Hoa Phục sinh
Lễ nghi Tuần Thánh và Phục sinh đã khép lại. Mặc dù niềm vui Phục sinh trải dài trong suốt năm mươi ngày, gọi là Mùa Phục sinh, nhưng trong thực tế, niềm vui ấy ít khi được thể hiện nơi đời sống của người tín hữu, mà xem ra chỉ dừng lại trong Phụng vụ. Trong bài Giáo lý hằng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ Tư, 4-4-2018, từ một khung cảnh vui tươi của ngày đại lễ được trang trí nhiều hoa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến “Hoa Phục sinh” trong đời sống người tín hữu. Ngài nói: “Ở một số nơi, Lễ Phục sinh còn được gọi là “Phục sinh nở hoa”, bởi vì Đức Kitô Phục sinh nở hoa: đó là hoa mới; hoa của sự công chính hoá của chúng ta; hoa của sự thánh thiện của Giáo Hội. Vì lý do này mà có nhiều hoa: đó là niềm vui của chúng ta”. Thiết nghĩ, đây là một hình ảnh sống động và ý nghĩa đối với mỗi Kitô hữu chúng ta.
Chúa Giêsu đã bị lên án tử, đã bị đóng đinh trên thập giá và đã chết. Người như hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để nảy mầm. Sau ba ngày, hạt lúa Giêsu đã phục sinh, vinh quang sáng láng. Người đã sống lại bởi quyền năng Thiên Chúa. Quyền năng ấy không bị khuất phục bởi bạo lực, hận thù và ghen ghét. Quyền năng ấy cũng chính là tình yêu thương, một tình yêu thương vượt lên trên tất cả, chấp nhận chết vì người mình yêu. Khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu chính là “Hoa Phục sinh”. Người là hoa quả đầu mùa của những người đã an giấc trong bụi đất. Khi trỗi dậy từ nấm mồ tối tăm, Người mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (x.1 Cr 15,20).
Sự kiện Chúa Giêsu đã chết và nay sống lại, là một điều khó tin ngay cả đối với các môn đệ. Sau nhiều lần Chúa Phục sinh hiện ra và ăn uống tiếp xúc với họ, họ mới tin việc Chúa sống lại là thực. Qua những lần gặp gỡ Đấng Phục sinh, “Hoa Phục sinh” đã nở trong lòng các môn đệ. Đó chính là sự bình an mà Người ban tặng, giúp các ông tìm được niềm vui sau những ngày đau thương ảm đạm. Lời chúc bình an vừa là bằng chứng cho việc Chúa sống lại, vừa là nguồn ban sức mạnh thiêng liêng cho các ông. Nhờ đó, các ông trở thành những chứng nhân can đảm của Đấng Phục sinh. Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Hoa Phục sinh là niềm vui nơi đời sống tín hữu, mặc dầu cuộc đời còn nhiều vất vả đắng cay.
Cuộc khổ nạn đau thương của Chúa trên thập giá đã gây thất vọng cho hầu hết những người trước đó đã đi theo Chúa. Sau cái chết của Chúa, tuy họ còn coi Người như một hiện tượng của thời đại, nhưng rồi hiện tượng ấy cũng đã chấm dứt, như ngôi sao loé sáng rồi vụt tắt giữa đêm đen. Trong lúc bi quan chán nản ấy, Đấng Phục sinh đã đến gặp gỡ họ, minh chứng rằng, Người đã sống lại như Người đã báo trước. Khi tỏ mình ra cho các ông, Người trao cho các ông sứ mạng làm nhân chứng cho sự phục sinh của Người: “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Lệnh truyền trên đây cho thấy tính toàn cầu của sứ điệp Phục sinh. Niềm vui Phục sinh không chỉ dành cho người Do Thái hay cho người Samari, mà cho cả thế giới. Ngay từ ban đầu, các tông đồ đã ý thức được sứ mạng này. Các ông nhiệt thành và mạnh dạn loan tin vui Phục sinh, đến nỗi vị thượng tế ngỡ ngàng và tức giận hỏi các ông: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông…” (Cv 5,28). Ngày hôm nay, các Kitô hữu chúng ta có sứ mạng làm cho thế giới ngập đầy “hoa Phục sinh” để đánh thức lương tâm những ai đang sống trong dửng dưng, lầm lạc, đồng thời khẳng định với họ: Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. “Hoa Phục sinh” chính là niềm hy vọng nơi những ai đang u sầu thất vọng, như đứng trước ngõ cụt của cuộc đời.
Lễ Phục sinh không phải một sự kiện văn hoá. Sứ điệp của lễ Phục sinh là đổi mới, canh tân, để mỗi người được “sống lại” với Chúa. Thánh Phaolô kêu mời chúng ta “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Mầu nhiệm Phục sinh giúp chúng ta hướng về quê trời, đang khi chúng ta còn sống trên dương thế. Chúa Phục sinh mở ra một hướng đi mới cho chúng ta, giúp chúng ta nhìn xa trông rộng hơn để biết đích điểm đời sống của mình, vượt qua những gian nan khốn khó. Được chiếu soi bởi ánh sáng của Đấng Phục sinh, người tin vào Chúa không còn coi quê hương trần thế là vĩnh cửu, nhưng chỉ như cõi tạm chóng qua. “Hoa Phục sinh” hướng tâm hồn chúng ta về trời cao, để sẵn sàng buông bỏ những gì ràng buộc chúng ta trong hành trình đến với Chúa.
“Hướng về thượng giới” không làm cho người tín hữu coi thường cuộc sống hiện tại. Trái lại, niềm vui Phục sinh giúp chúng ta yêu mến cuộc đời này hơn. Bởi lẽ chính trong cuộc sống hôm nay là nơi Chúa Phục sinh đang hiện diện. Cũng chính trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, Chúa Phục sinh trao cho họ sứ mạng làm chứng nhân cho Người. Mỗi tín hữu hãy là “hoa Phục sinh” giữa muôn hoa khoe sắc trong rừng hoa cuộc đời, trở nên hương thơm của Đức Kitô, toả lan đến mọi môi trường của cuộc sống.
Đức Thánh Cha dùng hình ảnh “Hoa Phục sinh” trong bài giáo lý cuối cùng của loạt bài Giáo lý về Thánh lễ. Đề tài của bài Giáo lý này là lời sai đi của vị linh mục chủ tế: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!”. Thánh lễ khởi đầu bằng Dấu Thánh giá để tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi và kết thúc bằng phép lành của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau khi được nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng là Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta được sai đi vào lòng cuộc đời. Lời sai đi này kèm với lời cầu chúc bình an mà Chúa Phục sinh đã cầu chúc cho các môn đệ, khi Người vừa trỗi dậy từ cõi chết. Như Đức Giêsu Phục sinh đã sai các môn đệ đi đến tận cùng thế giới, vào lúc Thánh lễ kết thúc, chúng ta cũng được Người sai đến mọi nẻo đường đời, mang theo “Hoa Phục sinh”, tức là lòng nhân ái bao dung, sự thánh thiện khiêm nhường, để qua đó, những anh chị em chưa biết Chúa nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện và yêu thương họ. Đức Thánh Cha nói: “Hoa quả của Thánh Lễ được dành riêng để chín mùi trong cuộc sống hằng ngày. Thật ra, trong khi gia tăng sự kết hợp của chúng ta với Đức Kitô, Thánh Thể cập nhật hoá ân sủng mà Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, để việc làm nhân chứng cho Đức Kitô của chúng ta nên đáng tin”.
Chúa đã sống lại! Chúng ta cùng sống lại với Người. Một cách rất cụ thể, Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5). Nhờ chuyên tâm thực hành những lời khuyên này, mỗi chúng ta sẽ trở nên những đoá “hoa Phục sinh” tươi nở và toả hương trong cuộc sống hôm nay.
Mùa Phục sinh 2018
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024