáo thay, bị lật tẩy bởi chính Hê-rô-đê bạo chúa. Hê-rô-đê khiến mỗi người trong chúng ta phải giật mình:
- Có khi nào vì quá tin tưởng vào các truyền thống về Kinh Thánh, ngươi đã làm mất đi một vài thông điệp của Gia-vê Thiên Chúa?
- Ngươi có thể chỉ đường cho người khác về Bê-lem, còn bản thân ngươi lại không thèm lên đường.
Kết đoạn, Hê-rô-đê vì lo sợ mất quyền lực đã ra lệnh cho quân lính tàn sát tất cả các trẻ em sơ sinh, còn thầy thượng tế thì bình thản đến rợn người: “Tôi không có ý kiến. Đó là quyền của nhà vua. Chúng tôi chỉ là người canh giữ lề luật.”
Đến đây, người dẫn chuyện đúc kết được ba lí do con người khước từ Thiên Chúa, khiến Chúa “bị kết án tử hình ngay trong Đêm Giáng Sinh”: vì lợi lộc, vì tự mãn, vì ham mê quyền lực. Lời dẫn được lặp đi lặp lại một cách đau đớn: “Ngài đã đến trong nhà Ngài, nhưng gia nhân của Ngài đã khước từ.”
Tuy nhiên, vở diễn nguyện không dừng lại ở đó, mà dừng lại ở cánh tay của một người nghèo hướng về mặt đất, nơi một người đàn ông quỳ gối hôn lên mảnh đất đó, lòng ngập tràn hạnh phúc vì đã nhận ra Chúa. Cảnh thứ ba của vở diễn nguyện kể về một người đàn ông khi còn trẻ có để dành được một món tiền lớn, định đến Bê-lem để hôn lên Thánh Địa, nhưng dọc đường gặp một người nghèo khó, ông đã cho anh ta tất cả số tiền mình có. Khi biết được mục đích của ông, người nghèo khó đó chỉ vào mặt đất nơi mình đứng:
- Vậy ông hãy tạm thời hôn lên mảnh đất này đi!
Ngay lúc đó, ông nhận ra người nghèo đó chính là Đức Ki-Tô và khóc ròng: “Đức Ki-tô đã giáng sinh và từng ngày, qua những ACE nghèo khó. Ngài vẫn cần một miếng cơm ăn, Ngài vẫn cần một cái nhìn tình cảm. Thế mà tôi đã từng làm ngơ với Ngài, để lo đi tìm một kỉ niệm về Ngài nơi Bê-lem xa xôi.”
Vở diễn nguyện khép lại thật thấm thía: chúng ta có thể “đón hụt” Giáng Sinh nếu cũng hành xử như người chủ quán (phụng sự Chúa như thi hành một nhiệm vụ nặng nề), thầy thượng tế (định kiến), và Hêrođê (âu lo cho gương mặt của mình và để mặc gương mặt của Chúa mờ nhạt giữa thế gian).
Lễ Giáng Sinh là một kỉ niệm? Nói đến kỉ niệm là một cái gì đó không còn nữa, thế nhưng niềm vui của chúng ta sẽ mãi là sự thật, miễn là đừng chỉ tưởng niệm mà hãy đón nhận Chúa Giáng Sinh trong những người xung quanh mình, mỗi ngày của đời mình.
“Không cần đi đến Bê-lem bạn trẻ à! Chỉ cần ta biết nhìn nhận Ngài, đón nhận Ngài là được rồi!” Đó là lời thoại đắt giá của vở kịch.
Một lí do đơn giản: cái tôi quá lớn!
“Tôi cũng giống như các bạn, tức là, khi đến đây tôi không biết trước Cha Tiến Lộc và nhóm Rabbôni diễn cái gì. Cho nên những chia sẻ của tôi không phải là bài giảng, mà là những suy nghĩ, tâm tình, có thể hơi lộn xộn. Các bạn chịu khó chịu đựng sự lộn xộn này.” Đức Cha Khảm mở lời như thế trước toàn thể hội trường, khi được mời lên chia sẻ sau vở diễn nguyện. Nhưng bất cứ ai tham dự cũng có thể thấy những gì Ngài nói ra rất mạch lạc, khúc chiết, với một thông điệp hết sức rõ ràng. Ngài tóm tất cả lí do mà chúng ta khước từ Chúa về một mối: đó chính là cái tôi ích kỉ của mỗi người. Đức Cha giảng giải:
“Từ ‘ích kỉ’ trong tiếng Việt có thể chưa diễn tả hết điều tôi muốn nói. Cho phép tôi nhớ đến một từ trong tiếng Anh và tiếng Pháp: egocentric, nghĩa là, lấy cái tôi làm trung tâm, và bắt mọi sự khác phải quay xung quanh mình.” Đức Cha dùng một hình ảnh: “chúng ta bắt Chúa chạy vòng vòng xung quanh, ban cho cái này, cái kia, biến Chúa thành tên đầy tớ phục vụ cái tôi của mình, khi không được thì giậm chân giậm cẳng trách móc.”
Đức Cha chuyển giao một thông điệp mới: “Phải chăng ta nên làm một cuộc Cách Mạng Cô-péc-ních* về mặt tâm linh? Hãy để Thiên Chúa làm trung tâm và tôi quay đời mình xung quanh Chúa.”
Ngài nhắc lại rằng câu “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con…” trong Kinh Lạy Cha nằm ở đoạn cuối, còn đoạn đầu chính là “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Kết lời, Đức Cha chia sẻ: “Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra tính ích kỉ của mình, và xin Chúa Thánh Thần ban cho ta năng lực phá vỡ bản tính ích kỉ đó, để có thể đón nhận Chúa vào lòng.”
Từ những gợi ý tinh tế đó, cùng với những bài thánh ca êm ái, mỗi phút mỗi giây của buổi tĩnh nguyện điều ghi lại dấu ấn sâu sắc và tươi mới trong lòng cộng đoàn tham dự, khiến tâm hồn mọi người như được thêm chan hòa và sốt mến.
----------------------
* Nicolaus Copernicus (1473-1543) là người khởi xướng học thuyết “Vũ trụ Nhật tâm”, tức trái đất quay quanh mặt trời.
* Nhóm Rabboni, lấy tên từ chữ “Rabbi” trong Kinh Thánh, nghĩa là Thưa Thầy, thầy ở đâu?, thành lập từ năm 1991, từ lớp Kinh Thánh do Đức Cha Khảm giảng dạy. Theo lời Cha Tiến Lộc, nhóm may mắn sở hữu những kịch bản với lời thoại sâu sắc của cố GS Trần Duy Nhiên (Cuốn Phúc Âm Thứ 5). Vở kịch ban đầu có độ dài khoảng 1,5 tiếng, nhưng về sau, khi cùng với Cha Tiến Lộc đi giảng tĩnh tâm, vở kịch chỉ còn khoảng 45 phút. Cộng đoàn có ý muốn mời Cha Tiến Lộc và nhóm Rabbôni đến chia sẻ có thể liên hệ với số điện thoại 0962990746 (gặp Anh Khánh).
bài liên quan mới nhất
- Học viện Mục vụ TGPSG: Thông báo Tuyển sinh Học kỳ II (2024-2025)
-
Tĩnh nguyện mùa Vọng 2024 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Thánh lễ tạ ơn mừng Ngân khánh linh mục Giuse Trần Văn Hiển SDB - 29-10-2024 -
Thánh lễ Tạ ơn mừng Bổn mạng và kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn -
Chúng ta đều cần đến nhau - Thông điệp từ phim “The Letter” -
Thông điệp phim "The Letter" được chiếu tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Ảnh hưởng niềm tin Kitô Giáo trên đời sống người Công Giáo -
Trung Tâm Mục vụ TGPSG: Tọa đàm “Đào tạo giáo dân và kinh nghiệm truyền giáo” -
Thánh lễ khai giảng - Học để hiểu hơn Mầu Nhiệm của Chúa -
Học viện Mục vụ TGPSG: Họp Tổng kết và Thánh lễ Bế giảng năm học 2023-2024
bài liên quan đọc nhiều
- Tân linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J. dâng lễ Tạ ơn
-
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019 -
Học viện Mục vụ: thông báo chiêu sinh các khóa học mới (Niên học 2022-2023) -
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Thăm Mái ấm 'Tình Mẹ' -
Thông báo về các lớp nhạc và Thánh nhạc HKI năm học 2020-2021 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn sinh hoạt trở lại từ 4-5-2020 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Thông báo Tuyển sinh Học kỳ I nk. 2023-2024 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Bế giảng năm học 2018-2019 -
Thông báo: Học viện Mục vụ tạm ngừng sinh hoạt từ ngày 2.2.2021 -
Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 1-3-2020